Huyền thoại về loài “khuyển vương” Phú Quốc
Thông minh, chạy nhanh như gió, săn mồi cực giỏi, tuyệt đối trung thành, sẵn sàng chết vì chủ…, đó là những đặc điểm của chó Phú Quốc, loài chó được giới thợ săn mệnh danh là “khuyển vương”, hay “sói lửa miền viễn Tây”…
Thông minh, chạy nhanh như gió, săn mồi cực giỏi, tuyệt đối trung thành, sẵn sàng chết vì chủ…, đó là những đặc điểm của chó Phú Quốc, loài chó được giới thợ săn mệnh danh là “khuyển vương”, hay “sói lửa miền viễn Tây” và luôn dành cho chúng sự ưu ái, ngưỡng mộ, hơn cả những loài chó nổi tiếng như béc-giê…
Săn mồi điêu luyện
Trong chuyến công tác dài ngày ở Kiên Giang, tôi tìm gặp ông Lâm Văn Hai (Hai Cua), 81 tuôi, một lão ngư từng có nhiều năm sống ở Phú Quốc để hỏi những truyền thuyết về ngôi tháp cổ ở Hà Tiên. Trong khi chúng tôi đang nói chuyện, con chó của ông cứ lại dụi đầu vào lòng ông, rên rỉ như đang làm nũng.
Ông vừa nói chuyện, vừa xoa đầu con chó, nó mới tạm yên. Nhưng vài phút sau hành động cũ lặp lại. Lúc này ông mới quay qua, nhỏ nhẹ nói: “Con đi chỗ khác chơi đi, hôm nay ông bận tiếp khách rồi, ngày mai mình đi biển nha”. Nghe vậy, con chó liền soài 2 chân trước xuống như đã hiểu rồi ngoe nguẩy đuôi quay đi.
Ông Hai Cua và chú chó cưng
Tôi thấy vậy thì không khỏi ngạc nhiên. Như đoán được thắc mắc của tôi, ông Hai kể: “Từ mấy năm nay, mỗi ngày, đúng giờ này, tôi lại dẫn nó đi một vòng ra bãi biển. Nó sinh ra ngoài Phú Quốc, mỗi ngày không được đầm mình xuống biển là nó khó chịu. Bản thân tôi cũng vậy, cả đời gắn với biển, giờ tuổi cao sức yếu, không đi nổi nữa, nên nhớ biển. Ngày nào không dạo một vòng, lòng cũng bồn chồn, như thiếu cái gì đó”.
Lúc này tôi mới nhìn kỹ con chó, nó nặng chừng 20 ký, dáng thon gọn, bộ lông mượt sát, tai dỏng, đôi mắt sáng lanh lợi. Đặc biệt, dọc sống lưng là đường xoáy chạy dài, đặc trưng của loài chó Phú Quốc huyền thoại.
Ông Hai bảo, biệt danh Hai Cua là xuất phát từ nghề thả lưới cua của ông. Dù không phải thợ săn chuyên nghiệp, nhưng vì tài săn của loài “khuyển vương” này mà lâu lâu ông cũng gác ghe đi một chuyến vào rừng săn thú. Và chó Phú Quốc là con vật thân thiết nhất trong cuộc đời ông, cho đến bây giờ.
Ngày xưa, người dân Phú Quốc ngoài việc đi biển ra, chỉ biết vào rừng săn bắn. Với thợ săn, đàn chó không chỉ là cộng sự đắc lực mà còn là vệ sĩ trung thành, không thể thiếu của người thợ săn.
“Săn mồi như là một bản năng của loài chó này. Vì chẳng ai huấn luyện cả, nhưng khi trưởng thành tự động nó đi săn. Hồi còn ngoài đảo, tôi nuôi 1 cặp, chỉ để cho vui thôi chứ không phải để săn. Nhưng khi nó lớn, có lần tôi đang ngủ thì con sói lửa từ đâu chạy về, cắn áo tôi lôi đi. Tôi chạy theo nó ra đến bìa rừng thì thấy con chó còn lại đang ngồi canh trước một lùm cây.
Video đang HOT
Thấy chủ đến, nó sục mõm vào bụi sủa, nhìn vào bụi cây, tôi thấy một con heo rừng khá to đã chết, nằm trong bụi. Lâu lâu cặp chó lại lôi tôi đi một lần như thế. Lúc này tôi mới biết những con mồi này do chúng săn được, mang về cho chủ. Ấy là chó của tôi không phải đi săn chuyên nghiệp, còn đàn chó của cánh thợ săn trên đảo thì siêu hơn nhiều”.
Trang trại chuyên nuôi và huấn luyện “sói lửa” Phú Quốc của anh Tưởng Văn Quý, ở P. Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM
“ Sao lại gọi là sói lửa hả chú?”, tôi hỏi. “Đó thực ra là mấy con chó lông vằn vện màu đỏ trên nền lông đen hoặc nâu. Loại này dữ hơn, tinh khôn hơn và săn giỏi hơn mấy con khác nên thợ săn gọi nó là sói lửa. Loài này khi sinh sản là đào hang rất sâu, chui vào đó đẻ và nuôi con trong đó. Hàng ngày ra ngoài săn mồi mang về nuôi con, sau đó nằm chặn cửa hang để che gió cho con khi trời lạnh. Khi con chúng cứng cáp, mẹ mới dẫn về ra mắt chủ. Lúc này chủ mới biết có bao nhiêu con chó con”, ông Hai kể.
Sẵn sàng chết để bảo vệ chủ
Ông Hai Cua bảo, ở Phú Quốc, ngoài chó, rắn hổ mây là con vật thứ hai được người ta kể nhiều nhất. Mỗi khi nhắc đến loài bò sát này, tất thảy mọi người đều khiếp vía, ai “vô phúc” mới phải đối diện với chúng.
Chúng lao nhanh như gió, mỗi khi lao đi, một nửa thân trước bốc lên khỏi mặt đất thành góc vuông. Bất cứ ai, khi gặp phải chúa tể các loài rắn này đều bỏ của chạy lấy người. Nhưng nếu chạy không nhanh, thì cầm chắc cái chết, vì loài rắn này trườn nhanh kinh khủng. Không ít thợ săn, sau khi thoát rắn hổ mây, họ khiếp quá, bỏ luôn nghề thợ săn.
Ở Phú Quốc, nói đến 2 con vật nổi tiếng này, có hàng tá câu chuyện ly kỳ đến khó tin. Ông Hai Cua kể: “Trong một lần đi săn, ông Hai Chi bị một con rắn hổ chúa từ trong hang bên cạnh lao thẳng ra táp. Cứ ngỡ số ông đã tận, ai ngờ con sói lửa đang đi bên cạnh ông còn nhanh hơn con rắn, nó lao đến chặn con hổ mây và cùng con còn lại phản công để ông Hai có thời gian thoát.
Đặc tính quý nhất của chó Phú Quốc là sự nhanh nhẹn và chính xác tuyệt vời. Loài thỏ có thể thoát hàm răng của “vua chó săn” như Greyhound hay loài Afghanhound, hai loại chó săn có tốc độ bứt phá cực cao, nhờ cú tuyệt chiêu chạy zíc zắc, hoặc chuyển hướng đột ngột, nhưng với chó Phú Quốc thì tuyệt chiêu này của thỏ không hiệu quả, vì khả năng hãm phanh, đổi hướng là năng lực siêu việt của loài chó này.
Dù thoát chết trong gang tấc, nhưng chỉ vài phút sau, một trong hai con sói lửa của ông sùi bọt mép, nằm cứng đơ. Ông ôm con chó khóc ngất, mang xác con chó về chôn, lập mộ cho nó trong vườn nhà, mỗi khi rảnh rỗi hay buồn, nhớ con sói, ông lại ra ngồi tâm sự với nó.
Một câu chuyện khác, nghe như huyền thoại về loài “khuyển vương” Phú Quốc, đó là trận “thư hùng” ở khu vực suối Tranh giữa một bên là con mãng xà nặng hơn trăm ký và đàn chó 6 con. Trong lúc dẫn đàn cho đi săn, đến suối Tranh thì ba chú chó bỗng dừng lại, sủa inh ỏi, nhưng không dám tiến lên.
Người thợ săn chạy đến xem và ngay lập tức ông “chết đứng”, đôi tay cầm súng của ông cũng cứng đơ. Trước mặt ông là con rắn hổ mây đang cuộn mình trên một tảng đá lớn, thân nó to như cây chuối hột già, màu xám mốc. Sau một phút định thần, ông thợ săn buông súng, chạy thục mạng về hướng bìa rừng, về làng báo tin.Chưa nghe ông nói, chỉ nhìn mặt xanh mét của ông, người ta đã đoán ra chuyện gì.
Mặc dù ai cũng sợ, nhưng nghĩ đến đàn chó, mọi người không nỡ bỏ mặc nên quyết định xách súng vào rừng, giải cứu bầy chó săn. Khi đến nơi, họ không thấy con rắn đâu, nhưng lại có đến 6 con chó săn, trong đó có 3 con của người thợ săn khác trong xóm, chúng đang lùng sục con rắn.
Gần 10 phút sau, một chú chó tiến đến một chiếc cây lớn sủa báo hiệu. Năm “khuyển vương” khác cùng lao đến. Con rắn hổ đang quấn mình trên cây, đầu thõng xuống gần sát đất, sẵn sàng nuốt chửng những con chó.
Anh Tưởng Văn Quý đang huấn luyện “khuyển vương”
Trước cảnh tượng đó, đám thợ săn chỉ biết đứng như trời trồng nhìn đàn chó quây quanh con rắn hổ mây, súng trên tay nhưng không dám xông vào. Đàn chó 6 con, hình thành 3 cặp, 1 cặp trước đầu, 1 cặp ở đoạn giữa và cặp còn lại ở phần đuôi rắn, cùng tập trung tấn công.
Cuộc chiến chỉ kết thúc sau đó gần 1 tiếng, kết quả con rắn hổ mây đã bị hạ gục với phần sống lưng bị gãy và chi chít vết thương trên mình. Còn đàn chó cũng chỉ còn một nửa. Ông thợ săn này sau khi chôn cất 3 con chó xong, cũng gác súng, “rửa tay gác kiếm”, không bước vào rừng nữa. Ông ở nhà nuôi rất nhiều chó, nhưng chỉ cho vui chứ không cho chúng vào rừng săn.
Theo Phúc Lập (Nông nghiệp Việt Nam)
Bị chó cắn nát mặt, bé trai phải khâu 200 mũi
Trong lúc chờ mẹ chở đi học, cháu bé cầm cây đùa giỡn với chó, bất ngờ con chó nổi máu điên chồm lên cắn xé khiến mặt cháu rách nát. Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ đã phải khâu khoảng 200 mũi trên mặt bệnh nhi.
Theo thông tin từ BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng hàm mặt, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM, ngày 6/10, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp bị chó cắn rất thương tâm. Nạn nhân là bé Trần Trường T. (3 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi, TPHCM) được gia đình chuyển đến trong tình trạng nhiều vết thương chằng chịt nham nhở tập trung chủ yếu trên vùng mặt trái.
Gương mặt bệnh nhi bị chó cắn nát, môi rách toạc
Điều tra bệnh sử ghi nhận, sáng cùng ngày cháu bé ngồi chơi trước nhà để chờ mẹ chở đến trường học. Trong lúc đùa giỡn với con chó nhà, bé đã dùng cây khua trước mặt chó. Bất ngờ, con chó nổi máu điên chồm lên quật bé xuống cắn xé tới tấp. Nghe tiếng khóc thét của con, người mẹ chạy ra thì phát hiện cảnh tượng kinh hoàng. Sau khi giải cứu con khỏi nanh vuốt của con chó dữ, chị tức tốc đưa con đến bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi sơ cứu rồi chuyển lên Viện Pasteur chích ngừa dại và uốn ván trong tình trạng vết thương trên mặt bệnh nhi liên tục rỉ máu.
Ngay sau khi chích ngừa, gia đình tiếp tục chuyển bé đến bệnh viện Nhi Đồng 1. BS Nguyễn Văn Đẩu cho hay, qua kiểm tra ghi nhận, trên mặt bệnh nhi có tới 19 vết rách nham nhở, trong đó vết cắn của chó khiến môi cháu bị rách toạc, một vết thương khác gây lộ xương gò má, nặng nhất là vết thương xuyên thấu ngang mặt đến mang tai.
Nhiều vết thương sâu, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh
Sau gần 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã phải khâu vết thương sâu thành nhiều tầng (gân, cơ, da). "Tổng số mũi khâu chúng tôi phải thực hiện trên mặt bệnh nhi là khoảng 200 mũi. Sau can thiệp, bệnh nhi khó có thể thoát khỏi những ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ do sẹo để lại, nhưng nặng hơn vết thương rách môi gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh khiến trẻ có nguy cơ mất cảm giác một phần trên vùng mặt.
Mẹ bệnh nhi cho hay, con chó đã tấn công bé đã được gia đình nuôi khoảng 3 năm nay và là giống chó Phú Quốc. Trước đây, con chó này đã từng tấn công một người đàn ông đến nhà chơi, gây trầy xước tay. 1 năm trước gia đình đã ngừa dại cho chó. Tuy nhiên lo ngại nguy cơ trẻ nhiễm bệnh nên sau khi bị chó cắn vợ chồng chị đã đưa con đi chích ngừa.
Bác sĩ đã phải khâu khoảng 200 mũi trên gương mặt cháu bé
Cũng theo thông tin từ BS Đẩu, trẻ bị chó tấn công là tai nạn thường xuyên xảy ra. Mới đây, bệnh viện đã tiếp nhận một trường hợp ngụ tại Bình Dương, cháu bé khoảng 4 tuổi bị con chó lớn giống ngoại quốc cắn vào vùng mặt rồi lôi vào gầm xe hơi. Vết thương do răng của loài thú này gây ra khiến cháu bé bị vỡ một phần xương hàm, vỡ răng hàm.
Qua những trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, những gia đình có trẻ nhỏ thì không nên nuôi chó. Trong trường hợp bắt buộc phải nuôi chó, người nuôi cần nhốt, xích cẩn thận, cách ly chó với trẻ. Khi mang chó ra đường phải rọ mõm cẩn thận; đã nuôi chó thì phải chích ngừa để tránh nguy cơ chó phát bệnh dại tấn công người.
Vân Sơn
Theo Dantri