- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Đổi quảng cáo để “phủ sóng” nhà VS công cộng: Ý tưởng đột phá có trái luật?
On 18/08/2016 @ 4:09 PM In Tin nổi bật
Là thành phố đông dân nhất cả nước với hơn 10 triệu dân, nhưng vấn đề nhà vệ sinh công cộng tại TP.HCM chưa đáp ứng nhu cầu cho người dân cũng như du khách. Mới đây, chủ trương đổi quảng cáo 15 năm trên toàn bộ cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới để xây 1.000 nhà vệ sinh công cộng đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Tại cuộc họp mới đây, công ty Cổ phần thương mại và truyền thông Vinasing đề xuất phương án xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng, với tổng kinh phí 110 tỉ đồng. Với số vốn này, công ty Vinasing sẽ đầu tư 1.000 nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn tiếp nước và 500 thùng rác công cộng. Đổi lại, công ty này sẽ quảng cáo trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trong thời gian 15 năm để thu hồi vốn. Đây là vấn đề mà theo lãnh đạo các sở ngành cần phải xem xét lại. Vì theo quy định, việc quảng cáo tại hệ thống cầu đường chưa được cho phép.
Theo tìm hiểu thực tế của PV, tại trung tâm TP.HCM, nhu cầu về nhà vệ sinh công cộng là rất cần thiết. Tuy nhiên, hệ thống nhà vệ sinh chỉ nằm rải rác tại một số quận trung tâm, như công viên Tao Đàn, đường Trương Định, quận 1, bến xe bus chợ Bến Thành quận 1, bến xe chợ Lớn quận 6, công viên Gia định quận Gò Vấp, công viên Tao đàn ngã ba đường Nguyễn Thị Minh Khai - Bà Huyện Thanh Quan quận 3, đường Điện Biên Phủ - Mạc Đĩnh Chi quận 1, đường Lê Lai - Nguyễn Văn Tráng quận 1...
Nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn tại TP HCM mới được xây dựng gần đây. Ảnh: VOV.
Trong khi đó, nhiều quận, huyện tại TP.HCM, số nhà vệ sinh công cộng rất thưa thớt, thậm chí không có, nhất là các quận huyện vùng ven như Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, Thủ Đức, Quận 9... Cũng vì khan hiếm nhà vệ sinh công cộng nên nhiều người thiếu ý thức đã vô tư tiểu bậy tại những con đường có mật độ lưu thông qua lại đông đúc, nơi công cộng, gây mất mỹ quan đô thị. Cơ quan chức năng không ít lần phải vào cuộc xử lý.
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, UBND quận 1 đã có chế tài xử phạt tiểu bậy nơi công cộng ở trung tâm TP.HCM bằng hình thức lập biên bản. Sau 3 tháng có hơn 300 trường hợp bị lập biên bản. Song song cùng chủ trương xử phạt bằng lập biên bản, UBND quận 1 cũng chủ trương vận động cơ sở kinh doanh, dịch vụ cho khách vãng lai sử dụng nhà vệ sinh miễn phí khi họ có nhu cầu. Hưởng ứng chủ trương này, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ tại khu phố Tây, thuộc phường Phạm Ngũ Lão đã đồng ý cho khách "đi nhờ" nhà vệ sinh của mình. Tuy nhiên, tại những khu vực khác trong địa bàn quận 1, đa phần cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn e ngại khi treo bảng cho đi nhà vệ sinh miễn phí.
Theo ông Phan Trọng Hùng, Phó phòng Quản lý đô thị kiêm Đội trưởng đội Quản lý Trật tự đô thị quận 1 cho biết, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do hệ thống nhà vệ sinh công cộng thiếu, nhiều nơi đã xuống cấp nhưng vẫn thu phí. Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng quận 1 đã lập biên bản xử phạt hơn 1.500 trường hợp tiểu bậy nơi công cộng, nhắc nhở cảnh cáo hàng trăm người vi phạm. Vi phạm lần đầu xử phạt 200 ngàn đồng/lần, những người tái phạm bị xử phạt 300 ngàn đồng/lần.
Quảng cáo là trái pháp luật?
Về đề xuất xin quảng cáo nêu trên, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc sở TN&MT TP.HCM nêu ý kiến, đề án của Vinasing còn nhiều vấn đề cần làm rõ. Trong đó, phần quảng cáo, luật không cho phép quảng cáo bên ngoài cầu nên phía công ty cần phải tính toán lại. Bên cạnh đó, công ty cũng phải chứng minh được năng lực tài chính của mình khi đầu tư và ký kết rõ ràng quỹ bảo trì, bảo dưỡng nhà vệ sinh công cộng...
Trong khi đó, một công ty khác cũng đề xuất xây nhà vệ sinh công cộng hiện đại, nhưng thu phí là công ty Mister Loo, (Thụy sỹ). Vốn dự kiến đầu tư 25.000 USD đến 40.000 USD/nhà vệ sinh. Công ty Mister Loo sẽ trả tiền thuê đất cho thành phố. Để thu hồi vốn đầu tư, công ty đưa ra phương án thu phí mỗi lần 5.000 đồng - 10.000 đồng/lượt, khách hàng được phục vụ chu đáo như sử dụng máy lạnh... Công ty cam kết về việc đảm bảo vệ sinh môi trường, việc xử lý chất thải bằng bể tự hoại có dòng hồi lưu bằng công nghệ sinh học để xử lý, lọc nước và có thể tái sử dụng nước để tưới cây và phục vụ ngược lại cho việc xả nước tại nhà vệ sinh công cộng.
Đánh giá về những đề xuất này, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, cái khó hiện nay là chọn vị trí xây dựng và kinh phí đầu tư. Để thực hiện vấn đề một cách hiệu quả, khoa học, công khai minh bạch, trước mắt yêu cầu công ty Vinasing làm thí điểm một công trình trước nhằm xem xét có đảm bảo và phù hợp với vị trí, mẫu mã đảm bảo mỹ quan đô thị, chất lượng, hoàn thành trước ngày 2/9 để thành phố kiểm tra, đánh giá. Việc nghiên cứu quảng cáo, đề nghị công ty Vinasing phải nghiên cứu thêm, nhất là khai thác quảng cáo tại nhà vệ sinh công cộng. Về đề xuất của công ty Mister Loo, ông Tuyến cho rằng, khi chủ trương xây nhà vệ sinh công cộng, thành phố không có ý định thu tiền sử dụng đất. Do đó, đề nghị công ty này tính toán lại giá dịch vụ.
Thông tin thêm với PV báo ĐS&PL, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ nói: "Hiện nay, tại địa bàn TP.HCM, số lượng nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn, cách bố trí chưa phù hợp và số lượng chưa đủ đáp ứng nhu cầu người dân. Cụ thể, có 208 nhà vệ sinh công cộng thu phí, trong đó có 155 cái tập trung khu trung tâm, tuyến đường bến xe... Chỉ có 11 nhà vệ sinh công cộng do sở Giao thông vận tải phối hợp cùng một số ngân hàng xây dựng là đạt chuẩn".
Hà Nội cũng sẽ có thêm 1.000 nhà vệ sinh công cộng? UBND Hà Nội cũng vừa ra thông báo truyền đạt kết luận của tập thể lãnh đạo thành phố về việc một doanh nghiệp đề xuất tài trợ 1.000 nhà vệ sinh công cộng và một số hạng mục. Đổi lại, UBND TP đồng ý chủ trương để công ty này được khai thác quảng cáo trong phạm vi cho phép, theo đúng quy định của pháp luật trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn thành phố trong thời gian 10 năm để thu hồi vốn. UBND TP giao sở Văn hóa - Thể thao hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện việc triển khai khảo sát, thiết kế quảng cáo tại các địa điểm cụ thể theo quy định.
LÀNH NGUYỄN
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/doi-quang-cao-de-phu-song-nha-vs-cong-cong-y-tuong-dot-pha-co-trai-luat-20160818i2570670/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.