EU dọa gia tăng trừng phạt để ngăn chặn Nga
Các biện pháp trừng phạt mới của EU nhằm hạn chế hàng hóa cần thiết cho tham vọng chiến lược của Nga.
Theo hãng thông tấn TASS ngày 30/1, Liên minh châu Âu (EU) đang tiến hành các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga để hạn chế các sản phẩm mà nước này có thể cần để đạt được tham vọng chiến lược của mình.
Đại diện cấp cao EU về Ngoại giao và An ninh Josep Borrell đến thăm một trạm kiểm soát ở khu định cư Stanytsia Luhanska, Vùng Luhansk, Ukraine. Ảnh: Reuters
Nguồn tin trên dẫn lời Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell cho biết: “Là một phần trong kế hoạch ngăn chặn Nga, chúng tôi đã tiến hành chuẩn bị phản ứng có tác động mạnh có thể gây ra tổn nghiêm trọng cho nền kinh tế và hệ thống tài chính Nga. Chúng tôi cũng đang xem xét các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, điều có ảnh hưởng lâu dài hơn, bằng cách hạn chế các sản phẩm của Nga mà nước này cần để thực hiện tham vọng chiến lược của mình”.
Ông Borrell cũng lưu ý rằng EU lấy làm tiếc về quyết định của Moskva trong việc mở rộng danh sách đen các đại diện EU bị cấm nhập cảnh vào Nga và cảnh báo về biện pháp đáp trả tương ứng của tổ chức này. “Tôi phản đối quyết định của các nhà chức trách Nga, được công bố cuối tuần trước, cấm một số đại diện của các quốc gia thành viên EU và các tổ chức nhập cảnh vào Nga. Quyết định này thiếu bất kỳ lý do pháp lý và minh bạch nào và EU sẽ phản ứng tương ứng. Nga tiếp tục thúc đẩy bầu không khí căng thẳng ở châu Âu thay vì góp phần làm giảm leo thang”, ông Borrell lưu ý.
Trong những tuần gần đây, Liên minh châu Âu đe dọa Nga bằng các biện pháp trừng phạt mới trong bối cảnh nước này bị cáo buộc leo thang căng thẳng với Ukraine. Brussels, theo nhà lãnh đạo EU, đang nghiên cứu các biện pháp hạn chế có thể nhằm vào Moskva.
Gần đây, các phương tiện truyền thông phương Tây và Ukraine cũng liên tục đưa ra tuyên bố về việc Nga có thể gây hấn với Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh những tuyên bố như vậy là “trống rỗng và vô căn cứ” và mục tiêu của họ là làm gia tăng căng thẳng. Ông Peskov khẳng định rằng Nga không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với bất kỳ ai, nhưng cảnh báo rằng các nỗ lực sử dụng vũ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Đông Nam Ukraine sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Nga đề xuất thoả thuận hạt nhân tạm thời với Iran
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, truyền thông địa phương đưa tin trong vài tuần qua Nga đã thảo luận với Iran về khả năng đạt một thoả thuận tạm thời nhằm nỗ lực khôi phục thoả thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden về vấn đề Iran, ông Rob Malley. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Thoả thuận tạm thời có thể bao gồm việc dỡ bỏ một số lệnh cấm vận để đổi lấy việc tái áp đặt một vài hạn chế với chương trình hạt nhân của Tehran. Cho tới nay, Iran vẫn bác bỏ thông tin đã thảo luận với Nga về vấn đề này.
Về phía Mỹ, một quan chức cấp cao nước này cho biết "mặc dù không thể khẳng định có hay không các cuộc thảo luận giữa Nga và Iran, nhưng tại thời điểm này chưa có thoả thuận tạm thời nào được đưa ra đàm phán một cách nghiêm túc. Washington dự kiến sẽ đưa ra lịch trình dựa trên các đánh giá kỹ thuật về tiến bộ trong vấn đề hạt nhân của Iran.
Trong một diễn biến liên quan, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Mỹ Robert Malley cho rằng sẽ khó ký được thỏa thuận với Iran nếu Tehran không trả tự do cho các công dân Mỹ đang bị giam giữ. Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 23/1, ông Malley cho biết đây là hai vấn đề riêng rẽ và Washington sẽ thúc đẩy cả hai, tuy nhiên Mỹ "khó có thể tưởng tượng rằng sẽ trở lại thỏa thuận hạt nhân" trong khi vẫn chưa giải quyết vấn đề công dân nước này bị Iran bắt làm con tin.
Các đại diện của Iran và Nhóm P4 1 (gồm Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức - các thành viên còn lại tham gia ký thỏa thuận JCPOA) đã bắt đầu vòng đàm phán thứ 8 tại Vienna vào ngày 27/12/2021, trong đó tập trung vào nội dung dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt Tehran sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Mỹ tham gia đàm phán gián tiếp. Vòng đàm phán này được nối lại vào ngày 3/1 sau dịp nghỉ Năm mới và có bổ sung một số yêu cầu của Iran vào tiến trình làm việc.
Theo JCPOA được ký năm 2015, Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia này. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump quyết định rút Washington khỏi thỏa thuận do cho rằng JCPOA còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Về phần mình, Tehran cũng thu hẹp dần các cam kết của mình trong thỏa thuận này sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu không thu được kết quả.
Vai trò 'bí mật' của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán hạt nhân Iran Ngoài lợi ích địa chính trị và kinh tế, Trung Quốc cho Washington thấy rằng họ hiện đóng vai trò quan trọng trong khu vực mà Mỹ đang mất dần ảnh hưởng. Theo trang tin France24.com ngày 19/1, trong bối cảnh diễn ra các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, Trung Quốc đang...