Khơi thông ‘điểm nghẽn’ cung ứng xăng dầu
Theo các chuyên gia, trong cơ cấu giá bán xăng dầu hiện nay phải xác định sát với thực tế, hợp lý, thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại được.
Và để thị trường xăng dầu vận hành ổn định thì sự phối hợp giữa các bộ, ban ngành phải hết sức nhịp nhàng. đồng thuận cao, quyết liệt, khẩn trương.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm Giải bài toán chi phí kinh doanh – Khơi thông “điểm nghẽn” cung ứng xăng dầu.
Chia sẻ tại Tọa đàm Giải bài toán chi phí kinh doanh – Khơi thông “điểm nghẽn” cung ứng xăng dầu do Báo Công Thương tổ chức chiều 10/11, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, khủng hoảng năng lượng nói chung của năm 2022 và khủng hoảng về xăng dầu nói riêng là cuộc khủng hoảng khác biệt so với trước kia. Đợt khủng hoảng này bị tác động bởi rất nhiều yếu tố, nhất là do yếu tố quan hệ chính trị của các quốc gia trên thế giới.
Đồng quan điểm, PGS, TS Ngô Trí Long cho biết, trong hơn 40 năm qua, có nhiều nguyên nhân gây ra khủng hoảng xăng dầu, trong đó chủ yếu do những biến động chính trị. Trong 2 năm gần đây, lần đầu tiên trong lịch sử, giá xăng dầu biến động rất hy hữu.
PGS.TS Ngô Trí Long cho biết thêm, điều khác là cuộc khủng hoảng hiện nay giá không cao, nhưng thị trường trong nước lại gặp rất nhiều khó khăn. “Chính sách tài chính với thuế là chính (1 lít xăng dầu cõng 4 loại thuế). Vậy chúng ta cần phải xem những loại thuế đó đã phù hợp chưa? Như thuế tiêu tiêu thụ đặc biệt, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đã phù hợp chưa?”, PGS.TS Ngô Trí Long cho hay.
Về ý kiến doanh nghiệp xăng dầu gặp khó khăn do chưa được tính đúng, tính đủ chi phí, gây nên những khó khăn trên thị trường, ông Bùi Ngọc Bảo cho hay, chúng ta đang nhầm lẫn, trong cấu trúc của Nghị định 95, công thức giá cơ sở có hai phần, 1 phần là công thức nhập trong nước và công thức nhập nước ngoài.
“Chi phí ở đây có 2 phần, là chi phí tạo nguồn và chiết khấu – đó là chi phí lưu thông. Chi phí chúng ta đang bàn, đang điều chỉnh, đang họp là chi phí tạo nguồn. Chi phí tạo nguồn đồng nghĩa với việc đây là giá vốn đã được doanh nghiệp thực hiện, theo quy định của Nghị định 95, những chi phí này được tổng kết lại sau 6 tháng thực hiện của doanh nghiệp. Doanh nghiệp báo cáo lên chi phí bao nhiêu, chi phí mua phụ phí mua xăng dầu từ nước ngoài về là bao nhiêu, chi phí đưa tàu về Việt Nam là bao nhiêu sau đó báo cáo lên liên bộ. Tuy nhiên, có nhiều phụ phí phát sinh mà không được đưa vào công thức nên doanh nghiệp tụt vốn ở đó”, ông Bảo cho hay.
Còn loại chi phí nữa liên quan đến chiết khấu, đó là chi phí lưu thông. Đây là chi phí đã xác định vào năm 2014 trong nghị định 83 là 1.350 đồng. Tuy nhiên, theo ông Bảo, đến nay, tất cả các chi phí đều tăng nhưng chi phí này chưa được điều chỉnh. Điều này doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều lần và cần phải có giải pháp giải quyết.
Theo Văn bản số 11575/BTC-QLG ngày 8/11/2022 về chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu của Bộ Tài chính gửi Bộ Công Thương, ngày 11/11 dự kiến chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam sẽ được điều chỉnh tăng, tính toán vào giá xăng dầu để bù đắp chi phí cho doanh nghiệp. Theo ông Bùi Ngọc Bảo, thực tế mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam là chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra, đã thực hiện từ tháng 7 – 8 – 9 vừa rồi.
Video đang HOT
Theo ông Bảo, điểm đáng ghi nhận là Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã quyết định làm sớm hơn, thay vì đợi đến 1/1/2023 mới điều chỉnh, thì liên bộ đã chỉnh sớm trong ngày 11/11. Việc điều chỉnh sớm lên giúp giải quyết một phần khó khăn cho doanh nghiệp.
“Còn cái quan trọng nhất vẫn là khoản chênh lệch lắp vào giá và phụ phí premium mà doanh nghiệp mua, những hợp đồng mua từ tháng 11, 12 không phải là 5-6 USD mà là 11 USD thì doanh nghiệp vẫn đang còn lỗ tương ứng với 5-6 USD/1 thùng, đây là vấn đề cần phải xem xét để giải quyết thấu đáo trong thời gian tới”, ông Bảo nhấn mạnh.
Để thị trường xăng dầu vận hành ổn định, tránh được tối đa những “cú sốc” như thời gian vừa rồi, theo ông Bùi Ngọc Bảo, cần phải có những quy định kiềm giá. “Bản thân doanh nghiệp rất mong muốn tính đúng, tính đủ, còn lại theo tôi chi phí vẫn để cho doanh nghiệp tự quyết định. Như vậy mới tạo ra thị trường cạnh tranh và bình đẳng”, ông Bảo cho hay.
Ông Bảo kiến nghị thêm, để đảm bảo các doanh nghiệp nhập khẩu về không lỗ thì sử dụng qũy bình ổn để bù đắp cho khoản lỗ. Đó là biện pháp vừa làm dung hoà được giá bán cho người dùng và cũng là biện pháp cam kết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Bảo, điều băn khoăn là cơ chế xử lý như thế liệu có đúng chưa khi chưa có quy định. Hoặc phương án thứ hai, trích từ những doanh nghiệp mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước, doanh nghiệp nhập khẩu thì được chi, như vậy thì người tiêu dùng phải chịu giá cao nhưng đảm bảo được một mặt bình đẳng đối với tất cả các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, trong cơ cấu giá bán xăng dầu hiện nay phải xác định cho sát với thực tế, cho hợp lý. Như vậy, doanh nghiệp mới có thể đảm bảo tồn tại được.
“Và trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng cũng cần phải chia sẻ. Đồng thời, với tình hình giá xăng dầu thế giới có chiều hướng tăng cao, chúng ta cũng phải xem xét lại chính sách thuế của mình để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Một điều quan trọng nữa để đảm bảo cho thị trường xăng dầu vận hành ổn định thì sự phối hợp giữa các bộ, ban ngành phải hết sức nhịp nhàng và có sự đồng thuận cao, quyết liệt, khẩn trương”, PGS.TS Ngô Trí Long kiến nghị.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trước mắt nên rà soát lại tất cả các kế hoạch từ nhập khẩu đến tiêu thụ của các địa phương trong những tháng cuối năm và đầu năm 2023 để từ đó có những kế hoạch nhập khẩu hoặc nhập hàng để đáp ứng nhu cầu nhằm thỏa mãn đến mức tối đa nhu cầu về sản lượng, tránh tình trạng như thời gian vừa qua.
Thứ 2, để các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xăng dầu có thể có được chi phí hợp lý rõ ràng, Bộ Tài chính có xem xét sửa đổi định mức chi phí kinh doanh xăng dầu, các bộ ngành cũng nên có kế hoạch dài hạn để từ đó đưa ra quá trình điều chỉnh phù hợp theo thời gian, để đảm bảo doanh nghiệp có chi phí kinh doanh phù hợp với thực tiễn.
“Chúng ta cần phải có bài toán lâu dài hơn, đó là xem xét lại mối quan hệ giữa các chủ thể trong hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện nay. Chúng tôi cho rằng nếu cần thiết thì chúng ta phải có điều chỉnh để giá nhập về phải tương xứng với giá mua trong nước để các doanh nghiệp bình đẳng với nhau. Phải có cơ chế cụ thể giữa doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp cung ứng, bán lẻ để từ đó có hoạt động tương đối độc lập của các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp là doanh nghiệp độc lập và phải tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh cũng như lãi lỗ, từ đó đảm bảo tính cạnh tranh tốt hơn. Để không có chuyện như chúng ta nói là “ông này đổi cho ông kia”, PGS.TS Đinh Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Về lâu dài, theo chuyên gia này, phải hướng đến kinh tế thị trường, ở đó nhà nước chỉ định ra cái khung còn doanh nghiệp dần dần phải nới rộng ra để doanh nghiệp có quyền hoạt động độc lập, quyết định về giá, quyết định về chi phí. Nếu doanh nghiệp nào tiết kiệm được chi phí thì doanh nghiệp đó được hưởng.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất áp giá trần để quản lý thị trường xăng dầu
Mặc dù thời điểm này nguồn cung xăng dầu trong nước không thiếu, nhưng nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu lại đóng cửa hàng loạt, gây nhiễu loạn thị trường.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) về giải pháp để đảm bảo bình ổn thị trường xăng dầu trong nước.
Mua bán xăng dầu tại một cửa hàng của Petrolimex ở Hà Nội. Ảnh (minh họa): Trần Việt/TTXVN
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Thưa ông, hiện có nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu đóng cửa không bán hàng với lý do thù lao bán lẻ xăng dầu thấp hơn chi phí thực tế để hoạt động cây xăng suốt từ đầu năm đến nay. Vậy VINPA nhìn nhận vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Tôi cho rằng đây là vấn đề giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp nên chính doanh nghiệp phải căn cứ theo các nội dung cụ thể trong hợp đồng đã ký kết giữa đầu mối xuất nhập khẩu hoặc thương nhân phân phối, tổng đại lý xăng dầu với đại lý bán lẻ để giải quyết. Còn cơ quan quản lý nhà nước nên để cho các doanh nghiệp tự giải quyết với nhau theo hợp đồng kinh tế, không nên can thiệp trong trường hợp này.
Thưa ông, nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu đề xuất cơ quan quản lý cần đưa ra mức thù lao sàn, chi phí kinh doanh định mức với đại lý. Mức thù lao này có thể biến động trong một khoảng thời gian nào đó để các đại lý xăng dầu kinh doanh ổn định. Quan điểm của VINPA về đề xuất này như thế nào?
Theo quy định hiện nay, có nhiều hình thức đảm bảo cho đại lý xăng dầu có thể hoạt động ổn định. Cụ thể, đại lý kinh doanh xăng dầu được thoải mái lựa chọn đối tác đầu mối xuất nhập khẩu, thương nhân phân phối hoặc tổng đại lý xăng dầu để làm đối tác cung cấp xăng dầu theo các điều khoản đàm phán cụ thể về hình thức hưởng thù lao kinh doanh, khối lượng xăng dầu cung cấp... Nếu đầu mối xuất nhập khẩu hoặc thương nhân phân phối, tổng đại lý xăng dầu vi phạm các cam kết hợp đồng như vậy thì các đại lý bán lẻ xăng dầu mới có căn cứ yêu cầu cơ quan chức năng xử lý.
Thực tế, các đại lý hiện nay thường chọn hình thức giá xăng dầu thả nổi khi ký hợp đồng với đầu mối xuất nhập khẩu, thương nhân phân phối hoặc tổng đại lý xăng dầu. Vì vậy, có thời điểm các đại lý có thể được hưởng thù lao hơn 1.000 đồng/lít, có thời điểm sẽ chẳng được hưởng đồng nào. Đây hoàn toàn là vấn đề thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, còn nhà nước không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Một số đại lý bán xăng dầu đề xuất Bộ Công Thương cho phép đại lý được mở rộng quyền mua từ 2 nhà cung cấp thay vì quy định chỉ được mua từ một nguồn như hiện nay. Liệu đây có phải là đề xuất hợp lý với đặc thù thị trường Việt Nam hiện nay, thưa ông?
Tôi cho rằng đề xuất này là không hợp lý bởi như vậy khi giá xăng dầu biến động khó lường, chính đại lý bán lẻ xăng dầu sẽ không được đảm bảo nguồn cung vì không có sự ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ với nhà cung cấp. Theo tôi, quy định một đại lý xăng dầu chỉ được ký hợp đồng kinh tế với một nhà cung cấp là hợp lý, nhưng quan trọng nhất là đại lý cần lựa chọn nhà cung cấp và hình thức đại lý như thế nào để đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp gì để đảm bảo bình ổn thị trường xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu biến động khó lường như hiện nay, thưa ông?
Giải pháp quan trọng nhất là thị trường hóa xăng dầu; trong đó, cơ quan quản lý nhà nước đưa ra mức giá trần giống như nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.
Theo ghi nhận của VINPA, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện nay vẫn đảm bảo do cả hai nhà máy lọc dầu là Dung Quất và Nghi Sơn vẫn hoạt động ổn định với dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 xăng dầu trong quý III này (chiếm 72% tổng nhu cầu) và sẽ tăng lên 4,4 triệu m3 xăng dầu trong quý IV. Về nhập khẩu xăng dầu hiện cũng không có khó khăn gì, tất cả chỉ là vấn đề giá cả.
Vì vậy, nếu các đại lý xăng dầu đóng cửa với lý do không chính đáng, cơ quan quản lý nhà nước có quyền kiểm tra, phạt hành chính, thậm chí rút giấy phép kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định.
Nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu đề xuất Liên Bộ Công Thương - Tài chính cần giữ đúng mốc điều chỉnh giá xăng dầu là ngày 1/9 tới đây thay vì mốc 5/9 như dự kiến để giảm khó khăn cho các thương nhân xăng dầu trong bối cảnh hiện nay. Quan điểm của VINPA ra sao đối với đề xuất này?
Trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Công Thương ngày 29/8, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng: Nếu để kéo dài việc điều chỉnh giá tới ngày 5/9 thay vì vào ngày 1/9 như quy định sẽ khiến cho giá bán lẻ xăng dầu trong nước có độ trễ, không phản ánh đúng xu hướng tăng của giá xăng dầu thế giới, gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn, đặc biệt tạo ra tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn cho thị trường.
Trong những ngày gần đây, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục có chiều hướng tăng, nhất là những mặt hàng dầu diesel (tính đến ngày 25/8 đã tăng 16,6% so với kỳ điều hành ngày 22/8).
Vì vậy, VINPA đề nghị vẫn cho điều hành giá xăng dầu vào đúng kỳ điều hành 1/9 để vừa giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, vừa tạo thuận lợi cho các đơn vị này tạo nguồn nhằm phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ trong 4 ngày nghỉ Lễ.
Xin cảm ơn ông!
Hải Dương: Cung ứng đủ xăng dầu cho người dân Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, trong bối cảnh mặt hàng xăng dầu khan hiếm, giá cả có sự điều chỉnh liên tục, tuy nhiên, với sự chủ động vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều hành nên thị trường xăng dầu trên địa bàn vẫn duy trì ổn định, đảm bảo nguồn cung...