Dùng axít giết người: Tử hình
Bản án tử hình với tội danh “Giết người” mà TAND TP HCM tuyên nhận được sự đồng thuận của nhiều người vì đã đánh giá đúng mức độ nguy hiểm và ý chí thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo.
Bị cáo Kha Cư tại TAND TP HCM ngày 25-12
TAND TP HCM ngày 25-12 xét xử và tuyên phạt tử hình đối với bị cáo Kha Cư (SN 1971, ngụ quận 6, TP HCM) về tội “Giết người”. Đây là vụ tạt axít gây chấn động dư luận vào đầu năm 2013 vì đã cướp đi sinh mạng của 2 người.
Video đang HOT
Hành vi tàn ác
Theo cáo trạng, Kha Cư làm “cái” chuyên ghi lô đề, có mối quan hệ làm ăn, quen biết với vợ chồng ông Trần Thanh Liêm và bà Nguyễn Thị Kim Hương.
Trong năm 2012, vợ chồng ông Liêm nhiều lần ghi đề và nợ Cư 700 triệu đồng. Do không thể trả một lúc, vợ chồng ông Liêm thỏa thuận trả góp cho Cư mỗi ngày 500.000 đồng và đã trả được 200 triệu đồng. Vì cũng đang thiếu nợ người khác, Cư thường xuyên hối thúc vợ chồng ông Liêm trả tiền nhưng họ không có khả năng, thế là hai bên phát sinh mâu thuẫn.
Ngày 22-1, Cư ra chợ Kim Biên mua axít về nhà đun nóng, cho vào ca nhựa rồi hẹn vợ chồng ông Liêm tại một quán cà phê trên đường Minh Phụng (quận 6). Khi vừa gặp họ, Cư cầm ca axít nóng tạt thẳng vào người cả hai. Ông Liêm khuỵu xuống, tử vong tại chỗ; bà Hương chết sau 14 ngày điều trị tại bệnh viện.
Tại tòa, Cư bao biện cho hành vi tàn ác của mình: “Là chủ đề nhưng để có tiền chung sòng phẳng cho vợ chồng ông Liêm và những người khác, bị cáo phải đi vay mượn hơn 1 tỉ đồng với lãi suất cao. Nhiều lần bị người ta đe dọa phải trả nợ, bị cáo mới hối thúc anh Liêm. Bị cáo định tạt axít để đe dọa thôi, không ngờ…”.
Nghe Cư nói, vị đại diện VKSND TP HCM giữ quyền công tố tại tòa bức xúc: “Cùng một lúc bị cáo tước đi sinh mạng của 2 người khiến con của họ mồ côi, cha mẹ già yếu không ai chăm sóc, vậy mà bị cáo nói là hù dọa sao? Bị cáo biết axít có tính sát thương cao, đến kim loại còn tan chảy nhưng bị cáo vẫn mua về, đun sôi rồi đem đi tạt. Hành vi này thể hiện tính côn đồ, có dự mưu, tính toán, coi thường pháp luật và sinh mạng của người khác, nhất thiết phải xử phạt thật nghiêm minh…”.
HĐXX nhận định dù sau khi vụ án xảy ra, bị cáo ra đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo nhưng xét tính chất, mức độ nguy hiểm cũng như hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tuyên phạt bị cáo mức án tử hình.
Tạt axít là giết người
Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM), tình trạng dùng axít để giải quyết mâu thuẫn ngày càng phổ biến, có thể nói một phần do thiếu những quy định pháp lý thích hợp đối với loại tội phạm này. Dù trên thực tế, nạn nhân bị tấn công bằng axít thường có tỉ lệ sống cao nhưng hành vi này rất tàn ác và vô nhân đạo bởi nạn nhân phải đối mặt với những hậu quả nặng về thể xác lẫn tâm lý. Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, họ vẫn không thể có được hình hài như trước, “sống không bằng chết”. Tuy nhiên, để xác định tội danh “Cố ý gây thương tích” hay “Giết người” trong những vụ tạt axít, công việc đầu tiên của các cơ quan tiến hành tố tụng là phải xác định được động cơ, ý thức phạm tội, nồng độ axít mà đối tượng dùng để gây án.
Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM), hầu như các vụ án tạt axít trước đây đều được các cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh “Cố ý gây thương tích”, trên cơ sở nhận định ý thức chủ quan của người phạm tội là không nhằm tước đoạt tính mạng mà chỉ gây thương tích; hơn nữa, đa phần người bị hại đều còn sống (dù thương tích rất nặng). Thực tế thì hiếm có người phạm tội nào thừa nhận có ý thức giết người.
“Theo tôi, cần phải xem xét đến tính nguy hiểm của hành vi và hậu quả có thể xảy ra. Sử dụng axít đậm đặc tạt vào vùng nguy hiểm trên cơ thể như mặt, cổ, hạ bộ thì hoàn toàn có thể gây ra hậu quả chết người. Việc nạn nhân không chết là do cứu chữa kịp thời hoặc tiến bộ của y học nằm ngoài mong muốn của người phạm tội. Vì vậy, nếu xác định axít được tạt vào những vùng trọng yếu trên cơ thể thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”. Nếu chỉ xác định theo tội danh “Cố ý gây thương tích” là sai bản chất của hành vi, bỏ lọt tội phạm, giảm tính răn đe và giáo dục” – luật sư Công nhấn mạnh.
Bản án thích đáng Trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi và luật sư Nguyễn Thành Công đều cho rằng bản án tử hình với tội danh “Giết người” mà TAND TP HCM dành cho bị cáo Kha Cư rất thích đáng, đánh giá đúng mức độ nguy hiểm và ý chí thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo. “Trong vụ án này, HĐXX đã cân nhắc hậu quả của vụ án là đã làm chết nhiều người, hành vi của bị cáo có dự mưu, chuẩn bị trước, đặc biệt ý thức chủ quan của bị cáo được xác lập là muốn tước đoạt sinh mạng người khác bằng axít. Vì vậy, theo tôi, tội danh và mức án mà TAND TP HCM áp dụng là có căn cứ, đủ sức răn đe, dập tắt đòn thù tàn ác của nhiều người” – luật sư Thi nói.
Theo Thiên Duyên