Hà Nội đã có 24 ca mắc uốn ván, 3 trường hợp tử vong
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, ca mắc uốn ván mới nhất vừa ghi nhận là cụ bà 84 tuổi ở huyện Phú Xuyên.
Từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 3 ca tử vong do uốn ván, trong khi cùng kỳ năm 2022 không có ca tử vong.
Ngày 20/11, CDC Hà Nội cho biết, cụ bà 84 tuổi ở huyện Phú Xuyên là ca mắc uốn ván thứ 24 trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay.
Cụ bà có tiền sử tổn thương vùng sống mũi nhiều năm. Theo thời gian, tổn thương này ngày một to và đóng vảy đen. 10 ngày trước khi nhập viện, cụ bà xuất hiện đau hàm, khó nuốt nhưng không sốt. 5 ngày sau đó, bệnh nhân khó há miệng, khó nói tăng dần.
Do không nói được, khít hàm, tay chân cứng, khó đi lại, cụ bà được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán mắc uốn ván.
Video đang HOT
Bác sĩ đang điều trị cho một trường hợp mắc uốn ván.
Theo CDC Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, Thủ đô đã có 24 trường hợp mắc uốn ván (tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 trường hợp tử vong (trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca tử vong).
Uốn ván là một loại bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao, nhưng nhiều người còn chủ quan. Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani phát triển tại vết thương gây ra.
Các triệu chứng của bệnh uốn ván được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau. Trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân mình như ngực, cổ, lưng, bụng và mông. Việc co cơ mạnh, đột ngột, kéo dài gây đau cơ, có thể rách cả cơ và gãy xương. Các triệu chứng khác bao gồm sốt, nhức đầu, bồn chồn, khó chịu, bí tiểu, nóng rát khi đi tiểu và đại tiện mất kiểm soát.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, tiêm vaccine phòng bệnh là giải pháp phòng bệnh uốn ván hiệu quả nhất.
Hà Nội ghi nhận 136 ổ dịch sốt xuất huyết trong một tuần
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua Thủ đô ghi nhận 2.601 ca mắc sốt xuất huyết, 139 ổ dịch mới - là tuần có nhiều ổ dịch nhất từ đầu năm tới nay.
CDC Hà Nội cho biết, trong tuần qua, cả 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô đều ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết mới. Dẫn đầu là quận Hà Đông với 250 ca, tiếp đến là huyện Phú Xuyên với 200 ca, huyện Thanh Oai 171 ca, huyện Thanh Trì 163 ca...
Trong tuần qua ghi nhận 136 ổ dịch sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện, thị xã. Đây cũng là tuần có nhiều ổ dịch nhất từ đầu năm 2023 cho đến nay.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 20.548 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó đã có 3 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 568/579 xã, phường, thị trấn.
Kiểm tra và diệt ổ bọ gậy ngay trong chính gia đình để phòng sốt xuất huyết.
Như vậy, thống kê trong 3 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng mạnh, dao động trong khoảng từ 2.500 - 2.600 ca/tuần (tăng 1,5 lần so với tuần đầu tháng 9/2023).
Thủ đô cũng ghi nhận 1.305 ổ dịch sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, hiện còn 258 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) có 523 bệnh nhân; xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) có 396 bệnh nhân; thôn Đống, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) có 88 bệnh nhân; phố Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) có 42 bệnh nhân...
Theo Bộ Y tế, trong tuần qua, cả nước ghi nhận 5.666 ca mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong tại Cà Mau. Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 99.639 trường hợp mắc, 27 trường hợp tử vong.
Sốt xuất huyết tăng mạnh tại Hà Nội khiến khoa truyền nhiễm tại nhiều bệnh viện quá tải, thậm chí phải nằm ghép. Theo khuyến cáo của CDC Hà Nội, người dân phải nâng cao ý thức phòng dịch như: Thường xuyên thau rửa dụng cụ chứa nước, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Người đàn ông ở Hà Nội tử vong sau 2 tháng bị chó cắn Người đàn ông 45 tuổi trọ ở Long Biên (Hà Nội) lên cơn vật vã, có dấu hiệu sợ gió, sợ nước sau 2 tháng bị chó cắn vào bàn tay phải, tử vong sau ít ngày vào viện điều trị. Ngày 13/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết vừa ghi nhận 1 trường hợp tử vong do...