- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Dồn sức hơn nữa để ứng phó với biến đổi khí hậu

On 20/11/2012 @ 6:39 PM In Pháp luật

Trong khuôn khổ Diễn đàn MDEC Tiền Giang 2012, ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện (5.12) sẽ có cuộc Hội thảo tham vấn Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long (MDP) lần 2 do BCĐ Tây Nam Bộ, Bộ TNMT, Trường ĐH Cần Thơ, Viện Tư vấn phát triển phối hợp tổ chức.

Dồn sức hơn nữa để ứng phó với biến đổi khí hậu - Hình 1

Biến đổi khí hậu sẽ ngày càng gây tác động bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL. Ảnh: L.N.G

Hội thảo nhằm lấy ý kiến của các địa phương và chuyên gia cho bản thảo Kế hoạch MDP, để từ đó hoàn thiện Kế hoạch MDP với "tầm nhìn 90 năm" - như lời ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển. Rõ ràng, vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) và tác động của nó đã đến lúc cần được cảnh báo cao.

Hàng trăm tỉ đồng trôi theo bão, lụt...

Theo thống kê, trong vòng hơn 5 năm trở lại đây tỉnh Tiền Giang có 4 cơn bão lớn đi qua đã ảnh hưởng trực tiếp đối với tỉnh: Bão số 9 (Durian) năm 2006, bão số 10 (Utor) năm 2008, bão số 10 (Parma) năm 2009; trong đó bão số 9 đã gây tổn thất nghiêm trọng với 4 người mất tích, 24 người bị thương, thiệt hại vật chất ước tính 215 tỉ đồng.

Còn trận lũ lớn năm 2011 có 6 người chết, thiệt hại vật chất 538 tỉ đồng. Tình trạng ngập lụt thường xuyên ở một vùng rộng lớn của tỉnh (khoảng 140.000ha) thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, một phần phía tây QL 1A và ở cực tây TP.Mỹ Tho - chiếm 59,15% diện tích tự nhiên toàn tỉnh - cũng đã gây ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống, sinh hoạt của người dân.

Chưa hết, tình trạng khô hạn kết hợp với nhiễm mặn thường xuất hiện ở khu vực 2 huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông và ảnh hưởng đến các huyện Gò Công Tây, Chợ Gạo, TX.Gò Công. Dọc theo sông Tiền vào thời điểm từ tháng 4 - 6 hàng năm, quan trắc cho thấy 5 năm gần đây tình trạng nhiễm mặn và khô hạn đã thay đổi theo chiều hướng xấu, ngày càng cao và vào sâu trong nội đồng hơn.

Đã làm nhiều việc, nhưng...

Để chủ động ứng phó, Tiền Giang đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề, diễn đàn trao đổi thảo luận một số chủ đề trọng tâm về nhiệm vụ ứng phó với BĐKH; thường xuyên cập nhật các văn bản mới về ứng phó với BĐKH cung cấp thông tin trên website của tỉnh, tuyên truyền trên báo, đài;...

Tỉnh cũng ưu tiên đầu tư khai thác và chuyển giao ứng dụng các giải pháp công nghệ phổ cập trong việc kiểm soát và xử lý các nguồn khí thải: Đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật xử lý khí thải công nghiệp; kỹ thuật biogas cho xử lý phân - nước thải chăn nuôi; kỹ thuật ủ phân hữu cơ yếm khí cho phế phẩm, phế thải nông nghiệp và rác hữu cơ kết hợp thu gom và tái sử dụng khí gas; kỹ thuật đốt tiêu hủy đạt quy chuẩn khí xả thải lò đốt cho việc xử lý rác thải y tế, chất thải công nghiệp thông thường và nguy hại; thay thế từng bước nguồn năng lượng bẩn (dầu chứa nhiều lưu huỳnh, than, củi) bằng năng lượng sạch hơn (năng lượng mặt trời, khí gas, dầu ít lưu huỳnh);... nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm do khí thải đối với môi trường không khí.

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai các hoạt động ừng phó với BĐKH còn nhiều khó khăn. Lực lượng lao động của tỉnh tuy trẻ, nhưng số đã qua đào tạo còn thấp. Việc đào tạo mới - hoặc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao - để nghiên cứu phát triển thị trường công nghệ tiên tiến, hiện đại cho ứng phó BĐKH gần như "không khả thi".

Nhiều khó khăn khác cũng đang đặt ra thách thức: Tài nguyên nước tuy phong phú, song đang có nguy cơ nhiễm bẩn; đặc biệt chất lượng nước ngầm bị suy giảm và đang bị hạ mực nước. Kết cấu hạ tầng - nhất là hệ thống giao thông của tỉnh và liên vùng - còn có những hạn chế, sẽ tạo ra những khó khăn trong việc bố trí lại cơ sở hạ tầng giao thông sao cho phù hợp với mục tiêu ứng phó BĐKH...

... Còn nhiều việc phải làm

Để làm tốt công tác chủ động ứng phó với BĐKH, thiết nghĩ một mặt Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu đánh giá tổng thể diễn biến của BĐKH đối với toàn vùng ĐBSCL để làm luận cứ khoa học phục vụ cho các địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó ở từng địa phương.

Ví dụ như Kế hoạch MPD đang được triển khai xây dựng, sau khi lấy ý kiến các địa phương lần 2 tại Diễn đàn MDEC lần này sẽ được Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Hà Lan thảo luận tại cuộc họp liên chính phủ trong tháng 12 trước khi tiếp tục lấy ý kiến đóng góp rộng rãi hơn. Chính phủ cũng cần tăng cường đầu tư về hạ tầng cho các địa phương vùng ĐBSCL, đặc biệt là các tuyến đê ven biển để kịp thời ứng phó với tình trạng nước biển dâng.

Bên cạnh đó, về phía tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cũng như công tác huy động các nguồn lực trong xã hội cho bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với BĐKH, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ sự an toàn của cuộc sống người dân; chú ý đánh giá và dự báo về sự biến động các nguồn tài nguyên thiên nhiên, về sự thay đổi văn hóa, lối sống và các xung đột về mặt xã hội trong bối cảnh BĐKH; chú trọng các chương trình, mục tiêu, dự án trọng tâm và tranh thủ các dự án quốc tế về BĐKH, nước biển dâng...

Theo laodong


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/don-suc-hon-nua-de-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-20121120i587921/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.