Indonesia sắp đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông?
Khi Indonesia tìm cách trở thành “cường quốc hàng hải” và Trung Quốc ráo riết độc chiếm Biển Đông, đối đầu trên biển giữa hai nước xem ra khó tránh khỏi.
Khi Tổng thống đắc cử Joko Widodo chuẩn bị chính thức nhậm chức vào cuối tháng tới, hiện còn chưa rõ chính sách tương lai của ông cả về đối nội lẫn đối ngoại. Có một điều tương đối rõ ràng là Indonesia đang theo đuổi mục tiêu dài hạn trở thành một “cường quốc hàng hải”.
Trung Quốc thường sử dụng tàu cá làm đội quân xung kích trong tranh chấp biển đảo.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí The National Interest của Mỹ ngày 24/9, học giả Scott Bentley – nghiên cứu sinh tại Học viện Quốc phòng Australia – cho rằng chủ trương trở thành “cường quốc hàng hải” của Indonesia đã được bộc lộ trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua và dường như sẽ trở thành một trọng tâm hoạt động của chính quyền Joko Widodo sắp tới.
Video đang HOT
Các chi tiết chính xác của tầm nhìn “cường quốc hàng hải” hiện đang được soạn thảo, nhưng một số nét sơ bộ đã hiện ra. Nền tảng của “cường quốc hàng hải” chủ yếu là kinh tế, tìm cách tăng cường kết nối hàng hải và bình đẳng giữa các tỉnh khác nhau của Indonesia. Chủ thuyết “cường quốc hàng hải” đã được Faisal Basri – một nhà kinh tế hàng đầu và là thành viên của nhóm chuyên gia kinh tế của Joko Widodo – theo đuổi. Tuy nhiên, theo ông Basri, mục tiêu trở thành “cường quốc hàng hải” của Indonesia không chỉ giới hạn về kinh tế, mà còn bao gồm cả lĩnh vực an ninh-quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Trong khi Joko Widodo không nói nhiều về tầm nhìn của ông liên quan đến khái niệm “cường quốc hàng hải”, nhưng những tuyên bố của ông trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống đều ưu tiên bảo vệ quyền lợi trên biển của Indonesia. Các tuyên bố công khai cho thấy Joko Widodo đã nhiều lần đề cập đến ưu tiên này, đặc biệt về vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp.
Tổng thống đắc cử Joko Widodo: Cần phải có hành động quyết liệt đối với tàu cá nước ngoài trộm cắp liên tục các nguồn tài nguyên của Indonesia.
Trong tuyên bố được đưa ra đầu tháng này và được báo chí Indonesia đăng tải, Tổng thống đắc cử Joko Widodo nói rằng cần phải có hành động quyết liệt đối với tàu cá nước ngoài để ngăn chặn các hành vi trộm cắp liên tục các nguồn tài nguyên của Indonesia. Ông nói: “Nếu chúng ta không hành động quyết liệt, các tàu nước ngoài sẽ đánh cắp cá của chúng ta”. Tuyên bố này cho thấy, Joko Widodo có thể không hờ hững với chính sách đối ngoại như một số người đã tưởng. Trong thực tế, ông có thể quyết đoán hơn về những ưu tiên nhất định.
Vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp của tàu thuyền nước ngoài có thể là một thách thức quan trọng đối với chính quyền Jokowi và gần như chắc chắn sẽ tạo ra căng thẳng với một “cường quốc hàng hải” mới nổi là Trung Quốc. Tuy không phải là nước duy nhất có ngư dân đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của Indonesia, nhưng Trung Quốc là nước duy nhất sử dụng tàu Cảnh sát biển khuyến khích và hỗ trợ trực tiếp ngư dân đánh bắt cá trên vùng biển của nước khác.
Trung Quốc là nước duy nhất sử dụng tàu Cảnh sát biển khuyến khích và hỗ trợ trực tiếp ngư dân đánh bắt cá trên vùng biển của nước khác.
Việc Trung Quốc sử dụng ngư dân và các tàu công vụ mở rộng sự hiện diện tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông sẽ khiến cho nguy cơ đối đầu với Indonesia trên biển là không thể tránh khỏi. Trong khi Bộ Ngoại giao Indonesia tiếp tục duy trì đường lối “không có tranh chấp giữa Trung Quốc và Indonesia” ở Biển Đông, những hành động gần đây của Trung Quốc cho thấy một diễn tiến khác hẳn.
Một loạt các sự cố đã xảy ra ở khu vực này từ năm 2010, dẫn đến những nỗ lực không thành công của Indonesia trong việc truy tố ngư dân Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Những nỗ lực khẳng định quyền tài phán trong vùng EEZ của Indonesia dường như thất bại liên tục và nếu không có gì thay đổi, điều này có thể làm giảm sút uy tín của Indonesia trong nhiều lĩnh vực cũng như cơ sở pháp lý cho tuyên bố chủ quyền.
Việc các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tiếp tục tuần tra tại các khu vực đang tranh chấp quả là thách thức đầu tiên đối với quyền lãnh đạo của tân Tổng thống Joko Widodo. Hiện chưa rõ chính quyền Joko Widodo có nhận thức được hoặc chuẩn bị ứng phó hiệu quả với nguy cơ nhãn tiền này hay không.
Mặc dù có sự đối kháng rõ ràng giữa ưu tiên của Tổng thống đắc cử Joko Widodo về chống đánh bắt cá bất hợp pháp và các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, hiện chưa rõ chính quyền mới ở Jakarta có nhận ra những thách thức đặt ra cho mục tiêu trở thành “cường quốc hàng hải” của Indonesia hay chưa. Giải quyết các thách thức đó sẽ đòi hỏi ban lãnh đạo Indonesia – từ tân Tổng thống Joko Widodo đến bộ sậu mới của ông – phải có thái độ cương quyết cả về chính sách đối nội lẫn đối ngoại.
MINH ĐỨC
Theo_Đời Sống Pháp Luật