Hàn Quốc tăng cường sức mạnh tác chiến không – biển
Tình hình Đông Bắc Á ngày càng căng thẳng buộc Hàn Quốc phải không ngừng nâng cao năng lực chiến đấu trên biển lẫn trên không.
Tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis tuần tra gần bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham Tiêu – Ảnh: SCMP
Theo Yonhap, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) vừa thông qua kế hoạch đóng thêm 3 tàu khu trục 7.600 tấn được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis từ năm 2023 – 2027, với ngân sách ước tính 3,8 tỉ USD.
“Tường thành” trên biển
“Kế hoạch này nhằm nâng cao khả năng quân sự của Hàn Quốc chống lại mối đe dọa từ tên lửa cũng như tàu ngầm của đối phương và ứng phó nguy cơ tiềm ẩn xung quanh bán đảo Triều Tiên”, Yonhap dẫn lời phát ngôn viên JCS Eom Hyo-sik nhấn mạnh.
Video đang HOT
Hải quân Hàn Quốc hiện sở hữu 3 khu trục hạm Aegis. Loại tàu này dài 166 m, được trang bị hệ thống radar tiên tiến, cùng tên lửa, ngư lôi, có thể chở khoảng 300 thành viên thủy thủ đoàn. Một khi 3 tàu mới được đưa vào sử dụng, Hàn Quốc có thể lập 3 hạm đội cơ động tuần tra thường xuyên để xây dựng một “tường thành phòng thủ” xung quanh bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham Tiêu lẫn nhóm đảo Dokdo/Takeshima đang tranh chấp với Nhật. Trong đó, một đội sẽ gồm 2 tàu Aegis, một số khu trục hạm 4.200 tấn, 2 tàu ngầm, 1 tàu chuyên vận chuyển và 1 tàu tiếp liệu. Ngoài ra, Seoul sẽ sớm triển khai 6 tàu ngầm Type 214 với độ choán nước 1.800 tấn và 9 tàu ngầm tấn công hạng nặng 3.000 tấn KSS-III. Hai loại tàu này sẽ được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng có thể bắn tên lửa hành trình tầm xa 1.500 km.
Chưa hết, sau khi Nhật cho hạ thủy tàu khu trục chở trực thăng Izumo được đánh giá là vượt trội hơn nhiều tàu sân bay “thứ thiệt” còn Trung Quốc lập kế hoạch xây dựng 3 đội tác chiến tàu sân bay vào năm 2020, Hàn Quốc cũng muốn 2 tàu sân bay hạng nhẹ 30.000 tấn có thể mang 30 chiến đấu cơ trong giai đoạn 2028 – 2036, theo tuần báo Defense News. Trước mắt, nước này sẽ trang bị cho tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Dokdo một hệ thống hỗ trợ chiến đấu cơ cất/hạ cánh trên đường băng ngắn hay cất cánh theo phương thẳng đứng.
Hệ thống tên lửa phòng không mới của Hàn Quốc – Ảnh: Wowkorea.jp
Lưới lửa phòng không
Trong tình hình 3 nước Đông Bắc Á đang “hằm hè” nhau vì vùng nhận diện phòng không thì nhu cầu đẩy mạnh năng lực tác chiến trên bầu trời cũng được giới quân sự Seoul xem trọng không kém gì trên biển.
Hôm 27.12, Hàn Quốc tuyên bố phát triển thành công hệ thống tên lửa phòng không đa nhiệm có thể tấn công các mục tiêu bay ở tầm thấp, theo Yonhap. Đây là sự kết hợp giữa vũ khí chống máy bay tự hành K-30 tầm bắn 3 km với tên lửa đất đối không Shingung tầm bắn hơn 7 km. Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) cho hay hệ thống tên lửa mới có thể bắn 2 loại tên lửa cùng lúc để tiêu diệt chiến đấu cơ đối phương. DAPA dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất hệ thống tên lửa mới vào năm 2014 và chính thức triển khai từ 2015.
Cũng theo DAPA, công ty quốc phòng BAE Systems (Anh) sẽ sớm khởi động chương trình nâng cấp khả năng tác chiến điện tử trị giá 1,2 tỉ USD cho 134 chiến đấu cơ F-16 cho Hàn Quốc. Nước này cũng đã quyết định mua 40 máy bay tàng hình F-35 và dự kiến nhận chiếc đầu tiên vào năm 2018 thay vì mua 60 chiếc F-16 như ý định ban đầu. Reuters dẫn lời giới quan sát nhận định Hàn Quốc đổi ý vì Nhật cũng mua 40 chiếc F-35 trong khi Trung Quốc đang ra sức phát triển chiến đấu cơ tàng hình nội địa J-20 và J-31.
Theo TNO
Căng thẳng leo thang vì đền Yasukuni
Báo giới Trung Quốc đòi trả đũa mạnh tay, trong khi biểu tình nổ ra ở Hàn Quốc, sau chuyến thăm ngôi đền gây tranh cãi của Thủ tướng Nhật.
Thủ tướng Abe (thứ 2 từ trái) thăm đền Yasukuni ngày 26.12 - Ảnh: Reuters
Ngày 27.12, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lên tiếng chỉ trích việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm đền Yasukuni ở Tokyo là "hành vi không đáng tin cậy, ngăn chặn sự phát triển quan hệ quốc phòng song phương", theo Yonhap. Trước đó, vào hôm 26.12, ông Abe trở thành thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Nhật viếng ngôi đền gây tranh cãi này trong 7 năm qua.
Đây là nơi thờ những người Nhật hy sinh trong chiến tranh nhưng bao gồm cả các nhân vật đã bị xét xử vì phạm tội ác chiến tranh trong Thế chiến 2. Lâu nay, việc quan chức Tokyo thăm đền luôn là cái gai nhức nhối trong quan hệ giữa Nhật và các quốc gia từng bị nước này chiếm đóng như Trung Quốc, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Kyodo News dẫn lời Thủ tướng Nhật tuyên bố ông không hề muốn làm tổn thương các nước láng giềng mà đến để cầu nguyện cho những người đã ngã xuống trong chiến tranh, với quyết tâm không để người dân phải trải qua nỗi đau một lần nữa. Hôm qua, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga khẳng định nước này sẽ nỗ lực giải thích cho cộng đồng thế giới hiểu rằng chuyến thăm của Thủ tướng Abe là nhằm thể hiện cam kết Nhật sẽ phát triển hòa bình và không bao giờ gây chiến.
Tuy nhiên, những lời giải thích nói trên không thể xoa dịu các láng giềng. Trong lúc chính phủ Hàn Quốc và Trung Quốc chỉ trích Nhật nặng nề thì nhiều cuộc biểu tình phản đối ông Abe đã nổ ra ở Seoul và Hồng Kông. Tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 27.12 kêu gọi Trung Quốc cần có "biện pháp đáp trả thích đáng nếu không sẽ bị xem là hổ giấy". Còn tờ China Daily nhấn mạnh Bắc Kinh phải xem xét lại quan hệ với Tokyo từ an ninh, ngoại giao đến kinh tế. Thậm chí, có ý kiến cho rằng cần cấm các quan chức cấp cao của Nhật đến Trung Quốc trong 5 năm.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật diễn ra trong bối cảnh tình hình Đông Bắc Á đang khá nóng bỏng do tranh chấp chủ quyền biển đảo cũng như sau quyết định của Trung Quốc đơn phương lập vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông vừa qua. Nhiều nước còn đang tỏ ra cảnh giác với chính sách tăng cường năng lực an ninh - quốc phòng mới của Nhật. Do đó, nhiều bên khác như Mỹ, Nga và EU đều bày tỏ lo ngại động thái của ông Abe làm gia tăng căng thẳng, theo Đài NHK.
Trong khi đó, chuyên gia Ed Griffith tại ĐH Leeds (Anh) nhận định với AFP: "Ông Abe luôn muốn thăm ngôi đền trên cương vị thủ tướng, nhưng trước đó không thể thực hiện được vì lo ngại sẽ làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, tranh chấp về Senkaku/Điếu Ngư đã đẩy quan hệ song phương gần như xuống mức thấp nhất kể từ năm 1945 nên ông ấy rõ ràng không còn xem đó là trở ngại". Giáo sư Tetsuro Kato, tại ĐH Hitotsubashi (Nhật), cũng cảnh báo rằng động thái mới của ông Abe có thể làm tăng nguy cơ xảy ra đụng độ nhỏ giữa hai bên.
Theo TNO
Trung Quốc cấm quan chức đến các câu lạc bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 23.12 ban hành lệnh cấm quan chức tới các câu lạc bộ (CLB) cao cấp và tuyên bố sẽ phạt nặng những trường hợp vi phạm, theo Tân Hoa xã. Ảnh minh họa Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) khẳng định có một số quan chức thường xuyên đến CLB tư nhân để bàn...