Giang Thanh chối tội trong ‘phiên tòa thế kỷ’
Khi đương quyền, Giang Thanh phê chuẩn lệnh bắt những người bị vu là phản cách mạng, thậm chí cả đầu bếp và người giúp việc của họ cũng không thoát. Nhưng trước tòa, người phụ nữ này nói bà ta làm theo đúng luật và vì thế khăng khăng bác bỏ tội trạng.
Giang Thanh vùng ra khỏi tay nữ cảnh sát trong phiên xét xử. Ảnh: Thmz
Chiều ngày 3/12/1980, tòa tiếp tục xét hỏi Giang Thanh, chủ yếu về việc Giang Thanh vu khống, hãm hại chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và phu nhân Vương Quang Mỹ.
Giang Thanh vẫn cố tỏ ra bình thản, chỉnh trang lại quần áo, chải tóc, ngồi ngay ngắn trên ghế bị cáo. Bà ta nhìn vô định vào không trung, bất chợt bắt gặp ánh mắt của một người. Người đó mặc áo màu xanh, trên cổ quàng chiếc khăn màu vàng, đó là phu nhân của Lưu Thiếu Kỳ. Trước kia, Giang Thanh từng muốn hại Vương Quang Mỹ đến chỗ chết, nay bà ta phải ngồi vào ghế bị cáo của phiên tòa lịch sử, thật là một cảm giác trớ trêu.
Thẩm phán trưởng hỏi Giang Thanh: “Tháng 5/1976, sau khi tổ chuyên án điều tra Lưu Thiếu Kỳ, Vương Quang Mỹ, được thành lập, do bà làm chủ quản, bà đã khống chế và lôi kéo đồng bọn là Khang Sinh, Tạ Phú Trị, làm giả chứng cứ, vu cáo họ ‘phản bội’, làm ‘nội gián’, ‘phản cách mạng’, những điều này có đúng không?”
“Tôi tham gia vào tổ chuyên án vì tôi được trung ương nhờ cậy. Với lại… với lại… tôi cũng chỉ là phụ tá”, Giang Thanh nói.
Tòa đưa ra một loạt bằng chứng, trong đó có đoạn băng ghi âm Giang Thanh gặp gỡ đoàn kinh kịch và đoàn âm nhạc Trung Quốc ngày 18/9/1968. Trong đoạn băng nghe rõ Giang nói: “Tôi là người phụ trách cao nhất của tổ chuyên án. Lưu Thiếu Kỳ là tên phản cách mạng, tên nội gián, là điệp viên, là tên phản bội độc ác toàn diện”. Tuy nhiên, Giang Thanh không công nhận nói như vậy là có tội.
Tòa chỉ ra rằng Giang vu cáo, hãm hại Lưu Thiếu Kỳ, Vương Quang Mỹ, bắt giữ người vô tội, ép cung, làm giả chứng cứ. Từ tháng 5 đến tháng 10/1967, Giang quyết định bắt giữ hơn 10 nhân viên của Lưu Thiếu Kỳ, thậm chí cả đầu bếp, người giúp việc cũng không tha.
Tòa lại hỏi: “Có sự việc đó không?” Giang Thanh nói: “Tôi quên rồi” nhưng lại nói thêm rằng: “Như vậy là đúng luật”. Tòa hỏi: “Việc bắt này do ai phê chuẩn (mà gọi là đúng luật)?” Giang Thanh trả lời: “Não của tôi bị tổn thương, tôi bị cao huyết áp nên không nhớ nữa”. Những người theo dõi phiên tòa đều không ngờ rằng bà ta ngoan cố đến như vậy.
Video đang HOT
Bị cáo không nhận tội, tòa phải mời nhiều nhân chứng để chứng tỏ tội lỗi của Giang Thanh. Ảnh: AFP
Tòa án dùng đến máy chiếu, phát đi hình ảnh bức thư Vương Đông Hưng gửi Giang Thanh, Tạ Phú Trị ngày 8/6/1967, về việc bắt giữ Hách Miêu, đầu bếp của Lưu Thiếu Kỳ và bút phê của Giang: “Tôi đã xem hồ sơ của Hách Miêu, thực sự có rất nhiều nghi vấn, có thể là điệp viên của Quốc dân đảng, tôi đồng ý với chỉ thị của đồng chí Giang Thanh, bắt giữ và xét hỏi Hách Miêu ngay lập tức”. Giang Thanh phê chuẩn: “Đồng ý”.
Đêm 8/6/1967, đột nhiên xuất hiện một vài người gọi Hách Miêu ra khỏi nhà, đẩy vào xe ô tô. Xe dừng trước cửa trại giam và một người nói “Ông đã bị bắt”. Người hỏi cung liên tiếp bắt Hách phải “cáo giác những tội ác” của Lưu Thiếu Kỳ. Hách Miêu trả lời: “Lưu Thiếu Kỳ là cán bộ to như vậy, tôi chỉ là một đầu bếp, cả ngày ở trong bếp, làm sao biết được chuyện gì. Còn về phu nhân Vương Quang Mỹ, trước khi giải phóng tôi còn là học sinh, tôi chưa từng gặp bà ấy, làm sao tôi biết được bà ấy có phải điệp viên hay không”.
Hách Miêu xuất hiện tại tòa với tư cách nhân chứng: “Lưu Thiếu Kỳ bị họ giam giữ 6 năm mà cũng không giải thích vì sao ông ấy bị bắt. Sau thời gian dài chịu đựng sự tra tấn về thể xác và tinh thần, ông ấy bị huyết áp cao và bệnh tim mạch. Mãi đến năm 1979, sau khi sự thực được sáng tỏ, ông ấy mới biết người ra lệnh bắt ông chính là Giang Thanh, còn gán cho ông tội danh điệp viên của Quốc dân đảng”.
“Tôi có ý kiến”, bất chợt Giang Thanh lên tiếng và hỏi lại: “Các ủy viên trung ương bây giờ thời đó cũng phê bình Lưu Thiếu Kỳ, nếu tôi có tội còn các ông thì sao? Cách mạng không có tội, tạo phản hợp lý”, Giang Thanh hô khẩu hiệu đặc sản của thời cách mạng văn hóa ra trước tòa. Trong những phiên xử tiếp theo, Giang Thanh vẫn một mực không nhận tội.
Ngày 25/1/1981, Tòa án đặc biệt đã kết án tử hình đối với Giang Thanh, Trương Xuân Kiều – những kẻ cầm đầu “bè lũ bốn tên”. Thời gian hoãn thi hành án là hai năm và tước bỏ quyền lợi chính trị vĩnh viễn. Án này được giảm xuống chung thân vào năm 1983. Giang Thanh phải trải qua những ngày cuối cùng của cuộc đời trong những bức tường lạnh lẽo – điều mà bà ta chưa bao giờ tính đến trong kế hoạch cướp chính quyền từ tay những người Cộng sản Trung Quốc. Tháng 5/1991, Giang Thanh được cho ra ngoài để chữa bệnh và được cho là tự sát trước khi quay lại nhà tù.
Theo VNE
Bạc Hy Lai có thể bị tử hình?
Theo luật sư Trương Tư Chi, người 32 năm trước đây từng tham gia bào chữa cho Giang Thanh, rất có thể Bạc Hy Lai sẽ tự biện hộ cho mình trước toà, tuy rằng sẽ vẫn bị kết tội.
Còn theo giới chuyên gia luật, Bạc Hy Lai có thể phải nhận án tù chung thân, thậm chí là tử hình.
Bạc Hy Thành - em trai ông Bạc Hy Lai.
Phiên tòa lịch sử thứ 2
Luật sư lão thành 85 tuổi Trương Tư Chi, người 32 năm trước đây từng tham gia bào chữa cho Giang Thanh trong vụ án xét xử "Tập đoàn phản cách mạng Bè lũ 4 tên", cho rằng: Bạc Hy Lai sẽ không bỏ qua cơ hội tự biện hộ cho mình trước toà, tuy rằng sẽ vẫn bị kết tội.
Ông Trương nói: "Theo sự hiểu biết của tôi về con người Bạc Hy Lai, ông ấy sẽ lợi dụng mọi cơ hội để tự biện hộ, nhưng chắc chắn ông ấy vẫn sẽ bị tuyên xử có tội".
Trước những đồn đoán bà Cốc Khai Lai có thể sẽ tự tử trong tù như Giang Thanh, ông Trương bác bỏ khả năng này và cho rằng, việc bà Giang Thanh uống thuốc độc tự tử năm 1991 là một hành động chính trị.
Ngày 1-11, Hội nghị Trung ương 7 khoá 17 đã khai mạc ở Bắc Kinh. Hội nghị sẽ xác nhận việc khai trừ đảng tịch Bạc Hy Lai.
Trong danh sách các uỷ viên trung ương khoá 17 đăng trên website của Đảng CSTQ tối 30-10, tên của Bạc Hy Lai đã bị xoá. Điều này cho thấy vận mệnh chính trị của Bạc Hy Lai đã chấm dứt.
Theo hãng tin Đa chiều, trong nội bộ giới lãnh đạo cấp cao, nhiều người tỏ thái độ kiên quyết "tội đáng thế nào thì xử thế nấy", ủng hộ việc nghiêm trị Bạc Hy Lai, thậm chí tử hình ông ta.
Theo phân tích của giới chuyên gia luật trên trang web của hãng tin Đa chiều, việc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bắt đầu tiến trình điều tra vụ án Bạc Hy Lai cho thấy ông sẽ bị xét xử bởi Toà án nhân dân tối cao theo kiểu "2 trong 1" tức là sơ thẩm cũng là chung thẩm, giống như vụ xét xử "Bè lũ 4 tên" 32 năm trước và khác hẳn các phiên toà xét xử các cựu Ủy viên Bộ Chính trị Trần Hy Đồng, Trần Lương Vũ trước đây mức án Bạc Hy Lai phải nhận có thể là tù chung thân, thậm chí tử hình.
Ngày 26-10, Tân Hoa xã thông báo: "Do Bạc Hy Lai phạm tội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sau khi thẩm tra đã quyết định tiến hành lập hồ sơ điều tra vụ án và áp dụng biện pháp cưỡng chế ông ta công tác điều tra vụ án đang được tiến hành theo pháp luật".
Tuy thông tin vắn tắt này không gây nên sự quan tâm quá nhiều của dư luận như những thông tin về Bạc Hy Lai trước đó, nhưng giới am hiểu Trung Quốc lại cho rằng: điều đó có nghĩa là: Bạc Hy Lai sẽ bị Viện KSND tối cao khởi tố và theo quy định của Luật tố tụng hình sự Trung Quốc, Viện kiểm sát phê chuẩn bắt giam (áp dụng biện pháp cưỡng chế) và khởi tố phải đồng cấp với toà án xét xử.
Có nghĩa là, Bạc Hy Lai sẽ bị xét xử bởi Toà án nhân dân tối cao Trung Quốc. Nếu thực tế diễn ra đúng như thế, đây sẽ là vụ án thứ hai do Toà án nhân dân tối cao xét xử kiểu "2 trong 1" trong lịch sử nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Cùng là cựu Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng tính chất các vụ án Trần Hy Đồng, Trần Lương Vũ trước đây tương đối đơn giản, chỉ liên quan đến vấn đề tham nhũng, còn Bạc Hy Lai lại liên quan đến những vấn đề sâu xa hơn...
Theo một bản thông báo nội bộ, vấn đề của Bạc Hy Lai không còn là giải quyết vấn đề bất đồng trong nội bộ đảng, cũng không chỉ là vấn đề tha hoá hủ bại, mà là vụ án hình sự lớn, nghiêm trọng, liên quan đến "đảng kỷ, quốc pháp".
Trong bản thông báo có tên "Trung ương Đảng CSTQ quyết định xử lý khai trừ đảng và mọi chức vụ công đối với Bạc Hy Lai", đã liệt kê các tội lớn: lạm quyền, nhận hối lộ, mưu lợi cho người khác, sinh hoạt tha hoá, dùng người không sát nhưng cuối cùng lại thêm đoạn "trong khi điều tra còn phát hiện manh mối phạm các tội khác của Bạc Hy Lai" đã gây nên những đồn đoán về những tội khác: có thể là cưỡng hiếp, tham nhũng, chà đạp pháp luật, tiết lộ bí mật quốc gia, âm mưu lật đổ hay liên quan đến việc giết người, nếu là tội giết người, ông ta phải đối mặt với mức án cao nhất dành cho tội này theo pháp luật Trung Quốc là "tử hình".
Trong lịch sử Đảng CSTQ, mới chỉ có 2 trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị là Giang Thanh và Trương Xuân Kiều bị tuyên phạt mức án tử hình, nhưng hoãn thi hành 2 năm. Liệu Bạc Hy Lai có trở thành người thứ ba?
Em trai Bạc Hy Lai có liên quan
Theo Hãng tin Hoa ngữ Đa chiều (DWNews) ngày 2-11, Bạc Hy Thành, em trai của ông Bạc Hy Lai đã bị trung ương cho tiến hành điều tra. Diễn biến mới này cho thấy anh em nhà họ Bạc rất có thể đều bị liên can trong vụ án nghiêm trọng và rất phức tạp này.
Vào tháng 4 năm nay, báo chí đã nhắc đến tên Bạc Hy Thành với việc ông ta nhắn tin cho những bạn bè, người thân trong giới chính trị: "Vụ án Bạc Hy Lai đã bị trung ương xuống tay, mọi người hãy chú ý bảo trọng, không cần phải quá nỗ lực!".
Bạc Hy Thành sinh năm 1951, là con trai thứ 3 và là thứ 6 trong số 7 người con của ông Bạc Nhất Ba (sau Bạc Hy Lai).
Ông là đảng viên, kỹ sư kinh tế cao cấp, đã từng giữ các chức Bí thư, Giám đốc nhà máy Cảnh Thái Lam Bắc Kinh, Tổng giám đốc Cty Công nghệ phẩm mỹ thuật Bắc Kinh, Bí thư, Cục trưởng Sở Du lịch Bắc Kinh hiện đang là Phó chủ tịch Hiệp hội khai thác xoá nghèo Trung Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty thương mại Lục Hợp Hưng Bắc Kinh, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc khách sạn Lục Hợp Hưng, Giám đốc Quỹ khuyến học Hưng Đại Bắc Kinh, thành viên HĐQT Cty chứng khoán Trung Tín.
Bạc Hy Thành được báo chí đánh giá thuộc loại người "không chịu ngồi yên". Hồi những năm 1980 Cty kinh doanh đồ mỹ nghệ Bạch Khổng Tước thuộc Sở Du lịch Bắc Kinh do ông ta phụ trách xảy ra vụ án tham ô lớn, người tố giác là Giám đốc Sở Lưu Thiệu Đường.
Sau đó Bạc đã trả thù bằng cách tố cáo ông Lưu nhận hối lộ khiến ông bị ngã ngựa rồi lên thay thế. Tuy nhiên, ngày 24-7-1992, Ban Thường vụ Hội đồng nhân dân thành phố Bắc Kinh đã quyết định bãi chức Giám đốc Sở du lịch của Bạc Hy Thành.
Theo Dantri
Thế giới tưng bừng ngày 12/12/12 Trong ngày 'tam trùng' cuối cùng của thế kỷ, tất cả mọi người trên thế giới đều muốn làm những điều đặc biệt để ghi nhớ khoảnh khắc trăm năm có một này. Ngày hôm qua được xem là ngày đẹp để các cặp đôi se duyên và những em bé chào đời. Bệnh viện ở Hyderabad, Ấn Độ, đính một tờ giấy...