EU phác thảo lộ trình cho Gaza sau xung đột
Lộ trình do EU dự thảo sẽ bao gồm 3 “Có” và 3 “Không” cho Gaza thời hậu xung đột.
Cảnh đổ nát sau cuộc oanh kích của Israel xuống một trại tị nạn ở miền Trung Dải Gaza, ngày 13/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Với việc lực lượng Israel hiện đã tiến sâu vào Gaza, khoảng hai tuần sau khi bắt đầu chiến dịch trên bộ nhằm tiêu diệt phong trào Hồi giáo Hamas, các ngoại trưởng EU ngày 13/11 bắt đầu xem xét tương lai có thể như thế nào sau khi giao tranh kết thúc.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm trên, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại EU Josep Borrell cho biết: “Chúng ta cần tập trung vào một giải pháp trung và dài hạn, một kịch bản hậu xung đột có thể đảm bảo sự ổn định trên cơ sở liên tục, giúp xây dựng hòa bình giữa người Palestine và người Israel cũng như trên toàn khu vực”.
Cơ quan y tế do Hamas điều hành ở Gaza cho biết 11.240 người Palestine đã thiệt mạng trong Dải Gaza do các hành động quân sự của Israel kể từ vụ tấn công của Hamas ngày 7/10, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, theo số liệu của Chính phủ Israel.
Nhà ngoại giao hàng đầu của EU cho biết ông đã phác thảo một “khuôn khổ”, trong đó các yếu tố ban đầu đã được thảo luận lần đầu tiên giữa các bộ trưởng EU, nói rằng điều này là cần thiết để phát triển một giải pháp cho Dải Gaza hậu xung đột.
Ông Borrell nêu rõ: “Chúng tôi cần phải tiến hành việc này ngay lập tức, với sự cộng tác của Mỹ và các quốc gia Arab”. Mỹ đã nói rằng người Palestine nên quản lý Gaza sau chiến tranh nhưng việc đó sẽ diễn ra như thế nào trên thực tế vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo Borrell, lộ trình do EU thảo luận sẽ bao gồm “3 Có và 3 Không” cho Gaza sau xung đột.
Theo lộ trình dự thảo, 3 “Không” bao gồm: không buộc người Palestine phải di dời khỏi Gaza, không thu hẹp lãnh thổ Gaza và vấn đề Gaza không bị tách rời khỏi giải pháp tổng thể cho vấn đề Palestine.
3 “Có” sẽ bao gồm: Thứ nhất, việc tìm kiếm các chủ thể có thể giúp xây dựng các thể chế, trong đó cần các chủ thể mà tính hợp pháp của họ sẽ được Hội đồng Bảo an [LHQ] xác định. Thứ hai, sự tham gia mạnh mẽ hơn của các nước Arab vào việc tìm kiếm giải pháp. Thứ ba, sự tham gia nhiều hơn của EU trong khu vực và vào giải pháp hai nhà nước.
Video đang HOT
“Chúng tôi đã vắng mặt quá nhiều, chúng tôi đã ủy thác giải pháp này cho Mỹ, nhưng bây giờ EU phải vào cuộc nhiều hơn vì nếu không tìm ra giải pháp, chúng ta sẽ trải qua một vòng xoáy bạo lực vĩnh viễn từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ thương vong này đến thương vong khác”, ông Borrell nói.
Phát biểu với các phóng viên ở Brussels, ông Borrell cũng ám chỉ đến những cân nhắc của các quốc gia thành viên EU về việc ai sẽ cai trị Gaza sau xung đột, cho thấy Chính quyền Palestine có thể là một phần của giải pháp chính trị rộng lớn hơn với một nhà nước Palestine độc lập.
Ông Borrell lưu ý: “Chúng tôi nghĩ rằng phải nói tiếng ‘có’ đối với Chính quyền Palestine, để một chính quyền Palestine có tính hợp pháp được Hội đồng Bảo an [LHQ] thừa nhận. Có thể hiểu được rằng Chính quyền Palestine sẽ không muốn tiến vào Gaza, trước mũi xe tăng của Israel”.
Ông Borrell cũng thông báo sẽ đến thăm Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine, cũng như một số quốc gia Arab, như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm thảo luận về viện trợ nhân đạo cho Gaza và các vấn đề chính trị với các nhà lãnh đạo khu vực.
Thương vong bất đối xứng trong các cuộc xung đột Israel Palestine
Cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine đang leo thang nguy hiểm, trở thành cuộc chiến có nhiều người chết nhất giữa hai bên.
Tuy nhiên, dữ liệu lịch sử cho thấy người Palestine luôn phải trả giá đắt hơn về sinh mạng.
Một tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 9/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh CNBC, hơn một tháng diễn ra cuộc chiến giữa Israel và Hamas, con số thương vong và mức độ tàn phá do cuộc xung đột gây ra là chưa từng có trên nhiều mặt.
Theo Cơ quan Y tế Gaza do Hamas kiểm soát, sau khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10, Israel đã tấn công trả đũa, khiến trên 11.000 người Palestine thiệt mạng.
Theo dữ liệu do Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) tổng hợp, con số này đã vượt qua tổng số người Palestine thiệt mạng trong 15 năm qua do xung đột với Israel.
Israel cũng chịu tổn thất to lớn, trong đó ngày 7/10 là ngày người Do Thái chịu nhiều thương vong nhất kể từ nạn diệt chủng Holocaust.
Theo dữ liệu từ OCHA, khoảng 1.200 người, chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng chỉ trong ngày 7/10. Con số này gần gấp 4 lần tổng số người Israel thiệt mạng vì những cuộc xung đột như vậy kể từ năm 2008. Israel ước tính khoảng 240 con tin bị bắt giữ ngày hôm đó.
Đã có 5 cuộc xung đột quân sự lớn giữa Israel và Hamas kể từ khi Israel đơn phương rút khỏi Dải Gaza vào năm 2005. Trong tất cả các cuộc xung đột lớn năm 2008, 2012, 2014, 2021 và hiện nay 2023, số người chết ở các lãnh thổ của Palestine (Gaza và Bờ Tây) cao hơn phía Israel rất nhiều.
Ông H.A. Hellyer, chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc tế tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, cho biết: "Nói chung, từ năm này qua năm khác, số thường dân Palestine bị lực lượng Israel giết hại vượt số thường dân Israel bị người Palestine giết hại, gấp nhiều lần".
Dữ liệu do CNBC tổng hợp cho thấy trên 18.600 người Palestine ở Gaza và Bờ Tây đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột với Israel kể từ năm 2008. Con số này cao hơn nhiều so với ít nhất 1.500 người thiệt mạng ở Israel trong cùng thời kỳ.
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, kể từ năm 2008, ít nhất 183.500 người Palestine đã bị thương do xung đột, trong khi khoảng 11.700 người ở Israel bị thương.
Trong các cuộc chiến, không thể có được con số thương vong chính xác. Hiện tại, trên 2.000 người thuộc diện mất tích ở Gaza, trong khi Israel vẫn đang nỗ lực xác định danh tính nạn nhân vài tuần sau vụ ngày 7/10, cũng như cố gắng giải cứu các con tin.
Để có được cái nhìn chính xác hơn, CNBC đã sử dụng dữ liệu từ Liên hợp quốc, đối chiếu với các con số từ Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và Cơ quan Y tế ở Gaza do Hamas kiểm soát. Con số có thể bao gồm cả những cái chết mà có thể không nhất thiết do phía bên kia gây ra.
Xung đột bất đối xứng
Chuyển nạn nhân sau cuộc oanh tạc của Israel xuống khu dân cư thành phố Khan Younis, Dải Gaza ngày 7/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Giải thích lý do tại sao số lượng thương vong chênh lệch nhiều giữa hai bên, ông Hellyer nói: "Israel có một số vũ khí tiên tiến nhất trên thế giới, thường nhằm vào các khu vực chủ yếu là dân sự ở lãnh thổ Palestine".
Hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel được coi là một trong những công cụ hiệu quả nhất trong kho vũ khí của nước này. Bộ Quốc phòng Israel cho biết họ đã đánh chặn thành công 97% tổng số rocket mà người Palestine phóng trong một đợt giao tranh bùng phát cuối tuần năm 2022. Hệ thống này ghi nhận tỷ lệ thành công 95,6% khi đối phó với cuộc tấn công rocket của nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine vào tháng 5.
Theo ông Hellyer, vũ khí của tất cả các nhóm tay súng người Palestine gộp lại đều không thể so sánh được với loại kho vũ khí của Israel. Ông nhận định: "Đây là một cuộc xung đột bất đối xứng, trong đó Israel có vũ khí hủy diệt mạnh hơn nhiều".
Ngoài ra, ông Paul Scham, Giáo sư nghiên cứu về Israel tại Đại học Maryland, giải thích rằng rocket của Hamas chủ yếu bắn trúng các khu vực không có người ở, trong khi tên lửa của Israel rơi ở các khu vực đông dân cư.
Với 2,3 triệu người sống trên diện tích 365km2, Dải Gaza là một trong những vùng lãnh thổ đông dân nhất thế giới. Có khoảng 3 triệu người Palestine sống ở Bờ Tây. Trong khi đó, Israel có dân số khoảng 9 triệu người.
Quân đội Israel cho biết họ đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa khả thi để giảm thiểu thương vong cho dân thường. Tuy nhiên, một người phát ngôn quân đội Israel nói: "Hamas đã hoạt động trong cơ sở hạ tầng dân sự và hoạt động trên toàn bộ Dải Gaza. Chúng tôi sẽ tấn công Hamas bất cứ khi nào cần thiết".
Ông Daniel Byman, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, giải thích rằng số người chết cao ở Palestine một phần là do Hamas đặt các tài sản quân sự và dân sự cùng nhau, khiến cho việc trả thù Hamas khó có thể tách rời.
Israel tố cáo Hamas dùng người Palestine làm lá chắn sống và đã xây dựng một mạng lưới đường hầm rộng lớn dưới lòng đất, ngay bên dưới các công trình đông dân cư. Theo Israel, bệnh viện lớn nhất Gaza là Al-Shifa, nơi hàng chục ngàn người Palestine di tản đang trú ẩn, là một ví dụ về một địa điểm như vậy. Hamas luôn bác bỏ các cáo buộc này của Israel.
Tuy vậy, ông Scham nói: "Tôi không nghi ngờ gì tuyên bố của Israel rằng các mục tiêu quân sự của Hamas gần và thường nằm dưới các cơ sở dân sự. Gaza là một nơi cực kỳ nhỏ và không có không gian rộng rãi để bố trí các cơ sở quân sự".
Theo ông Byman, mặc dù Israel tuyên bố sẽ xóa sổ Hamas, nhưng việc tiêu diệt tổ chức này là cực kỳ khó khăn và sẽ gây tốn kém cho Israel.
Ông Hellyer nhận định Hamas là một tổ chức gồm hàng chục nghìn người, có các thủ lĩnh ở trong và ngoài Gaza. Do đó, Israel không có khả năng xóa sổ tổ chức này. Mặc dù vậy, khi Israel nỗ lực tiêu diệt Hamas, người dân Gaza sẽ phải trả cái giá đắt về sinh mạng.
Cao ủy Nhân quyền LHQ kêu gọi bảo vệ người Palestine tại Bờ Tây Ngày 10/11, Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về nhân quyền Volker Turk nhấn mạnh Israel phải lập tức thực hiện các biện pháp để bảo vệ người Palestine ở Bờ Tây, trong bối cảnh họ đang trở thành mục tiêu của các vụ bạo lực kể từ khi xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas bùng phát tháng 10...