- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Độc đáo ý tưởng dùng cây Pác lừ chữa nhiệt miệng của sinh viên Y Dược
On 04/01/2021 @ 10:43 PM In Sức khỏe
Bắt nguồn từ ý tưởng chữa nhiệt miệng bằng kinh nghiệm dân gian, nhóm giảng viên và sinh viên Trường Đại học Y Dược (ĐH Thái Nguyên) đã biến cây dược liệu tự nhiên Pác lừ thành dự án khởi nghiệp xuất sắc.
Dự án "Kem bôi nhiệt miệng từ dược liệu Pác lừ" là công trình khởi nghiệp của nhóm giảng viên và sinh viên Trường Đại học Y Dược (ĐH Thái Nguyên), gồm 5 thành viên Nông Thị Anh Thư, Dương Ngọc Ngà, Đồng Thị Hoàng Yến, Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Mai Quang Dương.
Giảng viên, sinh viên nhóm khởi nghiệp thực hành nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của nhà trường. (Ảnh: BTN)
Chia sẻ về ý tưởng dự án, cô Nông Thị Anh Thư (giảng viên Trường Đại học Y - Dược, ĐH Thái Nguyên) cho biết, theo kinh nghiệm của bà con dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn, Cao Bằng, cây Pác lừ cho hiệu quả điều trị tốt với các vết viêm loét. Chỉ sau vài lần nhai lá Pác lừ, nốt nhiệt miệng sẽ hoàn toàn biến mất. Cây Pác lừ trong tiếng dân tộc Nùng cũng có nghĩa là cây chữa loét miệng, nhiệt miệng.
"Thị trường thuốc nhiệt miệng có nguồn gốc thảo dược hiện nay cũng hạn chế và nhiều sản phẩm có nguồn gốc tổng hợp mang lại nhiều tác dụng không mong muốn cho người dùng.
Xuất phát từ thực tế này, tôi cùng sinh viên đã lên kế hoạch nghiên cứu, tận dụng từ cây dược liệu quý của bà con dân tộc. Cô trò đã mất nhiều tháng nghiên cứu, tìm tòi, rồi thử nghiệm, cuối cùng cũng được một loại gel bôi nhiệt miệng, thành phần là dược liệu tự nhiên, lành tính, ít tác dụng phụ, an toàn hơn so với thuốc nguồn gốc tân dược nên có thể sử dụng thường xuyên, lâu dài.
Dạng gel dễ thấm, tiện lợi, không lo bị ảnh hưởng bởi tác dụng toàn thân. Ngoài ra, sản phẩm không gây nóng rát và kích ứng da. Sau quá trình thử nghiệm, chúng tôi thấy hiệu quả chữa trị của sản phẩm rất cao nên quyết định thực hiện dự án đến cùng" - cô Anh Thư chia sẻ.
Đại diện dự án cũng cho biết, trong quá trình thực hiện cả nhóm cũng gặp một số khó khăn nhất định. Do cao chiết từ dược liệu có nhiều thành phần nên việc duy trì độ ổn định, lựa chọn phối hợp tá dược với tỉ lệ tối ưu mất khá nhiều thời gian. Thậm chí, mất cả tháng mới chọn được loại và tỉ lệ phù hợp để làm tăng độ ổn định của các nhóm chất trong dược liệu và tăng tính thấm, tăng tác dụng.
Sau quá trình nỗ lực nghiên cứu, sản phẩm gel bôi nhiệt miệng Pác lừ của nhóm đã được hội đồng cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên năm 2020 chấm giải Nhất. Đồng thời hội đồng đã đánh giá cao tính thực tiễn của dự án, góp phần bảo tồn và phát triển thuốc từ dược liệu, có tiềm năng phát triển, nhân rộng, thương mại hóa sản phẩm.
Dự án đạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên 2020.
Theo cô Anh Thư, dự án nghiên cứu này cô và các học trò dành rất nhiều tâm huyết. Bởi không chỉ biến những kiến thức trong sách vở thành sản phẩm ứng dụng được trong thực tiễn mà cô còn hiện thực hóa việc giúp cho bà con dân tộc làm kinh tế từ chính loại dược liệu ở địa phương.
Sau khi đoạt giải Nhất ở cuộc thi về khởi nghiệp, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y Dược đang ấp ủ việc có thể mở rộng quy mô sản xuất, để tạo việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời đóng góp vào ngân sách nhà nước cũng như bảo tồn và phát triển thuốc từ dược liệu quý của tỉnh Thái Nguyên.
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/doc-dao-y-tuong-dung-cay-pac-lu-chua-nhiet-mieng-cua-sinh-vien-y-duoc-20210104i5491783/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.