- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Hành trình thi đại học của cậu học trò nghèo

On 17/04/2012 @ 9:17 PM In Học hành

"Dù mẹ có mất đi, con cũng phải đi đỗ được đại học", đó là câu nói trong nước mắt của tôi dành cho mẹ trong buổi sáng đầu tiên của kỳ thi đại học, khi ấy mẹ tôi đang bị bạo bệnh tưởng chừng không qua khỏi.

Bố mất sớm từ khi tôi học lớp 6, mẹ tôi làm ruộng tần tảo nuôi 2 anh em đi học. Nhà chúng tôi rất nghèo, nhưng hai anh em tôi đều học rất giỏi. Cấp III, tôi là lớp trưởng của lớp học giỏi nhất trường. Tất cả họ hàng làng xóm đều khâm phục sức học của tôi. Đi thi đại học năm đầu tiên, tôi vẫn tin chắc rằng mình sẽ đỗ. Khi cầm giấy báo điểm, tổng điểm thi là 19 điểm (trong khi Đại học Kinh tế quốc dân điểm chuẩn là 21 điểm) với môn Lý chỉ được 3,5 điểm. Tuy không được ra ngoài Hà Nội học, nhưng tôi có đỗ cơ sở II của Đại học Kinh tế Quốc dân tại Quy Nhơn. Dù vậy, nghe lời ông nội khuyên nhủ, tôi quyết tâm ở lại nhà ôn thi tiếp vào năm sau.

Để ôn thi tốt, tôi cố gắng suy nghĩ và vạch ra phương pháp ôn thi phù hợp. Đầu tiên là cách thức. Tôi tìm lại tất cả các đề thi đại học từ năm 1995 đến 2005, nghiên cứu kỹ từng đề. Sau đó, tôi xem ở mỗi đề mình gặp vấn đề gì, sau đó, tổng hợp, phân loại và quyết tâm khắc phục tất cả các vấn đề này. Môn lý tôi yếu nhất trong cả ba môn thi khối A, có những khi đọc mãi mà vẫn không hiểu. Tôi đành đạp xe 40 km số mỗi ngày lên thành phố Vinh học thêm, từ chiều cho đến tối khuya mới về nhà.

Trong những ngày tháng ôn thi lại, tôi đóng cửa suốt, hầu như chẳng tiếp xúc với ai trừ mẹ. Tôi cố gắng không tiếp xúc và bỏ ngoài tai những lời nói của hàng xóm về thành tích "thi trượt" của mình. Tôi biến những lời gièm pha "tưởng học hành giỏi giang mà thi lại trượt" thành động lực thêm quyết tâm phải thi đỗ và đạt được số điểm cao nhất làng để chứng minh năng lực. Cũng nhờ việc đóng cửa cách ly với những lời gièm pha mà tôi đã có được sự tĩnh tâm, sáng suốt rà soát lại từng vấn đề khiến cho mình trượt đại học.

Hành trình thi đại học của cậu học trò nghèo - Hình 1

Ảnh minh họa: Thiên Chương.

Nhà nghèo không có nhiều tiền để đi học thêm cả ba môn, tôi đã tự học và theo dõi không bỏ sót các chương trình ôn thi nào trên kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam. Vừa xem, vừa ngồi làm bài tập theo những chương trình đó, nhiều lúc khiến tôi cảm tưởng mình đang ở trong một lớp học và thầy giáo của mình chính là các giáo sư đang giảng trên truyền hình. Tôi rất quan tâm đến chương trình Thời sự, để cập nhật tất cả các thông tin về thi cử. Nhờ đó, tôi có thể phán đoán được nội dung ra đề thi năm nay sẽ tập trung vào những vấn đề gì, từ đó có phần ôn tập trọng tâm.

Ngoài ra, từ tháng hai đến tháng tư năm đó, tôi thường xuyên tham gia các chương trình thi thử do Đại học Vinh tổ chức. Việc tham gia thi này giúp tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm và chuẩn bị được kỹ càng tâm lý thi.

Thấm thoắt cũng đã hết một năm, kỳ thi đại học năm 2005 mà tôi chờ đợi cả năm trời cũng đã đến. Nhưng ngày đầu tiên đi thi, cũng là ngày mẹ tôi bị ốm nặng. Bố tôi mất sớm, chỉ còn mẹ tần tảo ruộng vườn nuôi hai anh em tôi. Trong đầu tôi thoáng qua suy nghĩ bỏ thi để lo, đưa mẹ đi viện. Nhưng mẹ vẫn động viên tôi. Thực sự đó là một quyết định khó khăn đối với tôi lúc đấy. Tôi dằn vặt một hồi, rồi thắp nén hương trên ban thờ bố, sau đó lấy hết tâm can của mình để nói với mẹ: "Dù mẹ có mất, con cũng phải thi đỗ đại học". Mẹ nhìn tôi, mẹ hiểu và vui vì tôi đã thực sự trưởng thành. Tôi đã bắt đầu kỳ thi của mình với lòng quyết tâm thi đỗ dành cho mẹ như thế.

Không người thân đưa đón như bao bạn thí sinh khác, tôi đi thi cùng một người bạn. Bài thi môn Toán tôi làm tốt, ước chừng được khoảng 9 điểm. Thi xong môn đầu tiên, tôi chỉ muốn mình có một cái điện thoại để gọi điện ngay về báo tin cho mẹ.

Chiều bắt đầu thi môn Lý, đây là môn tôi yếu nhất. Tôi lo lắng lần giở lại kiến thức lúc nghỉ trưa. Tâm trạng không tự tin về môn học này đã khiến tôi mắc những lỗi sai không đáng có. Lúc đó tôi ước chừng được 7 điểm.

Khi về nhà, bệnh tình mẹ tôi ngày một nặng thêm, hàng xóm sang hỏi thăm đông nghịt. Cả đêm hôm đó, mẹ đau không ngủ được, tôi cũng gần như thức trắng. Cố động viên mẹ ăn bát cơm chan mắm mà lòng tôi đau thắt. Tôi đã bắt đầu ngày thi thứ hai với tâm trạng như vậy.

Chỗ tôi ngồi thi môn Hóa - môn thi cuối cùng gần cửa sổ, có một nhà nào đó mở một bài hát rất vui. Tôi lắng tai nghe, tự bỏ hết những băn khoăn lo lắng, để cho tâm mình thư thái nhất bước vào môn thi cuối cùng. Môn thi này tôi học khá nhất nên hết nửa thời gian làm bài tôi đã xong. Ra khỏi phòng thi, nghe tin mẹ đã vào viện, tôi chạy như bay tới với mẹ. Tôi đã chăm mẹ trong viện một tháng.

Ngày mẹ ra viện, cũng là ngày tôi nhận được giấy báo trúng tuyển của khoa Kinh tế - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Tôi lặng người vì niềm vui nhân đôi. Số điểm của tôi là 27 điểm với toán 9 điểm, hóa 10 điểm, lý 7 điểm. Khoa Kinh tế năm 2005 lấy điểm chuẩn là 24,5 điểm. Điểm thi của tôi cũng đạt cao nhất làng, vậy là tôi đã chứng tỏ được mình trước những lời gièm pha một năm về trước.

Niềm vui chưa được tày gang, tôi lại lo lắng không biết lấy tiền đâu ra để học. Ngày ra Hà Nội nhập trường, mẹ vay mượn cho tôi 4 triệu đồng. Hành trang 4 triệu đồng và một chiếc vali ọp ẹp đã theo tôi ra Hà Nội nhập học. Học tại Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi ở ký túc xá. Vì là hộ nghèo và điểm học cao nên tôi được nhà trường miễn giảm 50% học phí và mỗi tháng được thêm 200.000 đồng. Điều này giúp tôi đỡ đần mẹ phần nào.

Khi viết những dòng chia sẻ này, tôi rất mong những kinh nghiệm của tôi có thể phần nào giúp được cho các bạn. Lựa chọn một phương pháp ôn thi hiệu quả, phù hợp với bản thân, chuẩn bị tâm lý thật tốt, tham gia nhiều vào các chương trình thi thử là những cách mà tôi đã làm để vượt qua thi đại học với số điểm cao.

Theo VNE


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/hanh-trinh-thi-dai-hoc-cua-cau-hoc-tro-ngheo-20120417i372897/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.