Hàng trăm tiểu thương dựng quan tài phản đối di dời chợ
Để phản đối quyết định xóa bỏ chợ Vĩnh Tân cũ của UBND huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), hành trăm tiểu thương của chợ này đã mang 3 chiếc quan tài, băng rôn giăng trước chợ trong nhiều ngày liền.
Mang quan tài để phản đối di dời chợ
Trong những ngày qua, nhiều người phát hoảng khi đi qua khu vực trước chợ Vĩnh Tân cũ (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), nhìn thấy 3 chiếc quan tài cùng một số băng rôn đặt dọc theo con đường ĐT 767 để phản đối việc di dời khu chợ này.
1 trong 3 chiếc quan tài được đặt trước chợ Vĩnh Tân để phản đối quyết định xóa bỏ ngôi chợ này
Theo các tiểu thương, chợ Vĩnh Tân cũ hoạt động gần 20 năm nay. Cách đây 6 năm, chính quyền địa phương có chủ trương di dời, giải tỏa nên đã cho xây một ngôi chợ mới cách chợ cũ khoảng 500 m. Tuy nhiên, địa điểm mới không thuận tiện cho việc kinh doanh buôn bán của bà con tiểu thương. Chợ Vĩnh Tân mới lại do một doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng nên mức giá thuê sạp rất cao.
Bà Nguyễn Thị Hoa (52 tuổi, tiểu thương chợ Vĩnh Tân) bức xúc: “Chúng tôi buôn bán ở đây cả chục năm rồi, nếu nói chợ xuống cấp thì tại sao xã lại không huy động kinh phí để sửa chữa, sau đó các tiểu thương sẽ đóng góp? Chúng tôi không đồng ý di dời về chợ tư, chỉ khi nào ngôi chợ mới do nhà nước xây dựng chúng tôi mới đến buôn bán”.
Các tiểu thương chợ Vĩnh Tân rất bức xúc với quyết định di dời ngôi chợ gần 20 năm tuổi này
Cũng bức xúc không kém, bà Trần Bác Muối (45 tuổi) nói “Tại sao lại phải di dời chợ Vĩnh Tân để lấy đất xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, trong khi đó các khu đất trống xung quanh chợ vẫn còn rất nhiều? Quyết định dồn bà con về chợ mới rõ ràng là chính quyền muốn ép tiểu thương chúng tôi”.
Được biết, từ nhiều năm nay, gần 100 tiểu thương ở chợ Vĩnh Tân cũ nhất quyết không chấp nhận chuyển đến khu chợ mới vì cho rằng không thuận lợi để buôn bán… Theo các tiểu thương, việc bồi thường, hỗ trợ cho quá trình giải tỏa, di dời không thỏa đáng nên họ không chịu di dời đến chợ mới.
“Trong các buổi đối thoại với tiểu thương, xã Vĩnh Tân đưa ra mức giá hỗ trợ việc di dời mỗi sạp trong lòng chợ là 20,5 triệu đồng, trong khi đó để có một sạp ở chợ mới thì chúng tôi phải bỏ ra đến 170 triệu đồng. Chưa kể các ki ốt ở chợ cũ không được bồi thường nhưng lên chợ mới phải chịu mức giá 350 triệu đồng/ki ốt. Như vậy chúng tôi lấy đâu ra số tiền lớn để bù vô” – Bà Đỗ Thị Thiên Nhung, tiểu thương chợ Vĩnh Tân, thắc mắc.
Chính quyền địa phương nói gì?
Video đang HOT
Ngay khi xảy ra vụ việc trên, các cơ quan chức năng xã Vĩnh Tân đã đến hiện trường giữ gìn an ninh trật tự, đồng thời vận động người dân bình tĩnh, không nên có hành vi quá khích gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.
Hiện tại người người dân vẫn tiếp tục buôn bán bên trong chợ cũ
Ông Nguyễn Hữu Lý, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, theo quy hoạch chung về mạng lưới chợ, chợ Vĩnh Tân cũ không đáp ứng được các tiêu chí chợ nông thôn. Do đó, năm 2006, chợ Vĩnh Tân mới được quy hoạch xây dựng tại vị trí mới do doanh nghiệp đầu tư theo mô hình chợ xã hội hóa. Tuy nhiên sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng vào đầu năm 2007, các tiểu thương ở chợ Vĩnh Tân cũ không chịu di dời với lý do việc xây dựng di dời đến chợ mới chính quyền đã không có sự bàn bạc với người dân. Chính vì vậy chợ Vĩnh Tân mới xây dựng khang trang đáp ứng các tiêu chí chợ nông thôn, nhưng nhiều năm qua vẫn bỏ hoang vì không có tiểu thương vào buôn bán.
Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Tâm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân cho biết, chủ trương di dời chợ cũ đến chợ mới đã được phê duyệt từ lâu. Hiện tại, chính quyền đang tiếp tục đối thoại với các tiểu thương và yêu cầu ngưng hoạt động tại chợ cũ để di dời. Thế nhưng, trong mấy ngày nay, khi lực lượng làm nhiệm vụ xuống yêu cầu tiểu thương tạm ngưng buôn bán để thực hiện chủ trương giải tỏa, di dời thì xảy ra việc khiêng quan tài ra đặt ngay phía trước chợ.
Giá thuê mỗi ki ốt tại chợ Vĩnh Tân mới trong thời hạn 50 năm là từ 230 – 450 triệu đồng
Cũng theo ông Tâm, xã đã thống nhất vận động người dân vào chợ mới buôn bán, nhà nước và chủ doanh nghiệp sẽ hỗ trợ phần chênh lệch nếu giá sạp chợ mới cao hơn chợ cũ, nhưng cũng chỉ có khoảng 30% tiểu thương chịu nhận sạp tại chợ mới. Mặc dù đã có quyết định đóng cửa chợ cũ, nhưng chính quyền không cưỡng chế mà chỉ thành lập đoàn vận động các tiểu thương di dời. Đối với các quan tài người dân đưa vào chợ, ông Tâm cho hay đây là hành vi phản cảm, nhưng chính quyền không có căn cứ gì để đưa các quan tài đi, nhưng sẽ xác định ai là người đưa quan tài đến để vận động họ mang đi.
Ông Tâm cũng cho biết thêm, nhận thấy tình hình có vẻ phức tạp nên ngày 23/12, xã đã ra thông báo yêu cầu ai là chủ của 3 chiếc quan tài trên phải đưa các chiếc quan tài về nếu không xã sẽ tịch thu vì gây phản cảm trong nhân dân.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về mức giá đền bù cho các tiểu thương chợ Vĩnh Tân cũ đã hợp lý chưa, ông Tâm giải thích: “Trước đây xã có đưa ra mức giá bồi thường cho mỗi tiểu thương có sạp trong lòng chợ Vĩnh Tân cũ là 20,5 triệu đồng. Tuy nhiên, nhận thấy mức giá đó chưa hợp lý nên huyện đã hỗ trợ thêm 6 triệu đồng tiền ngưng kinh doanh tổng cộng là 26,5 triệu đồng”.
Hiện các cơ quan chức năng tại Đồng Nai đã tăng cường giữ gìn an ninh trật tự tại hiện trường và thuyết phục người dân hết sức bình tĩnh, tránh manh động gây phức tạp thêm tình hình an ninh trật tự.
Được biết sau ngày 31/12 tới đây, nếu các tiểu thương chợ Vĩnh Tân vẫn không chịu di dời, huyện Vĩnh Cửu sẽ lập đoàn công tác để tiến hành cưỡng chế.
Đình Thảo
Theo Dantri
Phường 475 "cán bộ": "Không đông không được!"
Thông tin thị trấn Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh) có 639 công bộc hưởng lương, phường Hồng Hải (TP Hạ Long) có 475 "cán bộ"... khiến dư luận bất bình. Tuy nhiên Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ninh khẳng định "cán bộ không đông không được".
Tại cuộc họp HĐND tỉnh Quảng Ninh vừa qua, vấn đề "bộ máy cán bộ phình to" cũng đã được đưa ra bàn luận sôi nổi
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Minh Thiết, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh, về con số cán bộ hưởng lương, phụ cấp "khủng" ở các phường, thị trấn như báo chí đăng tải.
Việc một đơn vị cấp phường, xã, thị trấn có số lượng cán bộ hưởng trợ cấp từ ngân sách lên tới con số "khủng" như tại phường Hồng Hải và thị trấn Mạo Khê đã khiến dư luận sửng sốt. Vậy ông có đánh giá gì về bộ máy cán bộ công chức của cấp cơ sở hiện nay ở Quảng Ninh?
Tại kết luận 364 của Nghị quyết trung ương 7 cũng đã khẳng định đội ngũ cán bộ xã, phường hiện rất đông. Đó là thực trạng chung của cả nước, không riêng gì ở Quảng Ninh. Tôi cũng đã có những tham khảo rộng rãi trên nhiều địa phương khác, đều có chung thực trạng là việc thu gọn công tác cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách cấp cơ sở phường, xã gặp rất nhiều khó khăn. Riêng Quảng Ninh, kết cấu dân số tại những phường, xã, thị trấn quá đông mới dẫn đến tình trạng đông cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách hưởng ngân sách nhà nước.
Lý giải của ông về con số 639 và 475 cán bộ hưởng lương, trợ cấp nhà nước tại hai địa bàn thị trấn Mạo Khê và phường Hồng Hải?
Tại thị trấn Mạo Khê có tới gần 50 nghìn dân, số dân vượt mức cấp phường xã, tương đương với một thị xã, huyện của nhiều địa phương khác. Bây giờ bảo Mạo Khê có hơn 600 cán bộ nhưng phải xem xét là tại địa phương này có bao nhiêu dân và bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động sinh sống để có số lượng cán bộ thích ứng.
Liên hệ qua 3 huyện Cô Tô, Ba Chẽ, Bình Liêu của Quảng Ninh, số dân cộng lại của 3 địa phương này cũng chỉ tương đương với Mạo Khê và Hồng Hải. Như vậy so sánh một cấp phường, thị trấn có tới nửa vạn dân với những cấp huyện đã là một sự bất hợp lý. Mà dân đông thì buộc phải có đông cán bộ để quản lý, thực hiện các công tác xã hội phát sinh.
Vậy việc hai địa phương này có đông cán bộ như vậy có vượt quá quy định cho phép không thưa ông?
Việc bố trí cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách, tổ thôn bản, chúng tôi đều tuân theo Nghị định 92. Địa bàn lớn, dân đông, quản không hết được nếu ít nhân lực. Chưa kể ngân sách của dân đóng vào để hỗ trợ nuôi cái bộ máy này (cán bộ tổ dân phố, khu phố) cũng đúng với chủ trương chính sách của trung ương chứ không có gì sai cả.
Theo quy định thì một phường chỉ được 25 cán bộ công chức chuyên trách nhưng nếu ở Mạo Khê và Hồng Hải mà cũng chỉ có 25 cán bộ thì tỉnh Quảng Ninh làm sao để quản lý hơn 5.000 hộ dân/một đơn vị cấp cơ sở như thế?
Có nghĩa là việc tinh giản cán bộ tại các địa phương mà cụ thể là ở hai đơn vị cấp cơ sở nêu trên là vấn đề không thể ?
Bộ máy cơ sở gọn nhẹ, nhân lực tinh nhuệ và vận hành hiệu quả, tốn ít ngân sách là điều mà bất cứ vị lãnh đạo nào cũng muốn; tuy nhiên phải tùy thực tế cụ thể của từng địa phương mà có quyết sách phù hợp.
Cụ thể hiện nay cứ từ 80 đến 100 hộ dân phải thành lập một đơn vị tổ dân phố. Nhưng nếu cắt giảm vai trò tổ trưởng, bí thư đi thì ai sẽ lo hoạt động xã hội, quản lý của cấp cơ sở. Hiện mỗi khu phố chúng tôi đang khoán phụ cấp 25 triệu/năm/thôn/khu phố. Chia ra mỗi tháng trợ cấp cho một cán bộ phụ trách là 230 nghìn/tháng. Đây là mức thấp cho tổ trưởng tổ, bí thư chi bộ tổ dân phố để họ đảm nhận công việc. Rõ ràng như thế là đông nhưng thẳng thắn ra thì không đông không được.
Vậy trước chủ trương tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, làm gọn bộ máy cơ sở, tỉnh Quảng Ninh nhận thấy trách nhiệm như thế nào?
Dân số đông buộc phải có nhiều tổ, khu dân cư để quản lý phù hợp. Tuy nhiên chúng tôi có quan điểm là phải làm gọn hết sức có thể bộ máy cấp cơ sở dựa trên tình thần khảo sát, đánh giá chặt chẽ để có chính sách phù hợp với địa phương cụ thể. Biện pháp cơ bản là tỉnh sẽ phải khoán tiền chi lương, trợ cấp để địa phương tự cân đối và thanh lọc các bộ phận không cần thiết.
Theo tinh thần chỉ đạo của trưng ương chúng tôi buộc phải thực hiện khoán. Cụ thể là sẽ rút số tiền chi ngân sách trả lương cán bộ cấp cơ sở xuống còn một nửa so với lâu nay để tùy địa phương người ta xử lý, cân đối và có biện pháp. Bên cạnh đó không giao, cấp chi tiêu biên chế nữa.
Vậy sắp tới tỉnh có kế hoạch cho cán bộ nghỉ việc để thực hiện chủ trương tinh giản cán bộ không?
Bây giờ bảo cho ai nghỉ ai làm là cả một vấn đề khó khăn không riêng gì của Quảng Ninh. Đuổi việc, cho nghỉ một người đâu phải chuyện dễ.
Tuy nhiên chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ để đánh giá lại để có biện pháp riêng biệt từng địa phương cụ thể. Trong các đơn vị công lập chúng tôi đã có những triển khai rất mạnh mẽ, về ngân sách chúng tôi đã giảm rất nhiều chứ không giảm biên chế. Công tác cân đối thu chi được ưu tiên thực hiện và phải duy trì sự phát triển của đơn vị. Dùng quy luật loại trừ để chọn lại những cán bộ có năng lực, hiệu quả.
Còn bây giờ nếu mạnh tay cắt hẳn cấp cơ sở ở khu dân cư, tổ dân phố thì sẽ dẫn đến "vỡ trận". Đây là một vấn đề nan giải, tế nhị và khó thực hiện.
Xin cảm ơn ông!
Thu Hằng
Theo dantri
12 triệu đồng cho chùm bưởi hồ lô tứ quý dịp Tết Bưởi hồ lô song sinh-chùm 2 quả có giá từ 1,2 triệu đồng; cặp tam tài-chùm 3 quả, giá 4 đến 5 triệu đồng và cặp tứ quý-chùm 4 quả thì giá phải từ 10-12 triệu đồng. Theo ông Ngô Văn Thân-Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Triều (xã Tân Bình, Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), dịp tết sắp...