Joe Biden nhậm chức Tổng Thống Mỹ trong thời kỳ khó khăn nhất lịch sử
Vào lúc 12h trưa ngày 20/1 giờ địa phương (0h sáng ngày 21/1 tại Việt Nam), lễ nhậm chức của ông Joe Biden và bà Kamala Harris được diễn ra. Qua đó, ông Biden chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ, với phó Tổng thống là bà Harris.
Lễ tuyên thệ được tổ chức tại cửa phía Tây của tòa nhà Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol – biểu tượng quyền lực cao nhất của nước Mỹ.
“Tôi trân trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí Tổng thống Mỹ một cách trung thành và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Mỹ,” – Tổng thống Joe Biden đọc bản tuyên thệ trước sự chứng kiến của John Roberts, Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ.
Trong bản tuyên thệ của mình, ông Biden cũng nhận định đây là một khởi đầu mới cho đất nước vốn “đang trải qua thời khắc khủng hoảng và nhiều thách thức trong lịch sử.”
Đây thực chất là lần thứ 3 ông Joe Biden tuyên thệ trên đồi Capitol. Hai lần trước đó là lời tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống dưới thời ông Barack Obama vào năm 2009 và 2013. Sau lễ nhậm chức, Tổng thống Mỹ theo truyền thống sẽ có một cuộc diễu hành từ tòa Quốc hội về Nhà Trắng. Đó là nơi ông Biden sẽ sinh sống và làm việc trong nhiệm kỳ 4 năm kế tiếp.
Vì dịch COVID-19, buổi diễu hành dự kiến sẽ được thay thế bằng sự kiện trực tuyến. Tuy nhiên, không vì thế mà sự kiện 4 năm mới diễn ra một lần này sẽ giảm bớt sự chú ý và quan tâm bởi đây là dấu mốc đánh dấu nước Mỹ đã chuyển sang một giai đoạn mới.
Những lo ngại an ninh và đại dịch COVID-19 đã khiến buổi lễ được tổ chức gọn hơn các năm trước. Số quan khách tham gia trực tiếp ước tính khoảng 1.000 người, trong khi số binh sĩ và nhân viên đảm bảo an ninh lên tới hàng chục ngàn người.
Các cựu tổng thống Barack Obama , George W. Bush, Bill Clinton cùng các phu nhân đã tham dự buổi lễ. Tổng thống Donald Trump rời thủ đô ngay trước khi sự kiện diễn ra nhưng đã để lại trong Nhà Trắng một lá thư cho người kế nhiệm Biden.
Phó tổng thống của ông Trump, ông Mike Pence và phu nhân, đã nhận được sự ngợi khen từ phía Đảng Dân chủ khi xuất hiện tại sự kiện.
Sự kiện diễn ra trong sự thắt chặt an ninh khắp thủ đô Washington D.C, với 25.000 vệ binh quốc gia và nhiều lực lượng khác. Nước Mỹ đã sang trang mới với vị tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử. “Đây là ngày của nước Mỹ, của nền dân chủ Mỹ. Ngày của lịch sử và hy vọng, của sự đổi mới và kiên định. Đây là ngày nước Mỹ trỗi dậy trước thách thức…, ngày mà nguyện vọng của người dân Mỹ đã được đáp lại”, ông Biden phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức.
Nhiệm vụ khó khăn của ông Biden là hàn gắn nước Mỹ vốn đang bị chia rẽ sau hàng loạt biến cố, đồng thời vực dậy một nền kinh tế và xã hội đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 .
Những quyết định đầu tiên
Sáng nay (giờ Việt Nam), ông Biden tiến vào Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Ngay ngày đầu vào nhiệm sở, tân Tổng thống Mỹ Biden lập tức ký ban hành một loạt sắc lệnh, các bản ghi nhớ và chỉ đạo, đảo ngược nhiều chính sách trước đó của người tiền nhiệm Trump liên quan đến di trú, môi trường, dịch Covid-19 và vấn đề kinh tế, theo Reuters. Cụ thể, các văn phòng chính phủ và tòa nhà liên bang đều là khu vực buộc phải đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội , một văn phòng mới thuộc Nhà Trắng được thiết lập với nhiệm vụ điều phối nỗ lực ứng phó dịch Covid-19.
Tân tổng thống cũng khởi động quy trình để Mỹ quay lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ban hành sắc lệnh rút lại giấy phép lắp đặt hệ thống đường ống dẫn dầu Keystone XL để bảo vệ môi trường. Nhà lãnh đạo cũng đề xuất gói ứng cứu kinh tế trị giá 1.900 tỉ USD (43,84 triệu tỉ đồng), kêu gọi tiếp tục phát tiền mặt 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ. Về vấn đề di trú, ông Biden hủy bỏ dự án xây dựng bức tường biên giới với Mexico và chấm dứt lệnh cấm nhập cảnh đối với một số quốc gia có đạo Hồi chiếm đa số. Ông cũng đệ trình lên quốc hội dự luật điều chỉnh các chính sách di trú, mang đến cơ hội trở thành công dân Mỹ cho hàng triệu dân nhập cư bất hợp pháp.
Một ngày trước lễ nhậm chức, các ủy ban Thượng viện cũng tổ chức phiên điều trần đối với 5 đề cử của ông Biden cho các vị trí bộ trưởng quốc phòng, ngoại trưởng, bộ trưởng an ninh nội địa, giám đốc tình báo quốc gia, bộ trưởng tài chính. Dự kiến các đề cử này sẽ được thông qua một khi thượng viện quay lại làm việc đầy đủ và quyền kiểm soát thượng viện chuyển sang đảng Dân chủ, cho phép các nghị trình của Tổng thống Biden được triển khai.
Lãnh đạo thế giới lên tiếng sau lễ nhậm chức của ông Biden
Lãnh đạo nhiều nước, vùng lãnh thổ và tổ chức đã gửi lời chúc đến tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris sau lễ nhậm chức hôm 20/1.
Sau khi ông Joe Biden làm lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Canada Justin Trudeau là một trong số những nhà lãnh đạo đầu tiên đăng tweet chúc mừng ông Biden.
Theo đó, trên Twitters, ông Trudeau viết: "Xin chúc mừng ông Joe Biden trong lễ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Mỹ và Canada đã cùng nhau giải quyết một số thách thức lớn nhất lịch sử. Tôi mong được tiếp tục mối quan hệ hợp tác với ông, với bà Kamala Harris và chính quyền của ông".
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng lên tiếng chúc mừng lễ nhậm chức của ông Biden, mong muốn được làm việc với tân Tổng thống Mỹ. "Tôi mong muốn được làm việc với ông Biden và với chính quyền mới của ông. Hai nước sẽ tăng cường quan hệ đối tác và làm việc trên các ưu tiên chung từ giải quyết biến đổi khí hậu, hồi phục sau đại dịch và củng cố an ninh xuyên Đại Tây Dương" , ông Boris Johnson cho hay.
Ông Biden tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. (Ảnh: Getty)
Trên Twitter, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng đăng lời chúc mừng ông Biden. " Xin chúc mừng lễ nhậm chức Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris. Nhật Bản và Mỹ là những đồng minh có mối quan hệ chặt chẽ và những giá trị phổ quát được chia sẻ. Tôi mong muốn được hợp tác với ông Biden để củng cố liên minh của chúng ta và hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở ", ông Yoshihide Suga cho hay.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kỳ vọng vào quan hệ giữa Mỹ và EU dưới thời Biden. " Mỹ đã trở lại. Và châu Âu đã sẵn sàng. Chúng tôi sẽ kết nối lại với đối tác cũ và đáng tin cậy. Tôi mong muốn được hợp tác cùng ông Joe Biden" , bà Ursula von der Leyen nói.
Chúc mừng lễ nhậm chức của ông Biden, Tổng thống Emmanuel Macron viết trên Twitters: "Tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất trong ngày quan trọng nhất đối với người dân Mỹ! Chúng ta sẽ ở cạnh nhau. Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn để đối mặt với những thách thức của thời đại. Mạnh mẽ hơn để xây dựng tương lai. Mạnh mẽ hơn để bảo vệ hành tinh của chúng ta. Chào mừng trở lại Hiệp định Paris!".
Từ Vatican, Giáo hoàng Francis cũng gửi đi thông điệp dài để chúc mừng tân Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris trong lễ nhậm chức.
"Dưới sự lãnh đạo của ngài, mong người dân Mỹ tiếp tục phát huy sức mạnh từ các giá trị chính trị, đạo đức và tôn giáo cao cả đã truyền cảm hứng cho quốc gia. Tôi cầu nguyện cho các quyết định của ngài sẽ được dẫn dắt bởi mong muốn xây dựng một xã hội công bằng và tự do đích thực, cùng với sự tôn trọng không ngừng đối với các quyền và phẩm giá của mọi người", Giáo hoàng Francis cho hay.
Tại Trung Đông, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ: "Xin chúc mừng Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris về lễ nhậm chức lịch sử của các bạn. Tổng thống Biden và tôi đã có một tình bạn ấm áp trong nhiều thập kỷ. Tôi mong muốn được hợp tác với các bạn để tăng cường hơn nữa liên minh Mỹ - Israel, tiếp tục mở rộng hòa bình giữa Israel và thế giới Ả-rập, và đối đầu với những thách thức chung, trong đó nổi bật là mối đe dọa do Iran gây ra".
Tổng Thư ký Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng bày tỏ: " Tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Biden và chào mừng ông ấy tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels vào cuối năm nay. Trọng tâm của chúng tôi sẽ là sáng kiến NATO 2030, để làm cho liên minh mạnh hơn và phù hợp với tương lai" , ông Jens Stoltenberg cho biết.
Ngoài ra, nhiều lãnh đạo khác trên thế giới cùng đồng loạt lên tiếng, chúc mừng lễ nhậm chức của ông Biden, đồng thời bày tỏ hy vọng vào mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ trong thời gian tới.
Có gì trong bức thư ông Trump để lại cho tân Tổng thống Biden? Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nói cựu Tổng thống Donald Trump để lại cho ông bức thư "rất tử tế", cho biết sẽ tiết lộ nội dung khi hai người nói chuyện với nhau. Hôm 20/1, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Ông Trump đã viết một bức thư rất tử tế. Đây là chuyện riêng tư, tôi sẽ không...