G20 lan tỏa thông điệp hợp tác hậu COVID-19
Vượt qua những thách thức không gian và thời gian mà COVID-19 gây ra, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã chính thức khép lại, với thông điệp mạnh mẽ về việc chung tay phòng ngừa và ứng phó với đại dịch COVID-19.
Vượt qua những thách thức không gian và thời gian mà COVID-19 gây ra, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã chính thức khép lại, với thông điệp mạnh mẽ về việc chung tay phòng ngừa và ứng phó với đại dịch COVID-19, trong đó nhấn mạnh đến nỗ lực hợp tác toàn cầu, hỗ trợ tập trung vào những nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất và những quốc gia khó khăn nhất để cùng nhau vượt qua đại dịch và phát triển vững mạnh hơn.
Cam kết quan trọng nhằm giải bài toán vaccine
Tại lễ bế mạc hội nghị diễn ra ngày 22/11 (giờ địa phương), Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud đã khẳng định, thành công lớn nhất của kỳ hội nghị năm nay chính là việc “gửi đi thông điệp về hy vọng và sự bảo đảm dành cho người dân khối G20 cũng như người dân toàn thế giới , được minh chứng bằng Tuyên bố chung hội nghị mà tất cả các nước thành viên đã thông qua”.
Tuyên bố chung hội nghị thượng đỉnh G20 2020 nêu rõ, các lãnh đạo bày tỏ tin tưởng rằng phối hợp hành động toàn cầu, đoàn kết và hợp tác đa phương đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết để vượt qua những thách thức hiện tại, bằng cách trao quyền cho người dân, bảo vệ hành tinh và định hình những lĩnh vực mới.
Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20, được tổ chức trực tuyến. Ảnh: France24
Các nhà lãnh đạo G20 cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để bảo vệ cuộc sống và hỗ trợ người dân, trong đó tập trung vào những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. “Chúng tôi duy trì quyết tâm hỗ trợ tất cả các nước đang phát triển và kém phát triển nhất, vốn đang đối mặt với những hệ lụy sức khỏe , kinh tế và xã hội của COVID-19″, tuyên bố nêu rõ.
Một trong những thành công lớn của thượng đỉnh G20 năm nay, đó là việc các nước thành viên nhất trí huy động các nguồn lực để cung cấp tài chính cho nền y tế toàn cầu nhằm hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối an toàn vaccine và chẩn đoán, điều trị COVID-19 hiệu quả.
G20 cam kết sẽ “dốc mọi nỗ lực” để đảm bảo quyền tiếp cận vaccine công bằng và hợp lý cho tất cả mọi người, ủng hộ chương trình hợp tác toàn cầu “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19″ (ACT-A) và Quỹ vaccine toàn cầu.
G20 đồng thời kêu gọi các ngân hàng phát triển đa phương tăng cường hỗ trợ tài chính để các quốc gia có thể tiếp cận với các công cụ đối phó với COVID-19. “Chúng tôi công nhận vai trò của tiêm chủng mở rộng như một lợi ích công cộng toàn cầu”, tuyên bố nhấn mạnh.
Hoạch định lộ trình phục hồi bền vững
Tại hội nghị, các nước G20 công nhận sự suy thoái mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu do tác động của COVID-19, nhấn mạnh những nỗ lực mở cửa trở lại với các chính sách phục hồi kinh tế của các quốc gia. Tuy nhiên, sự phục hồi ở các quốc gia là không đồng đều, thiếu sự chắc chắn và có nhiều rủi ro, bao gồm cả những rủi ro phát sinh từ các đợt bùng phát dịch mới ở một số nền kinh tế. Vì thế, G20 nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải kiểm soát sự lây lan của COVID-19, coi đây là “chìa khóa” để hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu.
“Chúng tôi quyết tâm tiếp tục sử dụng tất cả công cụ chính sách sẵn có, miễn là cần thiết, để bảo vệ cuộc sống, việc làm và thu nhập của mọi người, hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu và tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống tài chính”, Tuyên bố chung hội nghị thượng đỉnh G20 nêu rõ.
Các nhà lãnh đạo G20 cũng khẳng định sẽ thực hiện các động thái ổn định tài khóa, tiền tệ và tài chính chưa từng có để vực dậy nền kinh tế toàn cầu, đồng thời đảm bảo rằng các tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức quốc tế có liên quan tiếp tục hỗ trợ quan trọng cho các nước mới nổi, đang phát triển và có thu nhập thấp.
Theo đó, G20 tán thành kế hoạch kéo dài chương trình đóng băng những khoản nợ cho các nước nghèo cho đến tháng 6 năm sau. Cho đến tháng 6 năm 2021, nhóm G20 dự kiến sẽ mở rộng sáng kiến giảm gánh nặng nợ cho các nước nghèo. Trong một nỗ lực vực dậy nền kinh tế, G20 cam kết thực hiện mục tiêu về một môi trường thương mại và đầu tư tự do, công bằng, bao trùm, không phân biệt đối xử, minh bạch, ổn định, đồng thời giữ cho thị trường G20 luôn cởi mở.
The Washington Post nhận định, hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong một điều kiện khó khăn, khi dịch COVID-19 đang tấn công trầm trọng các quốc gia thành viên, buộc hội nghị phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump , một trong những thành viên quan trọng của G20, lại tỏ ra thờ ơ với kỳ hội nghị lần này.
Đặc biệt, ngày 22/11, vào đúng thời điểm các nhà lãnh đạo G20 ra tuyên bố chung, Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, nước này không còn là một bên tham gia ký kết Hiệp ước Bầu trời Mở. Mặc dù vắng bóng Mỹ, nhưng theo Washington Post, kết quả của hai ngày làm việc vẫn gặt hái nhiều thành công, nhất là trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển và các nước đói nghèo cả về tài chính lẫn phương án đối phó COVID-19.
Kỳ thượng đỉnh G20 năm 2020 khép lại cũng vào thời điểm làn sóng COVID-19 lần hai đang càn quét thế giới . Và đây là lúc G20 cụ thể hóa những tuyên bố chung thành hành động.
Đại dịch Covid-19 'xóa sổ' thành tích kinh tế của ông Trump
Có thể nói Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điều hành 2 nền kinh tế đối ngược nhau trong nhiệm kỳ 4 năm qua.
Thứ nhất là trước dịch Covid-19, Mỹ hưởng tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 50 năm, mức tăng lương hàng năm nhanh chóng gần 5% trong nhóm lao động có thu nhập thấp nhất, và một thị trường chứng khoán rất sôi động. Cuộc sống của hàng triệu người Mỹ được cải thiện.
Thứ hai là một nền kinh tế bết bát từ khi Covid-19 gieo rắc mầm bệnh không chỉ ở Mỹ mà khắp thế giới. Virus corona đã khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vọt lên mức tồi tệ chưa từng có, và khi phục hồi thì chỉ được một phần, đẩy Mỹ vào một triển vọng rất khó dự báo.
Tổng thống Donald Trump kêu gọi người Mỹ nên bầu chọn ông một lần nữa bởi những thành tích mà ông đạt được về kinh tế. (Ảnh: PA)
Hai nền kinh tế kể trên sẽ là các yếu tố tác động đến lá phiếu của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống 2020. Thực tế buồn với ông Donald Trump là những gì ông đã làm trong khoảng 3 năm sau khi nhậm chức đã bị những gì diễn ra từ khoảng tháng 3 trở lại đây xóa sạch.
Do vậy, thành tích kinh tế của Tổng thống Trump không khớp hoàn toàn với câu chuyện mà những người hâm mộ ông đưa ra hoặc những gì mà phe phản đối ông lên án. Các chính sách thuế của ông bị nhiều người cho là chỉ mang lại ích lợi cho người nhiều tiền, nhưng thực sự chúng cũng giúp tình trạng thiếu thốn và khoảng cách giàu nghèo giảm bớt. Các nhóm thiểu số hưởng lợi lớn trong 3 năm đầu ông cầm quyền, nhưng cũng chính họ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong 7 tháng qua giữa đại dịch.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ tăng lên nhưng không đạt tới con số mà ông cam kết. Khi vận động tranh cử năm 2016, ông Trump dự đoán tăng trưởng kinh tế ở mức 4%, thậm chí cao hơn; nhưng khi ông lên nắm quyền, mục tiêu này bị cắt giảm còn 3%. Từ đầu 2017 đến cuối 2019, người Mỹ hưởng mức tăng trưởng trung bình 2,5%, cao hơn chút ít so với con số 2,4% của ba năm trước đó.
Đại dịch xuất hiện đã làm đảo lộn nền kinh tế. Nó giống như một lời nhắc nhở, rằng sự vận hành của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào các sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của tổng thống, bất chấp hệ tư tưởng. Do đó, một phép thử quan trọng đối với các tổng thống chính là cách thức họ xử lý những gián đoạn bất ngờ.
Báo The Economist dẫn lời Tổng thống Trump giải thích, tất cả những thành tích ông đạt được trước khi Covid-19 xuất hiện là nhờ chiến lược 3 mũi nhọn mà ông theo đuổi, gồm cắt giảm thuế, bãi bỏ các quy định và chính sách thương mại đối đầu. Chủ nhân Nhà Trắng cho biết thêm, nhiều điều tương tự như vậy sẽ giúp Mỹ hồi sinh nền kinh tế hậu đại dịch.
Nhiều cử tri Mỹ đồng tình. Và, kinh tế vẫn là một vấn đề mà ông Trump không bị tụt giảm sự ủng hộ trong các cuộc khảo sát ý kiến.
Theo một cuộc thăm dò của Wall Street Journal/NBC News sau cuộc tranh luận trực tiếp giữa Donald Trump và Joe Biden ngày 29/9, Tổng thống Mỹ đương nhiệm nhận được điểm cao hơn về cách điều hành nền kinh tế so với đối thủ. Khảo sát của Gallup trong tháng 9 cho kết quả, 56% người Mỹ nói rằng họ sống khá giả hơn 4 năm trước. Con số này cao hơn so với các Tổng thống Ronald Reagan hay Barack Obama khi được thăm dò vào những năm họ tái đắc cử.
Tuy nhiên, trong cùng một cuộc bình chọn, ông Trump nhận điểm thấp hơn ông Biden về cách thức đối phó với Covid-19.
Nhà Trắng đang dự kiến một sự phục hồi hình chữ V, mặc dù nhiều dấu hiệu về sự phục hồi hình chữ K đang xuất hiện. Nhưng ở hình thức nào thì Mỹ vẫn sẽ phải đương đầu với bất ổn và nợ chính phủ cao bất thường.
Kịch bản nào nếu Trump mất khả năng điều hành vì bệnh trở nặng? Dư luận Mỹ và quốc tế đang rất quan tâm trước thông tin tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân của ông dương tính với coronavirus chủng mới (nCoV) gây ra dịch Covid-19. Nhà Trắng cho biết sức khoẻ 2 người vẫn tốt, chưa có biểu hiện triệu chứng bệnh trầm trọng. Nhưng câu hỏi đặt ra là nếu bệnh trở nặng...