Israel đã có kế hoạch cho Gaza sau khi xung đột với Hamas chấm dứt?
Giới quan sát cảnh báo, Israel dường như vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng cho Dải Gaza sau khi cuộc xung đột với Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas kết thúc.
Sau vụ đột kích của Hamas ngày 7/10, giới chức Do Thái liên tục nói về ý định “loại trừ tận gốc” Hamas khỏi Dải Gaza, cả về mặt quân sự và chính trị. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng tuyên bố, Israel sẽ đáp trả nhóm vũ trang Hồi giáo mạnh mẽ chưa từng thấy và động thái sẽ “thay đổi Trung Đông”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, ngoài việc sử dụng sức mạnh quân sự áp đảo, không ngừng nghỉ, hiện không rõ Tel Aviv sẽ hiện thực hóa tham vọng trên bằng cách nào.
Binh sĩ Israel tham gia chiến dịch tấn công vào Dải Gaza. Ảnh: FP
BBC dẫn lời Tiến sĩ Michael Milshtein, người đứng đầu Diễn đàn Nghiên cứu Palestine tại Trung tâm Moshe Dayan thuộc Đại học Tel Aviv (Israel) bày tỏ: “Bạn không thể thúc đẩy một động thái lịch sử như vậy, nếu không có kế hoạch cho ngày hôm sau”. Ông Milshtein, cựu lãnh đạo Cục Các vấn đề Palestine của cơ quan tình báo quân đội Israel, lo ngại việc lập kế hoạch chỉ mới bắt đầu.
Các nhà ngoại giao phương Tây tiết lộ, họ đang thảo luận với Chính phủ Do Thái về tương lai cho Dải Gaza, nhưng đến nay vẫn chưa có gì rõ ràng. “Hoàn toàn không có một kế hoạch cố định nào cả. Bạn có thể phác thảo một vài ý tưởng trên giấy, nhưng để biến chúng thành hiện thực sẽ phải mất hàng tuần, hàng tháng ngoại giao”, một nhà ngoại giao giấu tên nói.
Israel đã vạch ra các kế hoạch hành động quân sự, từ việc làm suy giảm khả năng quân sự của Hamas đến thâu tóm quyền kiểm soát phần lớn Dải Gaza. Song, những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng trước đây tin đó mới là giai đoạn sơ khai.
“Tôi không nghĩ hiện đã có một giải pháp khả thi cho Gaza sau thời điểm chúng tôi rút các lực lượng của mình”, Haim Tomer, cựu sĩ quan cấp cao trong Cơ quan Tình báo nước ngoài Mossad của Israel nhận định.
Video đang HOT
Hầu hết người Israel đều nhất trí về việc phải đánh bại Hamas, vì cuộc tấn công bất ngờ của nhóm vào lãnh thổ nước này ngày 7/10 đã khiến ít nhất 1.400 người Do Thái thiệt mạng và hơn 100 nạn nhân khác bị bắt giữ làm con tin.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Milshtein cảnh báo, Hamas không phải là thực thể mà Israel có thể dễ dàng loại trừ. Ông nêu một ví dụ tương tự là Iraq vào năm 2003, nơi các lực lượng do Mỹ dẫn đầu đã cố gắng xóa bỏ mọi dấu vết của chế độ Saddam Hussein. Chuyên gia này đánh giá nỗ lực đó đã dẫn tới “thảm họa”, khiến hàng trăm nghìn công chức Iraq và thành viên lực lượng vũ trang mất việc làm, gieo mầm mống cho một cuộc nổi dậy tàn khốc.
Một số cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Iraq đang có mặt ở Israel với vai trò cố vấn, trao đổi với quân đội Do Thái về kinh nghiệm của họ ở những nơi như Falluja và Mosul. Ông Milshtein hy vọng họ sẽ giải thích cho người Israel hiểu Mỹ “đã phạm một số sai lầm lớn ở Iraq ra sao, như không nên có bất kỳ ảo tưởng nào về việc tiêu diệt lực lượng cầm quyền hay thay đổi tư tưởng của người dân”.
Các chuyên gia người Palestine cũng nhất trí với quan điểm này. “Hamas là một phong trào cơ sở được lòng các cư dân Gaza. Nếu họ (Israel) muốn loại bỏ Hamas, họ sẽ cần phải thanh lọc sắc tộc trên toàn bộ dải đất này”, Mustafa Barghouti, Chủ tịch Sáng kiến quốc gia Palestine bình luận.
Các đồn đoán về việc Israel đang bí mật tìm cách buộc hàng trăm nghìn người Palestine di dời khỏi Gaza sang Ai Cập, đang khuấy động những nỗi sợ hãi sâu xa nhất của người Palestine. Đối với cộng đồng phần lớn là người tị nạn, những người phải chạy trốn hoặc bị trục xuất khỏi quê hương khi Nhà nước Do Thái được thành lập năm 1948, chúng đã khơi dậy ký ức đau thương cách đây hơn 7 thập kỷ.
Diana Buttu, cựu phát ngôn viên của Tổ chức Giải phóng Palestine so sánh việc rời bỏ quê hương đi lánh nạn giống “tấm vé một chiều, đồng nghĩa không còn đường quay lại”.
Lo lắng bắt nguồn từ việc các nhà bình luận Israel, bao gồm cả các cựu quan chức cấp cao như cựu lãnh đạo Hội đồng An ninh quốc gia Israel Giora Eiland, thường xuyên đề cập đến nhu cầu cung cấp chỗ ở tạm thời hoặc lâu dài cho người Palestine ở bên kia biên giới, tại Sinai, Ai Cập. Trong khi, Nhà Trắng hôm 20/10 đã yêu cầu Quốc hội Mỹ phê chuẩn ngân sách viện trợ an ninh cho Israel cùng với Ukraine.
Cho đến nay, nhà chức trách Israel vẫn chưa công khai mong muốn người Palestine rời khỏi lãnh thổ Gaza, dù Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nhiều lần yêu cầu dân thường ở phía bắc dải đất này sơ tán đến phía nam. Tuy nhiên, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi cáo buộc chiến dịch quân sự của Tel Aviv ở Gaza có thể là một nỗ lực nhằm thúc ép dân thường di cư đến đất nước của ông.
Câu hỏi đặt ra là, giả sử vẫn còn người Palestine ở lại Dải Gaza khi xung đột kết thúc, ai sẽ quản lý họ. Một số nhà quan sát tin, đáp án cho câu hỏi đó có thể tiêu tốn hàng triệu đô la.
Theo Tiến sĩ Milshtein, Israel nên ủng hộ việc thành lập một chính quyền mới, do người dân Gaza điều hành, với sự hậu thuẫn của các nhà lãnh đạo địa phương và sự ủng hộ từ Mỹ, Ai Cập và có lẽ cả Ảrập Xêút. Chính quyền này cũng nên bao gồm các nhà lãnh đạo từ Fatah, đảng đối lập người Palestine, đã bị Hamas dùng bạo lực trục xuất khỏi Gaza sau chiến thắng trong bầu cử năm 2006.
Cựu sĩ quan Mossad Tomer nói, nếu có quyền, ông sẽ đình chỉ các hoạt động quân sự của Israel trong một tháng nhằm nỗ lực đưa con tin ra ngoài trước. Năm 2012, sau một đợt giao tranh trước đó ở Gaza, ông đã cùng Giám đốc Mossad tới thủ đô Cairo của Ai Cập để đàm phán, đưa đến lệnh ngừng bắn.
Theo ông Tomer, các đại diện của Hamas đang “ở phía bên kia” và các quan chức Ai Cập ở giữa. Ông cho rằng một cơ chế tương tự nên được sử dụng lại, dù Chính phủ Do Thái có phải thả vài nghìn tù nhân Hamas để đổi lấy tự do cho các công dân bị bắt làm con tin. Sau đó, Tel Aviv có thể quyết định tiếp tục các hoạt động quân sự toàn diện hay lựa chọn ngừng bắn lâu dài.
Ông Tomer lưu ý, nếu không tách Dải Gaza khỏi Israel và kéo vùng đất vào Địa Trung Hải, nước này sẽ phải đối phó với vấn đề này vô thời hạn, giống như “một khúc xương mắc kẹt trong cổ họng của mình”.
Bài toán dung hòa hậu bầu cử ở Israel
Với thắng lợi áp đảo dành cho liên minh cánh hữu đối lập, cuộc bầu cử ngày 1/11 tại Israel đã đánh dấu sự trở lại đầy bất ngờ của cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đồng thời mở ra một chính phủ mới đậm chất cánh hữu, có thể tác động tới các chính sách đối nội, đối ngoại của Nhà nước Do Thái.
Cựu Thủ tướng Israel, lãnh đạo đảng Likud Benjamin Netanyahu phát biểu trước những người ủng hộ sau khi bỏ phiếu tổng tuyển cử, tại Jerusalem ngày 2/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Kết quả kiểm phiếu cuối cùng, dù còn phải đợi công nhận chính thức mang tính thủ tục, đã mang lại cho liên minh của ông Netanyahu 64 trên tổng số 120 ghế trong quốc hội Israel (Knesset), trong khi liên minh của Thủ tướng Yair Lapid chỉ đạt được 51 ghế. Sự chênh lệch này giúp ông Netanyahu tự tin sẽ được chỉ định đứng ra thành lập chính phủ mới.
Theo luật định, quy trình có thể kéo dài nhiều tháng nếu gặp khó khăn, nhưng dự báo chính phủ liên minh lần này sẽ được thành lập rất nhanh. Không giống như chính phủ liên minh trước, bao gồm 8 đảng thành viên có sự khác biệt lớn về đường lối và chương trình nghị sự, liên minh cánh hữu lần này chỉ gồm 4 thành phần và khá đồng nhất. Nếu các cuộc đàm phán phân chia các vị trí trong nội các và bộ máy chính quyền kết thúc sớm, chính phủ mới có thể sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Knesset trong chưa tới 1 tháng.
Thắng lợi mà liên minh ủng hộ ông Netanyahu có được là nhờ tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên 70%, được coi là rất cao trong bối cảnh Israel vừa trải qua 4 kỳ bầu cử liên tục. Trong khi tỷ lệ đi bầu ở khối cử tri gốc Arab đạt thấp, lực lượng cử tri ủng hộ các đảng cực hữu và đảng của người Do Thái chính thống (Haredi) tỏ ra nhất quán và kiên định hơn hẳn. Điều này đã giúp cho đảng Phục quốc tôn giáo vươn lên ngoạn mục, thêm 8 ghế so với 6 ghế trong Knesset nhiệm kỳ trước, trở thành đảng về đích thứ ba. Bên cạnh đó, sự phân tán của khối cánh tả đã khiến đảng Lao động theo đường lối xã hội và dân chủ chỉ giành được 4 ghế, mất 3 ghế về phe cánh hữu. Thậm chí, đảng Meretz theo đường lối ôn hòa, kỳ trước có 6 ghế, kỳ này đã bị loại khỏi Knesset do không đủ ngưỡng tối thiểu. Các đảng đại diện cho người Arab cũng vậy, kỳ trước có 10 ghế, lần này chỉ còn 4 ghế, bất chấp người gốc Arab chiếm tới 20% dân số Israel.
Mặc dù xu thế các đảng thiên hữu mạnh lên và các đảng thiên tả yếu đi đã diễn ra suốt 20 năm qua, nhưng sự trỗi dậy của các đảng cực hữu và tôn giáo trong lần bầu cử này khiến giới phân tích không khỏi ngạc nhiên, đồng thời lo ngại chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo sẽ trở thành dòng chảy chính trong chính trường Israel. Với một chính phủ mới đậm chất bảo thủ, các chính sách đối nội và đối ngoại của Israel trong thực tế sẽ bị tác động.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Israel, Tiến sĩ Emmanuel Navon, giáo sư chính trị học và quan hệ quốc tế tại Đại học Tel Aviv, nhận định: "Ví dụ các hiệp định Abraham về bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước Arab vùng Vịnh hồi năm 2020 mà ông Netanyahu đã ký khi đang là thủ tướng. Để các thỏa thuận này được ký, ông Netanyahu phải chấp nhận hoãn hoặc hủy kế hoạch sáp nhập Bờ Tây. Giờ đây, một số đối tác trong liên minh có thể sẽ nêu lại đề nghị sáp nhập một phần hoặc toàn bộ Bờ Tây. Nếu vậy ông Netanyahu sẽ đối mặt với tình thế khó xử".
Các đảng Phục quốc tôn giáo, Shas và UTJ đều là những đảng của người Do Thái Haredi chính thống và bảo thủ. Trước đó, các đảng này đều đã lên kế hoạch đảo ngược một số chính sách cải tổ do chính phủ khóa trước thực hiện, đồng thời đề ra một số định hướng mới nhằm củng cố sự kiểm soát của người Do Thái chính thống trong đời sống tôn giáo tại Israel. Hai trong số các chính trị gia theo đường lối cứng rắn là Itamar Ben-Gvir và Bezalel Smotrich đang đàm phán để được giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy an ninh quốc phòng của Israel. Nếu vậy, họ có thể sẽ khiến chính sách của Israel với người Palestine thêm cứng rắn và ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Là một chính trị gia chủ trương đề cao dân tộc Do Thái, mở rộng các khu định cư và bài xích cộng đồng đồng giới, cá nhân ông Ben Gvir không có mối quan hệ tốt với chính quyền Mỹ. Ngoài ra, một số vấn đề xã hội như giải quyết tranh chấp dân sự hoặc cấp giấy phép tiêu chuẩn thực phẩm Kosher có thể sẽ bị các đảng vận động để chịu sự can thiệp nhiều hơn của hệ thống tòa án và hành chính tôn giáo.
Cử tri Israel bỏ phiếu tại điểm bầu cử Quốc hội ở thành phố Bnei Brak, gần Tel Aviv ngày 1/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chính phủ mới sẽ khó có thể biến Israel trở thành một nhà nước cực hữu, thần quyền. Đảng Likud theo đường trung - hữu vẫn chiếm nhiều ghế nhất trong Knesset và ông Netanyahu giữ chức thủ tướng sẽ là các yếu tố dung hòa. Mặt khác, mặc dù hệ thống bầu cử của Israel dựa trên nguyên tắc tỷ lệ, tức đảng nào giành được bao nhiêu phần trăm phiếu bầu sẽ chiếm một tỷ lệ tương ứng trong quốc hội, song trên thực tế, điều này chưa hẳn đã đúng, do tỷ lệ cử tri đi bầu có sự chênh lệch giữa các khối và do nguyên tắc dồn phiếu dư giữa các đảng. Kết quả kiểm phiếu cho thấy, phe của ông Netanyahu mặc dù giành được 64 ghế nhưng tỷ lệ cử tri ủng hộ chỉ là 49,55%.
Hơn nữa, bản thân các đảng cực hữu dù muốn nhưng sẽ không dám lạm dụng sức ép tôn giáo để đẩy các chính sách đi quá xa. Giám đốc Trung tâm chính sách Do Thái và Nhà nước thuộc Viện nghiên cứu Shalom Hartman, ông Tani Frank đánh giá mặc dù chiếm đa số trong quốc hội, việc thông qua một điều luật nào đó đều đòi hỏi nhượng bộ chính trị, khiến các đảng cực hữu sẽ phải cân nhắc. Ví dụ, đảng của người Do Thái chính thống sẽ phải nhượng bộ để các cơ sở đào tạo tôn giáo được nhận thêm ngân sách tài trợ, người Do Thái chính thống được trợ cấp sinh đẻ kể cả trong trường hợp thất nghiệp hay được bãi bỏ một số loại thuế bất lợi.
Là một chính trị gia lão luyện, dù đang đối mặt với một số cáo buộc hình sự, ông Netanyahu đã khôn khéo tranh thủ sự sơ hở của phe cánh tả và chấp nhận bắt tay với hai đảng cực hữu để trở lại nắm quyền. Những tình tiết này cho thấy các tuyên bố khi tranh cử, chẳng hạn sẽ rút lại thỏa thuận phân định biên giới và khai thác khí đốt tự nhiên trên biển mà Israel vừa ký với Liban, có thể sẽ không diễn ra sau khi ông Netanyahu lên nắm quyền. Thỏa thuận này một phần chịu sức ép từ Mỹ và châu Âu khi thị trường năng lượng thế giới đang gặp khủng hoảng, nhưng cũng mang lại một nguồn thu xuất khẩu đáng kể cho Israel để bù đắp tình trạng lạm phát trong nước. Với một chính phủ bao gồm các thành phần cực hữu, thách thức trước mắt của ông Netanyahu là làm cách nào để giữ được sự cân bằng cho một nhà nước đồng thời mang hai bản sắc vừa thống nhất vừa đối lập: Israel - Do Thái.
Israel đã tiến vào những đâu tại Dải Gaza? Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang tiếp tục cuộc chiến chống Hamas bên trong Dải Gaza bằng cả đường không và đường bộ khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu thề sẽ xóa sổ Hamas. Theo Sky News, quân đội Israel thường xuyên đăng các cập nhật lên mạng, gồm cả các cảnh quay chiến đấu. Tuy nhiên, sau khi mạng internet và điện...