Làm sao để sống sót khi bị sóng dữ cuốn đi xa?
Để vui chơi an toàn khi ra biển, mỗi chúng ta cần có kiến thức để có thể giữ an toàn cho bản thân trước những nguy cơ có thể xảy đến ngoài biển, đặc biệt là khi bất ngờ bị dòng chảy xa bờ cuốn đi.
Vào trưa ngày 29/12/2013, trong lúc tắm tại bãi biển 30/4 ở Cần Giờ, TPHCM, 7 nam sinh của trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Bình Dương đã bị sóng dữ cuốn trôi.
Theo người dân, bãi biển nơi xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng này có nhiều hố sâu và nước xoáy bất ngờ. Tuy nguyên nhân 7 nam sinh bị nước biển cuốn trôi vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng một trong những tai nạn nguy hiểm nhất mà chúng ta có nguy cơ mắc phải khi đi biển chính là bị dòng chảy cuốn đi xa bờ dẫn đến đuối nước.
Để vui chơi an toàn khi ra biển, mỗi chúng ta cần có kiến thức để có thể giữ an toàn cho bản thân trước những nguy cơ có thể xảy đến ngoài biển.
Dòng chảy xa bờ là gì?
Dòng chảy xa bờlà một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Sóng sẽ đánh và đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển được liên tục đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển.
Vận tốc trung bình của dòng chảy này có thể thay đổi từ 0,5m đến 1m/giây, khi đó không ai có khả năng bơi ngược dòng để trở vào bờ. Nhiều khi do những thay đổi đột ngột của sóng biển, vận tốc dòng chảy có thể lên đến 2,5m/giây, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic.
Dòng chảy xa bờ thường hẹp, có chiều ngang khoảng 1-3 m, cũng có dòng chảy xa bờ rộng đến cả chục mét.
Các loại dòng chảy xa bờ
- Dòng ngược tức thì: Dòng chảy hình thành và biến mất nhanh chóng.
- Dòng ngược cố định: Dòng chảy có thể tồn tại trong khoảng thời gian từ vài ngày đến hàng tuần, thậm chí hàng tháng.
- Dòng ngược vĩnh cửu: Dòng chảy này tồn tại thường xuyên, liên tục, thậm chí là vĩnh viễn.
Cách nhận biết dòng chảy xa bờ
Dòng chảy xa bờ có thể xuất hiện tại bất kỳ nơi nào có sóng, kể cả hồ lớn nhưng để xác định được dòng chảy xa bờ không phải dễ dàng.
Hãy chú ý những đặc điểm sau đây:
Video đang HOT
Dòng nước bị khuấy tung, ngầu bọt.
Dòng nước cuốn theo rong biển, rác rểu, tạo thành dòng hướng ra xa bờ.
Dòng chảy có vùng nước đục hoặc đậm màu hơn hẳn so với các vùng xung quanh.
Có một đoạn đứt gãy trong con sóng.
Cách để thoát khỏi dòng chảy xa bờ
Nếu không may bị lọt vào dòng chảy xa bờ, bạn cần phải đủ bình tĩnh và tỉnh táo để không bị cuốn ra xa bờ:
Việc bị dòng chảy mạnh cuốn trôi ra ngoài biển sẽ khiến bạn ngay lập tức cảm thấy sợ hãi, kinh hoàng, bất lực vì sức sóng quá lớn nhưng bạn buộc phải cố gắng giữ bình tĩnh để có thể đương đầu với tình huống hiểm nguy này. Dòng chảy xa bờ sẽ chỉ có thể đưa bạn ra xa bờ thôi.
Thông thường, dòng chảy xa bờ sẽ đưa bạn ra xa khoảng 30m. Đó không phải khoảng cách quá xa để bạn cảm thấy nản lòng hoặc phải buông xuôi. Với khả năng bơi lội khá, bạn hoàn toàn có thể giữ an toàn trong tình huống nguy hiểm này.
Tuyệt đối bạn không nên ngay lập tức cố bơi ngược dòng để mong có thể vào bờ bởi lực sóng lúc này rất lớn, bạn sẽ không thể ngay lập tức đảo ngược tình hình. Càng cố làm vậy, bạn sẽ càng tốn sức vô ích.
Các trường hợp chết đuối vì bị dòng chảy xa bờ cuốn đi thường vì người bị nạn quá hoảng loạn, cố gắng bơi ngược dòng nước và bị kiệt sức vì chống lại dòng nước, cuối cùng, không còn đủ sức để bơi trở lại vào bờ.
Hãy nhớ rằng, việc bơi ngược dòng lúc này là điều không thể, vì với vận tốc 2,5m/giây thì dù “kình ngư” Michael Phelps của Mỹ “ra tay” cũng sẽ bị vắt kiệt sức trong lúc cố bơi ngược vào bờ.
Thay vì cố bơi ngược dòng và mất sức vô ích, bạn nên bơi song song với bờ biển, vuông góc với dòng chảy. Sau khi đã bơi ra ngoài vùng nước chảy xa bờ, hãy bơi chéo góc và hướng về phía bờ.
Trong trường hợp xấu nhất, bạn đã đuối sức, không còn đủ sức để thoát khỏi dòng ngược, hãy thả mình trôi theo dòng. Khi đã trôi ra ngoài dòng chảy xa bờ, hãy tiếp tục cố gắng bơi song song với bờ biển hoặc ra hiệu cho cứu hộ tới ứng cứu.
Bích Ngọc
( Tổng hợp)
Theo Dantri
7 học sinh giỏi và chuyến du lịch định mệnh
Tiễn con đi chơi, cha mẹ của 7 em học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm không thể ngờ ngày đón con về lại tang thương đến vậy. Tất cả họ đang chung một nỗi đau không gì có thể bù đắp!
Những học sinh lớp 8A6 bàng hoàng khi có 3 bạn chung lớp chết thảm khi đi du lịch
Chiều 30/12, tại nhà em Nguyễn Phan Thành Lâm (lớp trưởng lớp 8A6 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm) rất đông học sinh cùng lớp đến nhìn mặt người bạn xấu số lần cuối. Phía trong nhà, chị Phan Thị Nga (mẹ nạn nhân) gục xuống, không thể đứng vững; anh Nguyễn Công Điều (bố của Lâm) mếu máo đón khách, nước mắt cứ trực chờ trào ra từ khoé mắt người đàn ông này.
Em Huỳnh Thị Mai Loan (học sinh lớp 8A6) bật khóc khi nói về bạn mình: "Lâm là lớp trưởng rất tốt, học giỏi và hoà đồng với mọi người. Trước khi đi du lịch với trường, Lâm còn nói sẽ mua quà về cho cả lớp, vậy mà...".
Nhìn lớp trưởng Lâm lần cuối
"Lớp em có 3 bạn tham gia chuyến du lịch này là bạn Lâm, bạn Nguyễn Hoàng Long và Lê Công Hậu. Cả 3 bạn ấy đều chết hết rồi, mới hôm trước tụi em còn chơi đùa với nhau, còn hẹn nhau sau khi đi du lịch về sẽ thành lập nhóm học để giúp đỡ nhau trong kì thi sắp tới. Ba bạn ấy chơi rất thân với nhau nên chắc lúc xuống tắm cả ba cũng đi cùng nên mới bị nước cuốn trôi mất" - Em Võ Hoài Nam (học sinh lớp 8A6) kể.
Những giọt nước mắt tiễn đưa người bạn xấu số
Lâm là con út trong gia đình, chị gái Lâm hiện đang học Đại học tại TPHCM. "8 năm liền bạn ấy đều là học sinh giỏi, vừa rồi bạn ấy mới nhận giấy khen và quà của nhà trường tặng. Hộp quà chưa kịp mở thì bạn ấy đã không còn" - Một học sinh lớp 8A6 tâm sự.
Bố của Lâm đau đớn đón con về
Giấy khen và phần thưởng mà Lâm chưa kịp mở
Từ nhà học sinh Nguyễn Phan Thành Lâm, chúng tôi vượt hơn 10km tìm đến gia đình một nạn nhân khác thiệt mạng khi đi du lịch là em Đoàn Minh Tâm (học sinh lớp 9). Gương mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng, chị Nguyễn Thị Cẩm Loan (mẹ em Tâm) kể, vài ngày trước, Tâm có xin gai đình cho đi du lịch ở Cần Giờ (TPHCM) do nhà trường tổ chức. Kinh phí của chuyến đi này là 400.000 đồng, theo đó, Tâm cùng các bạn sẽ được đi tham quan căn cứ Rừng Sác, Đảo Khỉ và được ăn trưa rồi tắm biển trước khi lên xe về lại trường vào lúc 15h chiều 29/12.
"Thấy con ngoan, chịu khó học nên cũng cố gắng tạo điều kiện cho nó đi chơi, trước khi đi tôi còn cho riêng nó 100.000 để dằn túi và chuẩn bị thêm cho 2 ổ bánh mì,1 chai nước suối dặn đến nơi phải gọi về cho bố mẹ yên tâm. Cả đêm nó lục sục không ngủ được, chỉ chờ trời sáng là bắt mẹ chở đi ra điểm tập trung. Thấy tôi dặn dò nhiều nó còn ngoái cổ bảo "mẹ cứ để con đi chơi một lần xả láng, có vậy về mới học tốt hơn được", không ngờ đây là lần cuối nó nói chuyện với tôi" - Chị Loan bật khóc.
Khi đang khâm liệm, đứa em gái mới 5 tuổi của Tâm cứ chạy xung quanh níu lấy mẹ hỏi: "Ông làm thế này để cho anh con sống lại hả mẹ, anh con có bị chết không?" câu nói của đứa trẻ làm chị Loan và những người có mặt chết lặng.
Không khí càng tang thương hơn khi chiếc băng ca lạnh ngắt đưa thi thể em Võ Tấn Tài về nhà với người thân. "Anh hai về rồi kìa mẹ ơi!" tiếng reo lên của đứa trẻ khiến tất cả mọi người nín lặng trong nỗi đau không gì có thể bù đắp của gia đình nạn nhân.
Nghe tin thi thể con trai sắp về tới đầu ngõ, chị Lê Thị Kim Hường (trú tại Khu phố 3, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, mẹ học sinh Tài) vừa nhào người ra đón đã ngã quỵ.
Tại nhà em Võ Thành Luân (học sinh lớp 9), trong căn nhà nhỏ khoảng hơn 30m2 được ghép bằng gỗ cũ, cửa ra vào chỉ rộng khoảng 1m không đủ chỗ để đặt chiếc quan tài nên gia đình em buộc phải ngoài sân. Chị Trần Thị Thu Dung (mẹ nạn nhân) đã không chịu được nỗi đau quá lớn nên liên tiếp ngất xỉu.
Nỗi đau của những người mẹ
Với người dân thị trấn Dầu Tiếng, chưa bao giờ nơi đây lại xảy ra tại nạn đau lòng, thương tâm đến vậy. Một ngày đại tang ở thị trấn nhỏ.
Ông Đào Hoàng Tâm - Phó Chủ tịch thị trấn Dầu Tiếng cho biết: "Nhận được tin về vụ 7 em học sinh bị sóng cuốn chết đuối khi đi du lịch chúng tôi vô cùng bàng hoàng. Ngay sau đó đã bố trí lực lượng hỗ trợ gia đình các nạn nhân. Trước mắt chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ lo hậu sự cho các em, động viên gia đình vượt qua nỗi đau này. Còn những việc liên quan đến chuyên tham quan du lịch do Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức và trách nhiệm của phía nhà trường, giáo viên đi cùng đến đâu thì phải chờ vào kết luận của các cơ quan khác".
Trung Kiên
Theo Dantri
Hai cha con bị lật thuyền trên biển Trưa 18/12, khi đang đánh bắt hải sản trên biển, hai cha con anh Phạm Huy Chương (SN 1966) và Phạm Văn Nam (SN 1991) bị sóng đánh lật thuyền. Rất may hai cha con anh Chương được một thuyền của ngư dân khác cứu vớt. Được biết, dù sóng to gió lớn nhưng anh Chương và con trai (cùng trú thôn Đại...