Hà Nội yêu cầu 2 tháng phải xoá sổ 6 điểm ngập úng
Trước tình trạng ngập úng nặng thường xảy ra tại các điểm: tòa nhà Keangnam – Nam Trung Yên, ngã năm Bà Triệu – Nguyễn Du, Đuôi Cá – Trương Định… lãnh đạo Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị liên quan phải xoá bỏ các điểm ngập úng trên trong 2 tháng tới.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi vừa yêu cầu Sở Tài chính bố trí vốn ngay cho Công ty Thoát nước Hà Nội thi công tại 6 trong số 21 điểm úng ngập đã được dự kiến từ trước: ngã năm Bà Triệu – Nguyễn Du, bê tông Thịnh Liệt, Đuôi Cá – Trương Định, Nguyễn Đức Cảnh – sông Sét, tòa nhà Keangnam – Nam Trung Yên.
Hình ảnh thường thấy trên một số tuyến phố Hà Nội những ngày trời mưa lớn.
Theo ông Khôi, ngoại trừ khu vực bê tông Thịnh Liệt hoàn thành trong tháng 8, các khu vực còn lại phải khẩn trương hoàn thành vào giữa tháng 7. Khi xảy ra mưa lớn, ngoài công nhân Công ty thoát nước ứng trực tại hiện trường, Sở Giao thông và Công an Hà Nội chỉ đạo Thanh tra giao thông và CSGT phân luồng, hướng dẫn giao thông; lắp đặt hàng rào, biển cảnh báo, đặc biệt tại các khu vực úng ngập sâu nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.
Trước đó, ngày 19/6, trước tình trạng cứ mưa lớn là nhiều tuyến đường bị ngập gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường bảo đảm an toàn trật tự an toàn giao thông đô thị khi xảy ra mưa bão, úng ngập.
Theo đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Thanh tra Giao thông Vận tải, Công an TP chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt phối hợp với Công ty Thoát nước Hà Nội có phương án cụ thể và bố trí, huy động kịp thời lực lượng để hướng dẫn, phân luồng, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các điểm có nguy cơ úng ngập ngay khi có mưa lớn xảy ra.
Đặc biệt, lãnh đạo Thành phố yêu cầu chú ý việc bố trí, huy động đủ lực lượng tham gia hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các nút giao, tuyến đường thường xuyên bị úng ngập khi xảy ra mưa lớn trong các giờ có lưu lượng tham gia giao thông cao (buổi sáng từ 6h00 đến 9h00 và buổi chiều từ 16h00 đến 19h00).
Theo báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội, ngoài 21 điểm úng ngập được dự kiến từ trước, Hà Nội đã xuất hiện thêm nhiều điểm úng ngập như: đường Nguyễn Xiển, phố Thái Hà – Thái Thịnh – khách sạn Fortuna Láng Hạ, phố Tân Mai, Liễu Giai – Phan Kế Bính, chân cầu Vĩnh Tuy…
Theo VNMedia
Taxi dù lộng hành thỏa sức "chém" khách đêm Hà Nội
21h đêm trên phố cầu Gỗ (Hà Nội), 3 chiếc taxi giả Trung Việt, chiếc thì logo mất chữ, chiếc thì là xe Toyota gia đình đeo biển taxi... đỗ dọc phố với lái xe đứng cửa chèo kéo khách. Nhiều khách hàng đi chơi chợ đêm đã "khóc thét" khi đi phải những chiếc taxi dù này.
Tối Chủ nhật ngày 6/5, chợ đêm Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) như mọi phiên chật cứng người ra vào. Người đến chợ mỗi lúc một đông nên việc gửi xe máy vào chợ cũng hết sức khó khăn. Tuy nhiên, trên phố Cầu Gỗ, 4-5 taxi dù của các hãng vẫn đỗ chềnh ềnh dưới lòng đường với lái xe đứng cửa chèo kéo khách.
Vừa từ chợ đêm đi ra, anh Thanh cùng với bạn được một tài xế mời lên xe. Sau phút lưỡng lự tìm kiếm xung quanh không thấy chiếc xe của hãng taxi đã gọi đến đón, anh cùng bạn gái lên xe về phố Nguyễn Du. Quãng đường từ bờ hồ về đến Nguyễn Du chỉ khoảng 2km, lúc lên xe nhìn thấy giá vé chỉ 10.500 đồng/km, anh Thanh rút sẵn 30.000 đồng để trả cho tài xê nhưng khi xe chuẩn bị đến điểm dừng nhìn lên đồng hồ km anh phát hoảng khi đồng hồ báo 75.000 đồng.
Biết là tài xế đã gian lận, anh ra sức giải thích là mọi lần anh vẫn đi taxi từ đó về chỉ mất 30.000 đồng là cùng nhưng tài xế không chịu cứ nói là đồng hồ báo vậy nên buộc anh phải trả đúng số tiền trên công tơ mét đã báo. Đôi co mãi không được, anh đành rút tiền ra trả cho tài xế.
"Tôi và bạn gái hay lên bờ hồ chơi, mọi lần đi taxi của các hãng khác chỉ mất chưa đầy 30.000 đồng nhưng lần này mất tới 75.000 đồng. Mặc dù đã nói hết lời là quảng đường chỉ khoảng 2km nhưng tài xế không nghe nên đành chịu", anh Thanh cho biết.
Không chỉ anh Thanh mà rất nhiều người khi sử dụng taxi ở Hà Nội buổi tối rất hay gặp phải những chiếc xe taxi chạy dù. Thủ đoạn của những tài xế taxi dù là thường lợi dụng thời điểm buổi tối khi lực lượng chức năng không kiểm soát để lộng hành và địa điểm hoạt động thường là những tụ điểm đông người để mời chào, chèo kéo.
Vào buổi tối, lợi dụng lực lượng chức năng buông lỏng quản lý, rất nhiều taxi dù lộng hành "chặt chém" khách. Ảnh: Tùng Nguyễn. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Ngày cuối tuần vừa qua, chị Huyền cùng chồng là người Singapore vào quán ăn Ngon trên phố Phan Bội Châu ăn uống. Vừa ra đến cổng, vợ chồng chị được một lái taxi mời chào nhiệt tình. Hai vợ chồng chị mới ở nước ngoài về thăm quê nên không biết số của hãng taxi nào, khi ra đến cổng quán ăn thấy bên ngoài có sẵn xe chờ đón lại mời chào nhiệt tình nên không cân nhắc đã bắt xe về phố Cầu Gỗ.
Vừa ngồi lên xe, tài xế cho xe chạy ngay, lòng vòng qua một số phố ngắn, chỉ ít phút sau chiếc taxi chở vợ chồng chị đã về đến cửa khách sạn. Lúc thanh toán tiền bị tài xế taxi đòi 80.000 đồng, tưởng rẻ chị vẫn rút tiền ra trả mà không ý kiến gì. Đến khi vào trong khách sạn, nhân viên khách sạn cho biết, quãng đường từ Phan Bội Châu về đến khách sạn chỉ khoảng 2km, chị mới tá hỏa vì bị "chặt chém".
"Mấy năm mới về quê, cũng không phải người thành phố nên tôi không quen đường lắm. Đoạn đường từ quán ăn về khách sạn thấy xe chạy cũng nhanh nhưng không ngờ lại bị tài xế chặt chém", chị Huyền than vãn.
Anh Nguyễn Văn M, tài xế của hãng taxi Vạn Xuân cho biết, cùng làm nghề như nhau nhưng các lái xe tử tế như anh cũng vẫn phải kiềng mặt đám taxi "dù". "Ban ngày thì còn đỡ chứ ban đêm họ chẳng coi ai ra gì, xe thì chạy bạt mạng trên đường, đồng hồ cước chỉnh xong "chạy nhanh hơn ngựa", lại còn tranh giành khách với chúng tôi nữa", anh M cho biết.
Theo anh M, nếu muốn biết đâu là xe "dù", đâu là xe "hãng" cũng không khó. Khách đi xe chỉ cần quan sát kỹ lôgô, số điện thoại trên thân xe và hình dáng bên ngoài của xe thôi. Nếu thấy lôgô dán lem nhem, hình dáng xe cũ kỹ, sơn bả nhiều, lái xe ăn mặc tùy tiện thì phần nhiều đó là taxi "dù".
Trong một cuộc họp về "bình ổn giá cước taxi" mới đây, trước những băn khoăn của các doanh nghiệp taxi về tình trạng xe dù - bến cóc, một phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã khẳng định: "Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố xử lý nghiêm hiện tượng xe dù - bến cóc, hạn chế tình trạng xe "nhái", gây ảnh hưởng tới quyền lợi của các doanh nghiệp vận tải".
Tuy nhiên cho đến nay, mọi việc dường như vẫn chưa hề có chuyển biến, ban ngày thì xe "nhái" - bến cóc vẫn có đất hoạt động, còn khi màn đêm buông xuống, hàng trăm taxi "dù" đang tiếp tục "chặt chém" người dân một cách... không thương tiếc.
Cũng theo báo cáo nhanh từ đoàn kiểm tra taxi thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, sau hơn hai tuần ra quân kiểm tra hoạt động của các xe taxi, từ cuối tháng 4, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hàng loạt taxi vi phạm, trong đó có 17 hãng taxi hoạt động "lậu", tạm giữ 47 xe...
Nói về vi phạm của các hãng taxi, lãnh đạo Ban thanh tra giao thông, Sở GTVT chia sẻ, trong đợt này những xe taxi nào không đạt yêu cầu sẽ không được dán tem, những xe không có tem vẫn hoạt động sẽ bị coi như "taxi dù".
Cũng sau 2 tuần thanh kiểm tra, đoàn kiểm tra thừa nhận việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay còn khá nhiều tồn tại. Đó không chỉ dừng lại ở việc đa số các đơn vị chưa đăng ký lô gô, màu sơn đặc trưng và chưa thống nhất màu sơn xe taxi theo quy định; Một số đơn vị để phù hiệu hết thời hạn nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ để cấp phù hiệu cho xe taxi và vẫn để xe taxi hoạt động; Một số đơn vị chưa thực hiện tập huấn định kỳ cho lái xe taxi, một số lái xe taxi còn sử dụng Chứng chỉ tập huấn hết thời hạn hoặc chứng chỉ loại cũ - không có thời hạn...
Theo VNMedia