Đưa kiến thức pháp luật đến với thanh niên, học sinh
Hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 9-11, trong thời gian vừa qua các cấp bộ, đoàn đã tăng cường tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật đến đông đảo lực lượng đoàn viên , thanh niên, học sinh. Nhiều cách làm mới được triển khai đem lại những hiệu ứng tích cực…
Thời gian qua, nhiều đơn vị, địa phương còn tổ chức các buổi xét xử lưu động và tổ chức phiên tòa giả định ngay tại các địa phương, trường học, nhằm giúp các em học sinh, đoàn viên thanh niên thấy được kết cục, hậu quả nếu như vi phạm pháp luật .
Công tác tuyên truyền pháp luật qua các phiên tòa giả định đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng động và nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ”
Sáng ngày 17-11-2020, trường ĐH Kiểm sát Hà Nội tổ chức phiên tòa giả định vụ án Mua bán người. Đây là hoạt động nằm trong chương trình hợp tác quốc tế năm 2020 giữa trường ĐH Kiểm sát Hà Nội với chương trình Hợp tác Asean – Australia về phòng, chống mua bán người (Asean ACT). Các vai diễn người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong phiên tòa do các sinh viên của nhà trường đảm nhiệm.
Các phiên tòa giả định thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham dự.
Quá trình diễn ra phiên tòa giả định, các tình tiết trong vụ án đã thực sự lôi cuốn đối với đoàn viên, thanh niên đến tham dự, những vai diễn được các đơn vị lựa chọn phù hợp, đảm bảo chất lượng trong công tác tuyên truyền pháp luật phù hợp với tâm lý, sự hiểu biết pháp luật của đoàn viên thanh niên tham dự tại phiên tòa, đặc biệt là hình ảnh, vai trò của kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng lên.
Trong thời gian qua, tội phạm mua bán người đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Vấn nạn này gây tâm lý hoang mang lo sợ trong quần chúng nhân dân, gây mất ổn định trật tự trị an trong cuộc sống. Phiên tòa giả định được tổ chức với mục đích tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trong quần chúng nhân dân; đồng thời, giúp sinh viên trường ĐH Kiểm sát Hà Nội nắm vững được quy trình tố tụng để giải quyết các vụ án hình sự nói chung và vụ án mua bán người nói riêng. Phiên tòa cũng là nơi thể hiện năng lực, trí tuệ, nhiệt huyết và bản sắc riêng của sinh viên nhà trường.
Kết thúc phiên tòa, Ban cố vấn và đại diện Asean ACT đã có những nhận xét, đánh giá về chuyên môn, kĩ năng tố tụng và trao các phần thưởng cho các thành viên có sự thể hiện xuất sắc. Đây là những kinh nghiệm quý báu để sinh viên trường ĐH Kiểm sát Hà Nội hoàn thiện bản thân mình và tự tin đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác trong thời gian tới.
Ngoài việc tổ chức các phiên tòa lưu động nhằm răn đe, giáo dục cho đối tượng thanh niên, học sinh, các phiên tòa giả định cũng được tổ chức nhiều hơn. Vào ngày 24-10, Chi đoàn VKSND tỉnh Nghệ An phối hợp với UBND xã Đồng Văn , huyện Tân Kỳ tổ chức phiên tòa giả định. Đây là phiên tòa giả định dựa trên một vụ án có thật, xét xử thanh niên sinh năm 2000 dùng vũ lực, đe dọa nạn nhân để xâm hại tình dục. Phiên tòa giả định này đã thu hút được hơn 400 đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia.
Trước đó, VKSND huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An phối hợp với TAND, CA, Huyện đoàn và Hội đồng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật huyện Quỳ Hợp tổ chức phiên tòa giả định vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” tại trường THPT Quỳ Hợp I. Phiên tòa giả định đã tái hiện một vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” mà bị cáo là người chưa thành niên, còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Cơ quan kiểm sát đã nhiều lần tổ chức các phiên tòa giả định, việc tổ chức các phiên tòa giả định là cách tuyên truyền giáo dục pháp luật hướng đến thực tế, gần với sự hiểu biết của các đối tượng học sinh, thanh niên. Từ các vụ án có thật, qua diễn xuất của những diễn viên không chuyên đã giúp người nghe hiểu hơn các tình huống vi phạm pháp luật. Qua đó tự bản thân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng chống các tệ nạn, các hành vi vi phạm pháp luật.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời đại 4.0, việc ghi hình và đưa các phiên tòa giả định lên phương tiện truyền thông, mạng xã hội được đánh giá là góp phần quan trọng, không chỉ hỗ trợ việc nghiên cứu, đánh giá kết quả hoạt động của các giai đoạn điều tra, truy tố mà còn góp phần to lớn cho hoạt động lan truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người trẻ, thanh thiếu niên.
Hiệu quả hoạt động tổ tự quản ở Chợ Mới
Sau 10 năm thực hiện Đề án số 01 của Ban Thường vụ Huyện ủy Chợ Mới (An Giang) về "Củng cố tổ chức, nâng chất hoạt động tổ tự quản toàn diện", hoạt động tổ tự quản đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm nòng cốt trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", tổ chức hướng dẫn và vận động nhân dân tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện tốt các phong trào cách mạng của địa phương.
Phát huy tinh thần, trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, bảo đảm ở khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH), nhiều mô hình tổ tự quản được hình thành và triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. Toàn huyện đã xây dựng 2.595/3.025 tổ (chiếm tỷ lệ 85,79%) mô hình: "Tổ tự quản không có điểm nóng TNXH"; "Tổ tự quản không có tội phạm, TNXH"; "Tổ quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và không tham gia TNXH"; "Tổ tự quản không còn hộ nghèo", xây dựng "Tổ tự quản không có con em bỏ học giữa chừng", "Tổ tự quản bảo vệ môi trường"...
Các mô hình này đã tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, TNXH ở nông thôn, làm giảm đáng kể các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn dân cư. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, giúp đỡ, tạo điều kiện để người nghèo làm ăn thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường hơn nữa vai trò tích cực, chủ động của người dân trong việc tham gia quản lý xã hội, bộ phận giúp việc Huyện ủy Chợ Mới về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đã xây dựng và triển khai thực hiện 10 tiêu chí ở tổ tự quản gồm: "Ăn, mặc, ở, lao động, học hành, đi lại, sức khỏe, giải trí, giao tiếp, nghỉ ngơi". Đến nay, đã xây dựng được 2.617/3.025 tổ, đạt tỷ lệ 86,51%.
Thông qua mô hình này đã phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, thân thiện trong giao tiếp ứng xử, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Nguyễn Hồng Viễn trao giấy khen tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện mô hình tổ tự quản
Ngoài ra, tổ tự quản còn xây dựng nhiều mô hình tham gia thực hiện phong trào thi đua "dân vận khéo" như: xây dựng tổ tự quản không có con em bỏ học giữa chừng nhằm giảm đến mức thấp nhất trẻ em bỏ học giữa chừng; tham gia thực hiện tốt công tác hòa giải những mâu thuẫn, xích mích nhỏ của người dân để xây dựng tình đoàn kết ở địa bàn dân cư; tham gia cảm hóa những người lầm lỗi, vận động mọi người tích cực tham gia phong trào " Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"...
Hiện, toàn huyện Chợ Mới đã thành lập được 3.025 tổ tự quản, tăng 25 tổ so thời điểm năm 2009, trong đó có 3.025 tổ trưởng, 2.522 tổ phó (nhiều nhất là xã Kiến An có 256 tổ). Với kết quả hoạt động tích cực trong thời gian qua, tổ tự quản đã đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; nâng cao tinh thần đoàn kết và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, động viên nhân dân vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, tạo môi trường sống lành mạnh ở địa bàn dân cư.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chợ Mới Hà Minh Trang cho biết: "Sau 10 năm thực hiện Đề án 01 của Ban Thường vụ Huyện ủy, phong trào quần chúng tự quản toàn diện của huyện đã đạt được những kết quả khích lệ, góp phần nâng cao chất lượng các chương trình an sinh xã hội, vận động nhân dân đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, TNXH, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; xây dựng môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp; thực hiện tốt nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; thôn xóm bình yên, tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt. Những thành tích ấy có sự đóng góp to lớn, tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của đội ngũ cán bộ ở xã, ấp và tổ tự quản (cơ sở)".
Để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động tổ tự quản thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chợ Mới Hà Minh Trang đề nghị, tuyên truyền nhân rộng các mô hình tổ tự quản hoạt động hiệu quả, nghiên cứu sáng tạo, xây dựng nhiều mô hình mới phù hợp với tình hình, điều kiện của mỗi địa bàn dân cư; đào tạo nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho tổ tự quản. Đặc biệt, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của tổ tự quản, từng bước đưa hoạt động ngày càng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
Công an chính quy về xã, niềm tin của người dân Sau một thời gian hoạt động, với nhiều cách làm hay, sáng tạo và nghiêm túc, lực lượng Công an xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) ở địa bàn nông thôn. Qua đó, đã nhận được sự...