“Hơn bao giờ hết, đoàn kết phải gắn với dân chủ”
Ông Lê Truyền: “Nhân dân có gắn bó, có tin cậy với Mặt trận hay không là ở chỗ Mặt trận có làm tròn trọng trách đại diện, bảo vệ được lợi ích chính đáng của người dân hay không”
Trả lời phỏng vấn của VOV.VN, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, trước bối cảnh mới, thời cơ và thách thức đan xen, tình hình trong các tầng lớp nhân dân có nhiều chuyên biến, cả những mặt tích cực và những khó khăn, tiêu cực đan xen nhau, cơ cấu xã hội, giai cấp, các tầng lớp cũng có những biến động, không thuần túy từng giai cấp như trước đây, vì vậy mới xuất hiện những nhu cầu, nguyện vọng đa dạng, phong phú đồng nghĩa với việc sự khác biệt về nhu cầu, nguyện vọng, về mức sống.
Mặt trận phải hết sức sâu sát, lắng nghe
Trong tình hình đó, Mặt trận phải hết sức sâu sát, lắng nghe, tìm hiểu để nhận biết tình hình đa dạng, phong phú đó. Nói sự nhận biết ấy phải là một quá trình chứ không đơn giản. Nhận thức được đúng tình hình, biết tôn trọng những sự khác nhau đó để tạo ra quá trình chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau, học tập lẫn nhau, trao đổi lẫn nhau để đi đến một sự đồng thuận.
Video đang HOT
Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
“Như vậy, rõ yêu cầu của đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới phải gắn liền với dân chủ, gắn liền với đồng thuận xã hội. Đại đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam nhưng truyền thống đó phải phát huy theo nhịp độ phát triển của xã hội. Theo tôi, hơn bao giờ hết, đoàn kết phải gắn với dân chủ, gắn liền với sự đồng thuận”- Ông Lê Truyền nhấn mạnh.
Theo ông Lê Truyền, từ yêu cầu đó, Mặt trận phải phát huy được vai trò tập hợp đoàn kết, phát huy sức mạnh đại đoàn kết thông qua các phong trào và nhiều hoạt động khác, nhưng có 3 loại việc rất mới cũng phù hợp với xu hướng, đòi hỏi của thực tiễn tình hình xã hội hiện nay. Đó là vai trò đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
“Nhân dân có gắn bó, có tin cậy với Mặt trận hay không là ở chỗ Mặt trận có làm tròn trọng trách đại diện và bảo vệ được lợi ích chính đáng của người dân hay không. Bảo vệ lợi ích chính đáng ở đây cũng có nghĩa là phải hiểu, phải sâu sát, phải làm từ những điều nhỏ nhất, nguyện vọng thiết thân nhất của các tầng lớp nhân dân từ trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư tới cơ quan, đơn vị và cuộc sống nói chung của nhân dân, tạo cho nhân dân có niềm tin vào chế độ, vào Đảng, Nhà nước, hoạt động của Mặt trận; và tin vào sự tin cậy lẫn nhau, tạo ra niềm tin trong xã hội cao hơn để thực hiện được những yêu cầu chung của xã hội’- ông Lê Truyền phân tích.
Giám sát, phản biện của Mặt trận phải thấm đượm tính nhân dân
Ông Lê Truyền cho rằng, cùng với vai trò đại diện, gắn với một loại việc là mặt trận phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội. Giám sát, phản biện xã hội đồng nghĩa với việc bảo đảm quyền của nhân dân, người ta cần làm và được làm việc đó, MTTQ làm việc đó như thế nào để mang được tiếng nói của nhân dân, mang được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, mang được kiến nghị của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước ở mỗi cấp.
Các đại biểu quốc tế dự Đại hội
Ông Lê Truyền nhấn mạnh, giám sát, phản biện của Mặt trận phải thấm đượm tính nhân dân. Mặt trận phải chịu khó tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để thực hiện giám sát và phản biện xã hôi. Về phía Đảng, Nhà nước chính là phục vụ cho nhân dân, đề ra chủ trương, chính sách gì cũng nhằm phục vụ nhân dân; giám sát phản biện cũng chính là bảo vệ cho mục đích đó của Đảng, Nhà nước. Mặt khác, giám sát còn đảm bảo cho quá trình thực thi chính sách, đường lối, chủ trương với nhân dân, được nhân dân tin cậy, đó là quá trình thống nhất, tạo ra sự đồng thuận chung khắc phục sự hình thức, tâm lý đối phó trong xã hội chúng ta, làm chậm sự phát triển, hạn chế sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân.
Ông Lê Truyền cũng trăn trở, Mặt trận muốn làm được đại diện, muốn giám sát, phản biện có hiệu quả là một thách thức lớn. Phải nhận thức cho đúng, có một lực lượng, bộ máy thông suốt để làm việc đó có hiệu quả. Phải xây dựng hệ thống mặt trận từ Trung ương đến địa phương, đến ban công tác mặt trận ở cộng đồng dân cư thực sự hoạt động đều tay, chất lượng, tránh hoạt động hình thức, hành chính thì mới làm được việc. “Chính việc làm có hiệu quả, tạo lòng tin cho dân, người dân hưởng ứng, ủng hộ mặt trận, giúp Mặt trận thực hiện chương trình hành động đã đề ra, trở thành niềm tin của toàn xã hội, của nhân dân đối với MTTQ Việt Nam. Như thế mặt trận phải xây dựng lực lượng có đầy đủ kiến thức, trí tuệ, bản lĩnh để hoàn thành sứ mệnh của mình”.
Ông Lê Truyền cũng cho rằng, ngoài lực lượng cán bộ chuyên trách phải tập hợp lực lượng chuyên sâu về từng lĩnh vực, đặc biệt các hội đồng tư vấn, lực lượng cộng tác viên trong xã hội. Các lực lượng này sẵn sàng đóng góp với Mặt trận không phải vì được trả công. Mặt trận tổng hợp những thông tin đó để chuyển được đến các cơ quan có trách nhiệm. Nếu làm việc này, đòi hỏi lực lượng của mặt trận phải đông, phải lớn, phải mạnh mẽ. Làm được những việc như vậy thì sau Đại hội lần này, Mặt trận sẽ có những chuyển biến mới./.
Minh Hòa- Thanh Hà
Theo_VOV