- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Facebook và Google cùng nhau đứng ra làm chứng trước tòa
On 13/12/2012 @ 8:48 PM In Thế giới số
Vụ kiện bản quyền phương thức đóng cửa giao dịch giữa 2 công ty tài chính đã kéo Facebook, Google và các ông lớn khác trong giới công nghệ tham gia góp mặt với vai trò "nhân chứng tòa".
Tuy nhiên, đằng sau nó là những bài học rút ra dành cho các công ty công nghệ, hiện đã và đang nắm trong tay những bằng sáng chế những phát minh độc quyền, và không biết trong nay mai, nó sẽ trở thành vũ khí giúp họ hay chống lại họ.
Chiều thứ 6 tuần trước (7/12/2012), Facebook, Google, Zynga và một số gã khổng lồ công nghệ khác đã trình đơn kiến nghị lên Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ với ý định đóng góp ý kiến của mình trong một vụ khiếu nại giữa hai công ty thuộc lĩnh vực tài chính. Dưới cương vị là một amicus (tạm dịch: nhân chứng tòa), đây được xem như nỗ lực của các hãng công nghệ trong việc góp một phần tiếng nói của mình trong những vụ kiện liên quan tới bản quyền, hiện đang diễn ra trên diện rộng trong thời gian gần đây.
Google và Facebook cùng nhau trình đơn kiến nghị lên Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ
Tuy nhiên, trước khi đến với chi tiết tờ trình, người viết xin được giải thích về thuật ngữ amicus để giúp người đọc dễ hình dung hơn về một bộ phận trong tòa án tư pháp Hoa Kỳ.
Amicus curiae - một từ mượn trong tiếng Anh có nguồn gốc Latin nghĩa là "bạn của tòa" (friend of the court). Đây là từ dùng để chỉ người hoặc nhóm người không trực tiếp liên quan đến những vụ án hay khiếu kiện nhưng được tòa cho phép góp ý về những vấn đề pháp lý liên quan tới các vụ án. Nhờ vào cơ chế trên, Facebook, Google và các công ty khác có thể tham gia vào vụ khiếu kiện kể trên và đưa ra quan điểm của mình trên tinh thần trung thực, khách quan và công bằng.
Amicus curiae - một bộ phận của hệ thống tòa án Hoa Kỳ
Trở lại với câu chuyện chính của chúng ta về nội dung vụ kiện. Sàn giao dịch thương mại điện tử tập đoàn Alice Corp. đã đăng kí bản quyền phương thức đóng cửa hệ thống giao dịch thông qua các máy chủ một vài năm trước nhưng mãi tới tháng 7 năm 2012 bản quyền phương thức trên mới được chính thức công nhận là hợp pháp.
Tuy nhiên, sẽ không có gì đáng nói nếu CLS - nguyên đơn của vụ kiện và cũng là đối tác tài chính của Facebook và Google cho rằng từ ngữ Alice Corp. sử dụng trong việc mô tả phương thức giao dịch khi xin cấp bản quyền là không hợp lí bởi họ đề cập tới "hệ thống xử lý dữ liệu cho phép các bên trao đổi dữ liệu cho nhau." Về cơ bản, đây chỉ là hình thức miêu tả chức năng của một chiếc máy tính bình thường.
Cách Alice Corp. miêu tả về "hệ thống xử lý dữ liệu" đơn thuần chỉ là chức năng của một chiếc máy tính
Đối với một công ty chuyên về công nghệ như CLS, họ rất nhạy cảm với những từ ngữ mang ý nghĩa bao hàm, không cụ thể như với trường hợp của Alice Corp. Khi đăng kí bản quyền phương thức trên, tập đoàn Alice đã sử dụng những thuật ngữ chung chung, phiến diện và dễ gây hiểu lầm cho người sử dụng. Cụ thể, theo lời của một nhân chứng tại tòa cho biết:
"Vấn đề sử dụng ngôn từ phù hợp là việc cực kì quan trọng trong lĩnh vực công nghệ cao. Nhiều vụ khiếu nại về bản quyền có liên quan tới những mô tả khái niệm trừu tượng, chung chung và nhiều khi không liên quan tới thiết bị hay sản phẩm đang được nhắc tới đã diễn ra trên khắp thế giới."
Bên cạnh đó, bảo vệ bản quyền trong những khiếu nại như vậy sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực hay thậm chí không thể thúc đẩy tiến bộ trong giới công nghệ, do việc trao quyền độc quyền cho "những kẻ ăn theo"; và cũng bằng cách này, sẽ có những người "chậm chân" bị xử phạt (do đăng kí bản quyền chậm) thông qua hình thức đánh thuế hay bị nghi là đánh cắp ý tưởng khi ứng dụng chúng.
Tuy nhiên, thay vì đấu tranh tại các tòa án phúc thẩm, hầu hết các công ty công nghệ ngày nay chọn phương án tự bảo vệ mình bằng cách mua lại bằng sáng chế từ các công ty không còn hoạt động kinh doanh. Nhưng nếu các tập đoàn công nghệ này đăng ký bản quyền sáng chế sớm hơn, có lẽ mọi chuyện đã không trở nên phức tạp và tốn kém đến thế.
Việc trình đơn kiến nghị đang là một thực tế khá phổ biến trong giới công nghệ. Điển hình như Google có thâm niên trong hoạt động này nhiều năm và điều này tạo cảm hứng cho những "người trẻ" như Facebook đi theo xu thế trên. Và trong vụ khiếu nại bản quyền lần này, những cái tên mới như Electronic Frontier Foundation, LinkedIn, eHarmony, U.S. Airways và Travelocity Inc. góp mặt với vai trò của một nhân chứng và cũng trình lên tòa đơn kiến nghị của mình. Do đó, có thể nói rằng, hành động của Alice Corp. không nhận được sự đồng thuận của giới công nghệ nói chung và các công ty có liên quan nói riêng.
Theo Genk
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/facebook-va-google-cung-nhau-dung-ra-lam-chung-truoc-toa-20121213i615483/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.