Khủng bố IS đánh bom liều chết khiến bất ổn leo thang ở Pakistan
Chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vừa xác nhận rằng họ đã thực hiện vụ đánh bom liều chết ở Pakistan khiến 54 người thiệt mạng.
Ngày Chủ nhật đẫm máu
Vụ đánh bom xảy ra tại cuộc mít tinh của một đảng ủng hộ Taliban ở Khyber Pakhtunkhwa hôm Chủ nhật vừa qua. Đây là một tỉnh giáp biên giới với Afghanistan và đang phải đối mặt với tình hình an ninh đang suy giảm nhanh chóng do các cuộc tấn công từ các nhóm chiến binh bao gồm Taliban ở Pakistan cũng như chi nhánh khu vực của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Người thân và những người đưa tang khiêng quan tài của một nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát hôm Chủ Nhật ở Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan. Ảnh: Guardian
Hơn 1.000 người đã có mặt tại cuộc mít tinh do Jamiat Ulema-e-Islam (JUI-F), một đảng Hồi giáo cực kỳ bảo thủ, là một phần của liên minh cầm quyền và được biết đến với mối quan hệ chặt chẽ với Taliban ở Afghanistan, và một số đảng trong khu vực.
Sĩ quan cảnh sát cấp cao Nazir Khan nói với NBC News rằng đảng chính trị tôn giáo JUI-F do Maulana Fazlur Rehman điều hành, đã tổ chức hội nghị của công nhân tại thị trấn Khar, trụ sở của Quận Bajur, một khu vực vốn là đất của các bộ tộc thiểu số.
Rehman được coi là một giáo sĩ ủng hộ Taliban và đảng của ông là một phần của chính phủ liên minh ở Islamabad. Không biết liệu Rehman có mặt khi xảy ra vụ đánh bom hay không.
Nhưng Maulana Ziaullah, lãnh đạo địa phương của đảng JUI-F, nằm trong số những người thiệt mạng. Nhà chức trách cho biết, có 54 người đã thiệt mạng. Còn các bác sĩ tại các bệnh viện địa phương nói rằng họ không thể đối phó với quy mô khoảng 200 người bị thương, và hàng chục người phải chuyển bằng trực thăng đến các tỉnh khác để điều trị.
Nhóm thánh chiến IS ở tỉnh Khorasan (ISKP) đã nhận trách nhiệm đứng sau vụ tấn công hôm Chủ nhật. Điều này cũng được xác nhận bởi hãng tin Amaq của IS vào tối thứ Hai, trong đó đã công bố một bức ảnh chụp kẻ đánh bom tự sát.
“Một người tấn công tự sát từ Nhà nước Hồi giáo… đã cho nổ chiếc áo khoác chứa chất nổ của anh ta ngay giữa đám đông”, hãng tin này cho biết.
Video đang HOT
ISKP, một chi nhánh của IS có trung tâm ở Afghanistan, đã tuyên bố họ là kẻ thù của Taliban Afghanistan, cáo buộc lực lượng này không áp đặt một chế độ Hồi giáo đủ nghiêm khắc.
ISKP đã đứng sau một số vụ tấn công chết người gần đây nhắm vào các giáo sĩ, nhà ngoại giao và trường học ở Afghanistan. ISKP cũng lên án và nhắm mục tiêu vào JUI-F vì Đảng này liên kết với Taliban và chính quyền Pakistan, cáo buộc JUI-F phản bội các nguyên tắc Hồi giáo của mình.
Lực lượng Taliban ở Pakistan, được gọi là TTP, đã nhanh chóng khẳng định mình vô can đối với vụ đánh bom, khi người phát ngôn của họ tuyên bố rằng “những tội ác như vậy không thể được biện minh bằng bất kỳ cách nào”.
Bạo lực leo thang ở vùng biên viễn
Vụ đánh bom là diễn biến bạo lực mới nhất ở Khyber Pakhtunkhwa, một khu vực trong những tháng gần đây đã phải hứng chịu các cuộc tấn công của phiến quân gần như hàng tuần, chủ yếu do các chiến binh TTP thực hiện. Quân đội Pakistan đã phải vật lộn để kiểm soát tình hình ở khu vực biên viễn này.
Những người biểu tình ủng hộ cựu thủ tướng Imran Khan đụng độ với lực lượng an ninh Pakistan hôm 15/3. Ảnh: Los Angeles Times
Dưới thời cựu thủ tướng Pakistan, ông Imran Khan, hàng trăm chiến binh TTP đã được đưa từ Afghanistan trở lại Khyber Pakhtunkhwa như một phần của chương trình cải huấn đối với các phần tử này.
Kể từ đó, ngày càng nhiều chiến binh Taliban thực hiện các cuộc tấn công vào các đồn cảnh sát và quân đội trong bang. Đáng lên án nhất là vụ việc xảy ra vào tháng 1 vừa qua khi các chiến binh TTP giết chết hơn 80 người trong một vụ đánh bom tự sát tại một nhà thờ Hồi giáo ở Peshawar.
Một báo cáo của bộ ngoại giao Mỹ vào tháng 3 đã cảnh báo rằng TTP và ISKP đang gia tăng sự hiện diện ở Khyber Pakhtunkhwa, và TTP đang cố gắng tiếp quản chính quyền bang và thiết lập luật Hồi giáo sharia. ISKP được thành lập vào năm 2015 nhưng chỉ nổi lên như một lực lượng thánh chiến hàng đầu trong khu vực trong vài năm qua.
Zahid Hussain, một nhà phân tích chính trị địa phương, cho biết ISKP đã lợi dụng sự bất ổn ngày càng tăng ở khu vực biên giới để thiết lập vững chắc hơn vị trí của chúng ở Pakistan. Hussain cho biết đó là một dấu hiệu cho thấy Pakistan đang phải đối mặt với các chiến binh trên nhiều mặt trận trong khu vực, và tình hình sẽ tiếp tục vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ông Zahid Hussain nói: “Sự bất ổn gia tăng và các cuộc tấn công của các chiến binh tạo cơ hội cho tất cả các tổ chức thánh chiến, bao gồm cả ISKP, tăng cường các cuộc tấn công của họ”.
Nguy cơ phá hỏng cuộc bầu cử
Nhiều người lo ngại rằng nhiều vụ đánh bom liều chết này có thể kích hoạt các vụ đánh bom khác trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử tại Pakistan, sẽ được tổ chức trong ba tháng tới.
Mối lo ngại càng lớn hơn trong bối cảnh Pakistan vẫn đối diện bất ổn chính trị nghiêm trọng sau khi Ủy ban bầu cử nước này phát lệnh bắt giữ cựu thủ tướng Imran Khan, người bị cách chức thủ tướng trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội vào tháng 4 năm ngoái.
Ông Khan trước đó đã bị chính quyền Pakistan bắt giữ vào tháng 5 do liên quan đến một vụ án tham nhũng, gây ra tình trạng bất ổn chết người trên khắp đất nước. Chính trị gia 70 tuổi này sau đó được tại ngoại. Kể từ khi ông Khan bị bắt, những người ủng hộ ông đã liên tục biểu tình ở nhiều nơi tại Pakistan và đụng độ với lực lượng an ninh.
Trong bối cảnh tình hình chính trị Pakistan đang căng thẳng, vụ đánh bom liều chết tại Khyber Pakhtunkhwa có thể như một đốm lửa rơi xuống cánh rừng, tạo ra hiệu ứng nguy hiểm đối với an ninh đất nước vào đúng thời điểm các đảng phái đang vận động bầu cử.
Hafiz Hamdullah, thượng nghị sĩ và người phát ngôn của Đảng JUI-F, cho biết ông đã suýt có mặt tại cuộc mít tinh nên may mắn thoát chết. Nhà lập pháp này cực lực lên án vụ đánh bom và cho rằng đây là một thất bại lớn của lực lượng an ninh và chính phủ Pakistan.
Nhưng Hafiz Hamdullah khẳng định, hoạt động chính trị của JUI-F sẽ không bị dừng lại và đảng này tiếp tục chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử ở Pakistan, dự kiến diễn ra vào tháng 10. Ông nói: “Những cuộc tấn công này sẽ không ngăn chúng tôi tập hợp và tham gia các cuộc mít tinh bầu cử”.
Trong khi đó, phát biểu vài giờ trước khi xảy ra cuộc tấn công vào Chủ nhật, Mohsin Dawar, một chính trị gia đứng đầu Phong trào Dân chủ Quốc gia ở Pakistan và đến từ Khyber Pakhtunkhwa, đã cảnh báo rằng lực lượng Hồi giáo cực đoan có nguy cơ tràn ra khắp cả nước. “Đây là một đám cháy dữ dội. Nó phải được dập tắt ngay bây giờ nếu không nó sẽ thiêu rụi tất cả mọi người trên khắp Pakistan”, ông Mohsin Dawar nói.
Pakistan chìm sâu vào khủng hoảng chính trị, kinh tế
Chính phủ Pakistan vừa kêu gọi quân đội giúp chấm dứt các cuộc biểu tình bạo lực chết người đang lan rộng sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị cơ quan chống tham nhũng bắt giữ hôm 9-5 vì những cáo buộc tham nhũng.
Ngoài ra, một số lãnh đạo Đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của ông Khan cũng bắt giữ trong 2 ngày 10 và 11-5.
Phản ứng trước diễn biến trên, những người ủng hộ ông Khan đã xông vào các tòa nhà quân sự và nơi ở của một tướng quân đội hàng đầu ở TP Lahore, thủ phủ tỉnh Punjab và là quê nhà của ông Khan. Ở nhiều địa phương khác, đám đông người biểu tình cũng tấn công, đốt phá các tòa nhà, tài sản của chính quyền.
Theo hãng tin Bloomberg, ít nhất 8 người thiệt mạng và nhiều người bị thương trong các cuộc biểu tình và đụng độ với lực lượng an ninh 2 ngày qua. Cảnh sát đã bắt giữ hơn 1.650 người biểu tình có hành vi bạo lực ở tỉnh Punjab.
Những người ủng hộ cựu Thủ tướng Imran Khan ném đá về phía cảnh sát trong cuộc biểu tình ở TP Peshawar - Pakistan ngày 10-5 Ảnh: Reuters
Căng thẳng vẫn ở mức cao tại quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này hôm 11-5 khi lực lượng bán quân sự và cảnh sát được triển khai ngoài đường phố tại các thành phố lớn.
Các dịch vụ viễn thông tạm ngưng hoạt động trong lúc nhiều trường học và văn phòng đóng cửa tại 2 trong số 4 tỉnh của Pakistan.
Ông Khan bị lật đổ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Quốc hội vào năm ngoái. Kể từ đó, cựu lãnh đạo này dẫn đầu làn sóng biểu tình chống lại chính phủ hiện tại, đồng thời cáo buộc họ thông đồng với quân đội để phế truất mình.
Theo Reuters, bất ổn chính trị leo thang khiến Pakistan không còn nhiều hy vọng trong việc đạt thỏa thuận giải ngân gói cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tránh cuộc khủng hoảng nợ.
Trong bối cảnh kinh tế suy thoái nghiêm trọng, quốc gia 220 triệu dân này hy vọng IMF sẽ sớm giải ngân các gói cứu trợ trị giá 6,5 tỉ USD hết hạn vào tháng 6-2023.
Một số chuyên gia nhận định với Reuters rằng những gì đang xảy ra khiến IMF thậm chí còn thận trọng hơn trong việc tái khởi động thỏa thuận cho vay dành cho Pakistan.
Giẫm đạp tại các điểm cứu trợ ở Pakistan, ít nhất 16 người thiệt mạng Tình trạng mất an ninh đã xảy ra tại thành phố Peshawar của Pakistan trong ngày 1/4, khi lượng lớn người dân tập trung tại các địa điểm phân phối bột mì, qua đó dẫn tới tình trạng chen lấn và giẫm đạp. Người dân xếp hàng tại điểm phân phối bột mì cứu trợ ở Peshawar, Pakistan, ngày 29/3/2023. Ảnh: AFP/ TTXVN...