IITFC cấp khoản vay 6 tỷ USD giúp Ai Cập mua lúa mì và các sản phẩm dầu mỏ
Truyền thông Ai Cập ngày 23/11 đưa tin Hạ viện Ai Cập vừa thông qua một thỏa thuận tín dụng trị giá 6 tỷ USD với Tập đoàn Tài chính Thương mại Hồi giáo Quốc tế (IITFC), nhằm giúp nước này đáp ứng nhu cầu về lương thực cơ bản, trong đó có lúa mì, các sản phẩm nhiên liệu và các dẫn xuất dầu mỏ nhập khẩu.
Tàu chở lúa mì của Ukraine cập cảng Djibouti ngày 30/8/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo một báo cáo của Ủy ban Các vấn đề Kinh tế của Hạ viện Ai Cập, thỏa thuận tín dụng trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Ai Cập nhập khẩu các mặt hàng lương thực cơ bản cần thiết, đặc biệt là lúa mì và các sản phẩm dầu mỏ. Báo cáo cho biết thêm theo thỏa thuận, được ký vào tháng 1/2018, IITFC dự kiến ban đầu sẽ cấp khoản vay 3 tỷ USD cho Ai Cập. Tuy nhiên, thỏa thuận đã được sửa đổi vào tháng 6/2022 để nâng khoản vay lên 6 tỷ USD. Báo cáo cho hay khoản vay đã được nâng lên do tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá lúa mì, nhiên liệu và các sản phẩm dầu mỏ quốc tế tăng vọt.
Ai Cập có mối quan hệ lâu dài và thành công với IITFC kể từ năm 2008. IITFC luôn sẵn sàng cung cấp hỗ trợ tài chính cần thiết để giúp Ai Cập củng cố các điều kiện kinh tế trong nước. Nghị sĩ Hossam Awad, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng của Hạ viện Ai Cập, nói rằng khoản vay 6 tỷ USD xuất hiện kịp thời nhằm giúp Ai Cập kiềm chế sự gia tăng mạnh mẽ của giá cả các mặt hàng lương thực trên thị trường quốc tế, đặc biệt là lúa mì, do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Là quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, Ai Cập từng phụ thuộc vào 80% lượng lúa mì nhập khẩu từ Nga và Ukraine.
Gần đây, quốc gia Bắc Phi này đã nỗ lực đa dạng hóa các nguồn cung lúa mì nhập khẩu, đồng thời thực hiện các chính sách khuyến khích nông dân trong nước bán lúa mì cho nhà nước. Với mức tiêu thụ lúa mì trung bình 18 triệu tấn mỗi năm, Ai Cập đã gia tăng nguồn cung trong nước thông qua chương trình thu mua lúa mì từ nông dân. Chính phủ Ai Cập thông báo nguồn cung ứng lúa mì từ nông dân trong nước năm 2022 đã đảm bảo được 4,2 triệu tấn, tăng từ 3,5 tấn trong năm 2021.
Ai Cập kêu gọi thiết lập cơ chế trao đổi lúa mì và phân bón giữa các nước châu Phi
Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Mohamed Maait ngày 13/10 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập một cơ chế linh hoạt cho hoạt động trao đổi các hàng hóa cơ bản giữa các quốc gia châu Phi, đặc biệt là lúa mì và phân bón, nhằm tối đa hóa năng lực của các nền kinh tế châu Phi.
Theo truyền thông Ai Cập, ông Maait đã đưa ra phát biểu trên tại cuộc họp với các bộ trưởng tài chính châu Phi, với sự tham dự của đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi, bên lề các cuộc họp của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington (Mỹ). Ông Maait cho rằng việc tăng cường trao đổi thương mại nội khối và nâng cao khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế ở châu Phi sẽ đảm bảo sự gắn kết và khả năng phục hồi của các nền kinh tế trong khu vực trước các cuộc khủng hoảng khác nhau.
Bộ trưởng Tài chính Ai Cập nói thêm việc thiết lập một cơ chế cho các chuỗi cung ứng của châu Phi là cần thiết để đưa châu lục trở thành một trung tâm lương thực, cho phép các quốc gia châu Phi xuất khẩu các sản phẩm của mình sang tất cả các nước trên thế giới. Ông Maait cũng nêu bật sự cần thiết phải đạt được an ninh lương thực ở châu Phi, coi đây là một ưu tiên cấp bách của châu lục. Theo ông, điều này đòi hỏi tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên sẵn có của châu lục và mở rộng các hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.
Người đứng đầu Bộ Tài chính Ai Cập cho rằng các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc xung đột hiện nay ở châu Âu, đồng thời lưu ý hậu quả của nó là rất phức tạp. Ông Maait nói thêm các cuộc khủng hoảng liên tiếp, bắt đầu từ đại dịch COVID-19 đến cuộc khủng hoảng Ukraine, đã gây ra làn sóng lạm phát toàn cầu tồi tệ, dẫn đến sự leo thang giá cả của các mặt hàng cơ bản và nhiên liệu, do gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí tăng vọt. Các quốc gia châu Phi cần phải trao đổi ý tưởng, tầm nhìn và kinh nghiệm để đạt được các giải pháp linh hoạt nhằm đa dạng hóa các nguồn tài chính và thu hút nhiều vốn đầu tư hơn để thúc đẩy sản xuất và đạt các mục tiêu kinh tế và phát triển ở các nước châu Phi.
Ông Maait cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế để giúp các nước đang phát triển, các quốc gia châu Phi và các nền kinh tế mới nổi giảm gánh nặng nợ nần, cũng như cung cấp các cơ hội tài chính thích hợp cho họ.
Xuất khẩu khí đốt của Ai Cập đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ Trong một báo cáo vừa công bố, Bloomberg nhận định Ai Cập có thể xuất khẩu 8,2 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm nay, giữa lúc giá khí đốt đang được giao dịch ở mức cao tại thị trường châu Âu. Báo cáo của Bloomberg cho hay giá trị xuất khẩu khí đốt tự nhiên và khí hóa...