Gian nan cuộc tìm kiếm lithium ở “sân nhà” của châu Âu
Lithium là động lực quan trọng giúp đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi xanh của EU. Nhưng, châu Âu lại đang không thể tự đảm bảo nguồn cung của mình trước nhu cầu khổng lồ dành cho loại khoáng sản này.
Kế hoạch đầy tham vọng
Đầu năm nay, Nghị viện châu Âu (EC) đã thông qua gói “Fit for 55″, một kế hoạch đầy tham vọng của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đạt được sự trung hòa carbon vào năm 2050. Việc tăng cường sử dụng xe điện sẽ là nền tảng cần thiết cho kế hoạch này. Vì thế, EU đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là điện khí hóa toàn bộ phương tiện giao thông của mình, với luật cấm bán các loại ô tô động cơ đốt trong vào năm 2035.
Các nhà địa chất khảo sát mỏ Wolfsberg, phía Nam nước Áo, nơi có thể khai thác 10.000 tấn lithium hydroxit mỗi năm kể từ năm 2025. Ảnh: European Lithium
Lệnh cấm được EC thông qua vào cuối tháng 3 vừa qua, nhưng ngay từ trước khi các quyết sách này được luật hóa, quá trình chuyển đổi năng lượng cho phương tiện giao thông tại châu Âu cũng đã diễn ra sôi nổi. Năm ngoái, EU chỉ đứng sau Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng doanh số bán ô tô điện.
Để cung cấp năng lượng cho những phương tiện này, châu Âu cần tăng cường đáng kể nguồn cung cấp lithium, nguyên liệu chính để sản xuất pin xe điện. Theo Ủy ban Chuyển đổi năng lượng (ETC) – một hiệp hội toàn cầu gồm các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực năng lượng – châu Âu sẽ cần lượng lithium gấp 18 lần hiện nay vào năm 2030 và gấp 60 lần vào năm 2050, để đáp ứng nhu cầu dự kiến về xe điện.
“Hầu như tất cả nhu cầu về lithium của châu Âu đều đến từ pin”, tiến sĩ Leonardo Buizza, nhà phân tích hàng đầu của ETC, nhấn mạnh trong hội thảo do Hội đồng châu Âu tổ chức cuối tuần qua. Vậy nhưng, châu Âu đang sản xuất một lượng rất nhỏ lithium, không đủ đáp ứng nhu cầu của chính mình.
Trữ lượng lithium toàn cầu được ghi nhận vào năm 2022, trong đó Bồ Đào Nha đứng thứ 8 với 60.000 tấn. Ảnh: Statista
Hiện tại, EU nhập phần lớn quặng lithium từ Australia trong khi Chile là nhà cung cấp hợp chất lithium tinh chế lớn nhất cho châu Âu. Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của xe điện, việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung bên ngoài không phải lựa chọn sáng suốt đối với EU.
Trong nỗ lực đảm bảo nguồn cung ổn định cho lithium và những khoáng sản tương tự, Nghị viện và Hội đồng châu Âu đã thông qua “Đạo luật nguyên liệu thô quan trọng”, đặt ra các mục tiêu cụ thể cho việc khai thác, tinh chế và tái chế các nguyên liệu như lithium và đồng. Một mục tiêu cụ thể được nêu trong đạo luật là ít nhất 10% nguồn cung cấp lithium của châu Âu phải có nguồn gốc tại lục địa vào năm 2030.
Thách thức từ nhiều phía
Tuy nhiên, kế hoạch tìm kiếm lithium ngay trên “sân nhà” của EU đối diện nhiều thách thức. Theo nhà phân tích Allan Pedersen của công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, hiện rất ít mỏ lithium được phát hiện ở châu Âu đủ điều kiện khai thác.
“Thực tế này được bổ sung bởi một vấn đề nữa là hầu hết các nước châu Âu gần đây đều không tích lũy được nhiều kinh nghiệm về khai thác mỏ. Những thách thức như vậy có thể khiến việc cấp phép của chính phủ, việc thuyết phục các tổ chức môi trường và nhóm xã hội (để khai thác lithium) trở nên khó khăn hơn”, ông Pedersen nói.
Video đang HOT
Người dân địa phương biểu tình phản đối việc khai thác lithium tại vùng Covas Do Barroso, Bồ Đào Nha. Ảnh: Euronews
Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết, châu Âu nắm giữ 7% tổng trữ lượng lithium của thế giới. Nhưng, việc khai thác khoáng sản này có thể gây hại cho các cộng đồng và môi trường lân cận. Do đó, những tiếng nói phản đối cũng rất nhiều. Chẳng hạn như năm ngoái, Thủ tướng Serbia, Ana Brnabic, cho biết nước này đã phải hủy bỏ giấy phép cho một dự án khai thác và thăm dò lithium quy mô lớn sau nhiều sự phản đối.
Hiện tại, Bồ Đào Nha là quốc gia thành viên EU duy nhất khai thác và xử lý lithium, song chỉ tạo ra nguồn cung tương đối nhỏ, được sử dụng cho sản xuất gốm sứ. Theo dữ liệu của USGS, Bồ Đào Nha có trữ lượng lithium cao nhất châu Âu, đứng thứ 8 thế giới và một số tập đoàn khai khoáng đa quốc gia hy vọng có thể khai thác các mỏ lộ thiên mới ở nước này trong vài năm tới.
Savannah Resources, một công ty khai khoáng có trụ sở tại London, đang vận động cho một dự án khai thác các mỏ lithium ở vùng Covas do Barroso của Bồ Đào Nha. Theo tuyên bố do công ty đưa ra, dự án Barroso Lithium sẽ sản xuất đủ lithium cho 500.000 tấm pin mỗi năm và quá trình sản xuất thương mại dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2026.
Ngày 31/5 vừa qua, Cơ quan Môi trường Bồ Đào Nha đã phê duyệt đánh giá tác động môi trường cho dự án của Savannah, đồng đưa ra một số điều kiện cần đáp ứng. Trong số đó có việc không lấy nước từ con sông Covas của khu vực, lấp đầy một phần và tạo cảnh quan cho các mỏ sau khi ngừng khai thác quặng.
Thế nhưng, nhiều cư dân vùng Covas Do Barroso lo lắng rằng việc khai thác công nghiệp sẽ đe dọa khả năng canh tác và lối sống truyền thống của họ. Khu vực này được Liên hợp quốc công nhận là một địa điểm Di sản Nông nghiệp quan trọng toàn cầu, do truyền thống canh tác được bảo tồn qua nhiều thế kỷ.
Catarina Scarrott, phát ngôn viên của phong trào phản đối mỏ có tên Unidxs em Defesa de Covas do Barroso (Đoàn kết bảo vệ Covas do Barroso), cho biết: “Ngôi làng nơi tôi đến có từ thế kỷ 12 và chúng tôi đã phát triển một lối sống rất bền vững qua nhiều thế hệ, với cách quản lý nguồn nước và đất rất cẩn thận”.
Savannah có hợp đồng khai thác gần 600 ha đất, trên đó họ có kế hoạch đào 4 hoặc 5 hố khai thác với “tổng diện tích tối đa là 71 ha”. Bà Catarina Scarrott cho biết, một trong những hố được lên kế hoạch chỉ cách những ngôi nhà gần nhất khoảng 400m, và chỉ riêng kích thước của hố đó sẽ lớn hơn cả ngôi làng mà nó sẽ nằm kề.
Trong một tuyên bố trước Quốc hội Bồ Đào Nha, Savannah cho biết, nỗ lực tuân thủ của họ đối với các điều kiện do Cơ quan Môi trường Bồ Đào Nha đưa ra “sẽ mang lại sự đảm bảo rằng dự án sẽ được phát triển và vận hành theo cách có trách nhiệm với xã hội và môi trường”.
Nhưng, bà Scarrott hoài nghi về những tuyên bố như vậy. “Với mỗi tấn lithium thu được, họ sẽ để lại 6 tấn chất thải và chúng sẽ được chất đống cách dòng sông chưa đầy 1 km”, nhà hoạt động môi trường người Bồ Đào Nha nói. “Cộng đồng địa phương thấy rõ những rủi ro và họ đưa ra quyết định chung rằng sẽ không cho phép điều đó xảy ra”.
Giải pháp mới cho bài toán lithium
Hiện tại, lithium được khai thác chủ yếu theo 2 cách. Khai thác đá cứng, phương pháp mà các dự án ở Bồ Đào Nha sẽ sử dụng, là một quy trình sử dụng nhiều hóa chất liên quan đến việc đào các hố lộ thiên, rộng lớn và loại bỏ các loại đá có chứa lithium.
Mỏ lithium ở Massif Central (Pháp) dự kiến khai thác từ năm 2028 với công suất 34.000 tấn lithium hydroxit/năm trong vòng 25 năm. Ảnh: Imerys
Cách thứ hai là khai thác bằng các ao salar, hiện đang được sử dụng ở Argentina và Chile. Phương pháp này liên quan đến việc lấp đầy các hồ cạn bằng nước ngầm giàu lithium và để nước bay hơi cho đến khi chỉ còn lại muối khoáng. Các khu vực khai thác ao salar thường nằm ở gần sa mạc và trải rộng trên hàng nghìn km2, quy mô của chúng sẽ làm cạn kiệt nguồn dự trữ nước ngầm rất quan trọng đối với người dân địa phương. Ước tính, cần khoảng 2,2 triệu lít nước để sản xuất 1 tấn lithium bằng phương pháp này.
Nhưng, có một quy trình thử nghiệm để sản xuất lithium, nếu được nhân rộng, có thể tạo ra lithium với tác động tối thiểu với môi trường. Thành phố Bruchsal, ở vùng Baden-Wurttemberg của Đức, vào năm 1979 đã phát hiện ra rằng một nguồn nước muối địa nhiệt bên dưới lòng đất có thể được khai thác lấy nhiệt và hơi nước để tạo ra năng lượng và việc xây dựng một nhà máy điện địa nhiệt đã bắt đầu.
Nhà máy không thành công và bị đóng cửa năm 1987. Nhưng, một phần nhờ vào nguồn tài trợ từ “Đạo luật nguồn năng lượng tái tạo”, dự án đã được hồi sinh. Năm 2009, nhà máy ở Bruchsal bắt đầu phát điện thương mại.
Giờ đây, công ty năng lượng địa phương Energie Baden-Wurttemberg (EnBW) đang hợp tác với Viện Công nghệ Karlsruhe (KIT) để phát triển một quy trình chiết xuất hàng tấn lithium từ nguồn nước muối địa nhiệt của nhà máy Bruchsal. Nếu thành công, dự án của họ có thể trở thành nhà sản xuất lithium sạch nhất châu Âu.
Giáo sư Jochen Kolb, chuyên gia địa hóa học và địa chất kinh tế tại KIT, là người tích cực nghiên cứu các phương pháp thu thập lithium từ các nguồn địa nhiệt. Ông giải thích: “Phương pháp khai thác lithium này có thể được cung cấp hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo và do nước được bơm trở lại dưới lòng đất nên nó không làm cạn kiệt nguồn nước ngầm. Hơn nữa, diện tích bề mặt của loại dự án này là tối thiểu so với các mỏ thông thường”.
“Quy mô của cơ sở khai thác sẽ chỉ tương đương với 2 đến 3 chiếc container”, giáo sư Kolb nói thêm. “Với tỷ lệ chiết xuất lithium hiệu quả từ nước lên đến 70%, nhà máy có thể thu đủ lithium cho một chiếc xe đạp điện trong vài phút hoặc một tấm pin ô tô trong khoảng một giờ”.
Nếu mọi thứ diễn ra thành công, có lý do để tin rằng phương pháp sản xuất lithium này có thể được nhân rộng khắp châu Âu. Bởi theo giáo sư Kolb, nguồn nước ngầm giàu lithium không chỉ có ở Đức. “Tôi nghĩ có thể khai thác ở các lưu vực lớn hơn, chẳng hạn xung quanh Paris hoặc miền Đông nước Pháp hay ở phía Đông Hungary. Phương pháp này khả thi ở mọi nơi có nước muối địa nhiệt”, giáo sư Kolb nhấn mạnh.
Anh xây nhà máy pin lớn nhất gần mỏ lithium to nhất
Cuối tuần qua, Tập đoàn Tata của Ấn Độ vừa được phê duyệt dự án xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện lớn nhất châu Âu tại Somerset, Vương quốc Anh.
Theo BBC, Tata sẽ đầu tư 4 tỷ bảng còn Chính phủ Anh cũng rót hàng trăm triệu bảng trợ cấp cho dự án như một phần của thỏa thuận giúp Anh vượt qua Tây Ban Nha trở thành điểm đến cho nhà máy pin khổng lồ này. Theo kế hoạch, các tấm pin đầu tiên sẽ được sản xuất tại đây vào năm 2026.
Nhà máy của Tata nằm cách khoảng 150 km so với mỏ lithium lớn nhất của Anh. Mỏ do Công ty Imerys British Lithium (IBL) quản lý và có trữ lượng khoảng 161 triệu tấn quặng. Dự kiến, sau khi đi vào khai thác năm 2028, mỏ này sẽ đáp ứng 2/3 nhu cầu lithium cho nước Anh
Na Uy có kế hoạch khai thác khoáng sản dưới đáy biển
Giới chức Na Uy đang hoàn thiện kế hoạch khai thác khoáng sản dưới đáy biển Greenland và biển Na Uy, phía tây nam quần đảo Svalbard ở Bắc Cực, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về những nguồn tài nguyên này ở châu Âu.
Quần đảo Svalbard. Ảnh: Sputnik
Theo đài Sputnik (Nga), ông Amund Vik, Quốc vụ khanh Bộ Dầu mỏ và Năng lượng Na Uy, cho biết việc khai thác kim loại dưới biển sâu sẽ giúp châu Âu đáp ứng nhu cầu cấp thiết về khoáng sản và đất hiếm cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh.
Hai tuần tới, Bộ Năng lượng Na Uy sẽ trình lên Quốc hội dự thảo kế hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản ở vùng biển có diện tích bằng cả nước Đức. Cuộc bỏ phiếu về dự án khai thác này dự kiến sẽ diễn ra vào mùa thu tới.
Theo dữ liệu, khu vực này ước tính có tới 38 triệu tấn đồng, nhiều mỏ coban lớn, cùng các mỏ đất hiếm như neodymi và dysprosi, được sử dụng để lắp ráp xe điện và tuabin gió. Nếu kế hoạch trên được thông qua, Na Uy sẽ là quốc gia đầu tiên có tiềm năng khai thác kim loại sản xuất pin từ đáy biển.
Ngoài chuyển đổi xanh, khai thác khoáng sản dưới biển sâu cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực của EU nhằm giảm phụ thuộc kinh tế Trung Quốc, khi nguồn cung hiện tại của các kim loại này phần lớn do Trung Quốc kiểm soát. Hiện nay, 98% nhu cầu về đất hiếm của châu Âu được đáp ứng thông qua nhập khẩu từ Trung Quốc.
Rào cản tiềm ẩn
Na Uy lập luận rằng quốc gia này có quyền khai thác độc quyền theo Hiệp ước Svalbard năm 1920.
Hiệp ước này trao cho Oslo chủ quyền đối với với quần đảo Svalbard, nhưng vẫn trao cho các quốc gia khác quyền hoạt động kinh tế trên đất liền và trong vùng lãnh hải xung quanh quần đảo này. Do đó, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đều bất đồng với Na Uy về diện tích vùng biển được xác định trong hiệp ước.
Hammerfest, phía Bắc Na Uy. Ảnh: Sputnik
Ngoài ra, kế hoạch phát triển ngành khai thác mỏ của Na Uy đã tạo ra làn sóng phản đối từ các ngư dân cũng như nhà bảo vệ môi trường. Họ lo ngại kế hoạch khai khoáng này có thể gây ô nhiễm hệ sinh thái biển trong tương lai, đặc biệt là khả năng giải phóng các hạt kim loại nặng độc hại. Trong đó, Cơ quan môi trường của Na Uy đã kiên quyết phản đối kế hoạch này, cho rằng Chính phủ đã không cung cấp đầy đủ dữ liệu về tính bền vững.
Đáp lại, Oslo cho rằng khả năng xảy ra xung đột quyền lợi là rất nhỏ, do hoạt động đánh bắt cá và giao thông hàng hải trong khu vực quần đảo Svalbard chỉ ở mức hạn chế. Đồng thời, giới chức cũng nhấn mạnh các cam kết sâu sắc đối với việc bảo vệ môi trường.
Các nguyên tố đất hiếm
Các nguyên tố đất hiếm (REE) là thuật ngữ chung cho 17 loại khoáng chất được sử dụng trong hầu hết các công nghệ hiện đại - chẳng hạn công nghệ laser, công nghệ y tế, quốc phòng, điện tử, thiết bị truyền thông và phần cứng.
EU ước tính nhu cầu đất hiếm để sử dụng trong nam châm vĩnh cửu - cần thiết để sản xuất ô tô điện và tuabin gió - sẽ tăng gấp 10 lần vào năm 2050, nhưng phần lớn lượng nhập khẩu hiện nay của khối này đến từ Trung Quốc.
Nhu cầu về đất hiếm đang tăng nhanh. Ủy ban châu Âu dự kiến nhu cầu này sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030, chủ yếu do các quốc gia đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh - bằng loạt hoạt động quan trọng như điện khí hóa giao thông, công nghiệp và năng lượng gió.
Song Na Uy không phải là trụ cột duy nhất để thúc đẩy khai thác đất hiếm của EU. Công ty khai thác mỏ Thụy Điển LKAB cũng thông báo đã phát hiện ra một mỏ đất hiếm lớn ở Kiruna. Thông báo của LKAB nêu rõ mỏ đất hiếm nói trên nằm cạnh một mỏ quặng sắt và có trữ lượng hơn 1 triệu tấn. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thể xác định được trữ lượng chính xác. Giới chức cho rằng phải đến năm 2030, Thuỵ Điển mới có thể bắt đầu khai mỏ.
Nga vẫn giữ vị trí trong những đối tác thương mại hàng đầu của EU Bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt, Nga vẫn nằm trong số 10 đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) trong ba tháng đầu năm 2023. Ảnh minh hoạ - Getty Images Về giá trị, xuất khẩu của Nga sang thị trường EU tăng 24,3% lên 203,4 tỷ euro. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa châu Âu sang...