Đội chuyển hàng cho gần 10.000 cư dân khu phong tỏa
Gần 40 người tự trang bị đồ bảo hộ, lập đội dùng ôtô chở thức ăn, đồ sinh hoạt cho từng hộ dân bị cách ly ở chung cư Ehome 3 – ổ dịch gần 100 ca nhiễm.
8h ngày 24/6, chị Dương Thùy, 33 tuổi, nhân viên văn phòng mặc đồ bảo hộ kín mít, đeo mũ ngăn giọt bắn, bao tay cẩn thận kiểm tra từng bịch nylon chứa thức ăn, đồ dùng sinh hoạt để giao cho gần 10.000 cư dân Ehome 3 đang bị cách ly trên đường Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân. Đây là đồ của các mạnh thường quân hỗ trợ hoặc các cư dân đặt mua đêm đến gửi tại chốt.
Đội chuyển hàng nhận thực phẩm, phun khử trùng trước khi chở vào cho người dân ở chung cư Ehome 3. Ảnh: Đình Văn
Từng túi hàng được chị Thùy cẩn thận dùng viết lông đánh số lô chung cư, căn hộ, số điện thoại để tránh bị thất lạc. Cạnh chị gần chục người khác trong “Đội chuyển hàng tình nguyện” phun khử khuẩn, khiêng đồ đạc chất lên một chiếc ba gác và hai ôtô bán tải đang chờ sẵn để chở vào cổng chung cư cách đó hơn một km. Từ đây, từng túi đồ sẽ được nhóm khác chuyển đến sảnh của 14 block để người dân bị lấy.
Hơn một tuần kể từ lúc chung cư bị phong tỏa, chị Thùy cùng hàng chục người từ bác sĩ, kỹ sư, nhân viên văn phòng đến nội trợ…, đều là cư dân ở chung cư, đã thay phiên nhau hai buổi vận chuyển hàng: từ 8h-11h30 và 14h-17h30.
Chị Thùy cho biết, ý định lập đội hỗ trợ xuất phát từ khi block 3A chị sống bị phong tỏa do ở tầng hai và tầng chín xuất hiện 7 ca nhiễm cách đây hơn một tuần. Nhận thấy 80 hộ dân ở hai tầng này bị thiếu thức ăn, đồ sinh hoạt vì phải cách ly, không được ra khỏi nhà nên chị đã kêu gọi cộng đồng cư dân cùng Ban quản lý chung tay giúp đỡ họ. Ban đầu, chỉ có gần chục người tham gia, về sau khi Ehome 3 trở thành ổ dịch lớn nhất quận Bình Tân, số thành viên đã tăng lên gấp bốn lần.
Với chị Thùy, việc khó nhất của đội là giao thực phẩm cho các hộ ở tầng có ca nhiễm hoặc F1 - nơi cư dân không được ra khỏi nhà, chỉ có thể chờ nhận tiếp tế từ bên ngoài. Hàng ngày, chị phải đi lên xuống các lầu hàng chục lần để mang đồ ăn đến trước cửa từng nhà, bỏ vào giỏ nhựa đựng phía trước rồi gõ cửa báo hiệu cho người ở trong ra nhận. “Khi nghe tiếng người nói cảm ơn từ đằng xa tôi thấy ấm lòng lắm”, nữ nhân viên văn phòng nói.
Nhiều cư dân bị cách ly còn nấu bữa trưa, tối bỏ vào túi nolyn treo trên tay cửa trước nhà của các thành viên trong đội để “tiếp sức”. “Lúc đầu, ba mẹ nói tôi lo chuyện bao đồng rồi rước bệnh vào người, nhưng những ngày qua khi thấy nhiều người cùng chung tay họ đã hiểu”, chị Thùy nói và cho biết, việc phải tiếp xúc thường với những người có nguy cơ lây nhiễm cao khiến các thành viên trong đội luôn ý thức phòng dịch.
Nhiều xe bán tải, ôtô 7 chỗ được huy động để chở hàng tấn hàng mỗi ngày. Ảnh: Đình Văn
Tự tay lái chiếc 7 chỗ đã được tháo rời ghế để làm chỗ để hàng, anh Nguyễn Trí Đạo, 40 tuổi, kinh doanh dịch vụ vận tải nói, đã cùng 4 người khác lấy xe bán tải, ôtô của mình để chở nhiều tấn đồ đạc mỗi ngày. Anh cùng những thành viên nam được phân nhiệm vụ khuân vác đồ từ chốt phong tỏa lên xe chở về các block một cách thật nhanh để kịp giờ cho các gia đình nấu cơm trưa và tối. “Có ngày phải vác mấy chục bao gạo 50 kg, bình gas, tối về tôi bị đau nhức hết người nhưng vẫn cảm thấy vui vì giúp được cho hàng xóm”, anh Đạo nói.
Cùng với việc vận chuyển hàng hóa, đội còn luân phiên nhắc nhở người dân ở chung cư chấp hành việc phòng dịch như: bỏ rác y tế đúng quy định, không ra khỏi nhà để tập thể dục, đi bộ hay mới đây giúp bé gái 2 tuổi bị té gãy tay đi cấp cứu…
Theo ông Tô Hoàng Giang, Chủ tịch phường An Lạc, đội tình nguyện vận chuyển thức ăn ở Ehome 3 đã “giảm bớt gánh nặng” cho lực lượng địa phương, giúp hàng nghìn hộ dân cải thiện đời sống trong thời gian bị cách ly. Những người tham gia đều là cư dân nhưng được lựa chọn theo tiêu chí nơi ở phải cách xa F1, F2 và đã được nhân viên y tế hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng dịch.
Video đang HOT
“Đây là nghĩa cử cao đẹp của những hàng xóm láng giềng hỗ trợ nhau vượt qua thời gian nơi ở bị phong toả do dịch bệnh”, ông Giang nói.
Trên mỗi túi hàng được ghi thông tin người nhận để tránh bị thất lạc. Ảnh: Đình Văn
Hai tháng sau đợt bùng dịch lần 4, TP HCM ghi nhận 2.236 ca, xếp thứ hai cả nước, sau Bắc Giang (gần 5.500 ca). Quận Bình Tân là địa phương có số ca nhiễm cao nhất với 351 ca (tính đến ngày 24/6), trong đó chung cư Ehome 3 được xác định là ổ dịch với gần 100 ca. Từ 0h ngày 20/6, TP HCM đã phong tỏa ba khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân, với khoảng 60.000 người tại khu vực xung quanh chung cư này để phòng chống Covid-19.
Chuyện về những "đôi bàn tay đẹp nhất" nơi tuyến đầu chống dịch
Bỏ ra bộ đồ bảo hộ kín mít là không chỉ là bộ quần áo ướt sũng mồ hôi mà còn là những thương tích hằn rõ lên khuôn mặt, đôi tay, tấm lưng... của những con người đang hàng ngày tiếp xúc nguy cơ lây nhiễm đầu tiên.
Trong những ngày vừa qua, cả nước căng mình bước vào cuộc chiến chống dịch đầy căng thẳng. Chưa lúc nào bùng dịch mà số ca nhiễm lại tăng nhanh đến như thế tại các điểm nóng như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM... Số ca nhiễm trong ngày tại những địa phương này có khi hơn 100 ca/ngày. Nhân viên y tế tuyến đầu tại các điểm nóng này đang ngày đêm căng mình chống dịch.
Đặc biệt tại điểm nóng Bắc Giang, Bắc Ninh trong những ngày vừa qua, số ca nhiễm không ngừng tăng lên, nhân viên y tế phải căng mình trong cái nắng mùa hè 37 -38 độ để truy vết, lấy mẫu. Những con người ấy phải đầm mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít, làm việc dưới cái nắng như thiêu đối giữa mùa hè miền Bắc nhưng không một lời kêu than. Và những hình ảnh đấy đã quen thuộc tại khắp các điểm nóng Bắc Giang, Bắc Ninh.
Thế nhưng, phía sau những bộ đồ bảo hộ ấy lại là một hình ảnh khác thương cảm đến nghẹn lòng.
Sau những giờ đầm mình trong bộ đồ bảo hộ ướt đẫm mồ hôi ấy để lấy các mẫu xét nghiệm, cả người họ ướt sũng trong hồ hôi, tóc tai ướt đẫm, đôi bàn tay đôi bàn tay của họ cũng đã không còn như trước. Nhăn nheo, bạc trắng bởi vì "ngâm mồ hôi" trong chiếc găng tay cao su kín mít.
Đôi bàn tay nhăn nheo của đội ngũ nhân viên y tế sau 1 ngày đóng mình trong đôi găng tay cao su kín mít, ướt sũng mồ hôi. Ảnh: Sức khỏe&Cộng đồng.
Có những người vì "ngâm" bàn tay trong mồ hôi quá lâu, nhăn nheo hết cả vân tay để rồi khi muốn mở điện thoại gọi về nhà cũng không thể mở vì điện thoại không nhận vân tay.
Tuy nhiên, điều khiến người ta xót xa nhất ấy là "đau" về thể xác đúng nghĩa khi mỗi lần làm nhiệm vụ hoặc kết thúc nhiệm vụ họ đều phải sát khuẩn toàn bộ. Đôi bàn tay nhăn nheo, bị mồ hôi bào mòn nay lại tiếp xúc với dung dịch sát khuẩn khiến bàn tay đau nhói. Và không chỉ bàn tay, mà chân, mặt, lưng, bụng trên cơ thể họ cũng đã bị nổi mụn, tróc da vì ngâm trong mồ hôi. Những giọt mồ hôi đã mặn chát nay càng bỏng rát khi rơi trên cơ thể mỗi người.
Bàn tay của một sinh viên sau lớp găng tay cao su sau một ngày truy vết, lấy hàng nghìn mẫu xét nghiệm. Ảnh: Tiền phong.
Gian khổ là vậy, thế nhưng những con người ấy chưa một lần than vãn, họ tranh thủ nghỉ ngơi rồi lại tiếp tục công việc đến khi hoàn thành.
Trong số những điểm nóng dịch trên cả nước, Bắc Giang hiện là địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất trong đợt bùng dịch này. Có những ngày số ca nhiễm lên đến hàng trăm ca. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhân viên y tế phải căng mình lấy mẫu, truy vết những trường hợp liên quan.
Bắc Giang cũng là nơi nhận "chi viện" về lực lượng y tế nhiều nhất. Trong số đó phải kể đến Đoàn của trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương có mặt tại Bắc Giang từ ngày 16/5. Chia sẻ trên Tiền phong , thầy Ngụy Đình Hoàn - Thạc sĩ, Giảng viên Khoa Xét nghiệm Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dươn cho biết, trong đợt cao điểm, thầy và trò trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương mỗi ngày phải lấy mẫu cho hơn 20.000 người dân, công nhân.
Đôi bàn tay nhăn nheo vì ngâm trong mồ hôi suốt một này dài. Nhìn bình thường là thế thôi thế nhưng sẽ rất đau đơn khi họ phải khử khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn. nh: Sức khỏe&Cộng đồng.
Đoàn có mặt tại Bắc Giang lúc 15h chiều 16/5, thế nhưng họ không nghỉ ngơi mà bắt tay luôn vào việc. 18h cùng ngày đến 2h sáng hôm sau, tất cả đã thực hiện lấy mẫu cho người dân tại khu công nghiệp Vân Trung - một trong những ổ dịch lớn của Bắc Giang. Hôm sau, cả đoàn tiếp tục làm việc từ sáng tới 24h đêm.
Các sinh viên chia sẻ, đợt chống dịch này vất vả hơn lần ở Hải Dương rất nhiều do đã bước vào mùa nắng nóng. Ngoài ra, cường độ làm việc tại Bắc Giang cũng cao hơn nhiều lần vì quy mô đợt dịch này rất lớn.
Do phải làm việc trong thời tiết nóng nực, mỗi khi cởi bộ đồ bảo hộ, quần áo của những sinh viên ướt sũng mồ hôi và đôi bàn tay nhăn nheo như vừa ngâm trong nước lâu ngày. Đầu, tai đều nặng trĩu, đau nhức bởi sức ép của dây đeo khẩu trang, dây kính bảo hộ và cả gọng kính cận.
Những vệt hằn do đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ trong suốt 1 ngày dài. Ảnh: Sức khỏe&Cộng đồng.
Một nữ sinh nói: "Đã có bạn mệt đến mức ngất đi, người khác phải vào thế chỗ. Còn có một số bạn khỏe mạnh sau khi được cởi đồ bảo hộ, uống cốc nước ép mọi người chuẩn bị cũng bị nôn ra. Thực sự rất mệt nhưng chúng em đều cố gắng".
Điểm nóng Bắc Giang tiếp tục được chi viện khi số ca nhiễm này càng tăng cao. Vào ngày 27/5, 83 cán bộ giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y Dược Hải Phòng (12 cán bộ giảng viên cùng 71 sinh viên lớp Xét nghiệm y học K10) đã lên đường chi viện phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang.
Làm việc dưới cái nắng gắt và trong bộ đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, nóng kinh khủng. Suốt từ 6 giờ sáng đến gần 12 giờ trưa ở trong bộ đồ đó, bị sốc nhiệt, mồ hôi đầm đìa mà không được uống nước. Có người không chịu nổi phải xin nước đá dội lên người... là những gì mà thầy trò Trường ĐH Y Dược Hải Phòng làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm ở Bắc Giang trải qua.
Đôi tay của chị Trần Phương Hạnh (Đại học Y Dược Hải Phòng) phồng rộp sau 1 ngày dài chịu nắng, nóng để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Thanh Niên.
Sau ĐH Kĩ thuật Y tế Hải Dương và ĐH Y dược Hải Phòng, Đại học Y-Dược Thái Nguyên là đơn vị nhà trường tiếp theo chi viện cho Bắc Giang sau lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế Kêu gọi 125 cơ sở đào tạo y, dược toàn quốc hỗ trợ nhân lực chống dịch.
Nguyễn Thị Kiều Chinh, cô sinh viên năm cuối chuyên ngành Xét nghiệm Y học là một trong số hàng trăm tình nguyện viên của Đại học Y-Dược Thái Nguyên "xếp bút nghiên" lên đường vào vùng dịch ở Bắc Ninh. Chinh được phân công về huyện Thuận Thành, một trong những ổ dịch COVID-19 lớn trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này.
Chia sẻ trên Vietnamplus, cô sinh viên năm cuối cho biết, dẫu biết rằng chuyến tình nguyện có nhiều hiểm nguy đón đợi ở phía trước và chưa biết sẽ kéo dài bao lâu nhưng cô sinh viên năm cuối vẫn mạnh dạn đăng ký tham gia với quyết tâm bao giờ hết dịch thì mới về.
Đôi bàn tay nhăn nheo đến nỗi không mở được vân tay điện thoại. Ảnh: Sức khỏe&Cộng đồng.
Lần đầu mang bộ đồ bảo hộ kín mít, làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng, Chinh mới cảm nhận rõ sự khắc nghiệt của công việc. "Khi mặc bộ quần áo đó, mình không được ăn uống cũng đi như vệ sinh để đảm bảo vô khuẩn, tránh nhiễm bệnh cho bản thân ", quệt vệt mồ hôi trên trán, Chinh kể.
Chỉ ngay sau một ngày đầu tiên, Chinh trở về phòng với đôi bàn tay nhăn nheo như vừa được ngâm nước. Đầu và tai cô đều đỏ ửng bởi sức ép của dây đeo khẩu trang, dây kính chống giọt bắn và cả gọng kính cận.
Khi vết hằn của khẩu trang trên mặt còn chưa mờ, ngay sáng hôm sau, Chinh cùng các bạn lại tiếp tục ngày làm việc mới.
"Công việc không có giờ cố định, lúc nào tinh thần cũng sẵn sàng 'chiến đấu,' chỉ cần chờ lệnh là đi. Nhiều khi phải thử mẫu đến 2-3 giờ sáng, cơ thể thì đã mệt lả nhưng ý chí thì vẫn sung sức, quyết tâm chạy đua với thời gian để truy vết, kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19" .
Vất vả là thế, thậm chí có cả những đau đớn, vết thương nhưng họ chưa một lần than vãn. Họ cùng nhau cố gắng, động viên, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ cao cả. Sức trẻ, sự quyết tâm và niềm tin sớm đẩy lùi bệnh dịch bệnh COVID-19 chính là động lực để họ vượt qua.
(Tổng hợp)
29 Tết, sân bay Tân Sơn Nhất thưa thớt, hành khách kín mít đồ bảo hộ Do ổ dịch COVID-19 tại sân bay Tân Sơn nhất bùng phát với diễn biến phức tạp nên hầu hết các hành khách khi đến đây đều chủ động trang bị đồ bảo hộ kỹ lưỡng. Chiều 29 tháng Chạp, tại sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách về quê ăn Tết khá thưa thớt, khác hẳn với cảnh quá tải, đông đúc...