- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Đóng tiền thay nhập ngũ: Xương máu thì không thể mua bán
On 26/11/2013 @ 11:39 AM In Tin nổi bật
"Việc tham gia nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc là điều thiêng liêng. Mỗi thanh niên có quyền và nghĩa vụ, ý thức bảo vệ Tổ quốc như nhau nên tôi không bao giờ nhất trí quan điểm đóng tiền thay cho việc tham gia nghĩa vụ quân sự".
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó tư lệnh Quân khu 9, Ủy viên Ủy Ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khoa XIII đã chia sẻ như vậy xung quanh ý kiến đóng tiền để không phải đi nghĩa vụ quân sự.
PV: - Mấy ngày nay, dư luận đặc biệt quan tâm tới phương án cho phép thanh niên được đóng tiền thay vì đi nghĩa vụ quân sự. Ông có thể nói rõ hơn cơ sở của việc cho phép đóng tiền thế thân nghĩa vụ quân sự này?
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ: - Quan điểm này mới xuất hiện gần đây, sau khi có sửa đối Hiến pháp mới có ý kiến đưa ra. Ủy viên Ủy Ban Quốc phòng và An ninh rất quan tâm đến vấn đề này nên đã nghiên cứu tham gia trực tiếp.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ trong một lần tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ
PV: - Trước nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm bảo vệ tổ quốc thiêng liêng là của toàn dân, không phân biệt giàu hay nghèo càng không thể quy thành tiền.... quan điểm của ông ra sao?
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ: - Tôi đồng ý quan điểm trách nhiệm bảo vệ tổ quốc thiêng liêng là của toàn dân, không phân biệt giàu hay nghèo. Việc thi hành luật kỹ thuật quân sự là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng đối với thanh niên và nhất là tham gia bảo vệ Tổ quốc cả trong thời bình lẫn thời chiến.
Đây là lợi ích quốc gia, là xương máu, danh dự và thiêng liêng mỗi thanh niên phải tham gia nên không thể thay thế bằng tiền được. Nhất là trong hoàn cảnh hiện nay lực lượng quân đội ngày càng phải có những người có trình độ cao lên (kể cả những chiến sĩ mới nhập ngũ).
Như khi tôi đi qua Nhật Bản thấy thanh niên đã đậu đại học, đang nghiên cứu tiến sĩ mà đến tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự là phải đi. Đi xong nghĩa vụ mới về nghiên cứu tiếp.
Đây là cách làm rất đúng đem lại công bằng chung cho tất cả thanh niên ở tuổi trưởng thành.
Nếu chúng ta làm không khéo sau này chỉ là những thanh niên ở vùng sâu, xa, người nghèo, trình độ không đạt tham gia nghĩa vụ quân sự thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu xây dựng quân đội. Điều này là rõ ràng bởi quân đội ngày càng phải xây dựng lực lượng tinh, gọn trình độ từ người lính cho đến người phục vụ cũng phải đáp ứng trình độ nhất định thì mới có thể hướng đến xây dựng lực lượng quân đội chính quy.
Thêm nữa khoa học kỹ thuật ngày càng cao trang bị càng hiện đại mà trình độ cán bộ chiến sĩ không cao, không đáp ứng thì dứt khoát hiệu quả của các vũ khí trang bị có hiện đại cũng bị hạn chế.
Bởi vì xét cho cùng vũ khí có hiện đại cỡ nào cũng cần có sự điều khiển, tính toán của con người. Tức là với mức độ tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào các loại vũ khí thì con người phải làm chủ được nó thì mới chiến thắng được kẻ thù.
Điều này thể hiện rõ trong chiến tranh từ trước tới nay. Bản thân tôi là người trực tiếp chỉ huy chiến đấu chiến trường Tây Nam Campuchia thấy rất cần những người có trình độ.
Hồi đó do chuyện sống, chết nên những người đi thay rất nhiều. Có trường hợp em đi thay cho anh nên đã có người hy sinh mà mang tên anh trong khi anh vẫn còn đang sống. Vấn đề này rất bối rối nên tôi cho rằng không thể thay thế việc đi nghĩa vụ bằng các hình thức khác.
PV: - Thưa ông theo thống kê của Bộ Quốc phòng mỗi năm có cả triệu thanh niên đủ tiêu chuẩn để nhập ngũ nhưng chỉ có một lượng rất nhỏ phải nhập ngũ. Như giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng nảy sinh chuyện tiêu cực. Vậy theo ông làm sao để đảm bảo giữa người đi và người đủ tiêu chuẩn mà không phải đi?
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ: - Nếu nói khẳng định về tiêu cực ở đây thì cũng khó. Luật quy định nhập ngũ ở nông thôn và vùng khó khăn trình độ cỡ nào, thành phố trình độ ra sao... cứ theo thứ tự đó người ta tuyển.
Nếu tuyển đủ rồi thì lại lọt những đối tượng đang đi học đại học, cao đẳng xong rồi mới thi hành nghĩa vụ quân sự.
Do vậy cũng rất khó nói có tiêu cực hay không. Tức là người ta đã làm theo đúng luật lấy đủ quân số. Nhưng có điều ngược đáng lẽ phải đáp ứng được yêu cầu ưu tiên những người đủ trình độ, khỏe nhưng hiện nay đang lấy theo cấp độ từ dưới lên cho đến khi đủ số lượng cần.
PV: - iều 77 của Hiến pháp Việt Nam quy định rõ: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân. Căn cứ vào điều này thì phương án đóng tiền thay vì đi nghĩa vụ quân sự có bị coi vi hiến không, tại sao, thưa ông?
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ: - Tôi thấy như thế là không công bằng. Ngay cả trong thời bình thì việc tham gia nghĩa vụ quân sự cũng có những rủi ro nhất định.
Ngay cả trong phòng chống lụt bão, huấn luyện không quân, hải quân, mật độ huấn luyện rất nghiêm túc. Có làm như vậy mới thông thạo vũ khí, chiến thuật để khi có chiến tranh thì mới đánh được. Có cả huấn luyện bắn đạt thật nên có tỷ lệ rủi ro nhất định nên cũng có hy sinh.
Do vậy tôi cho rằng đã là xương máu thì không thể bỏ tiền ra thay thế.
PV: - Nếu phương án này được đưa vào Luật, là một đại biểu Quốc hội, ông có bấm nút thông qua không?
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ: - Tôi rất băn khoăn khi nói đến chuyện bấm nút thông qua.
Vì đây là điều thiêng liêng, mỗi thanh niên có quyền và nghĩa vụ, ý thức bảo vệ Tổ quốc như nhau nên tôi không bao giờ nhất trí quan điểm này.
Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Theo Đất Việt
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/dong-tien-thay-nhap-ngu-xuong-mau-thi-khong-the-mua-ban-20131126i1068497/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.