Gia Lai: Xe nghi quá tải chạy rầm rập, sao CSGT ngó lơ?
Tài xế chạy xuống làm việc với cán bộ công an , một lúc sau thì chiếc xe này tiếp tục lưu thông đi đến QL19 rồi bon bon chạy…
Lực lượng CSGT dừng xe tải chở cát tải trọng lớn nhưng không xử lý
Đó là điều mà nhiều người dân sống gần QL19 đoạn qua xã Ayun, huyện Mang Yang , tỉnh Gia Lai băn khoăn khi chứng kiến cách xử lý của lực lượng CSGT đối với những chiếc xe chở cát có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải.
CSGT kiểm tra xong, xe lại đi như thường
Theo phản ánh của người dân ở huyện Mang Yang , những ngày qua, ở khu vực suối Ayun ( thượng nguồn sông Ayun ) đoạn qua xã Ayun do nước lũ về nên lượng cát trên sông nhiều hơn thường lệ.
Việc hút cát được các doanh nghiệp tiến hành suốt ngày đêm, sau đó tập kết ven bờ rồi thuê các xe tải lớn chở tới các đại lý vật liệu xây dựng ở trung tâm huyện để bán.
Ông T.T.T. (một người dân trú tại xã Ayun) cho biết: “ Xe tải trọng lớn suốt ngày chạy vào chạy ra mà không bị ai kiểm soát. Tôi thấy nhiều lần CSGT dừng xe rồi sau đó xe lại tiếp tục chạy bình thường. Câu chuyện này không phải bây giờ mà có từ lâu lắm rồi. Lâu lâu có đoàn công tác vào kiểm tra nhưng sau đó lại đâu vào đấy. Con đường từ QL19 đi vào rừng quốc gia Kon Ka Kinh bây giờ ngày một xuống cấp nghiêm trọng”.
Ông N.V.Tr., một người dân cùng xã cũng cho biết: “Việc xe tải chạy rầm rập suốt ngày khiến người dân đi lại trên đường rất khiếp sợ. Đường này chỉ có tải trọng 10 tấn mà xe 3 chân chở cát ngập thùng vẫn đi lại vô tư. Tôi nhiều lần gặp CSGT chặn xe sau đó lại cho đi”.
Để kiểm chứng thông tin, trong sáng 17/11, PV Báo Giao thông đã có mặt trên tuyến đường đoạn từ QL19 đến trung tâm xã Ayun, đồng thời ghi nhận nhiều xe tải trọng lớn chở cát có ngọn chạy như chốn không người. Tuyến đường từ QL19 vào xã Ayun hiện xuống cấp nghiêm trọng với chi chít ổ voi, ổ gà.
Khoảng 10h sáng cùng ngày, một chiếc xe ô tô của lực lượng CSGT Công an huyện Mang Yang dừng lại bên vệ đường, đoạn đầu rừng thông vào khu trung tâm xã Ayun.
Khoảng 2 phút sau, một chiếc xe chở cát từ hướng trung tâm xã hướng ra QL19 thì được một cảnh sát ra hiệu lệnh dừng xe. Tài xế chạy xuống làm việc với cán bộ công an , một lúc sau thì chiếc xe này tiếp tục lưu thông đi đến QL19 rồi bon bon chạy về hướng trung tâm thị trấn Kon Dỡng (huyện Mang Yang).
Còn tại QL19, trưa cùng ngày, PV phát hiện nhiều lượt xe ô tô chở cát chất đầy thùng có dấu hiệu quá khổ, quá tải. Những chiếc xe này từ ngã ba đường vào xã Ayun rẽ vào QL19 rồi cứ thế chạy về trung tâm huyện.
Chỉ trong buổi sáng 17/11, PV ghi nhận có hàng chục trường hợp xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải lưu thông trên đoạn đường trên, tuy nhiên không có lực lượng nào kiểm tra xử lý.
Không có cân, biển báo hạn chế tải trọng
Liên quan đến tình trạng xe chở cát nghi quá tải tàn phá tuyến đường từ QL19 đi vào trung tâm xã Ayun, ông Trần Nam Danh, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Mang Yang cho biết: “Đây là một trong những vấn đề bức xúc của huyện. Đường này tải trọng chỉ dưới 10 tấn, việc xe tải trọng lớn đi vào như vậy là sai rồi. Trách nhiệm dừng xe kiểm soát tải trọng thuộc về lực lượng CSGT huyện, nhưng không rõ việc này đang được thực hiện thế nào”.
Làm việc với PV, Trung tá Nguyễn Phương Nam , Đội trưởng Đội CSGT – trật tự huyện Mang Yang cho biết, Đội chỉ kiểm soát trên đoạn đường từ QL19 đi vào trung tâm xã Ayun, còn đối với các xe lưu thông trên QL19 thì không đủ thẩm quyền.
Trong khi đó, tấm biển báo hạn chế tải trọng trên đường từ QL19 đi vào trung tâm xã Ayun “không hiểu sao không còn” nên CSGT huyện không có cơ sở xử lý xe quá tải. “Đơn vị cũng đã báo với huyện về việc mất tấm bảng này nhưng đến nay chưa thấy huyện thay tấm biển mới”, ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam thì cân tải trọng mà lực lượng CSGT huyện vẫn sử dụng đang được đưa đi kiểm định nên hiện CSGT chỉ kiểm tra hành chính. Khi được hỏi về kết quả kiểm tra xe quá khổ, quá tải trên tuyến đường này, ông Nam cho biết đã xử lý nhiều trường hợp nhưng “không có quyền cung cấp thông tin”.
Riêng đối với thông tin vào khoảng 10h ngày 17/11, hai CSGT của Đội dừng xe tải chở cát, ông Nam cho biết: “Vào thời gian trên, lực lượng CSGT nhận được thông tin trên tuyến đường này có vụ va chạm giao thông nên 2 CSGT dừng xe tải để hỏi xem có hay không vụ va chạm. Khi đó, tài xế xe tải nói là không có chứ CSGT không kiểm tra gì cả”.
Lâm tặc khét tiếng hoàn lương trở thành cán bộ bảo vệ rừng
Ông Kiếm từng là lâm tặc tiếng khét tiếng một thời. Tuy nhiên, được sự động viên của cán bộ, ông Kiếm quyết định "rửa tay gác kiếm" .
Ông Kiếm từng là một "lâm tặc" có số má. Song được sự động viên của gia đình, của cán bộ, ông Kiếm đã quyết định "rửa tay gác kiếm" Từ đó, ông hoàn lương, trở thành một cán bộ đắc lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Nhắc đến ông Dương Xuân Kiếm thôn 4, xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, nhiều người dân địa phương cho đến giờ này vẫn không dám tin đó là sự thật.
Bởi ông Kiếm được biết đến là một lâm tặc khét tiếng, có số má tại địa phương, "xé toạc" nhiều cánh rừng ngày nào, giờ lại là Tổ trưởng tổ Quản lý bảo vệ rừng. Từ một lâm tặc sừng sỏ được bổ nhiệm làm Tổ trưởng tổ Bảo vệ rừng, nhiều người hoài nghi, lo lắng có thể đang "vẽ đường cho "hươu chạy".
Mặc cho dư luận hoài nghi, ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai vẫn quyết định đi một nước cờ táo bạo, và cũng có có phần mạo hiểm.
Thực tế, nhiều người phải thán phục quyết định mang tính đột phá của ông. Nhờ đó, mà những cánh rừng trên địa bàn mà ông được giao quản lý vắng bóng "lâm tặc".
Ông Kiếm cùng anh em trong tổ bảo vệ rừng đi tuần tra khu vực rừng được giao khoán.
Trò chuyện với PV, ông Chính chia sẻ: "Đưa ra quyết định bổ nhiệm "lâm tặc" sừng sỏ chuyên phá rừng làm công việc bảo vệ rừng khiến dư luận hoài nghi là việc khiến tôi rất đắn đo, sau nhiều lần suy nghĩ tôi mới đưa ra quyết định cuối cùng.
Nhiều người nói, tôi làm vậy khác nào thả hổ về rừng, "đi đêm" với "lâm tặc" nhưng tôi mặc kệ. Do đó, tôi sẽ chịu trách nhiệm trước quyết định của bản thân mình".
"Tôi quan niệm để giữ được rừng, trước hết phải cảm hóa được những đối tượng đầu sỏ chuyên phá rừng ở địa phương đó mới là điểm mấu chốt.
Đặc biệt, nếu họ hợp tác tôi nghĩ rằng họ là những người giữ rừng tốt nhất. Tôi lân la tìm hiểu, được biết, trước đây mẹ của Kiếm từng là cán bộ lâm trường. Tôi đến tận nhà gặp gỡ và ngay lập tức bà đồng ý cùng tôi thuyết phục Kiếm.
Trước những lời lẽ sắc bén, đầy thuyết phục của tôi và của người mẹ già đã lay động được trái tim của Kiếm. Cũng từ đó, Kiếm "đầu sỏ" phá rừng lại là người giác ngộ đầu tiên, trở thành cầu nối để vận động người khác tham gia bảo vệ rừng".
Theo ông Chính, ban đầu chỉ một mình ông Kiếm tham gia tuần tra bảo vệ rừng. Sau đó, ông vận động thêm 3 người nữa thành lập tổ Quản lý bảo vệ rừng, nhận khoán bảo vệ hơn 375 ha.
"Thời gian đầu, chúng tôi cũng bí mật cử cán bộ theo dõi khu vực rừng giao khoán, mỗi tháng từ 2 đến 3 lần, thậm chí kiểm tra đột xuất, khi thấy độ tin cậy và an toàn cao, chúng tôi mới dừng việc cử cán bộ cắm chốt.
Tuy vậy, chúng tôi vẫn thường xuyên quan tâm động viên họ những lúc ốm đau, tạo điều kiện ứng lương mỗi khi gia đình gặp khó khăn.
Mặt khác, thấy anh em chúng tôi làm việc nghiêm túc, quản lý chặt chẽ nên họ dần cũng hiểu được mục đích ý nghĩa của việc giữ rừng", ông Chính nói.
Việc thường xuyên băng rừng tuần tra kiểm soát làm cho những cách rừng ngày càng xanh.
Cuộc đấu trí với dụ dỗ và đe dọa
Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi dễ dàng tìm được nhà ông Kiếm. Khác với vẻ bề ngoài có phần hung dữ, ông Kiếm có nụ cười trìu mến, hiếu khách.
Rót chén nước mời khách, ông Kiếm chậm rãi trải lòng về thăng trầm của đời mình.
Nhấp ngụ trà, ông kể, năm 1998, ông rời tỉnh Lạng Sơn vào huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai lập nghiệp. Chân ướt chân ráo nơi đất khách quê người ông làm đủ thứ nghề để mưu sinh, thậm chí vượt biên đi khai thác gỗ..
Năm 2005, ông đưa vợ và 3 con từ quê vào và chọn thôn 4 xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang lập nghiệp.
Cần câu cơm của gia đình chỉ vỏn vẹn 2 sào lúa, làm quần quật không đủ ăn. Đến năm 2009, cuộc sống quá khó khăn, ông chọn cách vào rừng kiếm kế sinh nhai, dù biết đây là việc làm phi pháp.
Ông Kiếm nhớ lại: "Thời trước khu vực này rừng núi bao la, trải dài bạt ngàn vô tận. Trên rừng đủ thứ loại gỗ quý hiếm nhưng hương, dổi, pơ mu. Thấy lợi nhuận từ việc đi rừng "không vốn bốn lời", nhiều người dân bỏ ruộng rẫy theo mình vào rừng đốn gỗ bán. Nhóm chúng tôi ngoài làm thuê cho chủ gỗ để hưởng tiền công còn làm theo "đơn đặt hàng" của các xưởng mộc. Tuy nhiên, nhận thấy kết cục của con đường phi pháp luôn là trả giá nên tôi đã bừng tỉnh và "hoàn lương". Thế nên, khi nghe cán bộ cắm chốt thuyết phục, từ năm 2013, tôi bắt đầu tham gia vào lực lượng bảo vệ rừng. Ban đầu, tôi tham gia cùng cán bộ ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra.
Năm 2018, tôi đứng ra nhận giao khoán bảo vệ rừng và vận động thêm 3 người trong làng tham gia. Với mức lương mỗi tháng chỉ gần 3,8 triệu nhưng các thành viên trong tổ vẫn vui vẻ, mãn nguyện vì không phải nơm nớp lo sợ".
Ông Kiếm thổ lộ: "Đã có nhiều người tìm đến nhà dụ dỗ, mua chuộc tôi trở lại "nghề" cũ, nhiều lần không được thì quay ra đe dọa. Thậm chí, có người còn cho rằng, việc giao rừng cho "lâm tặc" giữ là vi phạm. Nhưng theo tôi, không giữ được rừng mới là vi phạm. Chỉ cần hạ 1 cây dổi làm 2 bộ phản là đã có trong tay 100 triệu đồng. Nhưng khi đã nhận lời giữ rừng thì mình không thể trộm của rừng được. Người ta tạo việc làm cho mình, quan tâm thăm hỏi, động viên gia đình thì mình không thể bắt tay với người khác làm việc gian dối".
Anh em trong tổ bảo vệ rừng của ông Kiếm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ nói gì?
Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra cho biết: " Ngoài việc tuyên truyền, vận động, chúng tôi cũng táo bạo chọn thành phần cốt cán, thậm chí dân "anh chị" thuyết phục họ đưa vào giữ rừng. Giờ đây, 20 hộ dân tham gia trồng, chăm sóc bảo vệ 500 ha rừng trồng, rừng tự nhiên toàn bộ khu vực này, thành lập tổ khai thác rừng trồng. Đặc biệt, việc lựa chọn những lực lượng giữ rừng cũng là một trong những quyết định thành công, đem lại những cánh rừng bình yên, xanh mãi".
Vân Đồn quyết liệt nhiều giải pháp đảm bảo ATGT Do chỉ có 1 tuyến đường bộ độc đạo, còn lại hệ thống giao thông đường thuỷ, nên công tác đảm bảo ATGT ở huyện Vân Đồn có những đặc thù riêng. Tuyên truyền Luật GTĐT nội địa đến người dân trên địa bàn Tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, giao thông đường bộ có độc đạo một tuyến tỉnh lộ (TL)...