- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số

On 16/12/2021 @ 2:35 PM In Tin nổi bật

Diễn đàn "Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số" do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan được tổ chức sáng 16/12/2021 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Diễn đàn đã đề xuất những giải pháp đổi mới công tác đào tạo báo chí, truyền thông nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí, phục vụ chuyển đối số báo chí.

Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số - Hình 1
Điểm cầu Diễn đàn "Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số" tại Hà Nội.

Các ý kiến tại Diễn đàn đã đề cập tới thực trạng công tác đào tạo báo chí hiện nay, những mô hình đào tạo báo chí, truyền thông trên thế giới, những cơ hội và thách thức của báo chí trong thời đại công nghiệp 4.0; đưa ra thông điệp và giải pháp về công tác đào tạo gắn với công nghệ số, trong bối cảnh truyền thông mạng xã hội; đào tạo báo chí, truyền thông theo định hướng phát triển nâng lực... để bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ và truyền thông hiện đại.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn nhận định: Hiện nay, sự phát triển của công nghệ trong kỷ nguyên số đã mang lại những cơ hội cũng như cả những thách thức và đang làm thay đổi về cách thức, mô hình việc làm của nhiều lực lượng lao động trong đó có lĩnh vực báo chí, truyền thông. Nhân lực làm việc trong lĩnh vực này không chỉ cần về năng lực chuyên môn cao mà còn cần phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn đạo đức rất cao về tính chính xác, tính độc lập, tính công bằng, tính bí mật, tính nhân văn, tính trách nhiệm và tính minh bạch.

Trên thực tế, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông đã có nhiều nỗ lực và tích cực đổi mới, tuy nhiên công tác đào tạo vẫn tiến hành theo phương thức truyền thống, đến nay phải "gồng mình" để làm báo chí, truyền thông trong môi trường của thời đại công nghệ số. Kết quả là nhiều sinh viên báo chí ra trường, trở thành nhà báo nhưng chưa được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng cho tác nghiệp báo chí số. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông cần đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên số.

Tại Diễn đàn, các cơ quan sử dụng báo chí chỉ rõ thực tiễn tiếp nhận nhân lực báo chí và các yêu cầu đối với công tác đào tạo. Thạc sĩ Vũ Hải Quang (Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam) nêu thực tế: Các cơ sở đào tạo đã nỗ lực cung cấp các sân chơi nghề cho sinh viên thực hành nghiệp vụ, nhưng nhiều cơ quan báo chí khi tiếp nhận học viên về thực tập hoặc tuyển dụng đều thấy rằng số đông học viên có vẻ khá về lý thuyết và kỹ năng nghề, nhưng kiến thức nền tảng về chính trị, kinh tế, văn hoá... còn rất thiếu và yếu. Thạc sĩ Vũ Hải Quang đưa ra các yêu cầu "3K" với công tác đào tạo: Kiến thức sâu sắc, Kỹ năng (gồm kỹ năng cứng và kỹ năng mềm), Kỹ thuật và Công nghệ. Trong kỷ nguyên số hiện nay, các nhà báo trẻ cần được đào tạo chuyên sâu và tự học về kỹ thuật, công nghệ, để làm chủ công nghệ và thành thạo các loạt hình thông tin như flycam, livestreaming, chuyển đổi văn bản từ giọng nói, kiểm soát các ứng dụng công nghệ IoT, Big Data, AI... trong quản trị, sản xuất tin bài...

Đại diện các cơ sở đào tạo báo chí cũng đề xuất các giải pháp trong đào tạo. PGS.TS Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đề xuất: Để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực báo chí đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên số, mong Bộ Thông tin và Truyền thông có sáng kiến, gợi mở để có sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan báo chí và các cơ sở đào tạo báo chí, trong việc tham gia vào công tác đào tạo, bồi dưỡng. Bản thân các cơ sở đào tạo cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Đổi mới phương pháp đào tạo gắn liền với sự thay đổi thói quen, ý thức của giảng viên và sinh viên; Tránh suy nghĩ đơn giản hay cực đoan trong đổi mới phương pháp đào tạo; Đổi mới đào tạo đồng bộ với đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và phương pháp kiểm tra đánh giá cùng nâng cao trình độ giảng viên; Đề cao vai trò người thầy; Lấy người học làm trung tâm...

PGS.TS Võ Thanh Tùng (Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, Đại học Huế) cũng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông có sự phối hợp đào tạo trong việc hướng dẫn các quy định pháp luật với báo chí khi hoạt động trong môi trường truyền thông số, cung cấp các bộ quy tắc ứng xử nghể nghiệp để hỗ trợ công tác đào tạo, điều phối công tác phối hợp đào tạo giữa các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông... Nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo nhà báo cả về nghiệp vụ lẫn đạo đức nghề nghiệp, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường ĐH KHXH và NV) đề xuất: Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu để ban hành quy định đối với các nhà báo không tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo báo chí trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay, bắt buộc phải được đào tạo báo chí và có chứng chỉ nghề nghiệp báo chí. Đồng thời, trong môi trường truyền thông mạng hiện nay, PGS.TS Đặng Thị Thanh Hương cũng đề xuất đưa các kiến thức về năng lực thông tin, năng lực tiếp nhận thông tin và đạo đức truyền thông thành một nội dung giảng dạy trong môn Giáo dục Công dân tại các cấp học phổ thông để người trưởng thành có những nhận thức đúng đắn về truyền thông và ứng xử với truyền thông trên mạng xã hội.

Một sáng kiến cũng được đề xuất tại diễn đàn: Trong quá trình đào tạo thực hành, các trường tổ chức sản xuất các thông tin báo chí, huy động nhân lực là sinh viên báo chí và sản phẩm đầu ra cung cấp cho các cơ quan báo chí...


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/doi-moi-dao-tao-bao-chi-truyen-thong-trong-ky-nguyen-so-20211216i6213907/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.