Khủng hoảng Hy Lạp khiến EU ngày càng lục đục
Cực điểm của cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đã bộc lộ những vết nứt ngày càng rộng trong khu vực đồng euro ( eurozone) mà nếu không được giải quyết sớm, các chuyên gia cho rằng sẽ dẫn đến sự phá sản của liên minh tiền tệ châu Âu – dự án tham vọng nhất của Liên minh châu Âu (EU).
Cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đã bộc lộ những vết nứt ngày càng rộng trong khu vực đồng euro
Ý kiến của đông đảo người dân và chính giới ngày càng đối lập nhau, không chỉ giữa Hy Lạp và Đức, con nợ và chủ nợ lớn nhất, mà còn ở hầu hết các thành viên eurozone khác, CNN đưa tin hôm qua.
Người Đức, Phần Lan, Hà Lan, Slovakia và các nước Baltic không còn muốn tiền thuế của người dân bị dùng để cứu trợ Hy Lạp, trong khi người Pháp, Ý và Hy Lạp cảm thấy eurozone chỉ gây áp lực phải thắt lưng buộc bụng, trừng phạt, thiếu đoàn kết và thiếu động lực kinh tế.
Hà Lan và Phần Lan đối mặt các vấn đề trong nước ngày càng lớn, còn hai nước lãnh đạo eurozone là Đức và Pháp ngày càng bất đồng về Hy Lạp. Nhiều bên liên quan có quan điểm ngược chiều về cách thức quản lý khủng hoảng. Theo các nhà phân tích, một cuộc cải cách để thay đổi cấu trúc nhiều trục trặc của eurozone gồm 19 nước được cho là triển vọng xa vời.
Video đang HOT
Vài tuần sau các cuộc gặp khẩn cấp đến tận nửa đêm, với đỉnh cao là cuộc gặp thượng đỉnh căng thẳng suốt đêm, các lãnh đạo eurozone đưa ra một thỏa thuận mong manh để cứu Hy Lạp khỏi phá sản, bằng cách biến Hy Lạp gần như trở thành một nước bảo hộ dưới sự giám sát mang nặng tính can thiệp.
Rất ít người cho rằng biện pháp này sẽ hiệu quả. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói rằng, đó là một thỏa thuận tồi, sẽ khiến cuộc sống của người Hy Lạp cơ cực hơn, nhưng ông đành phải chấp nhận vì lựa chọn khác còn tồi hơn. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nói rằng, Hy Lạp sẽ tốt hơn nếu rời khỏi eurozone tạm thời, để được xóa nợ.
Reuters dẫn lời một quan chức EU cấp cao tham gia quá trình đàm phán thỏa thuận nói rằng, sẽ chỉ có “20-30% cơ hội thành công”. “Khi tôi nhìn vào 2-3 năm tới, 2-3 tháng tới, tôi chỉ thấy những đám mây đen”, quan chức giấu tên nói. “Thành công của chúng tôi chỉ là tránh Hy Lạp ra đi trong hỗn loạn”.
Nhiều vấn đề có thể sẽ nổi lên vào cuối tháng 8 hoặc tháng 9, khi các lãnh đạo EU phải kết luận chi tiết chương trình cứu trợ 3 năm. Đến lúc đó, nền kinh tế Hy Lạp có thể trở nên tồi tệ hơn và nước này có khả năng phải tổ chức bầu cử sớm.
Cuộc khủng hoảng Hy Lạp cũng khiến quan điểm giữa các nước sử dụng và không sử dụng đồng euro thêm khác biệt. Anh và Czech đòi hỏi bảo đảm tiền thuế của người dân nước họ phải được đổi lấy việc sử dụng quỹ cứu trợ của EU trên quy mô lớn hơn.
Hy Lạp đang là tâm điểm chú ý nên các nhà lãnh đạo EU không quan tâm nhiều đến một báo cáo quan trọng của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker về việc làm cách nào để giúp liên minh tiền tệ hoạt động tốt hơn.
Đây được coi là thách thức lớn nhất mà EU đang phải đối mặt, nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu liên minh này đã sẵn sàng chia sẻ chủ quyền tài chính hay trách nhiệm chung như đề xuất ông Juncker đưa ra.
Theo Trúc Quỳnh (tổng hợp)
Tiền Phong
Ngân hàng Hy Lạp sắp 'hồi sinh'
Bộ Tài chính Hy Lạp vừa thông báo "kỳ nghỉ mát" kéo dài 2 tuần của các ngân hàng nước này sẽ kết thúc vào ngày 17.7 sắp tới.
Một phụ nữ rút tiền tại máy ATM ở Thessaloniki (Hy Lạp) hôm 6.7 - Ảnh: AFP
Theo Russia Today hôm 15.7, cùng với việc mở cửa các ngân hàng, sẽ có một danh sách dài các hoạt động ngân hàng được cho phép. Theo Bộ Tài chính Hy Lạp, việc trả nợ cho chính phủ, các doanh nghiệp, quỹ hưu trí và các công ty bảo hiểm tư nhân bằng tiền mặt hay chuyển khoản đều có thể thực hiện được.
Việc chuyển tiền giữa các tài khoản trong cùng một ngân hàng cũng khả thi. Những người thất nghiệp hoặc thuộc diện nhận trợ cấp lương hưu sẽ được nhận 120 EUR mỗi hai tuần.
Một ủy ban đặc biệt cũng được thành lập để chấp thuận một số hoạt động chuyển tiền nhất định và cần thiết như để thanh toán viện phí, nhập khẩu dược phẩm, thực phẩm, nguyên liệu thô và nhiên liệu.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Hy Lạp Alexis nói trên truyền hình rằng ông hy vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nâng mức hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho hệ thống ngân hàng nước này. Hôm 13.7, ECB tuyên bố giữ nguyên mức hỗ trợ 89 tỉ EUR.
Hệ thống ngân hàng Hy Lạp đã đóng cửa 2 tuần khi chính quyền Athens áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn. Các máy ATM hạn chế mức rút tiền là 60 EUR/ngày.
Hôm 13.7, sau 17 giờ đàm phán, Athens và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đi đến thỏa thuận cung cấp gói cứu trợ thứ ba, kéo dài trong 3 năm, dành cho Hy Lạp. Giá trị gói cứu trợ trong khoảng từ 82 đến 86 tỉ EUR.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Bài học Hy Lạp Cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đã tạo điều kiện để một số quốc gia khác muốn tham gia vào khu vực sử dụng đồng tiền chung EUR (eurozone) có cơ hội cân nhắc, đánh giá lại thời điểm thích hợp để tham gia. Gia nhập càng nhanh càng tốt hay chậm mà chắc? Dân Hy Lạp đổ xô rút tiền trước...