Dựng ống khói để bầu Giáo hoàng
Các công nhân ở Vatican leo lên nóc nhà nguyện Sistine để dựng ống khói, nơi sẽ tỏa ra khói màu đen hoặc trắng để thông báo kết quả bầu chọn Giáo hoàng mới.
Các lính cứu hỏa lắp đặt ông khói trên mái nhà nguyện Sistine hôm 9/3. Ảnh: AP
Theo CNN, chiếc ống khói lắp hôm 9/3 là dấu hiệu đầu tiên có thể nhìn thấy được về công tác chuẩn bị bên trong nhà nguyện. Đây là nơi các hồng y sẽ tụ họp vào ngày 12/3 để bắt đầu mật nghị. Những hình ảnh do Vatican công bố cũng cho thấy việc lắp đặt hai lò sưởi tại nhà nguyện. Một chiếc dùng để đốt lá phiếu của các hồng y sau cuộc bầu cử và chiếc còn lại để tạo khói ra dấu hiệu.
Nếu chưa có người chiến thắng, một loại chất hóa học sẽ được thêm vào để tạo màu khói đen, giúp những người dân ở Quảng trường St. Peter phía dưới và người xem truyền hình trên toàn thế giới biết điều gì diễn ra bên trong.
Nếu khói bốc ra khi trời tối, một chiếc đèn pha sẽ rọi sáng trên ống khói để người xem vẫn thấy được, phát ngôn viên Vatican, Đức cha Federico Lombardi hôm 9/3 cho biết. Chiếc ống khói sẽ được kiểm tra kín trước mật nghị để đảm bảo nó có thể tạo khói và không gây nhầm lẫn.
Mật nghị gồm 115 hồng y sẽ được tổ chức để bầu ra vị Giáo hoàng thứ 266, sau khi Benedict XVI trở thành Giáo hoàng đầu tiên thoái vị kể từ thời Trung cổ, gây bất ngờ cho giáo dân toàn thế giới.
Các hồng y sẽ di chuyển tới khu nhà của Vatican vào ngày 12/3, sống cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, đồng thời thề không tiết lộ thông tin trước khi mật nghị bắt đầu. Những luật lệ nghiêm ngặt cũng được áp dụng với khu nhà ở của họ, là nhà St Martha, nơi các cửa sổ sẽ bị khóa và điện thoại chỉ được sử dụng nội bộ. Mật nghị có thể kéo dài vài ngày.
Video đang HOT
Video: Công nhân dựng ống khói, trang hoàng nhà nguyện
Bên trong nhà nguyện Sistine, suốt cuối tuần qua các công nhân bận rộn gắn tấm thảm lông màu nâu lên chỗ sàn giả, nơi họ đã làm bằng mặt các bậc cầu thang. Họ cũng khéo léo ẩn các thiết bị phá sóng mới được lắp đặt nhằm chống nghe trộm hoặc đề phòng trường hợp ai đó sử dụng điện thoại di động.
Việc đề phòng này đúng là có hiệu quả. Điện thoại di động không bắt sóng khi ở bên trong nhà nguyện. Những phóng viên được phép hành nghề bên trong Sistine Chapel đành sử dụng điện thoại để chụp ảnh bản thân đứng bên cạnh các tuyệt phẩm của Michelangelo mô tả đức chúa Jesus vạm vỡ, vây quanh ngài là dân chúng khỏa thân đang thăng lên thiên đàng hoặc rơi xuống địa ngục.
Phía bên góc trái của nhà nguyện là một chiếc lò bằng sắt có tuổi đời cả thế kỷ, nơi các lá phiếu bầu giáo hoàng sẽ được đốt và tỏa khói lên trời để thông báo cho thế giới biết Mật nghị hồng y đã chọn được giáo hoàng hay chưa. Sau nhiều năm và nhiều lần màu khói khiến dân tình nhầm lẫn, năm 2005 Vatican quyết định lắp thêm một lò nữa để hỗ trợ cho việc báo tin bằng màu khói.
Trong lúc các công nhân hối hả chuẩn bị cho Mật nghị giáo hoàng, bên trong tòa Apostolic Palace của Vatican, các chức sắc Công giáo thực hiện nghi thức để chấm dứt hoàn toàn sự trị vì của giáo hoàng danh dự Benedict XVI. Họ đập tan chiếc nhẫn và con dấu của ngài, những thứ được sử dụng trong các văn bản chính thức. Việc này nhằm khẳng định rằng dù Benedict XVI còn hiện diện ở Vatican, tân giáo hoàng mới là người đứng đầu giáo hội.
Ngày mai, hội nghị kín của các Hồng y bắt đầu nhằm bầu ra người đứng đầu giáo hội gồm 1,2 tỷ thành viên. Về lý thuyết, bất kỳ tín đồ đang sống nào của Công giáo đều có thể được bầu làm Giáo hoàng. Nhưng trên thực tế, hầu như Giáo hoàng mới sẽ được chọn là từ Hồng y đoàn, năm nay gồm 115 vị dưới 80 tuổi. Hồng y Phạm Minh Mẫn của Việt Nam cũng đến Vatican tham gia hội nghị mật này.
Sau khi một giáo hoàng mới được bầu và chấp nhận kết quả bầu cử, ông sẽ xuất hiện trên ban công nhìn ra Quảng trường St Peter trước đám đông hồ hởi, trong tiếng hô vang “Habemus Papam!” (tiếng La tin là: Chúng ta có Giáo hoàng!).
Hai chiếc lò đốt được lắp đặt tại nhà nguyện Sistine. Ảnh: AFP
Theo VNE
Cựu Giáo hoàng Benedict XVI làm gì trong ngày đầu "tự do"?
Cựu Giáo hoàng Benedict XVI đã dành những giờ đầu tiên sau khi từ nhiệm để xem tivi, đi dạo trong khu vườn của lâu đài mà giờ đây ông gọi là nhà và suy ngẫm về quyết định từ chức mang tính lịch sử.
Cựu Giáo hoàng Benedict đi lại trong lâu đài Gandolfo gần Rome, vài giờ sau khi ngài chính thức từ nhiệm.
Một phát ngôn viên cho biết, ngài Benedict - vẫn giữ lại tên cũ thay vì trở lại tên khai sinh là Joseph Ratzinger - vào tối qua đã xem lại chương trình truyền hình quay cảnh ông rời Vatican bằng trực thăng, bay qua Rome và hạ cánh xuống lâu đài Gandolfo.
Sau khi nói lời tạm biệt cuối cùng với đám đông hàng nghìn người ủng hộ tụ tập trên quảng trường phía trước lâu đài, cựu Giáo hoàng đã ăn tối và xem tivi.
"Ngài thực sự đã thưởng thức chương trình. Giáo hoàng cũng đánh giá cao việc đưa tin tốt của giới truyền thông", phát ngôn viên Vatican Federico Lombardi nói.
Cựu Giáo hoàng 85 tuổi sau đó đã đi dạo quanh một loạt các căn phòng tiếp khách của lâu đài mà từ đó ngài có thể nhìn ra hồ Albano, một hồ núi lửa bao quanh bởi cây cối và các biệt thự.
Thấm mệt vì nhiều hoạt động trong ngày, Giáo hoàng đã cầu nguyện, sau đó nghỉ ngơi và có một đêm ngon giấc, đức cha Lombardi nói thêm.
Ngài Benedict, người đã trở thành giáo hoàng đầu tiên từ nhiệm trong 600 năm lịch sử của Giáo hội Công giáo, đã có bữa sáng "bình dân" với cà phê và bánh mì trong ngày đầu tiên sau khi từ nhiệm.
Vào buổi chiều, ngài Benedict đã đi dạo trong khu vườn lớn nằm cạnh lâu đài.
Lâu đài Gandolfo, nơi nghỉ ngơi tạm thời của ngài Benedict sau khi từ nhiệm.
Cự Giáo hoàng dự kiến sẽ sống khoảng 2 tháng trong lâu đài từ thế kỷ 16, cung điện mùa hè của các giáo hoàng trong nhiều thế kỷ, trước khi chuyển tới một tu viện cũ bên trong Vatican.
Trong lúc đó, Vatican đang tất bật chuẩn bị cho tiến trình bầu chọn giáo hoàng mới.
Các hồng y từ khắp thế giới sẽ tề tựu tại Rome và sẽ gặp nhau lần đầu tiên vào thứ 2 tới trong một cuộc họp kín, trong đó họ sẽ thảo luận những thách thức mà Giáo hội Công giáo phải đối mặt và xem xét các ứng viên tiềm năng.
Dự kiến, giáo hoàng mới sẽ được bầu chọn vào tháng 3.
Theo Dantri
Giáo hoàng mới được bầu như thế nào? Sau khi đức Giáo hoàng Benedict XVI chính thức rời khỏi Tòa thánh Vatican, Giáo hội Công giáo sẽ phải gấp rút nhóm họp để tìm ra người thay thế ông trước lễ Phục sinh. Giáo hoàng Benedict XVI trong buổi lễ cầu nguyện cuối cùng trước khi thoái vị. Ảnh: AFP Thông thường, Hồng y đoàn sẽ không chọn ra Giáo hoàng...