Hé lộ đường dây chạy điểm vào đại học giá hàng chục nghìn USD
Từ “thông báo tuyển sinh” của một tờ rơi, phóng viên đã thâm nhập và phát hiện sự thật về một đường dây “chạy” điểm vào các trường ĐH với chi phí lên đến hàng chục ngàn USD.
Bà Oanh chỉ vào giấy báo nhập học của Học viện Ngân hàng để chứng minh việc “chạy” vào được là có thật – Ảnh: Đan Hạ
Theo một tờ rơi thông báo tuyển sinh được ghi là của Viện Phát triển công nghệ và giáo dục, Viện này phối hợp với một số trường ĐH, CĐ mở các lớp đào tạo chính quy. Chỉ cần thí sinh dự thi ĐH bất kỳ trường nào đạt từ 13 điểm trở lên nộp hồ sơ về trụ sở của Viện sẽ được xét tuyển vào hệ ĐH của rất nhiều trường. Thông báo cũng nêu rõ những trường hợp được xét tuyển sẽ học hệ đào tạo theo nhu cầu xã hội nhưng vẫn là hệ chính quy, chỉ cần đóng học phí cao hơn khoảng 200.000 đồng/tháng.
“Phí đầu vào” thấp nhất 30 triệu đồng
Trong vai một phụ huynh nộp hồ sơ cho con vừa thi trượt ĐH, phóng viên Thanh Niên đã đến văn phòng của Viện Phát triển công nghệ và giáo dục tại địa chỉ số 11 ngõ 41 phố Vọng, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tiếp chúng tôi là một phụ nữ tên Oanh, tự giới thiệu là giám đốc của Viện. Khi chúng tôi trình bày có con năm nay dự thi khối A chỉ được 14 điểm nhưng muốn vào một số trường lớn như ĐH Thương mại, Học viện Tài chính, ĐH Bách khoa, ĐH Xây dựng… (như trong thông báo của tờ rơi), bà Oanh nói ngay, với mức điểm này không vào được những trường trên nhưng có thể vào được nhiều trường ĐH khác như: Công nghệ giao thông vận tải, Lâm nghiệp và không học tại Hà Nội. Khi chúng tôi bày tỏ muốn cho con học ngay ở Hà Nội hệ đào tạo theo nhu cầu xã hội, chấp nhận nộp học phí cao thì bà Oanh cho biết hiện đang lấy thí sinh được từ 15 điểm trở lên vào hệ dân sự của Học viện Kỹ thuật quân sự, ĐH Công đoàn, ĐH Điện lực, ĐH Tài nguyên môi trường… Nếu được 17 – 18 điểm thì có thể vào được Học viện Tài chính và nhiều trường khác nữa. Tuy nhiên chỉ có 14 điểm thì sẽ ít lựa chọn hơn và phải mất phí đầu vào, trường thấp nhất cũng 30 triệu đồng.
Chúng tôi đang trao đổi thì bà Oanh có điện thoại. Cuộc nói chuyện cũng là giao dịch về việc “chạy” trường. Bà Oanh kể lại rằng đây là trường hợp “chạy” vào Học viện Ngân hàng đã đặt cọc 5.000 USD, còn thiếu 9.000 USD, giờ đã có giấy báo nhập học nên “trường” gọi điện thông báo. Trong cuộc điện thoại, chúng tôi thấy bà Oanh nói với người kia: “Cứ cho người cầm giấy báo đến văn phòng để em gọi người ta cầm tiền, đến lấy”. Bà cũng nói với chúng tôi rằng quy trình “chạy” trường là cứ đưa giấy báo điểm cho bà, đặt cọc tiền để chuyển sang trường, đến khi có giấy báo nhập học thì thanh toán nốt số tiền còn lại.
Giá cao vì phải “can thiệp”
Khi chúng tôi không lựa chọn các trường bà Oanh đưa ra, bà tư vấn có thể vào được Trường ĐH Điện lực nhưng với giá cao vì phải “can thiệp” thêm 1 điểm mới đủ điều kiện. Bà giải thích sẽ có 2 khoản phải nộp đó là phí đầu vào và học phí cao gấp đôi quy định. Phí đầu vào với những trường hợp được 15 điểm sẽ mất 60 triệu đồng, còn 14 điểm thì “chưa biết trường sẽ thu bao nhiêu”. Ngoài ra, trường sẽ thu luôn khoản học phí 4 năm (khoảng 36 – 37 triệu đồng) rồi mới cho nhập học. Sau đó thì học bình thường như những sinh viên đã trúng tuyển và vẫn nộp học phí theo quy định chung. Bà Oanh nói: “Tổng cộng phải xác định con chị là 130 – 140 triệu đồng mới vào được trường”.
Khi chúng tôi thắc mắc tại sao phải nộp học phí 2 lần, bà Oanh giải thích: “Vì đây là hệ ngoài ngân sách, không phải của ĐH mà của đơn vị đi xin chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT cho ĐH đào tạo. Vì vậy phải đóng học phí cho đơn vị đi xin chỉ tiêu”. Bà Oanh khẳng định khoản học phí này vẫn do trường thu và có hóa đơn nên có thể đưa chúng tôi đến trường để nộp tiền và lấy hóa đơn của trường. Thấy chúng tôi băn khoăn trước kinh phí hơi cao này, bà Oanh tiếp tục “mở” ra một cơ hội khác là vào học hệ dân sự của Học viện Kỹ thuật quân sự với mức phí thấp hơn. Sau đó, bà nhấc máy gọi luôn cho một người mà bà tiết lộ là Hiệu trưởng Học viện Kỹ thuật quân sự để hỏi về điều kiện và giá cả. Bà thông báo với chúng tôi với mức điểm này “thầy” nói không thể học ĐH ngay mà vào học CĐ dự bị một năm, sang năm vào học ĐH năm thứ 2 luôn. Chúng tôi hỏi có phải thi cử gì mới chuyển vào học ĐH không thì bà khẳng định: “Em đảm bảo chắc chắn năm sau con chị không cần thi nữa mà sẽ vào được luôn, học tính luôn là năm thứ 2, vẫn học 4 năm rưỡi bình thường. Em làm việc luôn với hiệu trưởng nên chị yên tâm. Em làm giám đốc của một viện giáo dục nên chỉ tiêu của các trường em đều biết…”.
Bà Oanh còn cam kết: “Sau khi con chị vào học rồi mới phải nộp tiền. Khi nào cầm giấy báo điểm thì chị nộp trước cho em từ 10 – 15 triệu đồng, để em nộp sang trường. Khi nào có giấy báo nhập học thì chị chuyển cho em nốt số tiền còn lại rồi nhận giấy báo nhập học về đi nhập học cho cháu là xong…”.
Video đang HOT
Giấy báo nhập học của Học viện Ngân hàng do bà Oanh đưa ra
16.000 USD vào Học viện Ngân hàng
Trong lúc chúng tôi vẫn chưa quyết vào trường nào thì có một thanh niên đến văn phòng đưa cho bà Oanh một phong bì có in Học viện Ngân hàng. Bà Oanh bóc ra và đưa cho chúng tôi xem giấy báo nhập học của Học viện Ngân hàng cho một thí sinh có số điểm là 21 vào học chương trình chất lượng cao chuyên ngành quản trị tài chính năm học 2013 – 2014 do học viện này hợp tác với City University of Seattle, Mỹ. Kèm theo giấy báo nhập học là một công văn của Bộ GD-ĐT cho phép chương trình này được cấp 2 văn bằng, của Học viện Ngân hàng và của trường nước ngoài.
Bà Oanh cho biết đây là trường hợp đã “chạy” mất 16.000 USD. Khi chúng tôi thắc mắc với mức điểm cao như vậy thì cần gì phải “chạy”, bà Oanh tiết lộ: “Trường hợp này đã chạy từ khi chưa có điểm thi, thi xong biết không đỗ là chạy luôn nên giờ đã có giấy báo nhập học”. Chúng tôi đề nghị cũng cho “con tôi” vào Học viện Ngân hàng bất chấp giá cao vì đây là trường tốt. Lập tức bà Oanh gọi điện cho một người và cho biết đó là người của Bộ GD-ĐT để hỏi nhưng đầu dây kia chưa trả lời được vì “đang bận họp”. Để chứng minh “đường dây” của mình là đáng tin cậy, bà Oanh tiết lộ, những trường hợp vào Học viện Ngân hàng thì phải có sự can thiệp từ Bộ GD-ĐT thì trường mới dám làm và người mà Oanh đang liên hệ chính là “một người của Bộ GD-ĐT”.
Sau đó “người của Bộ GD-ĐT” đã gọi điện lại cho bà Oanh để tư vấn cho trường hợp “con tôi”. Sau khi trao đổi, bà Oanh bảo chúng tôi “vứt luôn cái điểm 14 đó đi”, để bà lo hết, phiếu báo điểm sẽ là 21 điểm giống tờ giấy báo nhập học mà chúng tôi đã nhìn thấy. Giá là 16.000 USD. Bà Oanh cũng thỏa thuận là “cứ đặt cọc trước 5.000 USD, chỉ mấy hôm là có giấy báo nhập học, khi đó mới phải nộp hết số tiền còn lại”.
Đại diện Viện Phát triển công nghệ và giáo dục phủ nhận thông tin về tờ rơi
Bà Oanh tên đầy đủ là Nguyễn Kiều Oanh, từng là cán bộ của Viện Phát triển công nghệ và giáo dục thuộc Liên hiệp Hội Khoa học và kỹ thuật VN. Tuy nhiên bà Oanh chỉ là Phó giám đốc Trung tâm hợp tác phát triển giáo dục và đào tạo của Viện chứ không phải là giám đốc viện như tự giới thiệu. Trả lời Thanh Niên về tờ rơi thông báo tuyển sinh của viện này, ông Dương Tiến Sĩ, Chủ tịch Hội đồng quản lý, Phó viện trưởng của Viện đã phủ nhận thông báo tuyển sinh đó và cho biết chữ ký của ông và dấu của Viện trong thông báo tuyển sinh này là do bà Oanh đã photo từ một văn bản khác chứ ông hoàn toàn không ký một thông báo tuyển sinh nào như vậy. Ông Sĩ cũng cho biết, cách đây khoảng một tháng, ông đã ký quyết định cách chức bà Oanh. Ông Sĩ còn nói rằng ông không biết văn phòng tuyển sinh (tại 41 Phố Vọng, Q.Hai Bà Trưng) mà bà Oanh đang làm việc. Trong khi đó văn phòng này hoạt động công khai với danh nghĩa của Viện.
Theo Thanhnien
Bảng thành tích dài và sáng của thủ khoa HV Ngân hàng
Từ cô gái lạ lẫm với môi trường ĐH, khóc ngay trong kỳ đầu tiên cầm kết quả , sau 4 năm, Lê Minh Hương không chỉ chững chạc hơn mà còn trở thành thủ khoa đầu ra của HV Ngân hàng.
Đứng dậy từ nơi đã vấp ngã
Họ tên: Lê Minh Hương
Ngày sinh: 27/5/1992
Thủ khoa HV Ngân hàng với điểm học tập toàn khóa: 3,88/4
Quê quán: Hải Phòng- Học bổng CPA Úc năm 1 đại học.- Học bổng của ngành Ngân hàng năm 1, năm 3- Học bổng đặc biệt của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2- Học bổng Khuyến khích học tập của Học viện Ngân hàng năm 1, 2, 3, 4- Bằng khen của Giám đốc học viện Ngân hàng cho sinh viên xuất sắc năm 4- Giải xuất sắc môn Sinh Các tỉnh duyên hải miền bắc lớp 10- Giải nhì môn Sinh cấp thành phố lớp 11 và 12.
Một Minh Hương xinh xắn, đa tài và học giỏi của hôm nay, trong quá khứ từng là một cô gái hay khóc và cũng đã từng "ngã rất đau" trong học tập.
Ngày học cấp 3, Minh Hương bước vào kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học với tâm thế của người mới giành giải xuất sắc trong kỳ thi HSG các tỉnh duyên hải miền Bắc. Nhưng kết quả cuối cùng lại không như mong muốn, cô chia sẻ: "Mình là người duy nhất bị trượt khi đó trong số 5 người đi thi. Không chỉ bất ngờ mà mình còn thực sự bị sốc và cảm giác như mọi thứ sụp đổ".
Nhưng cô học trò "mít ướt" ngày nào đã can đảm đứng dậy từ chính nơi mình vấp ngã. Và một bài học Minh Hương rút ra được để luôn mang theo bên mình trong hành trình dài rộng phía trước: "Khi con người ta chưa vấp ngã thì họ sẽ không biết mình có nghị lực như thế nào để có thể đứng dậy và kiên trì đi đến thành công".
Minh Hương sở hữu ngoại hình xinh xắn.
Kết quả cho sự kiên trì, nỗ lực của Minh Hương chính là sự rộng mở của cánh cổng trường đại học. Cô trở thành sinh viên học viện Ngân hàng và rồi khi ra trường, Minh Hương cũng là người "về đích" nhanh nhất.
3,88/4 là điểm tổng kết toàn khóa mà cô gái quê Hải Phòng đạt được cùng với một bảng thành tích cao. Đó là những phần thưởng xứng đáng cho nghị lực của cô gái đất cảng trong suốt 4 năm qua.
Học 1,5 tiếng mỗi ngày: Chìa khóa để thành công
Cũng giống như rất nhiều tân sinh viên, những ngày đầu tiên ở môi trường đại học của Minh Hương cũng là khoảng thời gian khó khăn. Cô tâm sự: "Khi mới đi học, mình thấy mọi thứ đều lạ lẫm: tiết học kéo dài hơn, thầy cô giảng bài cũng nhanh hơn, nhìn vào quyển giáo trình thì toàn thấy chữ".
Kết thúc kỳ học đầu tiên, Minh Hương đã khóc khi cầm trên tay kết quả học tập quá tệ. Nhưng bài học trong quá khứ đã dạy Hương cách mạnh mẽ để đối diện và thay đổi.
Và chìa khóa để mở cánh cửa thành công của Minh Hương rất đơn giản: "Chăm chỉ và học tập một cách khoa học". Hương luôn duy trì thói quen học ít nhất 1,5 tiếng mỗi ngày để tự tổng hợp kiến thức vào đề cương hoặc xem trước bài của ngày mai.
Thay vì đến gần kỳ thi mới bắt đầu "vắt chân lên cổ" thì Minh Hương luôn chủ động ôn luyện, tập hợp kiến thức. Cô chia sẻ: "Mình luôn làm đề cương từ những bài học đầu tiên, đến cuối kỳ chỉ cần học theo đề cương, không sợ nhầm lẫn hoặc bỏ sót kiến thức".
Với 1,5 tiếng mỗi ngày, Minh Hương không chỉ tạo cho mình được một thói quen tốt mà còn có thể dễ dàng chinh phục những môn học "khó nhằn", là nối "ám ảnh" với nhiều sinh viên.
Cô thủ khoa đa tài
14 năm giữ vai trò lớp trưởng, Minh Hương được chứng kiến sự trưởng thành của chính bản thân. Cô gái đất cảng chia sẻ: "Ngày học cấp 2, mỗi lần bị các bạn phản bác, nói lại điều gì mình đều chỉ biết khóc. Nhưng dần dần, mình biết cách lắng nghe, đón nhận ý kiến góp ý của mọi người và dần hoàn thiện bản thân".
Với khuôn mặt xinh xắn và một nụ cười hút hồn người đối diện, Minh Hương nhận được rất nhiều lời mời làm người mẫu ảnh. Nhưng với Hương đó chỉ là một sở thích, một việc làm thêm ngoài giờ học chứ không phải là công việc chính.
Chỉ những khi không bận học và sắp xếp được thời gian, Minh Hương mới nhận lời làm người mẫu ảnh. Và bạn bè sau khi xem ảnh vẫn thường trêu Hương "diễn" giỏi quá vì: "Khi chụp hình mình không nhìn vào người chụp, mình nghĩ đến một người khác để cho đỡ ngại, và bức hình cũng tự nhiên hơn".
4 năm học tại HV Ngân hàng, với một bảng thành tích cao, nhưng Minh Hương cũng tiếc nuối vì: "Không tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của trường nên đã bỏ mất nhiều cơ hội để giao lưu học hỏi và kết bạn".
Cô thủ khoa của HV Ngân hàng đến hôm nay, vẫn luôn có ước mơ được làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Ngày thi đại học, Minh Hương từng muốn thi Y nhưng vì sợ máu mà cô bạn quyết định chuyển khối thi, trường thi. Không thực hiện được mong muốn trở thành bác sĩ, nhưng ước mơ được giúp người bệnh của Hương thì chưa bao giờ thay đổi. Cô bạn chia sẻ: "Ước mơ của mình là giúp những người nghèo được chữa bệnh".
Theo Zing
Báo ĐSPL thăm 2 chiến sĩ bị thương trong vụ rơi máy bay - Sáng nay, 26/7, đại diện báo Đời sống và Pháp luật cùng công ty TNHH Phát triển Công nghệ đã đến Viện Bỏng Quốc gia thăm 2 chiến sĩ bị thương nặng trong vụ rơi máy bay trực thăng Mi-171 tại Thạch Thất, Hà Nội. Tại buổi viếng thăm, nhà báo Nguyễn Mạnh Quyết - Bí thư chi đoàn báo Đời sống...