Hollywood và ‘đứa trẻ quỷ quyệt’
Vì sao ‘đứa trẻ quỷ quyệt’ lại trở thành nguồn đề tài bất tận của Hollywood ?
‘Ai có thể giới thiệu cho tôi vài bộ phim có nhân vật đứa trẻ quỷ quyệt không?’, tôi tình cờ đọc được bài đăng của một người dùng mạng xã hội Reddit. ‘Vợ tôi là giáo viên, và cứ khi kỳ nghỉ hè đến là cô ấy lại xem bộ phim The Bad Seed (1956) để ăn mừng việc trong 3 tháng liền không phải gặp trẻ con mỗi ngày…’
The Bad Seed là câu chuyện về một cô bé học sinh 8 tuổi, với bề ngoài xinh xắn và ngây thơ nhưng ẩn sau là sự ác độc bẩm sinh và bụng dạ đố kỵ đến bệnh hoạn, đã giết bạn học của mình chỉ để giành một tấm huy chương.
Bad Seed (1956): Cô bé học sinh 8 tuổi độc ác bẩm sinh đố kỵ đến bệnh hoạn.
Lần này, người đàn ông muốn tạo bất ngờ cho vợ bằng cách tổ chức một buổi chiếu phim marathon kéo dài xuyên đêm với những bộ phim có nội dung tương tự như The Bad Seed. Cụ thể hơn, nhân vật chính cần có độ tuổi từ mẫu giáo đến lớp 3 – có lẽ là trùng độ tuổi với các học sinh của cô vợ giáo viên.
‘Đứa trẻ quỷ quyệt’ đã trở thành một tuyến đề tài quen thuộc đối với Hollywood trong nửa thế kỷ trở lại đây, thậm trí đã lan tới các nền điện ảnh khác. Hầu như không có năm nào là không có một ‘đứa trẻ độc ác’ mới xuất hiện và làm kinh hồn bạt vía khán giả tại các rạp chiếu phim trên toàn thế giới.
Có thể bạn đã xem nhiều bộ phim trong số này. The Omen, chuỗi phim bắt đầu xuất hiện từ năm 1976, kể về con trai của quỷ Satan trong hình hài một cậu bé ngây thơ coi giết người là trò tiêu khiển. The Brood (1979) kể về nhóm trẻ được ra đời bằng phương pháp sinh sản vô tính và là những cỗ máy giết người nhỏ bé nhưng vô cùng tàn bạo. Them (2006) lại là câu chuyện về những đứa trẻ hoàn toàn bình thường đột nhập và sát hại một cặp vợ chồng chỉ vì cặp đôi này không muốn chơi cùng chúng.
The Brood (1979): Những cỗ máy giết người nhỏ bé nhưng vô cùng tàn bạo.
Exorcist (1973), đỉnh cao mọi thời đại của dòng phim kinh dị, cũng có nhân vật chính là một đứa trẻ 8 tuổi bị quỷ ám đến không còn cả nhân hình lẫn nhân tính. Đa số khán giả không dám xem Exocist quá một lần sau khi chứng kiến cảnh cô bé Regan, với vẻ mặt độc ác cùng cực, từ từ xoay cổ 180 độ trong tiếng xương gãy răng rắc và một giọng nói ám ảnh không thể phát ra từ người chứ đừng nói đến từ một bé gái.
Tại Châu Á, điện ảnh Nhật Bản không chịu thua kém với dòng phim kinh dị lấy nhân vật trẻ em làm chủ đạo. Ringu (1998) và Ju-On (2002) được đánh giá còn đáng sợ hơn các đối thủ Âu-Mỹ do hiểu hơn và khai thác hiệu quả hơn các yếu tố tâm lý của người xem. Battle Royale (2000), bộ phim được nhiều người cho là đã tạo cảm hứng cho sự ra đời của chuỗi phim The Hunger Games sau này, kể về một nhóm học sinh sát hại nhau bằng những cách thức tàn nhẫn nhất để sinh tồn. Thầy giáo, nhân vật người lớn hiếm hoi xuất hiện trong bộ phim và cũng chính là người đã buộc các học trò của mình phải tham gia cuộc chiến sinh tử khốc liệt này, lại được những nhà làm phim miêu tả một cách đầy bao dung như một nạn nhân của lũ trẻ.
Exorcist (1973): Đỉnh cao phim kinh dị của mọi thời đại.
Nếu mỗi khán giả làm một cuộc tổng kết nho nhỏ về những nhân vật phản diện gây ám ảnh nhất đối với họ trong các bộ phim kinh dị, thì tôi tin rằng đa số danh sách này sẽ có nhiều hơn một nhân vật trẻ em độc ác quỷ quyệt.
Vì sao ‘đứa trẻ quỷ quyệt’ lại trở thành nguồn đề tài bất tận của các nhà làm phim đến như vậy? Và hiện tượng này liệu có phản ánh phần nào đó mối quan hệ người lớn – trẻ em trong đời thực?
Một số nhà bình luận cho rằng dòng phim kinh dị với nhân vật trẻ em phản ánh sự mất niềm tin của con người vào cái gọi là sự thánh thiện. Khi ngay cả trẻ em cũng trở thành hiện thân của cái ác thì sẽ không còn điều gì thực sự thuần khiết trên đời.
The Omen (1976): Con trai của quỷ Satan trong hình hài một cậu bé ngây thơ.
Một số nhà bình luận khác cho rằng dòng phim về ‘đứa trẻ quỷ quyệt’ qua mấy chục năm vẫn hút khách do nó phản ánh tâm lý con người sợ hãi trước những điều họ không nhìn thấy. Trẻ em là những tờ giấy trắng, nhưng cũng không dễ nắm bắt do chúng sống trong một thế giới ảo thực lẫn lộn, không giống như thế giới của người lớn. Rất nhiều bậc cha mẹ cảm thấy bất an về con cái, không biết chúng sẽ trưởng thành thành những con người ra sao , và cảm thấy mất kiểm soát với những đứa trẻ họ sinh ra.
Những nhận định này có lẽ là cách biểu đạt thơ mộng để tránh phải nói đến nguyên nhân trực diện và thẳng thừng hơn: ở một góc nào đó trong thế giới nội tâm của người lớn đang hiện hữu tâm lý chán ghét con trẻ. Sự phổ biến của dòng phim kinh dị lấy con trẻ làm nhân vật phản diện có nguyên nhân sâu xa từ chủ nghĩa cá nhân. Không phải tình cờ mà dòng phim này xuất hiện từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước – trùng thời điểm với sự trỗi dậy và thắng thế của chủ nghĩa cá nhân ở thế giới phương Tây. Sự phát triển kinh tế xã hội tạo điều kiện cho con người trở nên độc lập hơn, tập trung vào những nguyện vọng và ước mơ của bản thân nhiều hơn, nhưng cũng làm lỏng lẻo đi sự gắn kết ruột thịt mà tạo hóa trao cho con người với mục đích sinh tồn. Nhiều người lớn không còn coi con trẻ là sự nối dài cuộc đời của họ mà là sự phiền phức, cản trở trong sự nghiệp và cuộc sống cá nhân.
Battle Royale (2000): Người lớn được mô tả như nạn nhân của trẻ em.
Người đàn ông mà tôi kể đến ở đầu bài viết đã nhận được hàng chục phản hồi với hàng chục gợi ý, đủ để tổ chức một buổi chiếu phim marathon kéo dài một tuần chứ không chỉ một đêm. Những bộ phim này có thể là cách để người vợ giáo viên của anh giải tỏa tâm lý sau một năm làm việc vất vả. (Chúng ta đều hiểu nghề giáo viên trong xã hội hiện đại là một nghề đầy áp lực và đòi hỏi sự kiên nhẫn nhiều khi là phi thường).
Còn mỗi người lớn chúng ta, mỗi khi chọn một bộ phim đề tài ‘đứa trẻ quỷ quyệt’ để tiêu khiển trong một buổi tối cuối tuần, hãy bỏ ra một vài phút để tự đặt câu hỏi cho sự lựa chọn này. Bởi có thể, trong đó có những gợi ý về thực tế mối quan hệ hiện tại của chúng ta với những đứa trẻ xung quanh mình.
Những dự án phim táo bạo nhất của Hollywood trong thế kỷ XXI
IndieWire đưa ra danh sách những bộ phim táo bạo của điện ảnh thế giới trong gần 20 năm qua. Chùm tác phẩm đa dạng về thể loại cũng như đề tài.
Children of Men (2006): Khoản đầu tư mạo hiểm trị giá 76 triệu USD của Universal cho Children of Men xứng đáng được ca ngợi. Bởi bất chấp doanh thu toàn cầu 70,5 triệu USD, bộ phim của đạo diễn Alfonso Cuarón mang đến góc nhìn độc đáo và thấm thía về tương lai nhân loại. Yếu tố hành động trong Children of Men , thay vì giật gân hút khách, trở thành cơn ác mộng bạo lực không hồi kết. Cuộc hộ tống cô bé đang mang thai đứa trẻ cuối cùng trở thành thứ thuốc thử, bộc lộ hết thảy sự xấu xa và cả nhân tính đang chết dần, trong xã hội loài người. Ảnh: Universal .
Wall-E (2008): Thành công của Wall-E đã giúp Pixar tạo ra tiêu chuẩn mới cho phim hoạt hình bên ngoài các từ khóa tươi sáng, ồn ào và giàu năng lượng. Phần mở đầu của Wall-E được dàn dựng như một phim câm thể loại lãng mạn. Tới giữa, tác phẩm chuyển mình, trở thành câu chuyện mang tầm bao quát quá khứ, hiện tại và dự báo tương lai của Trái Đất cũng như loài người. Wall-E cũng đánh dấu lần đầu tiên Pixar sản xuất một phim hoạt hình xoay quanh các vấn đề của tuổi trưởng thành. Ảnh: Disney .
Arrival (2016) : Arrival là bộ phim khoa học viễn tưởng độc đáo mà khán giả ít có cơ hội thưởng thức những năm gần đây. Tác phẩm của đạo diễn Denis Villeneuve tiếp cận chủ đề người ngoài hành tinh xâm lược Trái Đất theo góc nhìn phi bạo lực. Arrival dùng người ngoài hành tinh làm cái cớ để nghiên cứu, khám phá những biến chuyển trong tâm trí một con người. Phim dễ khiến khán giả nhớ tới Inception và Memento của Christopher Nolan. Ảnh: Paramount .
Dunkirk (2017): Christopher Nolan nằm trong số không nhiều đạo diễn được nhà đầu tư tin tưởng rót kinh phí khổng lồ để thực hiện những dự án táo bạo. Dunkirk của Nolan có kinh phí sản xuất hơn 100 triệu USD dù dàn diễn viên chính thiếu vắng tên tuổi ngôi sao và cốt truyện chiến tranh không dễ để nắm bắt. Phim được chia thành ba phần, tương ứng với sự kiện ở ba mốc thời gian, bối cảnh và câu chuyện khác nhau. Nhưng thay vì xuất hiện theo tuyến tính, chúng bị cắt nhỏ, trộn lẫn, tạo thành một bộ phim thể nghiệm với quy mô bom tấn thương mại. Ảnh: Warner Bros .
mother! (2017): Tại thời điểm 2017, danh tiếng của Jennifer Lawrence có thể là lý do duy nhất khiến Paramount nhận phát hành một bộ phim như mother! của Darren Aronofsky. Phim thách thức sức chịu đựng của khán giả bằng những cú máy chông chênh xen lẫn các cảnh cận ngột ngạt. Cách giải quyết vấn đề táo bạo trong hồi ba của bộ phim cũng là điều khán giả ít có cơ hội được thưởng thức ở tác phẩm của các hãng phim lớn. Ảnh: Paramount Pictures .
The Greatest Showman (2017): Trong thập kỷ qua, đa số phim ca vũ nhạc trên màn ảnh rộng đều chuyển thể từ kịch bản của sân khấu Broadway hoặc phim hoạt hình Disney. Do đó, việc lựa chọn một kịch bản gốc, mang tính tiểu sử như The Greatest Showman để thực hiện là một quyết định nhiều may rủi với 20th Century Fox. Với phần nhạc phim bắt tai, cùng diễn xuất cuốn hút của Hugh Jackman, Michelle Williams, Zendaya..., tác phẩm đã thành công khi thu 435 triệu USD từ phòng vé toàn cầu với khoản kinh phí đáng kể 80 triệu USD. Ảnh: Fox .
Annihilation (2018): Paramount đã bán quyền phát hành Annihilation tại thị trường quốc tế cho Netflix nhằm giảm thiểu rủi ro thua lỗ. Bộ phim mang đến trải nghiệm mới ở thể loại khoa học viễn tưởng, đồng thời đặt ra cho khán giả vô số thách thức để hiểu được toàn bộ cốt truyện. IndieWire so sánh bộ phim của đạo diễn Alex Garland với tác phẩm từ hai nhà làm phim kỳ cựu Stanley Kubrick và Andrei Tarkovsky. Ảnh: Paramount .
Crazy Rich Asians (2018): Trước khi ra mắt, Crazy Rich Asians là một thương vụ đầu tư mạo hiểm đích thực. Không chỉ là bộ phim đầu tiên của Warner Bros. dùng toàn bộ diễn viên gốc Á kể từ The Joy Luck Club (1993), phim còn thuộc thể loại hài - lãng mạn đã thoái trào trong thập niên 2010. Nhưng tác phẩm của đạo diễn John M. Chu đã mang về trái ngọt với hơn 238,5 triệu USD thu được từ phòng vé toàn cầu, tức gấp khoảng 7,9 lần kinh phí sản xuất. Ảnh: Warner Bros .
Joker (2019): Joker vượt ra khỏi công thức của nhiều phim siêu anh hùng cùng thời - vốn nặng tính hành động và phụ thuộc nhiều vào kỹ xảo. Tác phẩm của Todd Phillips được giới phê bình mô tả gần với dòng phim tâm lý tội phạm, mà Taxi Driver (1976) là một đại diện. Dù lựa chọn cách tiếp cận mạo hiểm, tác phẩm đã thành công với hơn 1 tỷ USD doanh thu từ phòng vé, 11 đề cử Oscar và hai tượng vàng cho Nam diễn viên chính xuất sắc (Joaquin Phoenix) và Nhạc nền trong phim xuất sắc . Ảnh: Warner Bros.
Soul (2020): Tác phẩm chủ yếu nhắm tới đối tượng người trưởng thành, xoay quanh những suy tưởng về cuộc sống và chủ nghĩa hiện sinh. Rất khó để các khán giả nhỏ tuổi hiểu được trọn vẹn Soul . Tác phẩm đánh dấu bước tiến táo bạo của Pixar trong cách kể chuyện. Soul cho thấy tầm vóc của một xưởng phim hoạt hình đã có ba thập kỷ hoạt động và đóng vai trò quan trọng không thể thay thế tại Hollywood. Ảnh: Disney .
Phụ nữ Việt ở Hollywood 10 năm qua: Không còn là "bông hồng lẳng lơ" thời chiến gây tranh cãi mà mạnh mẽ vẽ nên câu chuyện siêu anh hùng! Trong thập kỷ vừa qua, đã nhiều lần phụ nữ Việt Nam xuất hiện trong các tác phẩm của Hollywood, với dấu hiệu ngày càng tích cực hơn. Xuyên suốt lịch sử của kinh đô điện ảnh Hollywood, đã có nhiều lần phụ nữ Việt Nam xuất hiện muôn màu muôn vẻ, dẫu vậy vẫn ít khi nào để lại được dấu ấn...