Hà Nội sẽ giảm hơn 25.000ha đất lúa, nhiều nơi chuyển sang trồng hoa, rau trái là “ngon ăn”
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, định hướng đến năm 2025, Hà Nội sẽ giảm dần diện tích đất lúa hiện nay, từ 165.593ha xuống còn 140.000ha vào năm 2025 (giảm hơn 25.000ha).
Cụ thể, theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện còn 165.593ha đất trồng lúa, tập trung tại 23 quận, huyện thị xã. Trong vụ xuân 2022, diện tích canh tác lúa của Hà Nội đạt hơn 81.000ha.
Trong những năm gần đây sản xuất lúa của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, bà con ngày càng chủ động ứng dụng cơ giới hóa, giống chất lượng cao vào sản xuất. Theo đóHà Nội sẽ giảm dần diện tích đất trồng lúa hiện nay, từ 165.593ha xuống còn 140.000ha vào năm 2025 (giảm hơn 25.000ha).
Ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) chia sẻ, nhờ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa mà gia đình ông đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, với mức thu nhập 4-7 triệu đồng/người/tháng. Hiện gia đình ông trồng hoa theo hướng công nghệ cao, thu 500 triệu đồng/ha/năm…
Việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả đã đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng. Ảnh: baohanoimoi
Theo Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, giai đoạn 2017-2020, huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang trồng hoa – cây cảnh, trồng dược liệu, cây ăn quả được 428,9ha. Hầu hết những diện tích chuyển đổi từ đất lúa này đều cho thu nhập cao hơn trồng lúa 5-7 lần; không có đất 2 lúa bị bỏ hoang…
Theo đánh giá của Sở NNPTNT Hà Nội, những năm qua, các diện tích đất trồng lúa được bà con nông dân chuyển sang trồng rau, hoa và cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 3 – 8 lần.
Video đang HOT
Trong đó, cây nhãn tập trung chuyển đổi tại các huyện: Quốc Oai, Hoài Đức, Mỹ Đức; cây có múi tập trung tại các chân ruộng cao có độ phù sa trung bình đến khá tại các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Phúc Thọ, Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh…
Diện tích trồng hoa phát triển nhiều ở các huyện: Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng, quận Long Biên và Hà Đông. Diện tích trồng rau chủ yếu mở rộng ở các huyện Thường Tín, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đông Anh và quận Hà Đông.
Vùng trồng lúa chất lượng cao Japonica tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển ngành lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống chất lượng cao phục vụ cho người dân Thủ đô và hướng tới xuất khẩu; phấn đấu đến năm 2025, diện tích canh tác lúa chất lượng cao đạt ít nhất 85%. Đồng thời bố trí khoảng 10% diện tích chuyên canh lúa để phát triển lúa giống và thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác, thu hoạch, sơ chế, chế biến.
Trong định hướng sản xuất lúa, Hà Nội sẽ nghiên cứu chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu (vùng đồi gò, khu vực giáp ranh đô thị…) sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: Rau màu, hoa – cây cảnh, cây ăn quả… Việc phát triển trồng trọt theo hướng hữu cơ và sẽ gắn sản xuất hữu cơ với du lịch và bảo vệ môi trường.
Theo Sở NNPTNT Hà Nội, đến hết năm 2021, trên địa bàn thành phố có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố; trong đó, công nghệ cao, thông minh được sử dụng chủ yếu trong việc quản lý, điều phối các công đoạn sản xuất.
Trái ngọt từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Ngày giáp Tết, gia đình anh Nguyễn Văn Thúy ở xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên tất bật bên vườn cam đang độ thu hoạch, ai nấy đều hối hả cắt cam, đóng thùng để kịp chuyển cho khách làm quà biếu.
Bận rộn là thế nhưng không ai thấy mệt bởi lại thêm một vụ cam bội thu đến với gia đình.
Gắn bó với cây cam gần 20 năm, anh Thúy cho biết, loại cây này là nguồn thu chính của gia đình. Với 2 ha cam, ước tính vườn cam của anh Thúy cho thu hoạch khoảng trên 30 tấn trong vụ cam năm 2021.
Năm 2003, sau khi nhận thấy canh tác lúa hiệu quả không cao, anh Thúy bàn bạc với vợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thời điểm đó nhiều hộ gia đình tại Văn Giang cũng chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn quả cho hiệu quả cao gấp từ 10-15 lần. Trong số đó, có một số hộ tìm đến vùng đất giáp với huyện Văn Giang là cánh đồng Cầu Chùa thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội thuê đất trồng cây có múi. Anh Thúy cũng mạnh dạn thuê 2 ha tại cánh đồng Cầu Chùa để trồng cam.
Anh Thúy cho biết, ban đầu thuê đất vợ chồng anh rất lo lắng và trăn trở làm thế nào để vườn cam vừa cho năng suất cao vừa đảm bảo chất lượng lại tiêu thụ tốt. Sau khi tìm hiểu kỹ, anh Thúy được biết đất Cầu Chùa cơ bản là đất pha sét, giàu dinh dưỡng và có những thành phần tạo nên hương vị ngọt thơm cho các loại quả, đặc biệt là loại quả có múi như cam. Trước đó, người dân nơi đây trồng lúa nhưng không cho hiệu quả cao.
Điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, kết hợp với kỹ thuật trồng cam sẵn có nên việc chuyển đổi cây trồng của gia đình anh Thúy không gặp trở ngại. Cả hai vợ chồng anh Thúy đều gắn bó với cây cam từ nhỏ bởi đều được sinh ra và lớn lên ở vùng trồng cam đất Văn Giang.
Bên cạnh phương thức canh tác truyền thống, anh Thúy cũng rất chịu khó học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật trồng mới. Nhờ đó, kinh nghiệm trồng cam của anh ngày một dày lên và vườn cam của gia đình luôn cho trái ngọt, hiệu quả cao.
Theo anh Thúy, quy trình để có vườn cam chất lượng, sai quả cần nhiều thời gian và kỹ thuật chăm sóc cẩn thận. Nhưng điều cốt lõi là sản xuất sạch, an toàn để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Huệ, vợ anh Thúy chia sẻ, người tiêu dùng giờ rất sành ăn, họ thường chọn các loại quả không chỉ ngon mà còn sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm. Chính vì thế nên vườn cam của gia đình được trồng theo hướng VietGAP, vừa đảm bảo độ ngọt thơm của sản phẩm nhưng lại an toàn cho sức khỏe.
Chỉ vào những quả cam vàng, rám vỏ, chị Huệ nói: "Cam ở đây mã không được đẹp. Nhìn màu quả cam là biết không có chất kích thích hay bất kỳ loại thuốc nào để tạo mã sáng, đẹp. Thường nhà vườn chúng tôi chỉ bón phân hữu cơ, phun thuốc sinh học. Thời điểm trước một tháng thu hái, chúng tôi tuyệt đối không dùng bất kỳ loại thuốc nào. Làm như vậy để bảo đảm an toàn sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Nếu dùng thuốc kích thích thì đỡ mất thời gian và đỡ mất công sức hơn nhưng chúng tôi không lựa chọn phương án đó. Chính vì sản xuất theo hướng sạch, an toàn mà suốt gần 20 năm qua, chưa năm nào vợ chồng tôi bị ế cam, rất hiếm khi phải mang cam ra chợ bán do chủ yếu là khách ăn quen đến đặt".
Chị Huệ cũng chia sẻ, quá trình trồng cam gần 20 năm chỉ có mấy năm đầu do chưa quen nên vợ chồng chị phải mang cam ra chợ bán. Nhiều người tiêu dùng sau khi mua cam của chị ngoài chợ đã tìm đến tận vườn đặt mua. Cứ như vậy, người nọ truyền tai người kia và chị Huệ không còn cam để mang ra chợ bán nữa. Cam chín đến đâu, khách đặt đến đấy.
Điều đáng nói, giá cam tại vườn của gia đình anh Thúy luôn cao gấp từ 2-3 lần giá cam cùng loại được bán trên thị trường nhưng người sành ăn vẫn tìm đến đặt mua. Chị Nguyễn Thị Mến ở thành phố Hưng Yên cho biết, chị được biết đến cam Cầu Chùa là do được người thân biếu tặng. Loại cam này mã không được đẹp nhưng vị ngọt thơm rất đậm đà, khác hẳn với những loại khác. Mặc dù giá cao nhưng năm nào chị Mến cũng đặt mua tại vườn của gia đình anh Thúy cả tạ cam vừa để ăn, vừa để biếu người thân.
Anh Đỗ Văn Mạnh ở Cửu Cao, Văn Giang cũng cho hay, cam Cầu Chùa làm quà biếu người được nhận rất quý bởi hiếm có loại cam nào có vị ngọt thơm như vậy. Từ khi biết đến loại cam này, năm nào anh Mạnh cũng đặt của gia đình anh Thúy tới vài tạ cam vừa để ăn vừa mang biếu người thân.
Chị Nguyễn Thị Huệ cho hay, những khách hàng như chị Mến, anh Mạnh đến vườn cam của gia đình chị rất nhiều. Đa phần đều do người này mách bảo người kia. "Năm nào cũng tầm cuối tháng 10 âm lịch trở đi là đã có khách đến đặt cam. Bắt đầu từ tháng 11 gia đình tôi lại tất bật cắt cam, đóng thùng gửi cho khách. Mấy năm trở lại đây khách đến đặt nhiều, chúng tôi đều bán hết tại vườn", chị Huệ nói.
Với sự cần cù, ham học hỏi, biết khai thác tiềm năng lợi thế của đất đai, anh Thúy được mệnh danh là "tỷ phú chân đất". Những năm gần đây, trung bình mỗi năm gia đình anh Thúy thu nhập khoảng hơn 1 tỷ đồng sau khi trừ các loại chi phí.
Xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Hướng mạnh tới đô thị hóa, đời sống người dân thêm sung túc Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn thủ đô Hà Nội đang là điểm nhấn về việc nâng cao chất lượng đời sống người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với quá trình đô thị hóa. Nông thôn chuyển mình Sau khi đạt chuẩn NTM, nhiều xã tại các huyện ngoại thành tiếp tục thực hiện xây...