- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Kỳ2: Từ giấc mơ báo mộng đến cuộc tìm kiếm những nấm mộ liệt sỹ

On 19/10/2012 @ 1:37 AM In Tin nổi bật

Hành trình đi tìm mộ các cụ có lẽ bắt đầu từ một giấc mơ của ông Nguyễn Văn Khải - cháu nội cụ Bếp Hiên, một trong 9 người bị hành quyết đợt 2 ở bãi Bàng.

Kỳ2: Từ giấc mơ báo mộng đến cuộc tìm kiếm những nấm mộ liệt sỹ - Hình 1


Với những công lao và sự hy sinh lẫm liệt như trên, ai cũng tin rằng bao nhiêu năm qua các liệt sỹ anh hùng trong vụ Hà thành đầu độc đã có mồ yên mả đẹp, hậu thế tôn vinh. Nhưng sự thực chưa được thế. Ngoài một tên phố Đội Nhân được đặt ở quận Ba Đình và các trang chính sử ghi lại sơ sài vụ việc, hầu như không ai biết phần mộ các cụ. Nhìn vào tấm ảnh sau khi bị hành quyết người ta thấy cụ Đội Nhân hình như đã không thể nhắm mắt.

Hành trình đi tìm mộ các cụ có lẽ bắt đầu từ một giấc mơ của ông Nguyễn Văn Khải - cháu nội cụ Bếp Hiên, một trong 9 người bị hành quyết đợt 2 ở bãi Bàng. Ông Khải quê gốc Cao Xá Trung, huyện Đan Phượng (Hà Tây cũ) - một địa phương có nghề nhiếp ảnh nổi tiếng.

Ông từng có hiệu ảnh Sơn Vượng ở Hà Đông, sau đi bộ đội rồi lên mở hiệu ảnh Sông Lô ở thị trấn Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Thời đó ông kiếm tiền nhiều tới mức phải gửi ngân hàng và mua vàng đem chôn. Nhưng bất ngờ một ông già qua đường ghé nhà ông nói nhỏ: "Bác đang phát bởi có người hiển linh phù hộ, nhưng chẳng kéo dài bởi người hiển linh ấy là họ hàng nhà bác mà bác để người ta nằm lạnh lẽo chả nhang khói gì. Người này có máu chảy từ cổ xuống ròng ròng". Ông Khải nghe vậy nhưng quên luôn. Đến một ngày kia, kinh tế nhà ông lụn bại dần. Vợ ông khuyên ông đi hỏi các thầy xem sao.

Và dạo đó ông nằm mê liên tục. Một người đàn ông trẻ, mặc áo dạ quần dạ, không rõ mặt vì không có đầu, nói nghe thấy tiếng nhưng văng vẳng từ đâu rất xa, có lần chào "Đi nhé!". Vợ ông Khải đi xem, thầy bảo: Nhà có người còn trẻ bị chết chém, phải hương khói thì mới yên ổn. Một lần về quê Cao Xá Trung, ông Khải kể lại chuyện thì các cụ trong làng bảo: "Cụ nội mày đấy". Đó là cụ Hai Hiên, thường gọi là Bếp Hiên tham gia vụ Hà thành đầu độc bị chết chém. Ông Khải hỏi thêm mọi người và tra cứu lịch sử thấy đúng như vậy.

Trong làng có nhà thờ họ, thờ cụ Hai và làng bên lấy tên cụ đặt cho "xóm Hai Hiên". Ông Khải kiên nhẫn đi tìm và rồi qua một số nhân chứng ông đã tới nơi chôn cất mộ phần thi thể của cụ Hai Hiên tại tổ 16 phường Nghĩa Đô. Ông quy tập chung cả 9 người bị hành quyết tại vườn Bàng và xây bia tưởng niệm nhưng chỉ ghi tên cụ Đồ Đàm và cụ Hai Hiên. 7 danh tính khác trên bia được để chờ nhưng cho đến nay chưa ai biết chính xác nên vẫn để trống.

Nghe nói do chưa có cơ quan chức năng nào chính thức đứng ra quản lý nên đã có gia đình đưa thân nhân của mình đi chỗ khác. Riêng đối với phần mộ (thủ cấp) của ông Đội Nhân thì người cháu của ông là cựu chiến binh Đặng An Ninh (đã hơn 80 tuổi hiện đang sống ở 31 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) sau khi giải ngũ về đã tìm thấy ông tại một bãi dứa hoang thuộc làng Bạch Mai. Sau 2 lần cải táng ở Văn Điển và Đa Phúc nay mộ cụ Đội Nhân đã yên nghỉ tại nghĩa trang Thanh Tước.

Đất nước đã giành được độc lập, hơn 80 triệu người dân Việt Nam đang sống hạnh phúc luôn một lòng ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân. Riêng vụ Hà thành đầu độc cách đây hơn 100 năm vẫn còn nhiều điều day dứt: 1- Gia đình 12 liệt sỹ vẫn chưa có sự vinh danh và chế độ chính sách xứng đáng của Nhà nước. 2- Chi tiết và danh tính 59 người bị kết án (trong đó 12 hay 13 người bị tử hình) vẫn còn nhiều số liệu khác nhau. 3- Phần mộ của họ vẫn chưa được quy tập. 4- Chưa có một tượng đài ghi nhận sự kiện liệt oanh này để người dân Hà Nội cũng như cả nước hàng năm đến tưởng niệm.

Chúng tôi được biết nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã có một cuộc Hội thảo về sự kiện này nhưng sau đó đã rơi vào quên lãng? UBND TP Hà Nội cũng đã có công văn 1168 ngày 20-5-2009 gửi Sở TB-LĐ-XH lưu ý thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Đào Văn Bình: "Xây dựng dự án tôn tạo khu mộ liệt sỹ anh hùng Hà thành đầu độc".

Những ngày này, gió mùa thu vẫn thổi trên 59 nấm mồ ở Nghĩa Đô, ở Thanh Tước (và ở đâu nữa?). "Một cơn gió táp mưa sa...". Cho đến bao giờ gió mưa trong câu vè xưa không còn tê tái như tấm lòng người xưa?

Theo plxh


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/ky2-tu-giac-mo-bao-mong-den-cuoc-tim-kiem-nhung-nam-mo-liet-sy-20121019i551003/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.