Giảng viên 9X nhận 4 học bổng thạc sĩ toàn phần tại châu Âu
Nguyễn Viết Ngọc đang là giảng viên đại học Y Dược TP.HCM xuất sắc nhận 4 học bổng thạc sĩ toàn phần từ các trường danh tiếng tại châu Âu.
Nguyễn Viết Ngọc – giảng viên trẻ nhất của khoa Y Dược , Đại học Y Dược TP.HCM – vừa kết thúc học kỳ đầu tiên (trong 2 năm học thạc sĩ) tại Viện Karolinska (Thụy Điển).
Hai năm trước, Nguyễn Viết Ngọc tìm hiểu và chuẩn bị hồ sơ xin học bổng với mục tiêu hoàn thành trong năm học 2020-2021. Ngọc từng nộp hồ sơ xin học bổng tại 10 trường đại học khác nhau. Kết quả, anh trúng tuyển 4 học bổng ngành Y Dược tại 4 trường đại học danh tiếng ở các quốc gia khác nhau.
Đó là học bổng chính phủ Ireland (học bổng IDEAS) ngành Global Health (Y tế toàn cầu) tại Đại học Trinity College Dublin, học bổng VLIR UOS – Bỉ, ngành Epidemiology (Dịch tễ học) tại Đại học Antwerp, học bổng được cấp bởi chính phủ Thuỵ Điển – ngành Epidemiology (Dịch tễ học) tại Viện Karolinska , học bổng của chính phủ Anh, ngành Public Health (Y tế công cộng) tại Đại học Glasgow.
Mỗi học bổng đều cấp toàn bộ học phí, vé máy bay hai chiều, sinh hoạt phí hàng tháng, bảo hiểm, phí làm visa và một số chi phí khác với giá trị khoảng 1,4 – 2 tỷ đồng.
Sau khi cân nhắc, Viết Ngọc lựa chọn học bổng cấp bởi chính phủ Thụy điển cho chương trình thạc sĩ toàn phần 2 năm tại Viện Karolinska . Anh nói điều này xuất phát từ tình yêu và sự ngưỡng mộ với nền giáo dục tại Thụy Điển. Anh muốn tìm hiểu cách làm giáo dục của nước bạn – một trong những quốc gia được đánh giá hàng đầu về xuất khẩu giáo dục.
Viện Karolinska cũng là đơn vị nằm trong nhóm những trường đào tạo ngành Y Dược tốt nhất thế giới , thường góp mặt trong top đầu tại châu Âu và thế giới theo hệ thống xếp hạng các trường đại học chuyên ngành Y Dược.
Anh Nguyễn Viết Ngọc chọn học thạc sĩ tại Thụy Điển sau khi giành được 4 học bổng. (Ảnh: NVCC).
Nhắc đến chàng trai 9X người Quảng Nam, nhiều thế hệ sinh viên trường Đại học Y Dược TP.HCM vô cùng ngưỡng mộ. Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Viết Ngọc trúng tuyển ngành Dược của trường (khóa 2011 – 2016). Thời sinh viên, Nguyễn Viết Ngọc không chỉ nổi bật với thành tích học tập tốt mà còn là gương mặt sôi nổi của các hoạt động cộng đồng, Đoàn – Hội.
Tốt nghiệp đại học với xếp loại giỏi (top 3/325 toàn trường), Viết Ngọc được giữ lại làm giảng viên bộ môn Dược lâm sàng – khoa Dược và Trung tâm điều trị nghiện chất và HIV. Chàng trai sinh năm 1993 này cũng là Phó bí thư Đoàn của khoa, phụ trách một số chương trình sinh viên liên quan đến văn nghệ, tiếng Anh.
Anh từng nhận được một số học bổng ngắn hạn của Đại học Takasaki (Nhật), học bổng Daewoong, học bổng Homtamin (Hàn Quốc).
Viết Ngọc chia sẻ, mục tiêu nghề nghiệp và ước mơ của anh là trở thành giảng viên giỏi về giảng dạy, giỏi về nghiên cứu và có thể truyền lửa được cho sinh viên. Vì thế anh lựa chọn việc đi du học trong 2 năm để hoàn thiện bộ kỹ năng cũng như tiếp thu được vốn sống, tri thức tốt hơn.
Trong những năm tháng học đại học, Viết Ngọc đã nung nấu ý định đi du học và quyết tâm hành động để đạt được mục tiêu trên. Xác định con đường duy nhất để hoàn thành ước mơ là nhận được học bổng toàn phần, Ngọc dành 2 năm tích lũy kinh nghiệm từ việc nộp hồ sơ thế nào, viết thư giới thiệu, bài luận ra làm sao .
Anh cũng thường xuyên kết nối với cộng đồng du học sinh, chia sẻ bài viết trên các blog, diễn đàn để nghe những lời khuyên bổ ích. Nói về khó khăn trong quá trình nộp hồ sơ xin học bổng , anh cho biết nhiều bạn trẻ đang không biết mình muốn học gì hoặc làm gì trong tương lai. Bên cạnh đó căn bệnh của tuổi trẻ là quá tự tin nên đôi khi không nhận ra những điểm mạnh và hạn chế của bản thân.
Anh Ngọc đang là giảng viên trẻ nhất của khoa Y Dược , Đại học Y Dược TP.HCM. (Ảnh: NVCC).
Về bí quyết xin được nhiều học bổng danh giá, Viết Ngọc cho rằng yếu tố quan trọng nhất là hãy hiểu rõ bản thân mình muốn gì để từ đó xây dựng một kế hoạch cụ thể cho việc nộp hồ sơ xin học bổng . Ứng viên cũng cần phải chuẩn bị thật tốt thông qua chia sẻ kinh nghiệm của những người đi trước như cách thức viết bài luận, viết thư giới thiệu kèm hồ sơ học tập, làm việc.
Thêm vào đó, phần lớn các ứng viên sẽ gặp lúng túng khi gặp phải những câu hỏi như bạn muốn gì, mục tiêu trong học tập, công việc của bạn là gì? Ngọc gợi ý, ứng viên nên tìm hiểu thật kỹ và lắng nghe bản thân mình mong muốn điều gì.
Đối với bài luận, thư giới thiệu thì kỹ năng viết vô cùng quan trọng. Để viết hay, thuyết phục, ứng viên nên có nhiều trải nghiệm trong học tập cũng như cuộc sống. Lời khuyên của Viết Ngọc dành cho những bạn sinh viên đang có ý định du học đó là hãy lập cho mình một mục tiêu và từng bước chinh phục mục tiêu đó.
” Việc học ở trường rất quan trọng để tích lũy điểm số, làm đẹp hồ sơ. Tuy nhiên các bạn trẻ cũng cần có nhiều trải nghiệm thực tế thông qua các hoạt động xã hội , từ thiện để làm tăng vốn sống, hiểu biết “, Viết Ngọc chia sẻ.
Trường y cạnh tranh bằng học phí sẽ không thể đào tạo bác sĩ giỏi
Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền cho rằng, các trường ngành Y Dược tuyệt đối không nên cạnh tranh bằng học phí, học phí thấp sẽ không thể đào tạo bác sĩ giỏi.
Thông tin Đại học Y dược TP.HCM dự kiến tăng học phí trong năm học 2020- 2021, có ngành tăng gấp 4-5 lần so với năm học 2019-2020 gây ra nhiều luồng ý kiến tranh cãi. Dưới đây là bài viết của PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, về vấn đề này.
Tự chủ đi đôi với tăng học phí
Bắt đầu từ ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi chính thức có hiệu lực. Theo đó, đến tháng 8/2020 tất cả các trường đại học phải hoàn thiện hội đồng trường, đây là một trong những điều kiện tiêu chuẩn để tự chủ đại học.
Các trường Y Dược khi thực hiện tự chủ sẽ không được hưởng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Do vậy các trường đều dự kiến điều chỉnh tăng học phí để đảm bảo việc thu chi, đầu tư khi tự chủ.
Cùng với đó, hiện các trường đại học đều tăng cường cạnh tranh về chất xám. Các nhà khoa học có xu hướng dịch chuyển từ các trường đại học công sang tư hoặc từ trường này sang trường khác. Nếu như các trường không đáp ứng được nhu cầu cơ bản về lương, chế độ nghiên cứu, môi trường làm việc... thì các nhà khoa học rất dễ dịch chuyển.
Điều đó đòi hỏi các trường phải đưa ra kế hoạch tài chính quan trọng, đảm bảo đời sống, thu nhập của cán bộ, viên chức. Như vậy, việc các trường Y Dược tăng học phí trong thời gian tới, khi thực hiện tự chủ, là xu hướng phát triển tất yếu.
Ngoài việc học lý thuyết, sinh viên ngành Y Dược chủ yếu thực hành trong phòng thí nghiệm qua mô hình, thực hành ở bệnh viện... Các thiết bị mô phỏng của trường giống như một bệnh nhân và một bệnh viện thu nhỏ.
Trong khi đó, để mua được thiết bị mô phỏng tích hợp 3D, 4D trong giảng dạy cho sinh viên, cần đầu tư kinh phí rất lớn. Nếu học phí thấp, các trường không thể có nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị thực hành, không thể đảm bảo việc đào tạo cho ra lò bác sĩ đạt chuẩn.
Trong quá trình học, sinh viên thường xuyên làm thí nghiệm trên động vật như chó, chim bồ câu, ếch..., cũng cần nguồn kinh phí không nhỏ. Nhất là ở bộ môn giải phẫu cơ thể người, cần có phòng giải phẫu, phòng bảo quản xác người được hiến tặng... Việc duy trì phòng này tốn chi phí rất lớn.
Sinh viên ngành Y Dược trong giờ thực hành thí nghiệm. (Ảnh minh hoạ)
Không cạnh tranh về học phí
Năm học 2019-2020, học phí của các trường ở mức 13,5 triệu đồng, năm học tới sẽ tăng 10% lên mức 14,5 triệu đồng. Nếu tự chủ thì tăng thêm 3 triệu đồng/sinh viên, tương đương 16,5 triệu/năm. Mức phí này là bình thường, không cao, sinh viên vẫn đáp ứng được.
Riêng với sinh viên năm nhất, hiện nay các cơ sở giáo dục khối ngành sức khoẻ chưa thống nhất về mặt bằng học phí. Các trường đang đợi ý kiến từ Bộ Y tế. Tuy nhiên, quan điểm của tôi nếu tăng thì cũng phải tăng có lộ trình cụ thể, rõ ràng.
Đồng thời, các trường khối ngành Y Dược nên thống nhất một khung học phí chung. Việc này rất cấp thiết, nên tạo ra mặt bằng chung giữa cả trường công và trường tư. Các trường chỉ nên cạnh tranh về dịch vụ, về sự hài lòng của sinh viên, còn cạnh tranh về học phí là không phù hợp.
Cần tạo nên sự ổn định về mức phí để đào tạo ra một bác sĩ, không thể quá rẻ, nhưng cũng không thể quá cao. Tuyệt đối không được cạnh tranh về học phí. Nếu trường nào có mức học phí quá thấp thì chắc chắn không ổn khi đào tạo, học phí quá cao thì trách nhiệm với xã hội không đảm bảo.
Nếu so sánh giữa các trường đại học khác, chỉ có chi phí đơn thuần về phòng ốc, điện nước, cán bộ giảng viên sẽ tương đươnng, nhưng riêng với ngành Y Dược, chi phí vật tư tiêu hao trong quá trình sử dụng đều lớn. Đặc biệt, chi phí đầu tư cho các phòng thí nghiệm, giải phẫu... quá lớn. Nếu như không tăng chi phí đào tạo cho ngành Y thì chắc chắn không thể tạo ra được bác sĩ tốt.
Môi trường ngành Y Dược có 3 đặc thù lớn. Thứ nhất, thời gian đào tạo sinh viên trường Y là 6 năm, trong khi các trường khác 3-4 năm. Thứ hai, chi phí đào tạo lớn, học phí cao nên khi sinh viên ra trường, buộc phải trả lương cao cho họ. Thứ ba là trách nhiệm của ngành Y cao hơn, nặng nề hơn vì liên quan đến sinh mạng của con người. Do đó, Nhà nước cần điều chỉnh mức lương để họ sống được bằng nghề của họ.
Trên thế giới giải quyết con đường học y khoa của sinh viên nghèo bằng 2 cách: Sinh viên nghèo cố gắng học giỏi để giành học bổng (hiện nay trường giành 5% quỹ học phí để làm học bổng). Hoặc nhà nước sẽ có gói tín dụng cho sinh viên vay, đặc biệt là sinh viên ngành Y vay với mức ưu đãi riêng biệt. Học phí sinh viên ngành Y cao hơn thì gói cho vay phải lớn hơn, không thể thấp như sinh viên ngành khác.
Ở Việt Nam hiện nay mức cho vay tín dụng sinh viên là 2,5 triệu đồng/tháng, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn ở của sinh viên chứ không giải quyết vấn đề học phí, đặc biệt là sinh viên ngành Y Dược càng không thể đủ. Do đó, đi đôi với chính sách tăng học phí khi các trường đại học chủ, Nhà nước cũng nên có những gói tín dụng tốt hơn cho sinh viên.
'Đừng chi tiền học vượt quá khả năng của gia đình' Chị Phạm Xuân Hương cho rằng ở độ tuổi nhỏ, con cần thời gian, sự quan tâm của cha mẹ hơn là chi thật nhiều tiền cho trường lớp, khóa học. Chị Hương, chuyên gia marketing, bà mẹ 3 con, tiếp tục chia sẻ bước thứ tư trong chiến lược học tập - phân bổ nguồn lực tối ưu. Nguồn lực ở đây...