Khán giả Việt Nam có sự e ngại nhất định với cảnh nóng
Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt nhận xét về cảnh nóng trong ‘ Người vợ cuối cùng’ và cho rằng phim có nhiều hình ảnh gợi cảm sẽ thêm lợi thế là công cụ PR.
Cảnh nóng trong phim ‘Người vợ cuối cùng’.
- Anh nhận xét thế nào về các cảnh nóng trong ‘Người vợ cuối cùng’? Có người nói đáng lẽ phim có thể tiết chế hơn, hoặc nên bỏ cảnh sex trong nhà quan vì vô lý hay cảnh nóng đầu tiên của Linh và Nhân quá thô thiển, anh có đồng ý với quan điểm này?
Cảnh nóng trong Người vợ cuối cùng phù hợp với diễn tiến của câu chuyện. Nói cảnh nóng có vẻ ghê gớm nhưng 2 cảnh quay của Linh và Nhân, Linh và quan được xử lý nhẹ nhàng, phần lớn nghiêng về hướng cho khán giả một chút cảm xúc về mặt hình ảnh thay vì làm cho cảnh giường chiếu trở nên dữ dội hay kịch tính hơn.
Những cảnh sex trong Người vợ cuối cùng xét cho cùng cũng chỉ là gia vị và phù hợp với diễn biến tâm trạng, cần thiết để bổ trợ cho cảm xúc của nhân vật trong từng thời điểm, từng khoảnh khắc cũng như bối cảnh nhân vật được đặt vào trong đó.
- Theo anh, ‘Người vợ cuối cùng’ nếu không có cảnh nóng còn ý nghĩa gì hoặc giảm ý nghĩa không? Cảnh nóng có phải là yếu tố quan trọng nhằm thu hút khán giả với 1 bộ phim cổ trang lấy bối cảnh thời phong kiến?
Với Người vợ cuối cùng, cảnh nóng đó hoàn toàn hợp lý. Cá nhân tôi nghĩ liều lượng cũng như cách diễn ra đôi khi còn hiền quá. Với cảnh của Linh và quan, hoàn toàn có thể khai thác sâu hơn để làm bật lên tính ẩn dụ của câu chuyện, đặc biệt chúng ta thấy hình ảnh cái thòng lọng trong căn phòng đó. Chi tiết này có thể xử lý để hấp dẫn và kịch tính hơn, thay vì chỉ là một phần nhỏ trong cảnh nóng.
Không chỉ riêng phim cổ trang lấy bối cảnh thời phong kiến hay phim hiện đại, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là hành trình diễn tiến của nhân vật. Có nhiều tác phẩm mà cảnh nóng không cần thiết nhưng cũng có phim, người xem rất mong đợi phân cảnh nhạy cảm đó diễn ra vì có những quá trình phát triển tâm lý cần cảnh nóng để thúc đẩy nhân vật ở các khoảnh khắc cảm xúc khác nhau, đưa đến những tình huống khác nhau.
- Khảo sát mới nhất với khán giả trẻ Mỹ cho hay, một nửa trong số đó ngại xem cảnh nóng và muốn nhìn thấy các mối quan hệ sâu sắc hơn trên phim, nhưng dường như với đa phần các nhà sản xuất phim Việt thì cảnh nóng là yếu tố gần như phải có để làm truyền thông và kéo khán giả ra rạp. Theo anh, nhận xét này có chính xác?
Về mặt văn hóa, khán giả Việt Nam nói chung vẫn có sự e ngại nhất định với những cảnh nóng. Thậm chí với diễn viên, đạo diễn khi phim có cảnh nóng, họ cũng cân nhắc. Chúng ta ngầm hiểu rằng đôi khi trong phim Việt có cảnh nóng cũng là cách thức để PR.
Với Người vợ cuối cùng, một trong những yếu tố gây tò mò chắc chắn liên quan đến cảnh nóng của Kaity Nguyễn. Vì trước giờ Kaity thường gắn với các vai diễn ở chừng mực nhất định nhưng với Người vợ cuối cùng có những khoảnh khắc cô lột xác hoàn toàn về mặt hình tượng. Đây cũng là điểm thu hút khán giả đến rạp để xem diễn viên mình yêu thích đã thay đổi ra sao so với các bộ phim trước đó.
Rõ ràng Kaity là diễn viên có thực lực của điện ảnh Việt Nam lúc này mặc dù trong Người vợ cuối cùng người xem vẫn thấy có vài điểm chưa hài lòng. Nếu câu chuyện súc tích, kịch tính hơn và các nhân vật xung quanh Linh có chiều sâu hơn thì vai diễn của Kaity sẽ tạo ra được những khoảnh khắc bùng nổ. Theo tôi, Kaity là nhân vật gánh vác gần như toàn bộ câu chuyện và cảm xúc của phim.
- Với anh, cảnh nóng trong phim Việt hiện nay bao nhiêu phần trăm là yếu tố quan trọng không thể thiếu và bao nhiêu phần trăm được khai thác làm công cụ câu khách?
Với khán giả điện ảnh lúc này, đặc biệt là người trẻ thế hệ Gen Z, sợ cởi mở cũng như tiếp nhận về mặt văn hóa không còn như bố mẹ, anh chị thời trước. Do vậy, phim có cảnh nóng ở Việt Nam không thể nói bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là công cụ PR. Tôi cho rằng, với họ hấp lực cảnh nóng trong phim chiếu rạp quan trọng vẫn là cảm xúc mà tác phẩm tạo ra, từ câu chuyện, nhân vật chứ không phải là chiêu trò câu khách.
Cảnh nóng mà khiến cho khán giả thương hơn, đồng cảm hơn về sự phát triển tâm lý nhân vật thì tất cả những phân cảnh đó là cần thiết. Nhưng với văn hóa Việt nói chung, cảnh nóng trong phim chiếu rạp đã được ê-kíp sản xuất tiết chế nhất định cho phù hợp cả về nội dung và chiến lược truyền thông.
Trailer phim ‘Người vợ cuối cùng’
Victor Vũ: "Tôi may mắn có vợ đồng hành trong mọi hành trình"
Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ, anh và bà xã Đinh Ngọc Diệp có nhiều quan điểm giống nhau trong nghệ thuật. Anh cảm thấy may mắn có vợ đồng hành, gia đình nội ngoại vô cùng yêu điện ảnh, có hai con đã biết đọc tên phim và hát múa theo nhạc trailer.
"Người vợ cuối cùng" là phim điện ảnh mới nhất của Victor Vũ, sau "Thiên thần hộ mệnh" (2021). Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết "Hồ oán hận" của tác giả Hồng Thái, tái hiện cuộc đời, thân phận những người phụ nữ ở thời phong kiến cuối thế kỷ 19. Người vợ cuối cùng xoay quanh nhân vật Linh (Kaity Nguyễn thủ vai), vì gia đình nghèo phải đi làm vợ thứ của quan.
Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Victor Vũ.
"Vai diễn của Kaity khó nhất trong các phim của tôi"
PV: Điều gì hấp dẫn anh ở tiểu thuyết "Hồ oán hận" khiến anh quyết định chuyển thể thành phim?
Đạo diễn Victor Vũ: Tôi luôn tìm đề tài cho phim cổ trang vì đây là thể loại tôi cũng rất thích. Nhưng cơ hội và điều kiện để làm phim cổ trang cũng khó. Đến khi đọc tiểu thuyết "Hồ oán hận" của tác giả Hồng Thái, tối thấy việc thực hiện bộ phim này rất khả thi. Đầu tiên vì câu chuyện hoàn toàn hư cấu và gói gọn trong một ngôi làng ven hồ và một thị trấn nhỏ. Bên cạnh đó, tôi thấy đây là một câu chuyện có thể mang lại nhiều cảm xúc cho người xem - vì có tình yêu, có kịch tính và còn có yếu tố ly kỳ.
Đạo diễn Victor Vũ và bà xã Đinh Ngọc Diệp.
PV: Kaity Nguyễn trên màn ảnh trước đây mang những đặc trưng của một cô nàng GenZ cá tính, sao anh nghĩ cô ấy có thể hóa thân tốt thành 1 phụ nữ cam chịu thời phong kiến?
Đạo diễn Victor Vũ: Trong việc chọn diễn viên, tôi không chỉ cần một diễn viên hợp vai, tôi còn muốn tạo ra sự bất ngờ và đột phá. Kaity chắc chắn là một lựa chọn thú vị, vì vai mợ ba Linh trong "Người vợ cuối cùng" hoàn toàn khác so với những vai diễn của Kaity trước đây. Khi Kaity vào vai này, đó là một sự phá cách của bộ phim. Có thể nói đây là một trong những vai diễn khó nhất trong các phim của tôi. Tâm lý nhân vật rất phức tạp và trải qua rất nhiều cảm xúc từ đầu đến cuối phim. Kaity đã nỗ lực hết sức cho vai diễn này và tôi tin sẽ khó tìm diễn viên phù hợp và làm tốt hơn.
PV: Anh đã thuyết phục Kaity đóng cảnh nóng như thế nào?
Đạo diễn Victor Vũ: Tôi thích gọi là những cảnh "ân ái", vì đúng tinh thần hơn. Đây là lần đầu tiên tôi thấy phim mình cần thiết những cảnh như thế này. Tất cả là để phục vụ cho câu chuyện, để phát triển tâm lý và cảm xúc của hai nhân vật chính. "Người vợ cuối cùng" khai thác tình yêu thanh mai trúc mã của Nhân và Linh, và tôi muốn thể hiện rõ tình yêu sâu đậm của hai nhân vật một cách chân thật nhất. Tôi cũng không phải thuyết phục Kaity, vì sau khi đọc kịch bản, Kaity cũng hiểu những cảnh này quan trọng cho việc xây dựng đường dây tình cảm cho Nhân và Linh.
PV: Bối cảnh và trang phục của phim được khen ngợi. Phim cổ trang đòi hỏi rất nhiều về sự chính xác trong bối cảnh, trang phục vì nếu làm không cẩn thận sẽ bị khán giả phản ứng. Anh có lo ngại điều này không?
Đạo diễn Victor Vũ: Đây cũng là lý do tôi và Giám đốc mỹ thuật Ghia Ci Fam phải tham khảo rất nhiều tài liệu, sách vở và làm việc với một số nhà chuyên môn trong lĩnh vực văn hoá. Chúng tôi đã có không chỉ 1, mà là 4 nhóm cố vấn khác nhau. Mỗi bên có thế mạnh riêng. Có người chuyên về cổ phục, người chuyên về ngôn ngữ, văn hoá hay lịch sử. Và sẽ có những trường hợp trong lúc nghiên cứu, một số thông tin không khớp với nhau, nên cần kiểm tra "chéo" để đưa ra những quyết định phù hợp nhất cho bộ phim.
PV: Anh có sợ phim mình ra rạp bị tranh cãi không?
Đạo diễn Victor Vũ: Quan điểm của tôi luôn là: phim đang sản xuất là thuộc về đạo diễn. Khi phim đã ra rạp, thì khen chê thuộc về khán giả. Đó là quyền của mỗi người xem phim. Việc tranh cãi cũng giúp cho mình hiểu nhiều hơn về khán giả của mình.
"Tôi biết ơn những người phụ nữ trong đời mình"
PV: Anh đã thành công với các bộ phim chuyển thể như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Mắt biếc", có vẻ như anh thấy văn học là mảnh đất màu mỡ mình có thể khai thác. Sau bộ phim lần này, anh còn hứng thú chuyển thể tác phẩm văn học nào?
Đạo diễn Victor Vũ: Tôi luôn yêu thích văn học Việt Nam, các hình tượng nhân vật, đường dây, tuyến truyện đã được bàn tay tác giả nhào nặn thật tỉ mỉ và đầy tâm huyết. Một quyển sách chào đời vốn trải qua quá trình rèn giũa thì mới ra hình hài, và được tiếp thêm nhiều sức sống khi đến tay bạn đọc. Tất cả những chất liệu vốn có của một tác phẩm giống như được bày ra trước mắt tôi. Và mỗi lần cầm quyển sách trên tay, tôi tưởng tượng mình là một thực khách may mắn, chỉ cần chọn ra những món ăn tâm đắc nhất trên bàn tiệc, mang về nấu lại sẽ ra kịch bản chuyển thể cho phim mình.
PV: Đây là dự án phim cổ trang thứ 2 của anh sau "Thiên mệnh anh hùng", có vẻ như anh khá yêu thích thể loại này? Đâu là cái khó của làm phim cổ trang?
Đạo diễn Victor Vũ: Mọi người đều nghĩ cổ trang tốn kém lắm, quay ở nơi hoang sơ xa xôi, tất cả phải phục dựng. Phục trang đạo cụ cũng phải làm mới chứ không có sẵn, chi phí cao lắm. Đã vậy, khi nhắc đến văn hóa lịch sử thì luôn có nhiều chiều dư luận, khán giả thì cũng khá kén thể loại này, nên cơ hội làm một phim thời cũ không nhiều. Tuy nhiên, vượt trên những lo lắng ấy, cổ trang luôn là mảnh đất cho các câu chuyện truyền thống văn hoá nảy mầm và nếu làm đúng hướng thì giá trị để lại dù thiên về mặt nghệ thuật, giải trí, hay tư tưởng đều đáng quý cho điện ảnh.
PV: Có thể thấy, người phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng bất tận đối với đạo diễn Victor Vũ trong các dự án phim điện ảnh?
Đạo diễn Victor Vũ: Có thể nói hình ảnh người phụ nữ rất quan trọng đối với tôi từ khi còn bé. Lớn lên ở Mỹ, với sự chăm sóc của mẹ và hai chị gái, tôi luôn thấy sự mạnh mẽ và nỗi khổ của mẹ mình. Càng ngày tôi càng nhận ra người phụ nữ Việt Nam, qua các câu chuyện và cả ngoài đời đều thật nhiều cam chịu, càng khổ họ càng vươn lên, bền bỉ đến bất khuất.
Nhưng trong các phim Mỹ tôi xem về đề tài Việt Nam thì tôi lại không thấy được điều đó. Mẹ là người gửi tôi đi học Việt ngữ và kể tôi nghe cổ tích Việt Nam và những nhân vật huyền thoại nước Việt. Qua đó, tôi hiểu hơn về văn hoá Việt. Một trong những câu chuyện mà ám ảnh tôi nhất là thiếu phụ Nam Xương. Khi tôi học trường điện ảnh, tôi chọn câu chuyện này để chuyển thể làm phim thực tập. Tuy có nhiều hạn chế vì khai thác đề tài Việt Nam ở Mỹ, nhưng lúc đó tôi chỉ biết mình muốn đưa hình ảnh người phụ nữ này và những nét văn hoá Việt vào phim của mình. Nhìn lại tôi biết ơn những người phụ nữ trong đời mình, họ cho tôi góc nhìn sống động và chân thật nhất về cuộc sống.
"Cuộc sống gia đình mang lại sự cân bằng cho tôi"
PV: Vai diễn của Đinh Ngọc Diệp trong phim tuy ngắn nhưng rất thú vị. Vợ anh có bao giờ đòi hỏi đóng vai chính phim của chồng? Có khi nào anh dự định làm phim để vợ đóng vai chính không?
Đạo diễn Victor Vũ: Thật ra từ khi viết kịch bản, tôi đã nghĩ đến Ngọc Diệp cho vai bà Hai. Tôi và các biên kịch cũng xây dựng nhân vật theo tính cách của Ngọc Diệp vì thấy cá tính này phù hợp cho câu chuyện và sẽ là một màu sắc thú vị. Quan điểm của tôi và Diệp là vai lớn hay vai nhỏ không quan trọng, quan trọng là nhân vật có ấn tượng hay không. Tôi nghĩ nếu có một vai nào thật phù hợp với Diệp thì tôi sẵn sàng mời Diệp đóng. Vấn đề là Diệp có nhận lời hay không nữa (cười).
PV: Khi có vợ đồng hành trong việc làm phim với vai trò sản xuất, chắc sẽ có lúc bất đồng quan điểm. Anh đã cân bằng như thế nào để không ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân gia đình?
Đạo diễn Victor Vũ: Tôi nghĩ có vợ đồng hành trong việc làm phim càng vui, càng thú vị. Tôi và Diệp có nhiều quan điểm giống nhau trong nghệ thuật. Nhưng cũng có những suy nghĩ khác nhau, như vậy sẽ cho tôi một thêm những góc nhìn đa dạng hơn về mọi việc. Chính cuộc sống gia đình mang lại sự cân bằng cho tôi. Có người chia sẻ thành bại hay cảm xúc với mình một cách chân thành là điều rất tuyệt vời.
Tôi may mắn có vợ đồng hành trong mọi hành trình, gia đình nội ngoại thì vô cùng yêu điện ảnh, có hai con đã biết đọc tên phim và hát múa theo nhạc trailer. Những điều giản dị này không chỉ cho tôi vốn sống, mà còn tiếp thêm sức lực để tôi có thể làm nhiều phim hơn nữa.
PV: Xin cảm ơn anh!
Cảnh nóng trong phim Việt: Không thể thiếu hay làm mồi câu khách? Nhiều khán giả tò mò ra rạp vì 'Người vợ cuối cùng' nhử mồi bằng cảnh nóng trong trailer. Khi xem phim rồi thì thấy vài cảnh nóng có cắt bớt cũng không ảnh hưởng tới bộ phim. 'Người vợ cuối cùng' dán nhãn 18 vì nhiều cảnh nóng dữ dội. Cảnh nóng gây tranh cãi trong 'Người vợ cuối cùng': Cắt bớt...