- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Học lớp 1 ‘cõng’ thêm bài tập đạo đức: Không cần thiết

On 01/09/2021 @ 9:16 AM In Học hành

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, việc đưa vào nhiều đầu mục sách bổ trợ ở lớp 1 là không cần thiết, tạo áp lực cho học sinh và phụ huynh.

Đầu năm học 2021-2022, phụ huynh có con em bắt đầu bước vào lớp 1 lại chóng mặt với sách giáo khoa.

Theo đó, giá sách giáo khoa lớp 1 các nhà xuất bản công bố chỉ dao động trên dưới 200 đồng/bộ, tuy nhiên thực tế khi mua ở trường giá sách mỗi nơi một khác, chủ yếu là tăng gấp vài lần, thậm chí có trường, phụ huynh chi trả tới 798.000 đồng cho 29 đầu sách khác nhau.

Lý do của sự chênh lệch này là vì học sinh lớp 1 học 3 bộ sách khác nhau (Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục và bộ sách Cánh diều của NXB Đại học Sư phạm TP.HCM). Bên cạnh đó, trong danh mục, ngoài sách giáo khoa bắt buộc còn có một loạt sách bổ trợ.

Về nguyên tắc, phụ huynh không bắt buộc phải mua sách bổ trợ mà chỉ mua những đầu sách cần thiết nhất phục vụ cho việc học của con em, tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều bậc phụ huynh, qua gợi ý của giáo viên, nhà trường, hầu hết họ đều mua trọn bộ sách, trong đó có những quyển như:

Vở Bài tập Đạo đức, Bài tập Âm nhạc, Bài tập Tự nhiên và Xã hội, Bài tập Mỹ thuật, Bài tập Hoạt động trải nghiệm, Truyện đọc phát triển năng lực đọc hiểu và kể chuyện, Bộ thực hành Toán - Tiếng Việt

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, những sách bổ trợ nêu trên hoàn toàn không cần thiết bởi chúng chỉ "để cho vui", có điều kiện thì dùng, không ai ép.

Vậy nhưng, những sách này vẫn đưa vào danh mục sách cần mua/khuyến khích mua, thậm chí nhập nhèm không công bố rõ đâu là sách giáo khoa bắt buộc, đâu là sách bổ trợ, cuối cùng khiến phụ huynh phải bỏ ra số tiền không nhỏ để mua đống sách mà đôi khi không dùng đến.

Học lớp 1 cõng thêm bài tập đạo đức: Không cần thiết - Hình 1

Danh mục bộ sách lớp 1 với giá 798.000 đồng được một phụ huynh đăng tải. Ảnh: FBNV

"Học sinh, phụ huynh không phải ai cũng có điều kiện như nhau, tại sao lại bắt họ phải mua? Đó là một áp lực. Chính bởi quy định không chặt chẽ dẫn đến tình trạng phát triển tự phát này", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nhận xét.

Tình trạng bán sách giáo khoa kiểu "bia kèm lạc" đã tồn tại nhiều năm nay. Việc một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, địa phương tự do chọn sách dẫn đến chuyện các nhà xuất bản đua nhau in sách và bán sách, còn phụ huynh phải mua. Không chỉ sách giáo khoa lớp 1 mà những lớp tiếp theo cũng có tình trạng này, một loạt sách được in ra và phụ huynh phải mua tất.

Theo vị chuyên gia, nhà trường không có chức năng phát hành sách mà chỉ có thể cung cấp thông tin, quyền lựa chọn là của phụ huynh. Nhưng đáng tiếc, thực tế lại không được như vậy, thậm chí từ lâu dư luận đã đặt ra nghi ngại về việc giữa nhà trường và bên bán sách có thỏa thuận hoa hồng.

Nhấn mạnh nguyên tắc phải lấy quyền lợi của người dân làm gốc, không thể tạo thêm gánh nặng, làm khổ học sinh và phụ huynh, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh dẫn chứng có những sách bổ trợ hoàn toàn không cần thiết như Bài tập đạo đức hay bài tập hoạt động trải nghiệm, bài tập âm nhạc.

"Lớp 1 chủ yếu dạy trẻ biết nghe lời người lớn, biết lẽ phải, phân biệt đúng sai, đúng sai ấy thể hiện ở tình thương. Không thiếu những chuyện xưa, ca dao, tục ngữ dạy làm người, rồi trong mấy chục năm kháng chiến và kiến thiết đất nước, có bao nhiêu tấm gương sáng hy sinh vì cộng đồng... Những chuyện đó cần lựa chọn để nói cho học sinh hiểu tại sao lại làm thế và chúng ta nên noi gương theo, chứ không cần thiết phải bày ra bài tập đạo đức để bán sách.

Tương tự, bài tập âm nhạc cũng vậy. Âm nhạc là một loại năng lực đặc biệt, không phải ai cũng có cảm nhận như nhau, không thể đánh đồng", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh bày tỏ quan điểm và cho rằng, tâm lý bậc làm cha làm mẹ bao giờ cũng muốn con mình ngoan ngoãn, lớn lên trở thành người tốt. Tuy nhiên, ngay việc mua sách giáo khoa theo kiểu ép uổng như hiện nay thì không thể vô tư được.

Nhìn rộng ra, vị chuyên gia bày tỏ, chương trình đào tạo một con người từ bé đến lớn phải nhất quán và có tiêu chí chung. Tiêu chí chung ấy bao gồm tính người và khả năng làm việc.

Với trẻ nhỏ thì chưa nói chuyện làm việc, làm nghề, nhưng để rèn luyện cho trẻ thì từ xưa đến nay vẫn có một môn truyền thống là môn thủ công giúp trẻ rèn khả năng sáng tạo, tưởng tượng. Điều quan trọng nhất của giáo dục là phải đào tạo con người mang tính người.

"Đó là tiêu chí cao nhất và nó phản ánh trong đạo đức, logic những vấn đề giáo viên đề cập tới, đối với những vấn đề xảy ra thái độ ứng xử ra sao luôn luôn thể hiện tính người trong đó, đó là tinh thần vì cộng đồng, mình vì mọi người, mọi người vì mình, quan tâm, thương yêu nhau.

Mọi bộ giáo trình đều phải lấy chuẩn này để soạn, phải có một chương trình thống nhất, xuyên suốt từ dưới lên trên vì khi trẻ lớn dần, tính cách cũng lớn dần lên", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh chỉ rõ.

Bên cạnh mục tiêu dạy làm người, giáo dục còn dạy làm nghề. Theo ông Ninh, khi trẻ học hết trung học là có thể bắt đầu dạy làm nghề bởi không phải trẻ nào cũng học tiếp lên được. Khi ấy, trẻ phải có khả năng tiếp nhận cuộc sống, làm cái gì, một sản phẩm tồn tại trong xã hội được hình thành và làm ra sao, làm bằng cách nào...?

Những chuyện đó là kỹ năng của các nhà kỹ thuật, phải tập trung vào để tạo ra một chương trình có tính mẫu mực, qua đó tạo cho trẻ khả năng suy nghĩ để làm ra sản phẩm.

Từ những phân tích ở trên, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng một chương trình giáo dục không thể có nhiều bộ sách giáo khoa. Chỉ nên có một bộ duy nhất và thống nhất tiêu chí, còn khi làm nghề thì lúc đó hãy đa dạng.

"Chính vì vậy, vai trò của Bộ GD-ĐT rất quan trọng, cần có Hội đồng tư vấn giáo dục để có thể thảo luận các chương trình này", ông lưu ý.


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/hoc-lop-1-cong-them-bai-tap-dao-duc-khong-can-thiet-20210901i5999220/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.