ĐT Việt Nam gieo sầu 3 siêu HLV World Cup: Thầy Park xứng danh “phù thủy”
Sau Keisuke Honda và Sven Goran Eriksson, HLV Park Hang Seo tiếp tục gieo sầu cho một chiến lược gia đẳng cấp thế giới khác: Akira Nishino.
Kết quả hòa 0-0 trước Việt Nam ở trận ra quân vòng loại World Cup 2022 có lẽ không phải điều Thái Lan mong muốn. Trước trận đại chiến, “Voi chiến” nắm trong tay yếu tố để chiến thắng: lợi thế sân nhà, sự trở lại của các siêu sao chơi bóng ở nước ngoài và trên hết là sự góp mặt của HLV Akira Nishino.
Từng đưa ĐT Nhật Bản vào vòng 1/8 World Cup, nhưng HLV Nishino vẫn không thể đánh bại thầy Park
Trước thềm trận đấu này, giới truyền thông khu vực, Thái Lan và cả Việt Nam đã tốn nhiều giấy mực để nói về chiến lược gia từng vô địch J-League, AFC Champions League và đưa ĐT Nhật Bản lọt tới vòng 1/8 World Cup 2019. Chiêu dụ được “siêu HLV” đẳng cấp thế giới cũng cho thấy tham vọng đòi lại ngôi “vua Đông Nam Á” và xa hơn, làm nên chuyện ở vòng loại World Cup 2022 của người Thái.
Rốt cục trên SVĐ Thammasat tối 5/9, HLV Nishino vẫn phải bất lực nhìn Việt Nam – xuất phát với đội hình thiếu vắng nhiều trụ cột – ra về với 1 điểm.
Một lần nữa, tất cả phải ngả mũ thán phục HLV Park Hang Seo với những toan tính chiến thuật khó lường, tiêu biểu như quyết định xếp Tuấn Anh, Hồng Duy đá từ đầu. Thậm chí Tuấn Anh còn là cầu thủ hay nhất trận bên phía Việt Nam.
Trong cuộc họp báo sau trận, HLV Nishino khẳng định “giành kết quả hòa trên sân nhà là nỗi xấu hổ”. Có lẽ đến giờ, bản thân chiến lược gia 64 tuổi vẫn chưa nhìn nhận chính xác năng lực thực sự của Việt Nam lẫn người đồng nghiệp Park Hang Seo.
Cần biết, Nishino không phải HLV đẳng cấp World Cup duy nhất “tắt điện” trước thầy Park. Trong khoảng 1 năm trở lại đây, ĐT Việt Nam dưới sự dẫn dắt của ông đã gieo sầu cho 2 vị chiến lược gia nổi tiếng khác là Sven Goran Eriksson và Keisuke Honda.
Honda, trên thực tế chưa có nhiều kinh nghiệm huấn luyện nhưng tên tuổi, danh tiếng thời cầu thủ đã vượt xa phạm vi châu Á nhờ quãng thời khoác áo CSKA, AC Milan,… Anh cũng trở thành cầu thủ châu Á ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử World Cup (4 bàn), cầu thủ Nhật Bản đầu tiên ghi bàn trong 3 kỳ World Cup liên tiếp (2010, 2014, 2018).
Trước Nishino, thầy Park từng gieo sầu cho hai chiến lược gia nổi tiếng khác là Keisuke Honda và Sven Goran Eriksson
Dẫn dắt ĐT Campuchia tham dự AFF Cup 2018 là trải nghiệm đầu tiên trong vai trò mới của huyền thoại 33 tuổi. Tuy nhiên ở lượt trận cuối vòng bảng, ĐT Việt Nam đã biến trải nghiệm đó trở thành “ác mộng” khi đè bẹp Campuchia 3-0.
Sven Goran Eriksson – người từng vô địch UEFA Cup, dẫn dắt ĐT Anh dự World Cup 2002, 2006 thua thầy Park không những 1 mà tới 3 lần liên tiếp. Dẫn dắt ĐT Philippines đầy tham vọng và sở hữu nhiều ngôi sao gốc gác châu Âu, chiến lược gia người Thụy Điển vẫn bất lực nhìn “The Azkals” gục ngã trước Việt Nam ở bán kết AFF Cup 2018 (thua 1-2 ở cả 2 lượt trận) và trận giao hữu trước thềm Asian Cup (2-4).
Tại vòng loại World Cup 2022 sắp tới, thầy Park và ĐT Việt Nam còn chạm trán một chiến lược gia nổi tiếng khác là Bert van Marwijk – HLV trưởng ĐT UAE, từng giúp ĐT ĐT Hà Lan giành ngôi á quân World Cup 2010. Đến ngày 8/9, ông sẽ cùng U23 Việt Nam đá giao hữu với U23 Trung Quốc do “cố nhân” Guus Hiddink dẫn dắt. Liệu danh sách những “nạn nhân” danh tiếng của thầy Park có nối dài thêm?
Theo Đỗ Anh (Khám Phá)
ĐT Việt Nam: Những chàng trai không sợ hãi
Đá với ĐT Thái Lan dù ở hoàn cảnh nào, giải đấu nào cũng thu hút được sự quan tâm của dư luận.
Nó phản ánh một điều, bóng đá Việt Nam luôn chịu một nỗi ám ảnh làm sao phải đánh bại và vượt qua Thái Lan. Khát khao thường trực, nhưng hiện thực sân cỏ đôi khi lại không như chúng ta mong muốn.
Và khi ám ảnh thường trực, nó trở thành nỗi sợ hãi của những cầu thủ ra sân, trở thành lý do khiến bóng đá Việt Nam chưa thể thành công.
Bóng đá Việt Nam đang được hái quả ngọt nhờ con đường đi bài bản. Chúng ta có một lứa cầu thủ tài năng nhất, được đào tạo bài bản nhất và có bản lĩnh trận mạc nhất. Từ U23 châu Á đến Asian Cup và đỉnh cao là AFF Cup, chúng ta luôn chơi một thứ bóng đá khoa học, kỷ luật và khát vọng. Chính điều đó đặt nền tảng căn bản cho thành công của bóng đá Việt Nam ở mọi cấp độ.
Thành công của bóng đá Việt Nam nhờ một chiến lược tổng thể. Nhưng ở một phạm vi hẹp hơn, chúng ta thấy một điểm khác biệt căn bản giữa thế hệ cầu thủ hiện nay và các đàn anh là sự chín muồi về bản lĩnh trận mạc.
Họ không ra sân với một trái tim run rẩy dù đối thủ là ai. Họ coi trọng ĐT Thái Lan nhưng vững tin vào khả năng chiến thắng của mình. Hệ quả là ĐT Việt Nam luôn ra sân với một tư duy chiến thuật rõ ràng. Họ không gồng mình chịu trận để chờ mong vào sự bất ngờ nào đó.
Nhìn lại 5 bàn thua của Thái Lan trước Việt Nam trong 2 trận gần nhất
Đá với ĐT Thái Lan hay bất cứ đối thủ mạnh nào, ĐT Việt Nam luôn ý thức phải ra đòn, hạ đối thủ bằng những miếng đánh thuần thục và chuẩn bị kỹ càng.
Có người bảo, trình độ giữa hai ĐT Việt Nam và Thái Lan không có nhiều khác biệt ở thời điểm hiện tại. Thái Lan vẫn là nền bóng đá mạnh nhất nhưng điểm khác biệt đến từ bản lĩnh và cách nhập cuộc khác biệt của ĐT Việt Nam.
Chúng ta vào trận với tâm thế khác xưa. Chúng ta đã xây dựng cho mình một lối chơi phù hợp với năng lực của mình. Vậy nên, từ thời khắc này, bóng đá Việt Nam không còn bị ám ảnh bởi những câu chuyện buồn trong quá khứ.
Sự thay đổi căn bản về thế và lực, thậm chí là cách nghĩ giữa hai đội tuyển được kỳ vọng sẽ mang bước ngoặt cho tương lai của hai đội tuyển, xa hơn nữa là hai nền bóng đá.
Theo Bongdaplus
Huyền thoại Hồng Sơn tiết lộ sự thật bất ngờ về Trọng Hoàng Cựu danh thủ ĐT Việt Nam, Nguyễn Hồng Sơn tiết lộ rằng HLV Park Hang-seo triệu tập Trọng Hoàng không hề dựa trên cảm tính. HLV Park Hang-seo đã gây sốc thậm chí bất bình cho nhiều cầu thủ Việt Nam vì gọi Trọng Hoàng dự King's Cup dù hậu vệ của Vittel không đá từ đầu mùa 2019. Ở trận thắng Thái...