Hoa Thúy rùng mình nhớ về cảnh nóng bạo liệt
Sau những cảnh nóng trong phim “Bi đừng sợ”, Hoa Thúy bị sốc nặng và gần như phải chạy trốn.
Chạy trốn vì cảnh nóng
Diên viên Hoa Thuy la môt khuôn măt không xa la vơi sân khâu kich hay man anh nho. Chị được khán giả yêu mến qua rất nhiều nhân vật trên truyền hình đặc biệt là loạt phim Cảnh sát hình sự. Là diễn viên, mỗi bộ phim mình đóng khi được công chiếu là niềm hạnh phúc khôn tả nhưng với Hoa Thúy, có một bộ phim mà chị rất sợ khi phim ra rạp, đó là vai cô giáo Thúy trong Bi đừng sợ.
Bi đừng sợ rất thành công ở nhiều LHP quốc tế nhưng nó lại gây bão ở Việt Nam khi một số cảnh nóng táo bạo của cô giáo Thúy bị cho là quá bạo liệt, không phù hợp với văn hóa của Á Đông. Thậm chí khi phim ra rạp, có cảnh của Hoa Thúy đã bị cắt vì bị cho là phản ảm.
Hoa Thúy – vai cô giáo Thúy trong Bi đừng sợ.
Hoa Thúy kể khi đọc kịch bản thì không hề thấy có cảnh nhạy cảm trực diện nào. Chi tiết nhạy cảm nhất chỉ là cảnh trong phòng khách sạn, những âm thanh chỉ có ở phòng the vang ra, người xem hiểu đó là Trung và cô giáo Thúy đang tình tự. Thế nhưng, khi ra biển, đạo diễn nhìn thấy cảnh biển quá đẹp, anh chộp luôn và bắt quay cảnh nhạy cảm ngay tại bối cảnh đó. Lúc đó, Hoa Thúy sốc và không chịu diễn. Mọi người trong đoàn làm phim thi nhau thuyết phục Hoa Thúy còn đạo diễn Phan Đăng Di chỉ nói một câu: “Ngày hôm nay không làm thì ngày mai làm tiếp”.
Thời điểm đóng Bi đừng sợ, Hoa Thúy cũng sắp lên xe hoa với người đàn ông hơn mình 18 tuổi. Chồng tương lai lại hiền lành, hay tới trường quay xem vợ diễn. Nghĩ đi nghĩ lại, đằng nào cũng phải diễn nên Hoa Thúy đành chấp nhận. Chị nhớ lại: “Lúc đó tôi cũng đắn đo lắm, diễn trước thì khỏi diễn sau. Với lại chẳng may cứ chần chừ đúng hôm chồng sắp cưới ra xem tôi diễn, gặp cảnh đó, chưa hiểu nội dung vai diễn ra sao, chắc anh ấy sẽ sốc lắm nên tôi đành cố gắng”.
Mặc dù nhờ đóng thế và kỹ xảo điện ảnh nên Hoa Thúy cũng không phải “phơi mình” trước máy quay nhưng đấy chỉ là những cảnh hậu trường biết với nhau. Còn khi phim đã đóng máy, đã đưa tới khán giả thì phải đảm bảo hình ảnh chân thực, khán giả xem không thể biết là có diễn viên đóng thế. Chính vì thế mà khi phim ra mắt tại Việt Nam, Hoa Thúy gần như phải chạy trốn.
Đã có người chơi xấu Hoa Thúy khi in nguyên đoạn nhạy cảm của cô với bạn diễn gửi về nhà chồng ở Quảng Ninh khiến mẹ chồng rồi chồng chị rất sốc. Gia đình rơi vào tình trạng căng thẳng. Dù có giải thích thế nào thì chồng chị vẫn không hết giận. Lúc đó Hoa Thúy thực sự lo sợ cuộc hôn nhân thứ 2 của mình sẽ rơi vào tình trạng tan vỡ.
Chỉ khi cô, cậu ruột của chồng nói chuyện, chồng chị mới bớt giận. “Lúc cả làng xôn xao rằng tôi đóng phim cấp 3, cô cậu ruột của chồng bảo nó đóng phim chứ cấp 3 cấp 4 gì. Hàng ngày, diễn viên đóng bao nhiêu vai, thế cứ diễn cảnh giết người thật thì lấy đâu diễn viên mà diễn nữa” – Hoa Thúy tâm sự.
Hoa Thúy trong loạt seri phim Cảnh sát hình sự.
Vợ chồng như “Ngưu lang Chúc nữ”
Một thời gian sau, khi mọi chuyện đã nguôi ngoai, không ai trong gia đình nhắc đến bộ phim đó nữa thì cũng là lúc Hoa Thúy hiểu rằng, hy sinh cho nghệ thuật là tốt nhưng gia đình với chị lúc này là cần thiết hơn cả.
Từ khi Bi đừng sợ gây ồn ào, đã 3 năm nay Hoa Thúy không nhận lời đóng phim. Chị chỉ diễn ở Nhà hát Tuổi trẻ – nơi chị đang công tác.
“Anh Di mới nhắn tin mời tôi tham gia vào bộ phim mới. Anh cũng cẩn thận nhắn là phim không có cảnh nóng nhưng tôi chưa trả lời” – Hoa Thúy nói.
Hàng ngày, sau công việc của nhà hát, chị về nhà chăm sóc các con. Với chị thế là hạnh phúc. Ngồi nói chuyện với Hoa Thúy tại nhà riêng, chốc chốc con trai út mới tròn 3 tuổi của chị lại nũng nịu mẹ.
Kể về quá trình chăm con mới biết Hoa Thúy là người cực kỳ sạch sẽ và kỹ tính. Ở tầng 1 có phòng bếp rất hiện đại nhưng chị không dám dùng vì sợ trong quá trình nấu nướng, mùi thức ăn ám vào các phòng khác gây ảnh hưởng tới sức khỏe bọn trẻ. Chị hì hục dọn bếp lên tận tầng 5, chị cười nói: “Nấu nướng mùi thức ăn bay lên trời, thế là đỡ bị ám mùi”.
Chuyện chọn trường mẫu giáo cho con cũng rất kỳ công. Chị bảo, hầu như các lớp mầm non ở khu vực nhà chị. Hoa Thúy đã cho con thử học nhưng chỉ một vài ngày phát hiện môi trường không được sạch sẽ, chị cho con nghỉ học ngay. Sau quá nhiều lần đổi trường chọn lớp, hiện tại Hoa Thúy cũng đã tìm được chỗ học ưng ý cho 2 cậu con trai. Dù cách nhau 1 tuổi nhưng cả hai anh em lại được học cùng lớp.
Hoa Thúy trong vở Vòng phấn Kavkaz.
Không hẳn rảnh con, Hoa Thúy còn tếu táo rằng chị rảnh cả chồng. Chồng chị làm việc tại Quảng Ninh, lại có mẹ già cần được chăm sóc, chị công tác trên Hà Nội khiến 2 vợ chồng không thể sống cùng nhau. “Vợ chồng tôi như Ngưu lang Chúc nữ, nhiều lúc nghĩ cũng rất buồn nhưng nhiều lúc lại thấy nó thú vị vì lúc nào vợ chồng cũng như trong trạng thái đang hẹn hò” – Hoa Thúy bảo.
Những lúc chồng không có nhà, chị dồn hết tâm sức vào chăm con. Các món con thích, chị nấu phục vụ hết. Nhưng khi chồng chị gọi điện sẽ lên thăm mấy mẹ con, chị lại tự cho mình quyền ‘rảnh con’ để ‘bận chồng’. Con lúc đó sẽ giao cho người giúp việc, ăn uống thì sẽ tạm bợ chút, vợ chồng chị sẽ đi chơi cùng nhau, đi ăn những món yêu thích.
Đã làm mẹ từ khi còn quá trẻ, đã đổ vỡ hôn nhân khi chỉ vài năm chung sống nên hơn ai hết Hoa Thúy hiểu rõ giá trị của hạnh phúc, hiểu mình phải điều tiết cái gì cho phù hợp để có thể có được cuộc hôn nhân yên ấm. Vậy nên, cuộc sống xa chồng của Hoa Thúy không còn cảm giác nặng nề, chị biết chấp nhận hoàn cảnh và tạo niềm vui cho mình. Với Hoa Thúy, gia đình bây giờ là quan trọng nhất. Còn phim ảnh, nếu thu xếp được thời gian và có phim phù hợp, chị cũng sẽ không từ chối.
Video đang HOT
Theo Tình Lê/VietNamNet
Gặp lại dàn diễn viên phim 'Cảnh sát hình sự' (1997)
17 năm đã trôi qua kể từ khi phát sóng những tập phim "Cảnh sát hình sự" đầu tiên, cuộc sống của các diễn viên như Võ Hoài Nam, Hoa Thúy, Hoàng Hải... đã có nhiều thay đổi.
Cảnh sát hình sự là series phim truyền hình do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (thuộc Đài truyền hình Việt Nam) sản xuất từ năm 1997 với đề tài phòng chống tội phạm. Đã có nhiều phần phim mới ra đời, với những kịch bản và dàn diễn viên mới, nhưng chắc chắn khán giả vẫn ấn tượng với "bộ tứ" diễn viên chính: NSƯT Võ Hoài Nam (vai Chiến), diễn viên Hoa Thúy (vai Hiền), NSƯT Hoàng Hải (vai Minh), diễn viên Nguyễn Văn Báu (vai Khắc Trường)trong loạt phim đầu tiên từ năm 1997 đến năm 2000.
Đây là các diễn viên đảm nhận vai các chiến sĩ công an xuyên suốt trong 40 tập phim, bao gồm các phần: Ngược dòng cái chết (1997); Nước mắt của mẹ (1997); Truy đuổi tội phạm (1998); Cái chết con thiên nga (1998);Kẻ giả danh (1999); Bí mật giang hồ rắn (1999); Hãy về với em (2000);Từ đen đến trắng (2000). 40 tập phim được quay ở nhiều tỉnh thành khác nhau như Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế...
Đạo diễn Khải Hưng giữ vai trò tổng đạo diễn suốt 40 tập phim. Phần kịch bản do nhóm biên kịch: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thành Phong, Trung Đỉnh, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Quang Lập chắp bút mang lại cho người xem những vụ án vô cùng hồi hộp, hấp dẫn.
Ngoài các phần phim Cảnh sát hình sự thành công thì không thể không kể đến nhạc phim cực kỳ ám ảnh. Ca khúc Những bước chân lặng lẽ được sáng tác bởi nhạc sĩ Vũ Thảo trở thành điều không thể thiếu với mỗi phần phim. Được thể hiện qua giọng ca đầy sức nặng của ca sĩ Thùy Dung, Những bước chân lặng lẽ đã lột tả được công việc âm thầm, những vất vả và gian lao của các chiến sĩ cảnh sát.
17 năm đã trôi qua kể từ khi phát sóng những tập phim Cảnh sát hình sự đầu tiên, cuộc sống của các diễn viên chính giờ ra sao, họ còn góp mặt trong những bộ phim nào khác?
NSƯT Võ Hoài Nam
Đảm nhận vai Chiến trong phim là NSƯT Võ Hoài Nam. Anh mang tới cho khán giả hình ảnh một chiến sĩ công an với vẻ phong trần, lãng tử, mưu trí trong phá án, bắt tội phạm. Trong những tập cuối cùng của bộ phim, hình ảnh Chiến hy sinh khi đỡ đạn cho đồng đội mang lại sự xúc động và tiếc nuối cho nhiều khán giả yêu mến bộ phim.
NSƯT Võ Hoài Nam với hình ảnh một chiến sĩ công an quả cảm.
NSƯT Võ Hoài Nam có một tuổi thơ không thể nào quên với những năm tháng đi bụi, lang thang kiếm sống ở các ga tàu. Anh nhập ngũ năm 18 tuổi, đến năm 22 tuổi, anh xuất khẩu lao động sang Nga nhưng được một năm thì lại trở về. Về nước, anh theo học nghề tại nhà hát kịch Trung ương. Khi học đến năm thứ 3, anh được đạo diễn Hà Sơn mời tham gia bộ phim nhựa Truyền thuyết tình yêu thần nước. Chạm ngõ điện ảnh với vai nam chính, rồi cứ thế, anh bén duyên với nghệ thuật thứ 7 hết vai này đến vai khác và trở thành một trong những tài tử nổi tiếng nhất của màn ảnh phía Bắc.
Đến năm 2003, vai Trọng trong bộ phim điện ảnh Vua bãi rác của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn mang lại cho anh giải Diễn viên trẻ xuất sắc nhất trong LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 47 tại Pusan (Hàn Quốc).
Sau bộ phim Chuyện phố phường (2005) của đạo diễn Danh Dũng, Võ Hoài Nam bỗng biến mất khỏi màn ảnh. Anh cùng vợ con khăn gói vào Nam mở cửa hàng ăn. Đến năm 2009, lại thấy anh "kéo quân" ra Hà Nội, lặn lội đi tìm thuê nhà, cùng vợ tiếp tục kinh doanh cửa hàng ăn.
Những tưởng chàng "cảnh sát hình sự" đã quên lãng điện ảnh thì bất ngờ năm 2011 anh trở lại đóng phim qua lời mời của một người bạn trong đoàn phim Song hùng kỳ dị. Tài tử gốc Bắc đảm nhận vai Ấn Phong, một "anh hùng hiệp nghĩa" thời hiện đại.
Gia đình NSƯT Võ Hoài Nam.
Trải qua nhiều công việc, nhiều thăng trầm trong cuộc sống, với NSƯT Võ Hoài Nam, nghề diễn vẫn là đam mê số 1. Anh đầu quân cho Hãng phim truyện Việt Nam và tiếp tục con đường nghệ thuật với công việc viết kịch bản và đạo diễn.
Nghệ thuật vẫn là đam mê số 1 của NSƯT Võ Hoài Nam.
Diễn viên Hoa Thúy
Những nữ cảnh sát xinh đẹp trên màn ảnh Việt không thiếu, nhưng về thần thái và sự tinh tế trong diễn xuất thì khó mà qua được vai Thu Hiền do Hoa Thúy đảm nhiệm. Trong phim này, suốt từ đầu đến cuối, Thu Hiền là một nữ cảnh sát nghiêm nghị, cứng rắn nhưng đến khi người yêu hy sinh ngay trước ngày cưới, Hiền không thể che giấu sự yếu đuối của một người con gái. Cảnh Hiền ôm lấy xác Chiến gào lên đau đớn đã lấy đi biết bao nước mắt của khán giả.
Hoa Thúy trong vai nữ cảnh sát Thu Hiền.
14 tuổi, Hoa Thúy đã xa gia đình để bắt đầu cuộc sống tự lập của một cô sinh viên nghệ thuật. Chị học hát chèo tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Các đạo diễn đã phát hiện ra khả năng diễn xuất để biến chị thành một diễn viên phim truyền hình nổi tiếng.
17 tuổi đã được mời đóng phim nhựa Người đàn bà không con và sau đó là Hà Nội mùa đông 46. Đến nay, Hoa Thúy đã có mặt trong hàng loạt phim điện ảnh và truyền hình nổi tiếng: Duyên nghiệp, Xin hãy tin em, Chuyện của Pao, Làng cát, Đồng Nọc Nạn, Bi, đừng sợ...
Hoa Thúy với vai cô giáo trong phim Bi, đừng sợ.
Một vài hình ảnh đời thường hiếm hoi của Hoa Thuý.
Hoa Thúy kết hôn vào năm 1996 cùng diễn viên Tùng Dương và có một cô con gái, nhưng được 3 năm thì "đường ai nấy đi". Một mình Hoa Thúy nuôi con và đến tận năm 2010 chị mới tái hôn với một người đàn ông hơn mình 18 tuổi. Hiện tại, chị là diễn viên của đoàn kịch 2 (Nhà hát Tuổi Trẻ - Hà Nội).
NSƯT Hoàng Hải
Trong series phim này, NSƯT Hoàng Hải vào vai Minh - một chiến sĩ công an mạnh mẽ, rắn rỏi, luôn đi đầu xông pha trong mọi mặt trận nguy hiểm để truy bắt tội phạm. Nhưng vì quá đam mê công việc mà anh không có thời gian lo lắng cho gia đình khiến vợ bỏ đi cặp bồ rồi lao vào con đường tù tội. Những chuyện xảy ra với cuộc sống của vợ chồng Minh giúp khán giả thấu hiểu hơn về những khó khăn, những nỗi khổ tâm của các chiến sĩ công an khi họ hi sinh cuộc sống cá nhân để bảo vệ cho lợi ích, cho sự an nguy của cộng đồng.
Vai Minh do NSƯT Hoàng Hải đảm nhận.
NSƯT Hoàng Hải sinh ra ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu và Điện ảnh, anh về Nhà hát Kịch Hà Nội. Sau đó, anh theo gia đình trở về nguyên quán Đà Nẵng và đầu quân về Đoàn ca kịch Quảng Nam. Những năm bao cấp, thù lao nghề diễn ít ỏi, anh chuyển sang buôn bán nhiều loại hàng hóa khác nhau, rồi kinh doanh xe du lịch. Tích góp vốn liếng kha khá, anh mở cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng. Bây giờ, anh trở thành Giám đốc đại lý phân phối khu vực miền Trung cho một nhãn hàng của Nhật Bản.
NSƯT Hoàng Hải hiện là một doanh nhân thành đạt.
Song song với công việc kinh doanh, NSƯT Hoàng Hải vẫn duy trì niềm đam mê với nghiệp diễn xuất. Anh tham gia trong nhiều bộ phim nổi tiếng như Đường đời, Đồ vật lãng du, Làng ven hồ, Dòng sông phẳng lặng, Rác phố, Hai người trở lại trung đoàn, Vết trượt, Gió làng Kình, Vệt nắng cuối trời, Bí mật tam giác vàng, Giấc mơ hạnh phúc, Nơi chốn ta quay về...
Năm 2013, NSƯT Hoàng Hải thủ vai tướng Dinh (nguyên mẫu của tướng Đinh Đức Thiện) trong bộ phim chiến tranh Những người viết huyền thoại- bộ phim đoạt 6 giải thưởng tại LHP Việt Nam lần thứ 18. Đây tiếp tục là một vai diễn mà NSƯT Hoàng Hải lưu giữ hình tượng đẹp trong lòng khán giả.
NSƯT Hoàng Hải vai tướng Dinh trong phim Những người viết huyền thoại.
Diễn viên Nguyễn Văn Báu
Diễn viên Nguyễn Văn Báu là gương mặt không còn xa lạ gì với điện ảnh Việt. Hầu như các vai diễn người công an tài trí, sắc sảo và trung thực nào trên phim là khán giả lại thấy như nó được "đo ni đóng giày" cho ông. Trong loạt phim Cảnh sát hình sự đầu tiên, ông thủ vai thiếu tá Khắc Trường, là "thủ trưởng" của Chiến, Hiền và Minh.Quả cảm, mưu trí, quyết liệt và cương nghị nhưng vai diễn người chiến sĩ công an do ông thể hiện vẫn giản dị, điềm đạm và đời thường. Cũng vì thế, mỗi khi nhắc vai diễn người lãnh đạo công an nhân dân, khán giả thường sẽ nhắc ngay đến diễn viên Văn Báu.
Diễn viên Văn Báu với hình tượng người chiến sĩ công an cương nghị, điềm đạm.
Nghệ sĩ Văn Báu bén duyên với điện ảnh khá muộn. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ông nội là NSND Nguyễn Văn Thịnh - một trong những người sáng lập Đoàn chèo Trung ương và cha là NSƯT cải lương Nguyễn Văn Bái, nhưng con đường đến với nghệ thuật của ông lại gập ghềnh với nhiều khúc quanh. 17 tuổi, sẵn nét thư sinh trai trẻ và giọng hát trời phú, Văn Báu là ca sĩ của Đoàn ca múa Tổng cục Hậu cần. Sau gần chục năm trong Đội Văn công Trường Sơn, lăn lộn phục vụ trên nhiều chiến trường, năm 1977, ông phải ra quân vì sức khỏe giảm sút. Gần 20 năm, ông là phát thanh viên của Đài phát thanh và truyền hình Hải Phòng, đến tuổi 43, Văn Báu mới kết duyên và gắn bó với điện ảnh.
Hình ảnh hiện nay của "thủ trưởng Trường".
Văn Báu đến với điện ảnh bắt đầu bằng vai người quản giáo nghiêm khắc và giàu lòng thương người trong phim ngắn Câu chuyện về người tù. Tới nay, ông đã có trong hành trang của mình hàng chục vai diễn công an, từ Lời sám hối muộn màng, Làng cát, Trò chơi sinh tử, Bí mật những cuộc đời, rồi sau này là Chạy án 1, Chạy án 2....
Gần đây, trong 2 bộ phim mới lên sóng truyền hình, nghệ sĩ Văn Báu tiếp tục xuất hiện với hình ảnh người lãnh đạo công an nhân dân. Đó là vai diễn người hiệu trưởng mẫu mực của Học viện Cảnh sát trong bộ phim Chạm tay vào nỗi nhớ và vai Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tận tâm với công việc trong phim Sát thủ online.
Nghệ sĩ Văn Báu tiếp tục hóa thân vào vai người lãnh đạo công an nhân dân.
Bên cạnh hình ảnh người chiến sĩ công an, series Cảnh sát hình sự (1997-2000) còn rất thành công khi xây dựng cuộc đời, số phận của những nên tội phạm sừng sỏ. Hai nhân vật khiến khán giả nhớ nhất có lẽ là "Bắc đại bàng" do NSƯT Chu Hùng đóng và "Cường sẹo" do NSƯT Tạ Minh Thảo đóng:
NSƯT Chu Hùng
Vai "Bắc đại bàng" là một dấu ấn khó quên trong sự nghiệp diễn xuất của NSƯT Chu Hùng. Bởi đã nhiều năm trôi qua, khi nhắc đến "Bắc đại bàng" trong phim Cảnh sát hình sự, người ta sẽ nhớ ngay tới hình ảnh một tên tội phạm với khuôn mặt dữ dằn, điệu cười đáng sợ nhưng khi về quỳ trước mặt người mẹ vẫn khóc tu tu như một đứa trẻ.
Nhân vật Bắc Đại Bàng " xuất hiện trong phần phim Nước mắt của mẹ (1997).
Chu Hùng là một nghệ sĩ đa tài, khi còn trẻ ông thi đỗ cả ngành hội họa và diễn viên. Nhưng sau đó quyết định đi theo nghiệp diễn cùng một người bạn. Ông thường được các đạo diễn chọn mặt cho các nhân vật đại ca giang hồ, tội phạm trong hàng loạt bộ phim. Năm 2013, Chu Hùng trở lại với màn ảnh cùng một vai anh chị trong phim "Bí mật tam giác vàng" và vai Quách Bốc trong phim Thái sư Trần Thủ Độ.
Chu Hùng (bên trái) trong phim Bí mật tam giác vàng.
NSƯT Tạ Minh Thảo
NSƯT Tạ Minh Thảo xuất hiện trong phần phim Bí mật hồ hang rắn(1999) với vai "Cường sẹo". "Cường sẹo" vốn là người tốt nhưng vì trả thù cho người thân mà trở thành kẻ sát nhân, thành một tướng cướp khét tiếng.
NSƯT Tạ Minh Thảo trong tạo hình "Cường sẹo".
NSƯT Tạ Minh Thảo là một người lính từng đi qua chiến tranh và trưởng thành trong nhà trường quân đội. Ông gắn bó cùng nghệ thuật mấy chục năm với các công việc như: diễn viên kịch nói, đạo diễn sự kiện lễ hội, giảng viên tại các trường văn hóa nghệ thuật. Nhưng khán giả cả nước biết đến nghệ sĩ nhiều nhất trong lĩnh vực điện ảnh.
Vai diễn đầu đời của nghệ sĩ là trong phim Lính hải quân (1978). Kể từ đó đến nay, NSƯT Tạ Minh Thảo có mặt trong hơn bốn mươi phim, trong đó có nhiều phim nổi tiếng như Anh sẽ về, Nga (1996); Câu chuyện xóm chèo (1997); Người thừa kế dòng họ, Những con nhện xanh (1998); Mùa lá rụng (1999), Những ngọn nến lung linh (2000), Đường đời (2001); Dòng sông phẳng lặng (2004)...
Trong series các phim Cảnh sát hình sự, sau Bí mật hồ hang rắn nghệ sĩ tiếp tục xuất hiện trong các phần khác như: Lá thư tuyệt mệnh 10 tập (2005); "Lời sám hối muộn màng 10 tập (2006); Luật đời 26 tập (2007);Đội đặc nhiệm H88 20 tập (2008); Phá vỡ im lặng 10 tập; Đầm lầy bạc 20 tập (2009); "Ngôi biệt thự màu tro lạnh 37 tập (2009)...
Một cảnh trong phim Ngôi biệt thự màu tro lạnh.
Cuộc sống của NSƯT Minh Thảo luôn là những cuộc di chuyển không ngừng. Sống ở Thái Bình nhưng làm việc khắp cả nước. Chưa kể, nghệ sĩ vẫn thu xếp để trọn vẹn vai trò của đạo diễn tại Đoàn ca múa kịch Thái Bình - nơi nghệ sĩ đang đầu quân.
Hình ảnh hiện tại của NSƯT Minh Thảo.
Theo Tri thức
Những diễn viên đang nổi bỗng dưng ở ẩn Năm 2013 chứng kiến sự biến mất của khá nhiều tên tuổi được yêu mến trong làng phim Việt. Trần Bảo Sơn Là một trong những nam diễn viên khá đình đám của làng điện ảnh Việt với nhiều phim như Giao lộ định mệnh, Ngôi nhà trong hẻm... nhưng năm 2013, Trần Bảo Sơn lại bỗng dưng mai danh ẩn tích. Anh...