Hàng trăm SV có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn
Vì hoàn ảnh gia đình khó khăn không thể chu cấp cho con em theo học nên trên toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 23 sinh viên phải bỏ học giữa chừng. 588 sinh viên khác cũng có nguy cơ bỏ học vì khó khăn về kinh tế.
Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện rà soát tại các Chi hội khuyến học ở từng làng, bản, khu phố, dòng họ trên địa bàn toàn tỉnh về số lượng sinh viên bỏ học vì khó khăn kinh tế.
Qua khảo sát, Hội Khuyến học tỉnh đã thống kê được trong năm học 2011 – 2012 vừa qua, toàn tỉnh Thanh Hóa có 23 sinh viên (SV) nghèo phải bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế. Trong số đó có 10 em học năm thứ nhất, còn lại là các em đang học năm thứ 2, thứ 3, thứ 5 tại các trường đại học ở Hà Nội, TPHCM, Thái Nguyên…
Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, số SV này thiếu tiền đóng học phí, thiếu các điều kiện đảm bảo sinh hoạt hàng ngày trong quá trình theo học nên phải bỏ học.
Cũng qua khảo sát, Hội Khuyến học thống kê hiện nay toàn tỉnh Thanh Hóa còn có 588 SV đang theo học các trường đại học, cao đẳng trong, ngoài tỉnh có nguy cơ bỏ học vì khó khăn về kinh tế.
Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa đã có công văn đề nghị UBND tỉnh có chính sách trợ giúp đặc biệt cho 23 SV đã bỏ học, để các em có điều kiện trở lại trường tiếp tục học tập.
Đối với 588 sinh viên có nguy cơ bỏ học, UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng chính sách – xã hội – Chi nhánh Thanh Hóa tiếp tục cho vay tiền (kể cả hộ cận nghèo) để các em có điều kiện và yên tâm học tập. Đồng thời, Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ tìm các nguồn tài trợ và sử dụng các Quỹ khuyến học hiện có để hỗ trợ ngay cho các SV đang gặp khó khăn về kinh tế.
Video đang HOT
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Đình Bưu – Chủ tịch Hội khuyến học Thanh Hóa cho biết: “Cái này Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐT, sau đó, Bộ giao cho các Sở GD-ĐT và các trường đại học rà soát vấn đề này. Tuy nhiên về phía Hội cũng chủ động rà soát để nắm bắt vấn đề này. Hiện mới chỉ nắm được số lượng từ cơ sở báo cáo lên. Có những trường hợp nhận giấy báo xong không có tiền nhập học, chúng tôi đang tiếp tục nắm lại cụ thể từng trường hợp một. Hội đã có công văn gửi UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ và Ngân hàng Chính sách trong việc cho sinh viên vay vốn”.
Sau khi tiếp nhận công văn đề nghị của Hội Khuyến học, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt đã có ý kiến chỉ đạo giao Sở GD-ĐT phối hợp cùng Hội Khuyến học tỉnh, Ngân hàng chính sách – xã hội – chi nhánh Thanh Hóa kiểm tra cụ thể, có ý kiến đề xuất chính sách hỗ trợ cho SV con hộ nghèo, hộ cận nghèo, để các em có điều kiện tiếp tục theo học.
Duy Tuyên
Theo dân trí
Lớp học Ngoại ngữ trong... chùa
Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TPHCM), chùa Lá ngày ngày vang lên tiếng đọc bài của học viên các lớp học ngoại ngữ miễn phí được tổ chức tại chùa. Đã ba năm qua, âm thanh quen thuộc ấy đã trở nên quen thuộc với người dân sống quanh đây.
Năm 2009 các sư thầy chùa Lá dành một phần đất của chùa để xây dựng lớp học ngoại ngữ miễn phí cho sinh viên nghèo. Ban đầu trung tâm chỉ có một lớp dạy tiếng Anh với 30 học viên. Sau một thời gian hoạt động, đến nay trung tâm có tới 22 lớp dạy tiếng Anh, Hoa, Nhật, Pháp, Đức với hơn 700 học viên và con số ấy không ngừng tăng lên mỗi ngày.
Về mục đích xây dựng các lớp học ngoại ngữ miễn phí, thầy Thích Nhuận Tâm, trụ trì chùa Lá nói: "Tôi muốn đóng góp cho đất nước, cho xã hội ngày một đi lên. Các em sinh viên bây giờ ở tỉnh đi lên để học hỏi, đang khó khăn về mặt kinh tế nên tôi mở ra lớp học này để giúp đỡ các em, để các em được học ngoại ngữ chu đáo, tự tin trên con đường hội nhập quốc tế".
Học viên ở đây phần lớn là các sinh viên nghèo từ các tình lên thành phố trọ học. Nhiều bạn phài đi làm thêm để có tiền trang trải ăn học, nhưng để theo học được ở các trung tâm ngoại ngữ là không thể.
Từ ngày lớp học trong chùa được mở ra, nhiều sinh viên đã chuyển về thuê nhà ở gần chùa để có thể tham gia lớp học miễn phí. Nhiều sinh viên ở quận 9, Thủ Đức hàng ngày cũng đi xe buýt về học.
Chùa có mặt bằng khá khiêm tốn nên diện tích dành cho lớp học cũng không nhiều, chỉ khoảng 30 m2, khi học viên đăng kí quá nhiều nhà chùa phải chia ra thành nhiều ca trong ngày để dạy. Thương học viên không có chỗ học, sư thầy trụ trì đã dọn vào ở tạm trong một căn phòng nhỏ phía sau chánh điện, nhường phòng ngủ của mình làm nơi học tập cho học viên. Hiện tại trung tâm có 2 phòng học hoạt động liên tục từ 7h30" tới 22h hàng ngày.
Lớp học ngoại ngữ trong chùa Lá. (Ảnh Nguyễn Hằng)
Vào những ngày cuối tuần, các lớp học luôn trong tình trạng quá tải, có học viên kê ghế ngồi ở trước sân để học.
Trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập đều do các thầy tự sắm dần. Các thầy xin bàn ghế dư thừa hoặc bàn ghế cũ hư hỏng từ các trường học rồi sửa lại cho học viên.
Tuy không thu phí của học viên nhưng mỗi tháng chùa phải trả cho các giảng viên từ 35- 40 triệu đồng. Số tiền ấy không nhiều so với thu nhập của hơn 10 giảng viên, nhưng với một ngôi chùa chỉ có vỏn vẹn 4 vị sư thì con số ấy là rất lớn.
Để cố gắng trả lương cho các giảng viên, các sư thầy phải tự xoay xở bằng cách viết chữ thư pháp, kinh doanh đá phong thủy hoặc trích một phần từ tiền cúng dường của chùa.
Ngoài giờ học thầy trụ trì còn lên lớp nói chuyện với học viên, giúp học viên thư giãn sau những buổi học. Đó là những câu chuyện vui nhưng thấm nhuần triết lý, mang đậm tính nhân văn sâu sắc và là những kinh nghiệm sống quý báu của các sư thầy ở đây.
Trong thời buổi hội nhập quốc tế, ngoại ngữ trở thành một nhu cầu thiết yếu để có thể tìm được một việc làm. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng có đủ điều kiện đến trường học ngoại ngữ. Chính vì thế, trung tâm ngoại ngữ miễn phí chùa Lá đã giúp cho sinh viên nghèo nuôi dưỡng ước mơ trên con đường bước vào hội nhập.
Tiếng đọc bài hòa lẫn với tiếng mõ tụng kinh của các sư thầy nơi đây sẽ luôn đọng lại trong trái tim những bạn trẻ hiếu học, tiếp thêm hành trang để vững bước trên con đường đi tới thành công.
Theo Nguyễn Hằng
Tuần Việt Nam
Hơn 1.000 SV bỏ học vì không có tiền đóng học phí Bộ GD-ĐT vừa thống kê số lượng sinh viên bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Theo đó, trong 180 trường ĐH,CĐ, tổng số SV nghỉ học vì khả năng đóng học phí là 1.163 em, chiếm tỷ lệ khoảng 0,12% trên tổng số SV. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "không để trường hợp học sinh,...