Giấc mơ có thật của cặp vợ chồng hiếm muộn sau 12 năm cưới nhau
Hành trình 10 năm ròng “tìm” con, cuối cùng cặp vợ chồng hiếm muộn ở Bình Định vỡ òa hạnh phúc, nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định thực hiện.
Hạnh phúc bất ngờ
Mới đây, vợ chồng anh chị Huỳnh Đ. (43 tuổi) và Đặng Thị Hoàng Y. (40 tuổi, ở TP Quy Nhơn, Bình Định ) là 1 trong 7 trường hợp vô sinh hiếm muộn may mắn có con từ kỹ thuật IVF được thực hiện ngay tại đơn nguyên Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định ), với chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh).
Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Tiến, phụ trách đơn nguyên Hỗ trợ sinh sản và em bé chào đời từ IVF
Cưới nhau 12 năm, đó cũng ngần ấy năm vợ chồng anh Đ. gian nan “tìm” con, đến phút cuối hạnh phúc cũng mỉm cười với vợ chồng anh. Đến nay, con gái của vợ chồng anh Đ. được gần 2 tháng tuổi, nhưng khi nhắc đến “kỳ tích” này anh Đ. không khỏi xúc động vì hành trình “tìm” con của vợ chồng anh thật gian nan.
Theo anh Đ., năm 2009, anh lấy vợ nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng kế hoạch 2 năm, sau đó “thả” 2 năm nhưng vẫn không có con. Sau đó, vợ chồng anh đã đi khắp các bệnh viện ở phía Nam rồi ngược dòng ra tận Huế để khám, điều trị vẫn không có kết quả.
Nghe mách uống thuốc bắc, thuốc nam anh đều làm theo nhưng chỉ là sự thất vọng, bác sĩ kết luận anh bị “tinh trùng yếu, gần như bất động”.
Tưởng như vợ chồng anh Đ. bỏ cuộc, thế nhưng, năm 2018 nghe tin Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định triển khai kỹ thuật IVF. Anh cùng vợ đăng ký ngay từ ngày đầu tiên, may mắn mỉm cười với họ khi ngay lần chuyển 2 phôi đầu thì đậu thai.
Bác sĩ tư vấn về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
“Đăng ký ngay từ đầu, nhưng bác sĩ nói tôi tinh trùng yếu, còn vợ thì cũng đã lớn tuổi. Nhưng còn nước còn tát, vợ chồng tôi quyết nhờ bác sĩ làm lần này, nếu vẫn không được mới bỏ cuộc. Không ngờ, niềm vui mỉm cười với vợ chồng tôi khi ngay lần chuyển 2 phôi đầu tiên thì đậu thai”, anh Đ. chia sẻ.
Ngày 10/1, niềm vui vỡ òa khi vợ chồng anh đón cô con gái nặng 3,1kg chào đời mạnh khỏe. “Thời gian chờ đến khi vợ sinh tôi rất lo lắng nhưng luôn động viên và tạo điều kiện hết mức cho vợ. Ngày con chào đời được bồng con tôi hạnh phúc đến rơi nước mắt, vì đó là cả một quá trình đi “tìm” con rất khó khăn”, anh Đ. tâm sự.
Dấu mốc quan trọng
Với sự hỗ trợ của Bệnh viện Từ Dũ, từ năm 2018 đến 2020, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định đã hoàn tất 20 chu kỳ chuyển giao kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Kết quả, có 9 trường hợp đậu thai, trong số này 7 ca sinh thành công 9 em bé (2 ca song thai).
Ngày 7/2, đánh dấu cột mốc quan trọng cho thành công vượt bậc của ngành y tế Bình Định khi Bộ Y tế có Quyết định công nhận Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đủ điều kiện triển khai độc lập kỹ thuật IVF. Thành công này là một chặng đường rất dài và cam go với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ 10 năm trước.
Theo Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, thời điểm khởi động, bệnh viện là 1 trong 10 bệnh viện vùng của cả nước được Chính phủ chọn triển khai dự án hỗ trợ đầu tư trang thiết bị y tế do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ.
Sau khi có trang thiết bị, bệnh viện mời chuyên gia Bệnh viện Từ Dũ khảo sát cơ sở hạ tầng, để triển khai đơn nguyên Hỗ trợ sinh sản.
Đến năm 2018, hội đủ hai điều kiện quan trọng, bệnh viện cử ê kíp của khoa Phụ sản vào Bệnh viện Từ Dũ học và nhận chuyển giao kỹ thuật, đến nay đã được hái những quả ngọt đầu tiên.
Bác sĩ CK II Nguyễn Hữu Tiến, Phó trưởng khoa Phụ sản, người trực tiếp thực hiện kỹ thuật này cho các cặp vợ chồng hiếm muộn , cho biết: “Ca đầu tiên thông báo đậu thai thành công, chúng tôi vừa mừng vừa lo vì không biết trong hành trình gian nan 9 tháng 10 ngày em bé được đủ tháng hay trục trặc có vấn đề gì không. Chỉ đến khi được bế được em bé ra khỏi bụng mẹ thì nỗi lo ấy không còn nữa, thay vào đó là niềm vui vỡ òa”.
Bác sĩ CKII Võ Thành Nam Bình, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cho biết, với thành công này, Bình Định là 1 trong 3 tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ hiếm hoi thành công trong kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được Bộ Y tế công nhận, mang lại niềm vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn .
Theo kế hoạch, Bệnh viện sẽ thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản trên cơ sở của đơn nguyên Hỗ trợ sinh sản để đầu tư và phát triển mạnh hơn, đồng bộ hơn kỹ thuật IVF.
Hiện, có khoảng 30 trường hợp đăng ký làm IVF tại đơn nguyên Hỗ trợ sinh sản, trong đó, khoảng 15% bệnh nhân đến từ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên.
“Đây là thành công rất lớn, rất đáng tự hào nhưng mới chỉ là bước đầu. Chúng tôi đang có dự kiến, trước hết là Khoa Hỗ trợ sinh sản, tách ra từ khoa phụ sản hiện tại. Trên cơ sở đó, có điều kiện để phát triển nhân lực chuyên sâu, đầu tư mua sắm trang thiết bị cao cấp hơn nữa. Ngoài ra, có rất nhiều công việc chuyên môn khác phải làm như ngân hàng tinh trùng , ngân hàng trứng …”, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định Lê Quang Hùng chia sẻ.
Để điều trị hiệu quả vô sinh, hiếm muộn
Việt Nam thuộc nhóm nước có tỉ lệ vô sinh cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tỉ lệ 7,7% trong các cặp vợ chồng sinh đẻ, tương đương 1 triệu cặp vợ chồng được phát hiện vô sinh mỗi năm
Vợ chồng chị Dương Thị Q., 32 tuổi ở Hà Nội, đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội) với lý do hai vợ chồng đã "thả" 4 năm nay nhưng vẫn không thể có thêm con. Tại đây, bệnh nhân được bác sĩ thăm khám và chỉ định làm các cận lâm sàng cần thiết cho cả vợ và chồng để xác định nguyên nhân dẫn tới tình trạng vô sinh thứ phát.
Kết quả, người vợ có tình trạng dự trữ buồng trứng kém, còn người chồng có chất lượng tinh dịch đồ rất kém, kèm theo viêm nhiễm đường sinh dục - tiết niệu. Đây là trường hợp vô sinh mà nguyên nhân do cả vợ lẫn chồng, vì vậy cả hai vợ chồng đã được tư vấn và kê đơn điều trị, hướng dẫn thay đổi thói quen sống lành mạnh... để tăng khả năng có thai. May mắn, sau hơn 2 tháng điều trị cũng như tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân đã có thai tự nhiên. Hiện tại thai nhi được gần 2 tháng, phát triển bình thường.
Gia tăng tình trạng vô sinh, hiếm muộn
BS Hà Thị Thanh Thơm, Trưởng Khoa Phụ - Sản Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, cho biết hiện nay, tình trạng vô sinh - hiếm muộn thường gặp ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và tỉ lệ vô sinh có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân gây vô sinh có thể do người chồng hoặc người vợ; hay do sự kết hợp của nhiều yếu tố ảnh hưởng tới việc mang thai.
May mắn thay, hiện nay đã có rất nhiều phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả để khắc phục các nguyên nhân gây vô sinh và cải thiện đáng kể cơ hội có thai. "Tình trạng hiếm muộn, là một thuật ngữ mô tả tình trạng không thể thụ thai ở các cặp vợ chồng, mặc dù đã quan hệ tình dục thường xuyên sau 12 tháng mà không sử dụng các biện pháp tránh thai. Phụ nữ vô sinh có thể không có kinh nguyệt hoặc chu kỳ kinh không đều. Trong khi đó, nam giới có thể có các vấn đề nội tiết tố, chẳng hạn như thay đổi trong tốc độ tăng trưởng tóc, rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục hoặc gặp các vấn đề về xuất tinh. Họ cũng có thể bị tinh hoàn nhỏ hoặc sưng ở bìu" - BS Thơm nói.
Theo BS Thơm, ngoài các phương pháp điều trị bằng thuốc hoặc kết hợp phẫu thuật trong điều trị hiếm muộn thì có thể áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản như: bơm tinh trùng trực tiếp vào tử cung (IUI), phương pháp tiêm thẳng tinh trùng vào trứng (ICSI), phương pháp thụ thai trong ống nghiệm (IVF) và sử dụng tinh trùng hoặc trứng được hiến tặng.
Đánh giá chất lượng tinh trùng dưới hệ thống máy hiện đại để chẩn đoán tình trạng hiếm muộn
Khi nào nên thụ tinh ống nghiệm?
GS-TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết hiện nay hầu hết người dân vẫn chưa hiểu đúng về các phương pháp điều trị vô sinh, hiếm muộn. Trên thực tế, muốn điều trị vô sinh cho bệnh nhân có hiệu quả, điều đầu tiên phải tìm nguyên nhân gây vô sinh ở mỗi bệnh nhân. Vô sinh do rất nhiều nguyên nhân, vô sinh do cả vợ, cả chồng. Hiện nay, vô sinh do nữ chiếm khoảng hơn 40%, vô sinh do nam giới chiếm khoảng hơn 40%, còn 20% vô sinh do cả nam và nữ. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà chúng ta điều trị cho người bệnh.
GS Nguyễn Viết Tiến cho biết để điều trị vô sinh hiếm muộn có nhiều biện pháp. Rất nhiều bệnh nhân làm thụ tinh trong ống nghiệm không thành công nhưng sau đó mổ nội soi thì bệnh nhân lại có thai tự nhiên. "Nhiều cặp vợ chồng do quá nóng lòng có con, sau 6 tháng hay 1 năm chưa thấy có con đã vội đi làm thụ tinh trong ống nghiệm mà không cần tìm hiểu xem nguyên nhân vô sinh chính do đâu. Đó là điều sai lầm. Nếu vô sinh do viêm nhiễm, tắc ống dẫn trứng, bất thường cơ quan sinh sản (có vách ngăn tử cung)... thì phải phẫu thuật để khắc phục nguyên nhân này thì bệnh nhân sẽ có con tự nhiên" - GS Tiến nhận định.
Theo GS Tiến, với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hay phẫu thuật đều có những tai biến rủi ro, ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, nếu xem nhẹ thụ tinh trong ống nghiệm, không làm thụ tinh trong ống nghiệm trong những trường hợp cần thiết thì đó cũng là sai lầm. "Ví dụ trong những trường hợp tắc 2 vòi trứng hoàn toàn hoặc tinh trùng quá yếu thì cần làm thụ tinh trong ống nghiệm. Như vậy, trường hợp nào cần làm thụ tinh trong ống nghiệm thì mới nên làm" - GS Tiến khuyến cáo.
Tinh trùng loãng - liệu có thể có con được không? Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, tỉ lệ vô sinh do nam giới chiếm khoảng 30-40%, trong đó có đến hơn 90% trường hợp do bất thường ở tinh trùng. Các trục trặc thường gặp là tinh trùng dị dạng, đứt gãy AND. Đặc biệt, có không ít bệnh nhân vô sinh hiếm muộn do tinh trùng loãng. Nhiều người lâu...