Giá dầu giảm mạnh, chủ tàu tiết lộ điều bất ngờ dù cá bán có rẻ đi
“Giá dầu giảm chỉ còn hơn 11.000 đồng/lít, trong khi trước kia dầu chạy tàu có giá đến 17.000 đồng/lít. Mỗi tàu đánh bắt xa bờ mỗi chuyến biển phải đổ từ 3.000 – 4.000 lít dầu, nhờ giá dầu giảm mà chi phí sắm tổn để chuẩn bị cho đánh bắt xa bờ cũng giảm theo”, lão ngư Bùi Thanh Ninh chia sẻ.
Lão ngư Bùi Thanh Ninh – Chủ 9 chiếc tàu cá công suất lớn ở xã Tam Quan Bắc ( huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cho hay, 5 chiếc tàu cá hành nghề lưới vây của ông vừa cập bờ tại Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Cam Ranh (Khánh Hòa) để bán sản phẩm.
“Mặc dù thời điểm này, giá cá có hạ hơn trước đây do sức tiêu thụ yếu, nhưng nhờ đánh bắt đạt sản lượng, giá dầu hạ nên tất cả các tàu đều có lãi. Làm nghề lưới vây mỗi tàu đi 12 thuyền viên, chuyến biển này sau khi chia cho bạn thuyền mỗi người 6 – 7 triệu đồng, mỗi tàu tôi còn lãi 50 – 60 triệu đồng. Khoảng 1 tháng sau, khi cá ngừ sọc dưa xuất hiện nhiều ngoài khơi tôi sẽ cho tàu quay lại ngư trường Trường Sa đánh bắt sẽ đạt hiệu quả cao hơn”, ông Ninh cho biết.
Giá dầu hạ nên đã giảm chi phí sắm tổn cho nhiều chủ tàu ở Bình Định trong chuyến vươn khơi dài ngày.
Theo ông Ninh, thời điểm này, giá nhiên liệu giảm mạnh nên dù giá cá có hạ, ngư dân vẫn tích cực ra khơi bởi chi phí sắm tổn giảm rất lớn.
“Giá dầu chỉ còn hơn 11.000 đồng/lít, trong khi trước kia dầu chạy tàu có giá đến 17.000 đồng/lít. Mỗi tàu đánh bắt xa bờ mỗi chuyến biển phải đổ từ 3.000 – 4.000 lít dầu. Nếu như trước đây lúc giá dầu còn cao, tàu hành nghề lưới vây rút chì mỗi chuyến biển đi dài ngày hơn phải sắm tổn đến 120 triệu đồng, giờ chỉ còn 100 triệu đồng, thậm chí thấp hơn. Còn tàu hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương trước đây sắm tổn 80 triệu đồng/chuyến biển thì nay giảm còn 60 triệu đồng”, ông Ninh lý giải.
Theo nhiều chủ tàu cá hành nghề lưới vây rút chỉ ở Bình Định, giá nhiên liệu giảm là điều kiện tốt để ngư dân cho tàu vươn khơi bám biển để giải quyết công việc cho lao động nghề biển, duy trì sự có mặt của ngư dân trên biển để góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngoài ra, giữ chân các bạn thuyền, nếu hoạt động đánh bắt của con tàu bị ngưng trệ, thuyền viên đi tàu khác thì tháng 6 âm lịch tới, khi đến vụ cá Nam cá ngừ sọc dưa xuất hiện nhiều ở vùng biển khơi, lúc ấy tìm bạn thuyền đi biển không ra.
Video đang HOT
Nghề lưới vây của ngư dân Bình Định.
TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho hay, hiện nay dọc biển miền Trung xuất hiện nhiều cá ồ, cá nục, cá ngừ nên ngư dân đánh bắt đạt sản lượng. Sắp tới, từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch sẽ vào chính vụ cá Nam, lúc ấy cá ồ, cá ngừ sọc dưa sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Theo Sở NNPTNT Bình Định, trong 3 tháng đầu năm 2020, dù thời tiết biển không thuận lợi do ảnh hưởng các đợt không khí lạnh tăng cường, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Ngoài ra, tàu cá đánh bắt vùng khơi được quản lý chặt chẽ, chỉ những tàu đạt chuẩn từ 15m chiều dài trở lên đã được cấp phép mới được ra khơi. Vì vậy, số tàu đánh bắt vùng khơi giảm hơn so với những năm trước, hiện chỉ còn 3.135 chiếc, giảm 13% so trước khi có Nghị định 26/2019/NĐ – CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, sản lượng khai thác của ngư dân tại Bình Định giảm không đáng kể. Tổng sản lượng khai thác trong quý I/2020 ước đạt hơn 45.793 tấn, giảm 2,2% so cùng kỳ, riêng sản lượng khai thác cá ngừ đại dương tăng, ước đạt hơn 3.075 tấn, tăng 1,9% so cùng kỳ.
Bán sản phẩm xong các tàu cá vận chuyển những can nhiên liệu xuống tàu để chuẩn bị chuyến biển mới.
Tại thời điểm này, giá các loại thủy sản có giảm do sức tiêu thụ yếu bởi ảnh hưởng dịch Covid-19, tuy nhiên ngư dân vẫn yên tâm bám biển bởi các doanh nghiệp vẫn thu mua sản phẩm cho vào kho lạnh dự trữ để khi bão dịch đi qua, sức tiêu thụ mạnh trở lại sẽ tung ra đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
“Cảng cá Quy Nhơn đang có hệ thống kho lạnh có thể chứa 500 tấn sản phẩm. Mỗi ô kho có chiều ngang 5m, dài 10m, cao 4,5m có thể dự trữ 50 tấn sản phẩm. Hiện, các kho đã được doanh nghiệp thuê hết, hàng dự trữ đã đầy khoảng 50% kho lạnh, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục thu mua sản phẩm của ngư dân mỗi đợt tàu cá cập bờ.
Riêng TP.Quy Nhơn mỗi ngày tiêu thụ khoảng 15 tấn thực phẩm tươi sống, khi hệ thống kho tại cảng dự trữ đầy hàng thì có thể cung ứng hàng tươi sống cho người dân Quy Nhơn suốt 1 tháng ròng rã”, ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc BQL Cảng cá Bình Định cho hay.
Thăng Bình
Trung Quốc đã 'bàn giao' 8 ngư dân Quảng Ngãi trên tàu cá bị đâm chìm
Ngư dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) báo về đất liền thông tin một tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Tối 2.4, phía Trung Quốc đã 'bàn giao' 8 ngư dân trên tàu cá bị đâm chìm cho 2 tàu cá Việt Nam.
Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi) Ảnh: P.A
Sáng 2.4, một tàu cá của ngư dân xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đến tối cùng ngày (2.4), phía Trung Quốc đã "bàn giao" 8 ngư dân trên tàu cá bị đâm chìm này cho 2 tàu cá ở xã Bình Châu.
Thông tin ban đầu, vào sáng 2.4, tàu cá QNg 90617 TS của ngư dân Trần Hồng Thọ (33 tuổi, trú ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, Bình Sơn) khi đang hành nghề lặn trên khu vực quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Châu, khi nhận được tin báo từ các ngư dân, chính quyền xã Bình Châu đã có báo cáo lên huyện Bình Sơn.
Theo báo cáo của UBND xã Bình Châu, chiều ngày 2.4, chính quyền xã nhận tin báo từ ông Nguyễn Thanh Nam, cha của ngư dân Nguyễn Thành Linh, chủ tàu cá QNg 90929 TS; bà Nguyễn Thị Kim Hồng, vợ cả ngư dân Đặng Tằm, chủ tàu cá QNg 90045 TS về việc bị tàu Trung Quốc truy đuổi, bắt giữ.
Người nhà các chủ tàu cá nói trên cũng báo tin khoảng 3 giờ ngày 2.4, tàu cá QNg 90617 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Sau đó, các tàu cá QNg 90929 TS, QNg 90045 TS, QNg 90399 TS (của ông Đặng Dũng) cùng chạy đến cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm.
Tuy nhiên, các tàu cá nói trên bị tàu Trung Quốc xua đuổi, phun vòi rồng, làm tàu cá QNg 90045 TS bể kính cabin và hư hỏng một số thiết bị trên tàu. Hai tàu cá QNg 90929 TS và QNg 90045 TS cũng bị bắt, bị lai dắt vào đảo Phú Lâm.
Chiều 2.4, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã ký công văn gửi UBQG ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải Khu vực 2 đề nghị sớm có biện pháp kịp thời hỗ trợ tìm kiếm ngư dân trên tàu cá của ông Thọ.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Ngoại giao xem xét, có biện pháp hỗ trợ cho tàu cá và ngư dân hoạt động sản xuất an toàn trên biển.
Tối 2.4, ông Phạm Hồng Nguyên, Trưởng phòng NN-PTNT Bình Sơn, xác nhận thông tin từ ngư dân trên biển báo về đất liền cho biết phía Trung Quốc đã "bàn giao" 8 ngư dân trên tàu cá bị đâm chìm cho 2 tàu cá ở xã Bình Châu, đồng thời thả 2 tàu cá nói trên.
Phạm Anh
Bình Định: Thanh tra "điểm mặt" loạt sai phạm khu nghỉ dưỡng ven biển Quy Nhơn Thanh tra Sở Xây dựng Bình Định kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm ở Khu nghỉ dưỡng Ami resort & Spa và Khu du lịch nghỉ dưỡng Quy Nhơn Sea, nằm ven tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu. Ngày 22/3, Sở Xây dựng Bình Định cho biết, Thanh tra sở đã kiểm tra thực địa và phát hiện nhiều sai phạm...