Italy, một năm dài trong biến cố đại dịch COVID-19
Tròn 1 năm trước, ngày 5/3/2020, Chính phủ Italy đã quyết định đóng cửa toàn bộ các trường học trên toàn quốc để ngăn ngừa dịch COVID-19 tiếp tục lây lan, trong bối cảnh chỉ sau 12 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên ở miền Bắc đất nước, số bệnh nhân đã tăng cấp số nhân, với hơn 3.000 trường hợp và hơn 100 người tử vong.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Rome, Italy, ngày 14/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Một năm dài đương đầu với biến cố COVID-19 , Italy đã trải qua những ngày tháng không thể nào quên. Là tâm dịch đầu tiên của châu Âu, Italy cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc, yêu cầu người dân “ở nhà để chống dịch” từ ngày 10/3/2020. Thời điểm đó, số ca mắc COVID-19 ở Italy sau 4 ngày đã tăng lên hơn 9.000 trường hợp với trên 460 ca tử vong.
Những ngày này 1 năm trước, có những lúc Italy đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm, thậm chí có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới , chiếm gần 40 % tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới hồi cuối tháng 3/2020. Quá tải là cảnh thường trực ở các bệnh viện và nhà tang lễ của Italy, đặc biệt tại vùng Lombardy. Có thời điểm, Italy còn bị coi là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh lây lan không kiểm soát ra toàn bộ “lục địa già”.
Cũng trong những ngày tháng mất mát và đau buồn của 1 năm trước, từ những “ban công hy vong” ở Rome, Milan và nhiều nơi trên “đất nước hình chiếc ủng”, thông điệp “Mọi chuyện sẽ ổn” vang lên khi mọi người đứng trên ban công nhà mình cùng hòa chung lời bài Quốc ca Italy hay ca khúc “Azzurro, Il cielo è sempre se volete” (Tạm dịch: Bầu trời luôn luôn màu xanh nếu bạn muốn). “Ban công hy vọng” đã khơi dậy tinh thần mạnh mẽ và đoàn kết của người dân đương đầu với dịch bệnh, với phương châm “giãn cách xã hội là vũ khí duy nhất để chiến thắng đại dịch tại Italy”. Khi làn sóng dịch đầu tiên được khống chế, Italy là một trong những quốc gia được đánh giá là “điểm sáng” trong đối phó với đại dịch.
Một năm sau, Italy đang đương đầu với làn sóng dịch thứ ba. Những nỗ lực của Chính phủ Italy trong ngăn chặn đại dịch lây lan vào nhiều thời điểm đã mang lại những kết quả khả quan, song virus SARS -CoV-2 luôn biến đổi. Những biến thể mới, đặc biệt từ Anh, với tốc độ lây lan cao hơn nhiều so với chủng ban đầu, đã khiến Italy cũng như cả thế giới tiếp tục phải chiến đấu với COVID-19.
Tính đến ngày 5/3, Italy ghi nhận khoảng 3 triệu ca, trong đó có khoảng 99.000 ca tử vong, đứng thứ sáu thế giới. Tân Thủ tướng Mario Draghi đã phải ký sắc lệnh mới nhằm gia hạn lệnh siết chặt hoạt động di chuyển giữa các vùng đến ngày 6/4, cùng các biện pháp tương ứng với tỷ lệ lây nhiễm mỗi vùng. Sắc lệnh mới duy trì việc phân định các vùng màu: đỏ, cam, vàng và trắng, dựa theo chỉ số lây nhiễm từng vùng. Tại những vùng mức độ rủi ro cao, được xác định là vùng đỏ, người dân không được phép tới thăm người thân hay bạn bè, một biện pháp khắc nghiệt song được cho là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Trước tình hình số ca mắc mới gia tăng do biến thể từ Anh, giới chuyên gia lo ngại vùng tâm dịch Emilia Romagna và Campania đang có nguy cơ nằm trong vùng đỏ.
Tại các vùng màu trắng – có mức độ rủi ro thấp với tỷ lệ lây nhiễm trong 3 tuần liên tiếp dưới 50 trường hợp/100.000 dân, các biện pháp đình chỉ hay cấm các hoạt động theo quy định chung ngừng áp dụng. Tuy nhiên, các hoạt động tập trung trong không gian kín như triển lãm, hội nghị, các sự kiện, thi đấu thể thao có khán giả vẫn tạm ngừng. Với sắc lệnh mới, chính quyền vùng được trao quyền quyết định việc siết chặt các biện pháp ngăn chặn sự lây lan COVID-19. Ngoài ra, người dân đều phải có nghĩa vụ đeo khẩu trang ở tất cả các địa điểm ngoài trời, cũng như tại các địa điểm không phải nhà riêng, đồng thời lệnh cấm đi lại giữa các vùng tiếp tục duy trì.
Những biện pháp ngăn chặn virus SARS -CoV-2 lây lan thường xuyên được bổ sung và cập nhật, cùng chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hoàn toàn tự nguyện song được kiểm soát nghiêm ngặt và đảm bảo an toàn tuyệt đối được triển khai từ tháng 1. Đây vẫn được coi là giải pháp tối ưu nhằm tránh đưa Italy trở lại kịch bản phong tỏa toàn quốc. Cho đến nay, Italy đã phân bổ trên 6,5 triệu liều vaccine khắp toàn bộ lãnh thổ, trên 1,5 triệu người Italy đã được tiêm chủng lần hai và gần 3,4 triệu người đã được tiêm chủng mũi đầu. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch tiêm chủng chưa thực sự đồng nhất giữa các vùng, một số vùng vẫn triển khai chậm do vấn đề thiếu nhân lực.
Để thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng, Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy sẽ triển khai chiến dịch tăng tốc tiêm chủng vào cuối tháng 3, với việc huy động khoảng 300.000 tình nguyện viên và bổ sung hàng nghìn y bác sỹ, nhân viên y tế đảm bảo mục tiêu 600.000 lượt tiêm chủng mỗi ngày, tương ứng 19 triệu liều mỗi tháng.
Biểu tượng “hoa anh thảo” cùng khẩu hiệu “Italy tái sinh với một bông hoa” đã hiện diện trong suốt chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Italy, cùng chiến dịch truyền thông rộng rãi góp phần nâng cao ý thức của người dân. Hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, đa số người dân Italy khẳng định sẵn sàng tiêm vaccine. Theo kết quả khảo sát do Hãng nghiên cứu Emg-Different và Adnkronos tiến hành ngẫu nhiên với 1.664 trường hợp, trên 80% đều ủng hộ vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, một số vẫn không thực sự muốn tiêm vaccine ngay lập tức, khi chưa có thêm những minh chứng về tính hiệu quả của vaccine. Khoảng 53% cho rằng việc lựa chọn tiêm chủng là sự lựa chọn của mỗi cá nhân, và 37% tin rằng tiêm vaccine là bắt buộc và là trách nhiệm của người dân.
Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Rome, Italy. Ảnh: THX/TTXVN
Giới chuyên gia khẳng định số ca mắc mới tại Italy đang có dấu hiệu tăng trở lại và bày tỏ lo ngại về tốc độ lây nhiễm của các biến thể mới, trong đó biến thể từ Anh có khả năng lây nhiễm cao hơn 37% so với chủng ban đầu. Chủ tịch Viện Y tế cấp cao (ISS) Silvio Brusaferro cảnh báo: “Sự lưu hành của biến thể từ Anh đang chiếm đa số và sẽ ngày càng nhiều hơn, với khả năng lây nhiễm cao hơn. Do đó, cách tốt nhất để chống lại sự lây lan của virus là giảm cơ hội lây nhiễm”. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Y tế cấp cao Italy (CSS), Franco Locatelli cho biết biến thể Anh đang có dấu hiệu dễ lây nhiễm hơn ở các nhóm tuổi từ 10-19 tuổi, ngay cả độ tuổi 6-10 tuổi và khả năng lây nhiễm này không liên quan đến các bệnh lý nền. Các chuyên gia khuyến cáo virus luôn biến đổi, cần phải giám sát chặt chẽ tỷ lệ lây nhiễm, khoanh vùng lây nhiễm và thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng, đó là những biện pháp cần thiết để sớm đưa Italy trở lại cuộc sống bình thường.
Đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế Italy, thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy sụt giảm 8,9% trong năm ngoái và nợ công hiện ở mức trên 2.500 tỷ euro, tương đương 155,6% GDP.
Chia rẽ trong liên minh cầm quyền ở Italy liên quan đến cách thức chính phủ đối phó với làn sóng COVID-19 thứ hai cũng như khoản tài trợ trị giá 209 tỷ euro (bao gồm các khoản vay và viện trợ không hoàn lại) dự kiến sẽ được tiếp nhận từ Quỹ Phục hồi của Liên minh châu Âu (EU) đã khiến Thủ tướng Giuseppe Conte phải từ chức cuối tháng 1 vừa qua. Một chính phủ hỗn hợp gồm đại diện các đảng phái và các nhân vật kỹ trị đặt dưới sự lãnh đạo của cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, đã nhậm chức giữa tháng trước, được kỳ vọng có thể sớm hoàn thiện kế hoạch phục hồi và thúc đẩy quốc hội thông qua liên quan đến khoản tài trợ 209 tỷ euro tiếp nhận từ Quỹ Phục hồi của EU. Đây sẽ là điều kiện tiên quyết để đưa Italy vượt qua khủng hoảng đại dịch và khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.`
Với khả năng và kinh nghiệm trên cương vị chủ tịch ECB, Thủ tướng Mario Draghi cũng được kỳ vọng sẽ đưa Italy trở lại vị trí, vai trò vốn có trên trường quốc tế, vào thời điểm nước này đang đảm nhiệm chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20)
Một năm sau khi virus SARS -CoV-2 “tấn công” Italy, nước này vẫn đang tìm cách vượt qua nỗi ám ảnh từ những biến thể mới của virus. Có lẽ, những bài học của đợt chống dịch đầu tiên cách đây 1 năm sẽ giúp Italy tìm được lối thoát khỏi “biến cố đại dịch” trong làn sóng thứ ba này.
Bệnh viện Mỹ kiện 2.500 bệnh nhân giữa đại dịch
Giữa tình hình khó khăn do đại dịch COVID-19, hệ thống y tế lớn nhất New York (Mỹ) đã kiện các bệnh nhân vì nợ tiền viện phí.
Kiện bệnh nhân vì không trả viện phí ngày càng phổ biến trong những năm gần đây. Ảnh: New York Times
Theo tờ New York Times, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu tràn lan khắp New York, Thống đốc Andrew Cuomo đã ra lệnh cho các bệnh viện nhà nước chấm dứt kiện bệnh nhân vì nợ tiền chữa bệnh.
Phần lớn bệnh viện tư nhân lớn ở bang đã tự nguyện rút đơn kiện. Chỉ có một chuỗi bệnh viện vẫn quyết kiện hàng nghìn người. Đó là Northwell Health.
Chuỗi bệnh viện này đã phát động làn sóng kiện tụng nhằm vào các bệnh nhân năm ngoái trong bối cảnh đại dịch khiến người dân thất nghiệp tràn lan và kinh tế bất ổn.
Trong số trên 2.500 bệnh nhân bị kiện, hóa đơn viện phí trung bình là 1.700 USD, chưa kể khoản lãi suất lớn. Việc kiện tụng tác động lớn tới các bệnh nhân là giáo viên, công nhân xây dựng, nhân viên cửa hàng tạp hóa..., trong đó có những người mất việc trong đại dịch và mắc bệnh.
Carlos Castillo, nhân viên khách sạn ở New York, bị kiện vì nợ 4.043 USD tiền viện phí sau khi nhập viện vì co giật. Castillo mất một nửa lương và giờ chỉ làm việc hai ngày/tuần. Anh lo bệnh viện sẽ tịch thu tiền lương và khiến anh không thể trả tiền thuê nhà.
Ngay sau khi bài báo của New York Times được đăng, Northwell đột ngột thông báo sẽ ngừng kiện bệnh nhân trong đại dịch và sẽ rút lại mọi đơn kiện đã nộp trong năm 2020.
Khắp nước Mỹ, các vụ kiện liên quan nợ viện phí đã ngày càng phổ biến trong những năm gần đây khi chi phí y tế gia tăng và các công ty bảo hiểm trút nhiều gánh nặng sang bệnh nhân. Các bệnh viện thường được phép trích lương và đóng băng tài khoản để lấy lại tiền, có khi bệnh nhân không hề biết.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở New York, Mỹ, ngày 4/1. Ảnh: AFP/TTXVN
Northwell không phải là bệnh viện duy nhất đòi nợ qua tòa án trong đại dịch. Khoảng 50 bệnh viện ở New York đã kiện 5.000 bệnh nhân từ tháng 3/2020. Northwell nổi bật vì số đơn kiện cao nhất.
Hệ thống này điều hành 23 bệnh viện, kiếm được 12,5 tỷ USD doanh thu hàng năm và nhận 1,2 tỷ USD hỗ trợ khẩn cấp theo gói kích thích vừa được chính phủ thông qua năm 2020.
Ông Richard Miller, giám đốc chiến lược kinh doanh của hệ thống Northwell, bảo vệ các vụ kiện, nói rằng Northwell có quyền thu tiền của mình. Ông cho biết bệnh viện có chương trình hỗ trợ bệnh nhân thu nhập thấp và hệ thống chỉ kiện bệnh nhân có việc làm, có khả năng trả viện phí.
Ông cũng nhấn mạnh Northwell chỉ kiện bệnh nhân nợ viện phí từ nhiều tháng, nhiều năm trước đại dịch, chứ không kiện bệnh nhân COVID-19.
Bà Elisabeth Benjamin, Phó chủ tịch sáng kiến y tế tại tổ chức phi lợi nhuận Hội Dịch vụ Cộng đồng, đã chỉ trích các bệnh viện vì kiện bệnh nhân trong đại dịch, cho dù là vì hóa đơn viện phí chưa trả từ những năm trước. Bà nói rằng vài trăm đô la có thể không là gì với một chuỗi bệnh viện nhưng là gánh nặng lớn với bệnh nhân thu nhập thấp. Bà nói: "Điều đó có nghĩa là ai đó sẽ không có thức ăn. Nghĩa là đứa bé nào đó sẽ không có áo ấm".
Có một số vụ mà số tiền viện phí rất lớn. Bệnh viện Tưởng niệm John T. Mather ở Long Island thuộc Northwell đã kiện ông Thomas Kasper hồi tháng 4/2020 vì hóa đơn 31.340 chưa thanh toán, cộng thêm 8.000 tiền lãi suất và phí. Bệnh viện này kiện ông Scott Buckley với hóa đơn 21.028 USD, cộng 4.000 USD tiền lãi suất và phí.
Ông Buckley nói: "Tôi phá sản. Tôi không còn xu nào dính túi. Tôi có ba con. Nếu họ lấy lương, tôi sẽ chẳng còn gì".
Theo Hội Dịch vụ Cộng đồng, các bệnh viện New York đã kiện trên 40.000 bệnh nhân từ năm 2015 tới 2019, trong đó Northwell kiện tới 14.000 người, tức 2.800 người/năm.
'Quyền lực, chính trị và chính sách trong thế giới hậu COVID-19' Ngày 6/1, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) trụ sở tại Singapore đã tổ chức Diễn đàn Triển vọng khu vực 2021 với chủ đề "Quyền lực, chính trị và chính sách trong thế giới hậu COVID-19". Hành khách đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 21/8/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN Theo phóng viên...