Gắn biển công trình đường Trương Định – Giáp Bát
Ngày 26-12, quận Hoàng Mai tổ chức gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập quận đối với tuyến đường nối tiếp từ khu Đền Lừ II đến đường Trương Định – Giáp Bát (đường vành đai 2,5).
Đường vành đai 2,5 đoạn Trương Định – Giáp Bát là một dự án giao thông quan trọng của TP Hà Nội và quận Hoàng Mai, kết nối với nút giao thông lên cầu Thanh Trì. Dự án đi qua địa bàn các phường Giáp Bát, Tân Mai, Tương Mai và Hoàng Văn Thụ, có tổng chiều dài 1.049,5m với mặt cắt ngang 40m, trong đó 2 làn xe chạy có mặt cắt ngang 22,5m, tổng mức đầu tư 688,6 tỷ đồng.
Theo ANTD
Cầu vượt nút giao Ô Chợ Dừa: Lựa chọn hợp lý
Sau hai năm nghiên cứu, Hà Nội đã có phương án xây dựng cầu vượt tại ngã 5 Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa). Theo nhận định, đây là nút giao có lưu lượng phương tiện giao thông qua lại lớn, đặc biệt vào giờ cao điểm. Giải pháp xây cầu vượt được xem là tối ưu trong bối cảnh hiện nay và cũng phù hợp quy luật phát triển đô thị.
Giao thông tại ngã 5 Ô Chợ Dừa luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Hoàng Hà
Phù hợp quy hoạch
Ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết, dự kiến, cầu vượt sẽ đi sát phạm vi bảo tồn Đàn Xã Tắc và khu vực nhà dân. Mố cầu nằm ngoài di tích. Cầu vượt làm bằng bê tông theo hướng vành đai 1, dài khoảng 510m, mặt cắt ngang rộng 14m gồm 4 làn xe. Ngoài ra, còn có hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, tổ chức giao thông... với tổng chi phí 766 tỷ đồng. Trong quá trình lập phương án kiến trúc, quy hoạch tổng mặt bằng, bộ phận tư vấn đã đề xuất 10 phương án. Theo đó, giải pháp chọn được xem là tối ưu, đảm bảo các yếu tố bảo tồn khu di tích Đàn Xã Tắc, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển, tăng cường năng lực giao thông trên tuyến vành đai 1 và khu vực.
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại các nút giao trên tuyến vành đai 1 đều tổ chức giao thông khác mức. Do vậy, chủ trương xây dựng nút giao thông khác mức tại nút Ô Chợ Dừa là phù hợp với quy hoạch. Cũng theo ông Bảo, chọn hướng cầu vượt trực thông hướng vành đai 1 vì, trục Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Ngã Tư Sở có mặt cắt ngang hẹp, khối lượng GPMB lớn. Mặt khác, các dự án đường vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa đã hoàn thành năm 2008 và dự án đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu sẽ thông xe trong tháng 12-2013 với mặt cắt ngang 50m thuận lợi khi triển khai xây dựng nút giao thông Ô Chợ Dừa, giảm tối thiểu GPMB. Do đó, xây dựng cầu vượt theo hướng đường vành đai 1 là cần thiết, nhằm liên thông đồng bộ trên toàn tuyến, tăng cường năng lực giao thông kết nối 2 tuyến.
Trước lo ngại việc xây cầu vượt sẽ ảnh hưởng đến Đàn Xã Tắc, ông Bảo cho biết: "Khi triển khai nghiên cứu dự án, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo phải bảo vệ di tích Đàn Xã Tắc. Bên cạnh đó, khi làm đường vành đai 1, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa, di tích này đã được bảo vệ phía trên mặt bằng một lớp kết cấu nên không chịu tác động khi xây dựng cầu vượt".
Không vi phạm Luật Di sản
Ngay sau khi phương án xây dựng cầu vượt qua nút giao này được công bố, một số nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng cầu tại đây là vi phạm Luật Di sản. Tuy nhiên, đại diện Ban quản lý dự án trọng điểm khẳng định, từ khi lập quy hoạch, thiết kế, chủ đầu tư đã báo cáo xin ý kiến của Bộ VH-TT&DL. Theo đó, tại Văn bản 2511/BVHTTDL-DSVH ngày 25-7-2012 do Thứ trưởng Lê Khánh Hải ký, Bộ VH-TT&DL đã thống nhất với phương án tổ chức cầu vượt nút giao Ô Chợ Dừa. "Cần tính toán kỹ lưỡng giải pháp thi công phần móng các trụ cầu để tránh ảnh hưởng đến khu vực di tích Đàn Xã Tắc. Trong trường hợp phát hiện dấu tích kiến trúc hoặc dị vật, cổ vật thì nhanh chóng báo cho cơ quan có thẩm quyền về văn hóa để kịp thời xử lý, nhằm thu thập, bổ sung tư liệu khoa học cho di tích Đàn Xã Tắc", Thứ trưởng Lê Khánh Hải nhấn mạnh.
Cũng theo ý kiến của Bộ VH-TT&DL, khu vực thực hiện dự án là nút giao thông thường xuyên xảy ra hiện tượng ùn tắc. Do vậy, vì yêu cầu phát triển chung của Hà Nội, Bộ VH-TT&DL yêu cầu khi xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, cần tránh vùng lõi hay vùng gốc của di tích. Điều này có nghĩa, lan can của cầu chỉ được phép chạm đến chỉ giới của khu vực I. Về vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Bảo cho biết, hai trụ cầu đã được Bộ VH-TT&DL khảo sát, đánh dấu khoanh vùng, tránh ảnh hưởng đến di tích.
TP Hà Nội đang lắng nghe ý kiến từ nhiều phía. Mọi ý kiến đóng góp đều được TP ghi nhận một cách trân trọng và xem xét cụ thể trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Quan điểm chung là phải bảo tồn giá trị lịch sử, đảm bảo hài hòa với phát triển. Đó là điều không phải bàn cãi. Thế nên, hiếm có dự án nào triển khai thận trọng và được tính toán kỹ lưỡng như dự án này, với 10 phương án được đưa ra để xem xét, cân nhắc.
Hiệu quả của những cây cầu vượt nhẹ tại Hà Nội đã được chứng minh trong thực tế. Những lợi ích kinh tế - xã hội mà cây cầu vượt tại ngã 5 Ô Chợ Dừa mang lại chắc chắn sẽ khiến những người dân, vốn ngày ngày phải xếp hàng dài chờ tới lượt qua nút giao thông này hài lòng. Lựa chọn đúng nên là lựa chọn có lợi cho người dân!
Giải pháp có lợi cho dân
"Tôi ủng hộ xây dựng cầu vượt tại nút giao Ô Chợ Dừa. Xây cầu vượt tại đây cũng không ảnh hưởng nhiều đến di tích. Trong bối cảnh hiện nay, đô thị Hà Nội đang quá tải, nếu không có những giải pháp như xây cầu vượt thì khó lòng giải quyết được ùn tắc. Cầu vượt ngã 5 Ô Chợ Dừa dứt khoát phải làm. Khi hoàn thành, công trình sẽ giúp thông thoáng nút giao vốn luôn ùn tắc này. Người dân rất mong muốn cầu vượt nhanh chóng được triển khai và đưa vào sử dụng để giải quyết tình trạng ách tắc đang xảy ra hàng ngày tại đây. Nói như vậy, không có nghĩa chúng ta không coi trọng bảo tồn di tích, mà nếu có điều kiện bảo tồn được thì càng quý. Chúng ta luôn tôn trọng ý kiến của các nhà khoa học, lịch sử, nhưng với tình hình giao thông Thủ đô như hiện tại, giải pháp nào tốt, có lợi cho người dân thì nên ưu tiên lựa chọn".
Ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội)
Hài hòa hiện tại và quá khứ
"Chúng ta luôn tôn trọng lịch sử, tôn trọng quá khứ. Song cũng cần nhìn nhận, nút giao này phải có cầu vượt mới giải quyết được tình trạng ùn tắc. Vì vậy, việc làm cầu vượt tại đây là đúng đắn. Tất nhiên, phải cố gắng hết mức việc động chạm đến Đàn Xã Tắc. Phải hài hòa giữa hiện tại và quá khứ thì mới giải quyết được bức xúc hiện nay.
Hệ thống hạ tầng của Thủ đô còn yếu kém nên mới thường xuyên ùn tắc và những cây cầu vượt nhẹ là giải pháp hữu hiệu mà TP đã làm. Trước đây, khi TP xây dựng một số cầu vượt nhẹ đầu tiên cũng gặp phải sự phản đối của một số kiến trúc sư, cho rằng phá vỡ cảnh quan đô thị. Nhưng, sau khi cầu vượt làm xong, ùn tắc đã giảm rõ rệt. Hiệu quả đã được chứng minh trong thực tiễn, ai cũng nhìn thấy rõ ràng. Hà Nội, với tốc độ phát triển nhanh, nơi tập trung đông dân cư thì không thể giữ mãi cảnh quan tự nhiên, đó là tất yếu. Nếu giải pháp nào đưa ra cũng bị phán là phá vỡ cảnh quan đô thị hay ảnh hưởng này kia, thì Thủ đô khó lòng phát triển được".
Ông Nguyễn Xuân Thủy (Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT)
Theo ANTD
Thông xe cầu vượt nút Deawoo - Kim Mã trước 10-10 Theo Ban Quản lý dự án giao thông 3 (Sở GTVT Hà Nội), cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã đang trong quá trình hoàn tất những hạng mục cuối cùng để chuẩn bị thông xe trước ngày 10-10. Công trình cầu vượt có tổng mức đầu tư 360 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 6-2-2013, sau 8...