Hội chứng não cấp do ngộ độc chì có tỷ lệ tử vong rất cao
Trước tình trạng trẻ em nhiều địa phương ngộ độc chì mà chưa có một phác đồ về chẩn đoán và điều trị, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ngộ độc chì áp dụng tại tất cả các tuyến điều trị.
Trẻ ngộ độc chì được điều trị tại TT chống độc
(Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: P.T
Dễ nhầm với bệnh khác
Theo Bộ Y tế, không chỉ dùng các loại thuốc nam uống, bôi (dân gian gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi…) chứa chì mới có nguy cơ ngộ độc chì, mà có thể nhiễm chì qua nhiều nguồn tiếp xúc khác nhau.
Ví như trẻ chơi đồ chơi dùng sơn chì, nhiễm chì từ môi trường sống như bụi từ sơn chì cũ, đất bị nhiễm chì, ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp, nhiễm chì từ thực phẩm là đồ hộp có chất hàn gắn hộp sử dụng chì, sử dụng các đồ gốm sứ, thủ công có chì, những người làm các nghề có nguy cơ cao phơi nhiễm chì…
Tuy nhiên, để khẳng định một người có ngộ độc chì hay không bắt buộc phải tiến hành xét nghiệm máu để khẳng định.
Theo một bác sĩ điều trị tại Trung tâm chống độc, thời gian qua, nhiều trẻ bị ngộ độc chì được đưa đến đây khám thì trước đó đều đã khám ở tuyến cơ sở nhưng chỉ được chẩn đoán là suy dinh dưỡng, thiếu máu, động kinh… còn không phát hiện ra tình trạng ngộ độc chì, bởi các bác sĩ không nghĩ đến khả năng này để tiến hành xét nghiệm hàm lượng chì trong máu.
Video đang HOT
Vì thế, trong hướng dẫn chẩn đoán bệnh, Bộ Y tế lưu ý các tuyến cơ sở cần chú ý biệt chẩn đoán giữa ngộ độc chì với các nguyên nhân gây bệnh lý não, màng não phân biệt với các bệnh lý thần kinh, ngoại biên phân biệt với các bệnh thiếu máu do các nguyên nhân khác phân biệt với các nguyên nhân đau bụng cấp không do chì và phân biệt với trẻ bị suy nhược cơ thể.
Mức độ ngộ độc chì ở trẻ em được chia làm ba cấp. Ở mức độ nhẹ, bệnh rất kín đáo không có triệu chứng và chỉ được khẳng định khi có kết quả xét nghiệm máu. Ở mức độ trung bình, bệnh nhân đã bắt đầu có các biểu hiện tiền bệnh lý não, với các dấu hiệu như tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, bỏ chơi, quấy khóc. Đồng thời bệnh nhân cũng có biểu hiện tiêu hóa như nôn từng lúc, đau bụng, chán ăn.
Còn ngộ độc chì ở mức độ nặng, bệnh nhân đã có biểu hiện bệnh lý não với các dấu hiệu thay đổi hành vi, co giật, hôn mê, liệt dây thần kinh, tăng áp lực nội sọ. Biểu hiện tiêu hóa sẽ thấy bệnh nhân nôn kéo dài, đồng thời có biểu hiện thiếu máu, thiếu sắt.
Ngoài căn cứ vào dấu hiệu lâm sàng, khi bệnh nhân nghi ngờ nhiễm chì, cơ sở y tế cần xét nghiệm máu bởi cấp độ bệnh nhẹ – trung bình – nặng ngoài dựa vào các triệu chứng lâm sàng thì phải căn cứ vào hàm lượng chì trong máu.
Khác ở trẻ em, ngộ độc chì ở người lớn được chia làm bốn cấp độ với những hướng dẫn chi tiết về triệu chứng, dấu hiệu và tiêu chí về hàm lượng chì trong máu.
Ngộ độc chì nặng dễ tử vong
Bộ Y tế lưu ý, những bệnh nhân ngộ độc chì từ trung bình đến mức độ nặng đều phải nhập viện điều trị. Hướng dẫn điều trị được hướng dẫn rất chi tiết từng loại thuốc, hàm lượng với từng đối tượng từ trẻ em, người lớn, phụ nữ mang thai… Các biến chứng, tác dụng phụ của từng loại thuốc điều trị ngộ độc chì cũng được chỉ ra và hướng dẫn chi tiết cách xử lý.
Ngoài ra, các phương pháp điều trị để hạn chế hấp thu chì như rửa dạ dày, rửa ruột toàn bộ… cũng được hướng dẫn chi tiết cho từng trường hợp.
Bộ Y tế đánh giá ngộ độc chì rất nguy hiểm, nhất là ở trẻ em. Ở trẻ em ngộ độc chì với nồng độ chì trong máu> 70 µg/dL thường gây hội chứng não cấp ở trẻ nhỏ. Trong khi đó, hội chứng não cấp dễ gây tử vong hoặc di chứng thần kinh, tâm thần nặng nề với tỷ lệ tử vong là 65% khi chưa có thuốc gắp chì và giảm xuống
Tuy nhiên nguy hiểm ở chỗ, phần lớn các trẻ có chì máu tăng nhưng không có triệu chứng rõ và vẫn có nguy cơ để lại di chứng về trí tuệ, thể chất. Vì thế, nếu có nguy cơ nhiễm độc chì từ thuốc nam, môi trường sống… nên đưa trẻ tới bệnh viện kiểm tra để được xét nghiệm máu khẳng định.
“Với hướng dẫn chi tiết, cụ thể của Bộ Y tế, bệnh nhân hoàn toàn có thể được phát hiện bệnh và điều trị ngay ở tuyến cơ sở”, một bác sĩ Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Giật mình trẻ ngộ độc chì từ làng nghề
Kết quả, 100% trẻ ở xã Chỉ Đạo (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) đi khám (hơn 100 bé) đều có hàm lượng chì trong cơ thể vượt ngưỡng cho phép từ 2-7 lần, có trẻ đã ở mức báo động...
Hoạ từ nghề của người lớn
Trẻ ở xã Chỉ Đạo không phải bị nhiễm chì do uống thuốc cam mà do môi trường sống gây nên. Người dân xã Chỉ Đạo, trọng điểm là thôn Đông Mai, chuyên nghề sản xuất chì từ phế liệu ắc quy từ mấy chục năm nay. Xung quanh làng có rất nhiều bờ rào, nhà vệ sinh, chậu hoa, bồn rửa xếp bằng các vỏ bình ắc quy cũ, minh chứng cho một quá khứ "hào hùng" của nghề nấu chì trong làng.
Ông Trinh Văn Hiến - Phó Chủ tịch UBND xã kể: "Cách đây 4- 5 năm, cứ vào buổi chiều, hàng chục, hàng trăm lò nấu chì thủ công dàn hàng ngang trên đường mà đốt. Khói bụi mù mịt, ô tô, xe máy muốn nhìn đường đi phải bật đèn vàng".
Việc sản xuất chì từ ắc quy phế liệu của người dân thôn Đông Mai đã gây hoạ cho con em họ.
Làm nghề độc hại như vậy mà người dân chỉ bảo hộ qua loa bàn tay để chống axít, rồi "hồn nhiên" chặt bình ắc quy, gom chì phế liệu bỏ vào "chảo" và nấu trên các lò thủ công. Họ đổ bã chì xuống ao, ruộng để lấp làm nhà. Người dân vô tư chung sống, sinh con đẻ cái... trên chì.
Nghiên cứu của Viện Y học và Vệ sinh môi trường về mức độ ô nhiễm tại xã Chỉ Đạo năm 2007-2008 cho thấy, mức ô nhiễm chì trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn 3,47 lần và càng gần lò đun thì hàm lượng chì trong khói bụi, nước càng cao. Có những thời điểm, hàm lượng chì vượt ngưỡng hơn 10 lần cho phép. Các loại thực phẩm như rau, cá có hàm lượng chì nhiễm vượt tiêu chuẩn 4,61 lần...
Quýt làm cam chịu
Hai tháng qua, người dân xã Chỉ Đạo, đặc biệt dân thôn Đông Mai đứng ngồi không yên khi Viện Y học và Vệ sinh môi trường công bố danh sách trẻ em được xét nghiệm máu nhanh. 109 em được xét nghiệm (từ 1-10 tuổi) thì cả 109 em đều có hàm lượng chì trong máu vượt tiêu chuẩn cho phép.
Ông Lỗ Văn Tùng - người phụ trách nghiên cứu cho biết: "Theo tiêu chuẩn của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Mỹ, hàm lượng chì trong máu bình thường của trẻ em không được vượt ngưỡng 10mcg/dl, nhưng 100% mẫu máu các em ở xã Chỉ Đạo đều có hàm lượng chì từ 18,9-74,52mcg/dl, trong đó 39 em có hàm lượng chì trên 40mcg/dl - mức báo động".
TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: Do hệ thần kinh non yếu, khả năng thải độc kém nên trẻ dễ ngộ độc chì hơn người lớn. Trẻ nhiễm chì dễ dẫn đến suy gan, thận. Nguy hiểm hơn, nhiễm độc chì ở trẻ nhỏ có thể gây nên bệnh Alzheimer (mất trí nhớ, sụt cân, khó khăn trong vận động) khi trẻ trưởng thành.
Chị Đỗ Thị Lý - Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết, số trẻ được xét nghiệm mới chỉ chiếm 1/10 số trẻ dưới 10 tuổi của toàn xã.
Gia đình chị Nguyễn Thị Tách (thôn Đông Mai) có lò sản xuất chì tại nhà đã 7- 8 năm nay. Hai đứa con chị đều có hàm lượng chì xét nghiệm lần 2 rất cao: Cháu Lê Thị Hường (sinh năm 2005) là 64mcg/dl và Lê Ngọc Chuẩn (sinh năm 2009) là 74,5mcg/dl.
Chị Tách cho biết: "Con tôi vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không có biểu hiện bệnh tật". Chỉ có điều, 3 tuổi nhưng cậu con trai chưa được 14kg, còn cô con gái thấp bé hơn các bạn cùng lứa.
Nhà chị Lê Thị Xuân có cậu con trai út sinh năm 2009 cũng có hàm lượng chì trong máu trên 60mcg/dl. Chị cho biết, vừa đưa con trai đi lọc máu tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai về. Gia đình chị có một đứa con 24 tuổi bị ngờ nghệch.
"Có thể nó đã bị di chứng của ngộ độc chì mà mình không biết, giờ đã quá muộn rồi" - chị Xuân đau lòng nói. Hiện người dân xã Chỉ Đạo rất mong được hỗ trợ di dời cơ sở làm nghề ra khỏi làng và điều trị thải độc chì cho trẻ.
Diệu Linh
Theo Dân Việt
"Siêu thực phẩm": 30% quảng cáo sai Theo đánh giá của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) trong khoảng 10 năm có mặt ở VN, thị trường thực phẩm chức năng luôn tăng trưởng cao. Phải chăng trong đó có "công" của các hoạt động quảng cáo? Một bệnh nhân bị hội chứng Stevens Johnson sau khi dùng lọ thực phẩm chức năng "xách tay", Ảnh:...