Đồng minh dự báo bạo loạn nếu ông Trump bị truy tố
Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham thuộc đảng Cộng hòa cảnh báo việc áp dụng tiêu chuẩn kép đối với cựu Tổng thống Donald Trump có thể dẫn đến bạo loạn.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, người rất thân thiết với cựu Tổng thống Donald Trump, cho rằng việc truy tố ông Trump vì xử lý không phù hợp thông tin mật sẽ dẫn đến “những cuộc bạo loạn trên phố”, đặc biệt là khi cuộc điều tra đối thủ tranh cử Hillary Clinton của ông Trump hồi năm 2016 lại không dẫn đến việc truy tố.
Ông Trump và ông Graham tại một sự kiện vận động ở Nam Carolina năm 2020. Ảnh AFP
Ông Graham là người dẫn đầu cuộc điều tra của Hạ viện Mỹ ngay trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đối với hành vi sử dụng email cá nhân để xử lý việc công của bà Clinton thời bà còn làm ngoại trưởng. Bà Clinton đã không bị truy tố sau cuộc điều tra này.
Trong cuộc phỏng vấn trên đài Fox News mới đây, ông Graham nói rằng “hầu hết thành viên Cộng hòa, kể cả tôi, tin rằng khi có chuyện liên quan đến ông Trump, chẳng có luật lệ gì cả. Tất cả chỉ nhằm bắt lấy ông ấy”.
“Nếu ông Donald Trump bị truy tố vì quản lý không phù hợp thông tin mật, sau vụ tranh cãi của bà Clinton, sẽ có các cuộc bạo loạn trên phố”, thượng nghị sĩ Graham dự báo.
Ông Graham cũng lên án Cục Điều tra liên bang ( FBI) vì áp dụng “tiêu chuẩn kép” giữa ông Trump và bà Clinton, cũng như vụ máy tính xách tay bí ẩn được cho là của ông Hunter Biden, con trai Tổng thống Joe Biden.
Báo Mỹ nói nhà ông Trump có 300 tài liệu mật, cựu tổng thống muốn ngăn FBI tiếp tục rà soát
Ông Graham cáo buộc FBI đã bao che cho bà Clinton khi không truy tố và giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của những thông tin trong chiếc máy tính nghi của ông Biden nhằm ngăn chặn các cuộc điều tra hình sự tiềm tàng liên quan.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Graham cho rằng bản khai của FBI để đề nghị thẩm phán ra lệnh khám nhà ông Trump hồi đầu tháng 8 không hề minh bạch. Theo bản khai, FBI nghi ngờ có bằng chứng về việc cản trở công lý trong những thùng tài liệu mật được ông Trump mang về khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago cất giữ khi rời Nhà Trắng.
Một số đối thủ chính trị của ông Graham cho rằng những phát ngôn của vị thượng nghị sĩ giống như lời kêu gọi bạo lực hơn là sự dự báo. Ông Richard Painter, cựu luật sư của Nhà Trắng thời chính quyền George W. Bush, kêu gọi Thượng viện phế truất ông Graham vì kích động thêm một vụ bạo loạn ngày 6.1.
Ông Biden bác bỏ đặc quyền hành pháp của ông Trump
Tổng thống Mỹ Joe Biden một lần nữa bác bỏ đặc quyền hành pháp của người tiền nhiệm Donald Trump trong việc giữ kín các tài liệu liên quan đến vụ bạo loạn ngày 6/1 tại Điện Capitol.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty)
Reuters đưa tin ngày 26/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ngăn chặn nỗ lực thứ hai của cựu Tổng thống Donald Trump trong việc giữ kín các tài liệu mới về vụ bạo loạn ở Điện Capitol, đồng thời ra lệnh chuyển những tài liệu đó cho quốc hội.
"Tổng thống Biden khẳng định rằng, việc sử dụng đặc quyền hành pháp đó không mang lại lợi ích cho nước Mỹ, do vậy, nó không được chấp nhận", một trợ lý của ông Biden viết trong thư gửi Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ ngày 25/10. Nhà Trắng nhấn mạnh, quốc hội cần nắm được bối cảnh đã dẫn đến "vụ tấn công nghiêm trọng nhất kể từ nội chiến nhằm vào các hoạt động của chính phủ liên bang".
Ông Biden cũng ra lệnh cho cơ quan lưu trữ cung cấp các tài liệu mới nhất sau 30 ngày kể từ khi thông báo cho ông Trump, trừ khi có sự can thiệp của tòa án. Nếu không có lệnh của tòa án, Cục Lưu trữ Quốc gia dự kiến bắt đầu cung cấp tài liệu cho Hạ viện vào ngày 12/11 tới.
Người phát ngôn của ông Trump hiện chưa đưa ra bình luận.
Đây là lần thứ hai ông Biden bác bỏ đặc quyền của người tiền nhiệm về việc giữ kín các tài liệu liên quan đến vụ bạo loạn. Lần đầu tiên là vào đầu tháng 10. Ông Trump khi đó đã nộp đơn kiện lên tòa án nhằm ngăn Cục Lưu trữ Quốc gia trao các tài liệu cho quốc hội với lập luận rằng ông cũng có đặc quyền hành pháp để giữ bí mật những tài liệu đó.
Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết rằng các tổng thống có thể giữ bí mật một số tài liệu và thảo luận nhất định để thúc đẩy các cuộc tranh luận thẳng thắn hơn với các trợ lý. Ông Trump không phải người đầu tiên tận dụng đặc quyền này và ông đang phản đối việc công bố khoảng 50 tài liệu. Một số chuyên gia luật cho rằng, ông Trump không thể sử dụng đặc quyền hành pháp đó bởi ông không còn là tổng thống nữa.
Một ủy ban của Hạ viện Mỹ đang điều tra về vụ bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6/1 năm nay bởi những người ủng hộ ông Trump. Khi đó, hàng trăm người ủng hộ ông Trump đã xông vào trụ sở quốc hội đập phá, xô xát nhằm ngăn quốc hội công nhận kết quả bầu cử. Vụ bạo loạn đã khiến 5 người thiệt mạng, gần 700 người đối mặt với các cáo buộc hình sự. Ngay trước khi người biểu tình tràn vào quốc hội, ông Trump đã có bài phát biểu trước đám đông ủng hộ gần Nhà Trắng, trong đó ông hối thúc họ hãy "chiến đấu hết mình" để đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống.
Các điều tra viên của quốc hội Mỹ đang lấy lời khai từ những quan chức, các đồng minh thân cận với ông Trump về việc liệu ông biết gì về vụ bạo loạn trước khi nó xảy ra.
Cựu cố vấn của ông Donald Trump có thể bị truy tố về tội khinh thường Quốc hội Ngày 21/10, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã nhất trí đề xuất tội danh khinh thường Quốc hội đối với ông Steve Bannon, cựu cố vấn và là đồng minh lâu năm của cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Steve Bannon, cựu cố vấn hàng đầu của cựu Tổng thống Donald Trump, rời tòa án tại New York, Mỹ,...