- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Gắn định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề với tạo việc làm
On 29/03/2019 @ 8:56 PM In Học hành
Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn hiện nay; góp ý vào một số nội dung lớn trong dự án Luật giáo dục (sửa đổi)".
Chỉ thị 10-CT/TƯ ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 30%. Tuy nhiên, tỷ lệ này hiện vẫn ở mức khá khiêm tốn.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS trên địa bàn Hà Nội được phân chia theo 4 luồng khác nhau.
Cụ thể: tiếp tục thi và học tại các trường THPT; học sinh không thi đỗ các trường THPT tham gia học tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên để lấy bằng bổ túc THPT; học sinh được xét tuyển vào các trường đào tạo nghề; học sinh tham gia lực lượng lao động sản xuất mà chưa qua đào tạo.
Các đại biểu tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri, góp ý về giáo dục hướng nghiệp và Dự án Luật giáo dục sửa đổi
Đáng quan tâm, số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo học nghề mới dừng ở mức từ 5,8% đến 7,2% trong tổng số học sinh được xét tuyển vào các trường nghề giai đoạn từ 2011-2015; năm học 2018-2019 tăng lên 11,8%.
Tại hội nghị, các cử tri đã kiến nghị nhiều nội dung về hoạt động hướng nghiệp, như: Sớm ban hành tiêu chí cụ thể để tuyển được học sinh học nghề; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lao động sau đào tạo của các trường; miễn giảm học phí cho học sinh học nghề.
Đồng thời, có cơ chế đánh giá năng lực học sinh bảo đảm chính xác và phân luồng được học sinh từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Nhiều đại biểu kiến nghị cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền sâu rộng về giáo dục hướng nghiệp nhằm thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh về học nghề.
Góp ý về Luật Giáo dục (sửa đổi), một số cử tri cho rằng, cần bổ sung nội dung phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là yêu cầu bắt buộc trong giáo dục. Bên cạnh đó, Luật Giáo dục (sửa đổi) cần đưa nội dung tự chủ vào trong các nhà trường; có sách giáo khoa chung của bậc phổ thông trung học và nghiên cứu kỹ việc xã hội hóa; bổ sung quy định người dạy học được bảo vệ quyền lợi, nhân phẩm...
Phát biểu tiếp thu các ý kiến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, năm 2019, thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các trường nghề trên địa bàn xây dựng danh mục các ngành nghề, nội dung, định hướng công tác tuyển sinh để tập hợp thành tập thông tin cung cấp cho học sinh, phụ huynh.
Đồng thời, giao Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù của Hà Nội. Ngoài việc hỗ trợ học sinh học nghề, cần xây dựng chính sách hấp dẫn, chính sách hỗ trợ liên thông; bổ sung dạy thêm 2 môn ngoại ngữ và tin học trong đào tạo nghề...
Kết luận tại buổi tiếp xúc cử tri, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc co biết Đoàn sẽ tiếp thu cao nhất những kiến nghị của cử tri để đánh giá kỹ hơn thực trạng, giải pháp, đề xuất cho vấn đề này. Trong đó, cần gắn định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề với tạo việc làm./.
Theo Pháp luật Xã hội
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/gan-dinh-huong-nghe-nghiep-dao-tao-nghe-voi-tao-viec-lam-20190329i3859626/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.