Giải mã ‘ngã tư tử thần’ ở Bắc Giang
Với hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc, cướp đi mạng sống của vô số người, người dân đã đặt cho ngã tư giao nhau giữa đường quốc lộ 1A với đường tỉnh 398 thuộc địa phận Bắc Giang cái tên “ ngã tư tử thần”.
Đã từ lâu, ngã tư giao nhau giữa đường quốc lộ 1A với đường tỉnh 398, thuộc địa bàn xã Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, được người dân gắn cho cái tên “ngã tư tử thần”. Tại đây liên tục xảy ra những vụ tai nạn thảm khốc làm chết vô số người.
Xem những con số thống kê các vụ tai nạn xảy ra ở ngã tư này trong cuốn sổ ghi chép của đội CSGT huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, chúng tôi không khỏi giật mình. Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, tại điểm đen này (Km 119 – Km 122 QL 1A) đã xảy ra 26 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 32 người chết, hàng chục người bị thương, hư hỏng nhiều phương tiện xe ô tô, xe gắn máy.
Cái tên “ngã tư tử thần” bắt đầu có từ khi xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng năm 2000 (vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch). Một xe ô tô 30 chỗ đưa người đi chùa Yên Tử về đến đoạn này đã bất ngờ rồ ga và tông trực diện với chiếc xe tải 15 tấn khiến 25 người bị thương, 1 em bé chết tại chỗ, 4 người khác lên đến viện cũng tử nạn. Vụ tai nạn đã gây nên nỗi ám ảnh với người dân ở ngã tư tử thần này. Tại đây, còn có nhiều vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong cùng một ngày như thời điểm năm 2007, trong một buổi tối từ 7h đến 10h xảy ra 2 vụ tai nạn liên tiếp và có đến 4 người tử vong.
“Ngã tư tử thần” ở Bắc Giang
Nhiều người dân ở đây vẫn chưa quên được vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào ngày 3/5/2011 tại Km 19 600 Tỉnh lộ 398 thuộc địa phận xã Nội Hoàng, Yên Dũng, Bắc Giang. Một chiếc xe ô tô tải mang BKS 98K chạy theo hướng thị trấn Neo, thành phố Bắc Giang, đã cán nát chiếc xe máy đi cùng chiều do anh Nguyễn Văn Phong điều khiển khiến vợ anh là chị Huyền và cháu Tùng – con trai 3 tuổi chết tại chỗ. Anh Phong bị thương nặng và cũng đã tử vong trong bệnh viện sau đó một tiếng.
Mới đây, tại “điểm đen” này đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng làm hai người chết tại chỗ. Vào khoảng 1h30 ngày 18/1, chiếc ô tô chở khách BKS Lào đi hướng Hà Nội – Lạng Sơn, khi tránh vượt xe tải đi cùng chiều, đã đâm vào xe máy đi ngược chiều. Hậu quả, hai nạn nhân trên xe máy chết tại chỗ là anh Dương Văn Chung (SN 1977, ngụ xã Tân Tiến, TP Bắc Giang) và anh Dương Văn Đức (SN 1970, ngụ xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, Bắc Giang). Sau khi đâm vào xe máy, chiếc xe khách trên còn va chạm với ô tô BKS 99K, làm chiếc xe này đâm vào taluy bên phải đường và bị hư hỏng nặng. Rất may, những người đi trên xe khách và lái xe tải không bị thương tích.
Những người dân sống ven quốc lộ cho biết, những vụ tai nạn thương tâm như vậy trên quốc lộ 1A mới, đoạn qua xã Song Khê, huyện Yên Dũng gần như đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. “Vậy địa bàn huyện nào xảy ra tai nạn nhiều nhất?” – chúng tôi hỏi. Người dân không phải suy nghĩ, trả lời ngay, đó là “ngã tư tử thần”, tại điểm giao cắt giữa quốc lộ 1A (mới) và tỉnh lộ 398.
Giải mã nguyên nhân tai nạn
Theo quan sát, tại điểm đen này là ngã tư giao cắt giữa quốc lộ 1A với tỉnh lộ 398, đến đây đi trái rẽ vào TP Bắc Giang, rẽ phải là Neo, đi thẳng là lên thị trấn Kép. Nguyên nhân của các vụ tai nạn xảy ra ở đây, không phải do tầm nhìn che khuất mà phần lớn do các phương tiện tham gia giao thông đi nhầm làn. “Trước đây, khi chưa có hệ thống đèn báo hiệu, ngã tư này được coi như một điểm đen về TNGT, các vụ tai nạn thương tâm xảy ra thường xuyên và liên tục, gây nên ám ảnh cho những người dân ở khu vực này” – Thiếu tá Đoàn Thế Phong, Phó phòng CSGT tỉnh Bắc Giang cho biết.
Video đang HOT
Từ khi hệ thống đèn báo hiệu được đưa vào sử dụng từ năm 2009, số lượng các vụ tai nạn tính riêng ở “điểm đen” này đã giảm đi nhiều so với trước nhưng vẫn còn ở mức cao. “Tính từ năm 2000 đến nay, từ khi quốc lộ 1A mới được đưa vào sử dụng, ở đây như đã thành “dớp”, có đến hàng chục người bỏ mạng”, ông Trần Ngọc Đang, người dân sống gần khu vực ngã tư này cho biết. Theo ông Đang, ở đây tháng nào cũng xảy ra hơn chục vụ va chạm giữa các phương tiện, nặng thì nạn nhân tử vong tại chỗ còn nhẹ thì gãy chân, gãy tay, chảy máu… nhiều vô kể.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến tai nạn nghiêm trọng là do chính ý thức và sự hiểu biết hạn chế về luật giao thông của người đi đường. “Xe ô tô, xe máy, container… thường chạy với tốc độ cao, vượt ẩu, phanh gấp qua “điểm đen” này. Hơn nữa, trước ngã tư này có biển hướng dẫn phân làn nhưng rất khó nhìn, người đi lần đầu, đi thẳng nhưng rất dễ đi nhầm vào làn rẽ trái” – Thiếu tá Đoàn Thế Phong cho biết thêm.
Đánh giá về tình hình TNGT trên địa bàn, Thiếu tá Phong cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến TNGT trên tuyến quốc lộ 1A (mới) qua địa bàn tỉnh Bắc Giang nói chung và riêng tại vị trí giao cắt tại ngã tư Song Khê – Yên Dũng – Bắc Giang là do sự quản lý Nhà nước về giao thông vận tải trên tuyến quốc lộ 1A (mới) qua địa bàn tỉnh Bắc Giang còn nhiều hạn chế; sự không tương thích giữa các yếu tố cơ bản cấu thành hoạt động giao thông vận tải trên tuyến quốc lộ 1A (mới) qua địa bàn tỉnh Bắc Giang và ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông trên tuyến quốc lộ 1A (mới) qua địa bàn tỉnh Bắc Giang còn rất kém.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ trên tuyến quốc lộ 1A (mới) đồng thời tăng cường thanh tra giao thông, phát hiện và xử lý vi phạm trật tự ATGT trên tuyến quốc lộ 1A (mới) đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Giang để giảm thiểu các vụ tai nạn thương tâm ở “cung đường tử thần” và “điểm đen” về giao thông” – Thiếu tá Phong khẳng định.
Nguyễn Tuấn
Theo Infonet.vn
"Hiệp sĩ" chuyên cứu người tại "ngã tư tử thần"
Từ khi mở quán sửa xe nép ngay dưới sườn quốc lộ 1A, "hiệp sĩ" tốt bụng Đào Ngọc Đang bất đắc dĩ kiêm thêm việc sơ cấp cứu, lo hậu sự... cho hàng trăm vụ tai nạn giao thông trên đoạn ngã tư tử thần này.
Năm 2001, quốc lộ 1A mới Hà Nội - Lạng Sơn được đưa vào sử dụng, mặc dù ai cũng thấy còn hạn chế. Đó là 37km đường qua tỉnh Bắc Giang mỗi bên chỉ có một làn xe và không có cầu vượt, đèn xanh đèn đỏ ở ngã tư.
"Hiệp sĩ giao thông" với đồ nghề cứu thương luôn sẵn sàng
Cung đường tử thần
Trong những điểm đen thường xuyên xảy ra tai nạn trên quốc lộ 1A mới ở Bắc Giang thì ngã tư giữa quốc lộ 1A cắt đường 284 là khốc liệt nhất. Vì sao nơi đây được gọi là ngã tư tử thần? Ông Đang năm nay 56 tuổi, với dáng người nhỏ thó, nhưng rất nhanh nhẹn và tinh tường, kể lại chuyện cũ, không giấu vẻ đượm buồn: "Khoảng 1g30 một sáng đầu năm 2001, có chiếc xe khách chở người đi lễ chùa Yên Tử về đến đây thì đâm thẳng vào chiếc ô tô chở hoa quả xuôi từ Lạng Sơn về Hà Nội. Toàn bộ 25 (hoặc 26) người trên chiếc xe khách tham quan ấy đều bị thương vong. Có một bé gái đã tử nạn ngay tại chỗ, sau khi đưa vào bệnh viện thêm 3 người nữa ra đi vĩnh viễn. Số còn lại nhiều người phải mang thương tật suốt đời".
Ông Đang bảo tối hôm đó, cả mấy xã ven đường đã phải huy động hàng chục chiếc xe máy để chở nạn nhân lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang. Vụ tai nạn kinh hoàng trên ngã tư này sau khi đường 1A mới khánh thành vài tháng đã ám ảnh người dân Bắc Giang lâu dài. Cứ vậy, dư luận ngày một nhiều và người Bắc Giang đã đặt cho nơi đây cái tên ngã tư tử thần.
Nhớ lại những năm đầu khi mở quán sửa xe ven ngã tư tử thần này, ông Đang kể: "Tôi sửa xe suốt ngày ở đây nên chứng kiến nhiều vụ tai nạn đau lòng lắm. Cứ vài ngày lại có một vụ tai nạn nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của ai đó". Nhiều người ở xã Song Khê, xã Nội Hoàng nơi giáp ngã tư tử thần xác nhận: tai nạn giao thông ở đây kinh khủng đến mức khi vũng máu vụ trước chưa kịp khô thì đã có vũng máu của vụ sau thế chỗ!
Khi quốc lộ 1A mới được sử dụng, người Bắc Giang gọi là đường cao tốc để phân biệt với quốc lộ 1A cũ. Chính tâm lý của người dân "đã là cao tốc thì cứ phóng tẹt ga" bất chấp tất cả nên tai nạn nhiều là điều tất yếu.
Hành động nghĩa hiệp
Ngã tư tử thần, điểm đen tai nạn giao thông ở Bắc Giang
Trải qua rất nhiều nghề như bán thịt lợn, chạy xe ôm... cuối cùng ông Đào Ngọc Đang chọn nghề sửa xe máy, với quán sửa xe nép ngay dưới sườn quốc lộ 1A cạnh ngã tư tử thần. Quán sửa xe của ông đặt tại nơi này dường như là một định mệnh cho cuộc đời ông.
Ông Đang nhớ lại: "Năm 2005 có chiếc ô tô chạy từ thị trấn Neo theo đường 284 đến ngã tư tử thần thì đâm vào một ô tô khác chạy từ Hà Nội lên Lạng Sơn. Cú đâm mạnh đến mức chiếc xe từ Neo chạy lên đảo ngược 1 vòng rồi trở lại đúng vị trí cũ, lái phụ bắn người ra khỏi cửa kính". Không ngại gì cả, ông Đang bế luôn người thanh niên máu me be bét đó bắt xe ôm phi thẳng lên Bệnh viện đa khoa Bắc Giang. Ông ngậm ngùi cho biết: "Rất buồn là 9g hôm sau anh ta không qua khỏi".
Có nhiều vụ tai nạn xảy ra, rất nhiều người chạy ra xem, thậm chí còn nhân dịp đó "hôi của", nhưng chẳng ai giúp đỡ nạn nhân. Không đành lòng trước đau đớn của người khác, ông Đang quyết định xả thân vì việc nghĩa. Lần cấp cứu người phụ lái trên chính là vụ đầu tiên ông ra tay nghĩa hiệp.
Quán sửa xe của ông Đang giờ có cờ chữ thập đỏ bay phấp phới, cùng biển hiệu của Hội Chữ thập đỏ Bắc Giang, điểm sơ cấp cứu xã Song Khê, nhưng thường trực ở đây làm công tác cứu nạn giúp người chỉ có một mình ông Đang.
Không quản gian khó để sơ cứu những người bị tai nạn giao thông tại điểm đen giao thông khốc liệt nhất Bắc Giang, cũng chẳng ngại giúp lo hậu sự cho những người tử nạn trên đường, suốt 6-7 năm qua, "hiệp sĩ"tốt bụng Đào Ngọc Đang vẫn lặng lẽ làm nhiều việc nghĩa hiệp mà chẳng đòi hỏi bất cứ điều gì.
Hỏi chuyện ông Nguyễn Văn Quý, hội trưởng Hội Chữ thập đỏ xã Song Khê (huyện Yên Dũng), chúng tôi được biết có hẳn một đội tình nguyện làm công tác sơ cứu thương cho người bị nạn trên đoạn ngã tư tử thần này. Họ chủ yếu là những người trung niên cựu chiến binh ở xã Song Khê, nhưng vì hoàn cảnh mà chỉ có duy nhất ông Đang đơn thân độc mã làm việc nhân đạo này.
Trong 6-7 năm trở lại đây ông Đang đã sơ cấp cứu, rửa thi thể, đắp chiếu... cho hàng trăm vụ tai nạn giao thông nặng, nhẹ trên đoạn ngã tư tử thần này. Hàng tháng, ông vẫn đưa tiền cho con gái lên thành phố Bắc Giang mua thêm bông băng, cồn, thuốc sát trùng... vì nhiều khi Hội Chữ thập đỏ tỉnh mang xuống không đủ. Ông Đang nhớ lại: "Tôi còn nhớ có vụ tai nạn tới 4 người bị thương, máu me bê bết, bông băng ít, tôi phải chạy vội ra hiệu thuốc ở xã mua thêm 10 gói bông mới đủ".
Làm việc nghĩa xuất phát từ lương tâm, ông thật thà bảo: "Ban đầu tôi rất lúng túng, nhưng làm nhiều càng có kinh nghiệm, phải xem ai bị nặng hơn thì sơ cứu người đó trước. Mà phải làm nhanh, tránh gây thêm đau đớn cho họ".
Nhiều khi ông Đang phải bỏ tiền túi ra mua dụng cụ cấp cứu
Ông nhớ lại vụ bà Nguyễn Thị Hợi ở thôn Liễu Thượng, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) bị tai nạn xe máy tại ngã tư tử thần vào lúc 3g. Ông phải nhảy lò cò một chân (chân kia bị thương đang bó bột chưa khỏi) lấy nước rửa vết thương, băng bó cho nạn nhân. Còn anh Tuấn ở Lạng Sơn bị tai nạn lúc 1g khi trời mưa to, gió rét: "Tôi sơ cứu vết thương rồi chở lên Bệnh viện đa khoa tỉnh và vét túi đưa anh 150.000 đồng để làm thủ tục nhập viện".
Nhưng đau lòng nhất đối với ông Đang là phải chứng kiến vụ tai nạn của đôi vợ chồng trẻ, mới cưới nhau ở phường Thọ Xương, TP. Bắc Giang. Chiếc xe máy của họ bị o tô đâm chính diện khi họ đang rẽ vào đường đi thị trấn Neo. Vụ tai nạn xảy ra ngay trước mắt ông. Người chồng tử nạn tại chỗ, nên ông không thể làm gì được. Còn người vợ máu mê bê bết toàn thân, ông đã nhanh chóng lau rửa sơ qua, rồi đưa đi cấp cứu. Nhưng kết cục buồn cũng đến, sáng hôm sau người vợ trẻ ấy cũng ra đi vĩnh viễn.
Ông Đang nói rằng làm phúc cứu người dù họ còn sống hay tử nạn đều là việc nên làm và chẳng vì bất cứ một chút danh lợi, tiếng tăm nào. Ông không nhớ chính xác đã phải chứng kiến và sơ cấp cứu cho bao nhiêu người bị tai nạn ở đoạn ngã tư tử thần này. Nhưng ông bảo vẫn hoàn toàn tình nguyện làm việc nghĩa đến khi nào còn sức, chứ không hề nhận một đồng tiền công. Nhiều người được ông giúp đã quay lại cảm ơn và hậu tạ, nhưng ông không nhận. Ông lại còn mời họ vào nhà cơm nước rồi tiễn họ về. "Với tôi, lời cảm ơn chân thành là quá đủ rồi" - ông cho biết.
Ông mong rằng ngã tư tử thần này, khi được lắp đặt đèn báo giao thông, sẽ không còn những vụ tai nạn đau lòng nữa. Đó cũng là nỗi mong của rất nhiều người dân Bắc Giang từng bị ám ảnh mỗi lần đi qua đây!
Theo Dân việt
Bắc Giang: Ám ảnh "ngã tư tử thần" trên QL 1A Ngã tư giao nhau giữa đường quốc lộ 1A với đường tỉnh 398, thuộc địa bàn xã Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, từ lâu được gắn cho cái tên "ngã tư tử thần". Sở dĩ như vậy là vì trong gần 10 năm qua, tại đây đã xảy ra hàng chục vụ TNGT, làm hơn 30 người chết và hàng...