Độc đáo du lịch Côn Đảo mùa rùa biển đẻ trứng
Thông thường khi nhắc đến Côn Đảo, mọi người hay nghĩ đến du lịch tâm linh. Nhưng với chị Nguyễn Thu thì có 1 Côn Đảo rất khác.
Ở đây, chị cùng gia đình có trải nghiệm thú vị đó là xem rùa biển đẻ trứng.
Dù đã đặt chân đến Côn Đảo 2 lần, nhưng phải đến lần du lịch thứ 3, chị Nguyễn Thu (36 tuổi, hiện đang là một nhân viên văn phòng tại Hà Nội) mới “vỡ òa” hạnh phúc khi có một trải nghiệm rất khác ở vùng đất tâm linh này. Đó là xem rùa biển (Vích) đẻ trứng và len lỏi trong rừng tìm cua xe tăng.
“Gia đình mình cùng nhau tới Côn Đảo lần này là lần thứ 3. Các lần trước cũng đi với tâm thế tìm hiểu và khám phá nhưng chưa có đủ các thông tin cần thiết. Sau 2 lần đi trước thì bọn mình có kha khá kinh nghiệm và hiểu biết về Côn Đảo. Vì vậy cả nhà muốn quay lại khám phá tiếp. Lần đầu là mình tình cờ chọn 1 tour đi cano tham quan các hòn vòng quanh đảo. Các bạn hướng dẫn viên giới thiệu cho bọn mình biết về hệ thống rừng – biển của Côn Đảo, cách quản lý và khai thác rất hiệu quả từ kiểm lâm ra sao, hệ động thực vật và cách con người nơi đây chung sống và bảo vệ môi trường như thế nào. Vì trước đó mọi thông tin mình tìm trên mạng đa phần chỉ nói về mảng tâm linh tại Côn Đảo nên mình cũng không khám phá được nhiều. Đến đây rồi mới thấy cảnh sắc Côn Đảo phải nói là đẹp nhất trong số những nơi mình từng đến.
Thiên nhiên kỳ vĩ ở Côn Đảo.
Chuyến đi lần thứ 3 của nhà mình chỉ vỏn vẹn 3 ngày. Nhưng cả nhà được thỏa ước nguyện từ lâu. Đó là cho bạn nhỏ của nhà mình tham gia công tác cứu hộ rùa biển (vích ) và tìm hiểu công việc của các chú kiểm lâm nơi đây. Thật may, đợt này gia đình mình đến Côn Đảo trùng với mùa rùa biển đẻ trứng nên dự định này khá thuận lợi. Con gái mình được trực tiếp xem rùa lên bờ biển trên Hòn Bảy Cạnh sinh nở và cua xe tăng lên bờ kiếm mồi, đẻ trứng” – mẹ trẻ Hà Nội cho hay.
Mặc dù kì công và mất sức vượt rừng, nhưng khi đứng trước cảnh thiên nhiên Côn Đảo đẹp thế này, chị Thu không kìm được xúc động.
Độc đáo Côn Đảo mùa rùa đẻ trứng và cua xe tăng di chuyển
Rùa biển được coi là một trong những loài được ưu tiên bảo vệ của tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF). Đây là loài có khả năng sinh sản rất lớn. Rùa cái có thể đẻ hàng trăm quả trứng trong một mùa sinh sản. Tuy nhiên, theo ước tính trung bình, cứ 1.000 rùa con được sinh ra, chỉ có 1 cá thể có thể sống sót đến lúc trưởng thành. Việt Nam hiện có 5 trong số 7 loài rùa của thế giới gồm: rùa da, đồi mồi, quản đồng, vích và đồi mồi dứa. Nhưng đến nay, nhiều loài đã gần như tuyệt chủng. Côn Đảo được coi là nơi tập trung nhiều rùa nhất vùng biển Việt Nam, nhưng hiện tại gần như chỉ còn lại loài rùa xanh (vích).
Rùa biển ở Côn Đảo.
Chị Nguyễn Thu chia sẻ: “Vườn Quốc gia Côn Đảo cực thú vị và kiểm lâm được phép vừa bảo tồn bảo vệ gìn giữ vừa được khai thác du lịch. Họ có tour cho du khách tìm hiểu về rùa cũng như trải nghiệm trực tiếp các công tác bảo tồn. Điều này nhằm tuyên truyền rộng rãi và nâng cao ý thức của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường biển và động vật hoang dã nói chung, loài rùa biển Việt Nam nói riêng.
Trong 3 ngày của lần thứ 3 đến Côn Đảo, gia đình mình đã tới Hòn Bảy Cạnh và ngủ lại đây 1 đêm. Tầm 6-8h tối là quãng thời gian mà cua xe tăng đi kiếm ăn và di chuyển ra biển.
Cua xe tăng là loài cua cạn to nhất Việt Nam cùng với bán đảo Đông Dương và chỉ sinh sống ở khu vực rừng ngập mặn ở Côn Đảo. Mùa sinh sản của loài cua này trùng với mùa sinh sản của rùa biển. Loài này dù là cua cạn nhưng rất to, có con đường kính mai lên đến 20cm và nặng cả 1kg. Trông chúng rất ngộ nghĩnh, chắc chắn, đặc điểm có 1 càng to 1 càng nhỏ, cắt cành cây thành “thần” luôn. Cua xe tăng ở Côn Đảo có bản tính nhát người, vừa bò nhanh vừa trốn kỹ. Nghe tiếng chân khách xào xạc trên lá là trốn biệt. Mặc dù sống trong hang ở trên cạn tại các bãi cát, vùng chân triều hoặc sình pha đá trên mực nước triều, nhưng cua xe tăng phải ra biển Côn Đảo để đẻ trứng bởi nhiệt độ nước biển Côn Đảo ổn định và giàu thức ăn, thích hợp cho ấu trùng sinh trưởng.
Video đang HOT
Con gái chị Thu rất thích thú và tò mò khi xem cua xe tăng lên bờ kiếm mồi.
Sau khi ăn tối xong gia đình mình đi bộ ra lối xem cua xe tăng di chuyển kiếm ăn trên hòn luôn. Hôm đó cũng rất may là 9h tối có 1 bạn rùa lên bờ sinh nở nên gia đình mình sau khi xem cua thì quay trở lại xem rùa sinh luôn.
Thông thường khi nước triều lên thì rùa mới lên bờ. Để đảm bảo không gian cho các bạn rùa thì kiểm lâm sẽ không cho cano qua mặt này của hòn, không đèn và không ồn ào. Con gái mình được chứng kiến toàn bộ quá trình sinh nở của rùa, nhưng tiếc là không kịp nhặt trứng, do lúc rùa sinh xong thì thủy triều rút, bạn rùa không về lại biển ngay. Khoảng 3h sáng bạn rùa mới quay lại biển và lúc này thì các chú các bác kiểm lâm sẽ nhặt trứng về Hồ Ấp. Hiện tại đang mùa sinh sản của rùa nên đêm 2/9 có tới 14 bạn vích lên hòn để sinh nở. Mọi công tác của kiểm lâm đều là để đảm bảo về tỉ lệ trứng nở thành rùa con và tỉ lệ rùa con được thả về biển là nhiều nhất.
Hình ảnh 1 rùa biển đang đẻ trứng tại Côn Đảo.
Một năm tại hòn, kiểm lâm thả khoảng 150.000 bạn vích nhỏ về biển, tỷ lệ sống sót chỉ khoảng 1/1000 dưới các tác động tự nhiên khác nhau. Khoảng 25 năm sau các bạn Vích sống sót sẽ quay lại chính nơi được thả ban đầu là hòn để sinh nở. Khi coi các bạn rùa sinh nở thì tuyệt đối không dùng ánh sáng trắng, vàng, flash điện thoại, chỉ được dùng các đèn ánh sáng đỏ, xanh. Mùa đẹp nhất để có thể ở lại hòn xem rùa đẻ và thả rùa con là từ tháng 5 đến hết tháng 10.
Trứng được ấp trong Hồ Ấp để đảm bảo tỷ lệ đực cái theo nhiệt độ và bảo vệ khỏi bị các loài khác tấn công. Sau 55 – 60 ngày trứng rùa sẽ nở. Các chú kiểm lâm cũng cho khách du lịch tham gia việc thả rùa về biển. Hình thức này cũng khơi gợi du khách tìm hiểu, bảo vệ và yêu thích loài rùa biển này hơn.
Gọi là Hồ Ấp thực chất là 1 hồ cát được rào lưới bảo vệ, 1 bên “lộ thiên” và 1 bên có 1 giàn cây che mát. Do rùa con sẽ được xác định giới tính bằng nhiệt độ ấp, nóng thì ra rùa cái và mát thì ra rùa đực. Đây là thông tin rất thú vị mà đến đây mình mới biết đó”.
Hồ Ấp rùa biển.
Theo chị Nguyễn Thu, cảnh thả rùa về biển cũng khá thú vị, đến độ con gái chị háo hức không sao ngủ nổi. Nhân viên kiểm lâm sẽ cho rùa con vào giỏ và đưa xuống bờ cát vào lúc nước dâng cao và mặt trời chưa gay gắt, bởi ánh sáng chiếu vào mắt sẽ làm rùa con lạc đường. Cảnh hàng chục, hàng trăm chú rùa con chập chững đi ra phía biển trong quãng đường dài khoảng chục mét, luôn bị rào cản bởi sóng nước nhưng chúng không hề bị khuất phục vô cùng xúc động và cũng thật đáng yêu.
Hình ảnh những chú rùa con chuẩn bị được thả về biển.
Khám phá những điểm đẹp khác ở Côn Đảo
Ngoài việc có trải nghiệm thực tế khi cùng đội kiểm lâm tham gia vào công cuộc duy trì và phát triển rùa biển, gia đình nhà chị Nguyễn Thu còn có thăm quan nhiều địa điểm đẹp nổi tiếng khác ở Côn Đảo.
“Sau khi thả rùa về với biển, cả nhà mình đi ca nô ra xa 1 chút nữa để lặn ngắm san hô. Do không khai thác ngư nghiệp và cũng không có quá nhiều du khách khám phá nên san hô còn rất nhiều và các loài cá ở đây thì rất dạn dĩ. Thậm chí lúc đi ra hòn mình còn thấy cả cá heo, nhưng ở rất xa và ngược sáng nên mình không chụp lại được. Mình đã từng ngắm san hô ở Nha Trang và 1 số nơi khác, nhưng mình tin ở Côn Đảo mọi thứ sẽ ngoài sức tưởng tượng của các bạn. Các rạn san hô rất lớn và đa dạng, thậm chí có các khối san hô khổng lồ trông tuyệt đẹp.
Côn Đảo về đêm đẹp say lòng người.
Côn Đảo mỗi góc đều đẹp một cách kỳ lạ. Bãi Đầm Trầu rất đẹp, cảm giác máy bay bay qua đầu vừa thú vị vừa hơi sợ 1 chút. Một số nơi như Mũi Tàu Bể hay Mũi Cá Mập thì phải gọi là đẹp rung động lòng người, vừa hoang sơ vừa kỳ vĩ. Gia đình mình cũng đi vào rừng và xuống Bãi Ông Câu, ở đây có rất nhiều ốc bám đá. Bạn nhỏ nhà mình rất hào hứng đi bắt ốc. Trên đường đi còn gặp vô số các bạn động vật đáng yêu trong rừng” – bà mẹ 8X cho hay.
Điểm nào ở Côn Đảo cũng rất đẹp để check in.
Trước đó, chị Thu đã tìm hiểu trước về trước về các loài động thực vật tại Côn Đảo. Theo mẹ trẻ thì có 1 điểm thú vị là Trekking ở Côn Đảo rất an toàn với bạn nhỏ vì không có loài động vật nào độc hay dữ cả. Các loài này đều có tiêu bản tại bảo tàng Côn Đảo hoặc tại khu trưng bày của Vườn Quốc gia Côn Đảo cùng các thông tin về nơi cư trú, đặc điểm tập tính… Việc đi trong rừng cũng không hề gặp nguy hiểm. Bởi rừng Côn Đảo thưa, có gió mát, cũng khá dễ di chuyển. Đặc biệt hướng dẫn viên du lịch tại đây sống ở Côn Đảo khá lâu và cũng rành địa hình, bạn rất nhiệt tình và hiểu biết, yêu thiên nhiên và rất có ý thức bảo vệ môi trường. Điều này có lợi rất nhiều cho chuyến đi của gia đình chị Thu.
“Thật ra việc con đã học được điều gì sau mỗi chuyến du lịch thì thường mình không hỏi con. Nhưng mình tin tình yêu và sự thấu cảm chân thành mà con dành cho từng người hay từng sinh vật trong suốt chuyến đi, mỗi lúc một bồi đắp. Con sẽ luôn yêu thương vạn vật quanh mình và biết cách bảo vệ, lan tỏa tình yêu thương đó. Mình cũng rất vui vì bạn nhỏ luôn ý thức bảo vệ môi trường, từ những việc nhỏ nhất là dùng bình nước cá nhân, mang túi vải đi mua đồ, và mình nghĩ đấy chính là những thứ con rút ra được và chuyển hóa nó thành hành động một cách thiết thực nhất của con” – chị Thu bộc bạch.
Xem rùa đẻ trứng trên đảo Hòn Cau: 'Mạnh như rùa mẹ!'
Hơn một tiếng quan sát rùa mẹ miệt mài nhả trứng, chúng tôi không được sử dụng ánh đèn flash, không gây tiếng ồn vì nếu cảm nhận được, chúng sẽ "nín" đẻ và trở lại biển.
Khoảnh khắc xem rùa làm tổ và đẻ những quả trứng trắng tinh là một trải nghiệm xúc động và đáng nhớ với các du khách - Ảnh: HẢI KIM
"Nín thở" cùng xem rùa đẻ trứng
Tour du lịch gắn hoạt động thả rùa về với biển được thiết kế ngay từ đầu khi chúng tôi lên kế hoạch đến với Côn Đảo. Nhưng có một chương trình khác làm chúng tôi hồi hộp và mong chờ hơn là "xem rùa đẻ trứng" và đây là một kế hoạch đầy "hên xui": canh người đẻ còn khó huống hồ gì canh rùa đẻ trứng.
Vì thế, khi Mai Quỳnh - giám đốc Greenland Travel, đơn vị tổ chức tour cho chúng tôi - thông báo đêm nay sẽ có rùa đẻ, mọi người phấn chấn vô cùng.
Thời gian từ khi rùa bò lên đẻ trứng và tìm cách chôn lấp ngụy trang tổ trứng khoảng 3 tiếng, cũng có thể lâu hơn - Ảnh: HẢI KIM
Để có thể trải nghiệm cả hai hoạt động xem rùa đẻ trứng và thả rùa về với biển, chúng tôi đã quyết định ngủ lại trên Hòn Cau. Tour xem rùa đẻ trứng kéo dài từ 4 - 6 tiếng và chúng tôi được thông báo rùa rất nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng. Khoảng 21h, các bóng đèn được tắt dần, tiếng nhạc dịu lại.
Tầm 22h, tiếng thì thầm của anh kiểm lâm thông báo đã có một cô rùa lên bờ đang tìm tổ để đẻ trứng. Men theo bờ biển trong đêm tối đến một bụi cây cách đó không xa, chúng tôi nhìn thấy một cô rùa chậm rãi bò lên bờ. Cô đã chọn một gốc cây, dùng hai chân trước đào một cái tổ khá sâu chừng 60cm, hai chân sau che chắn khá kỹ.
Hơn một tiếng quan sát rùa mẹ "miệt mài" nhả trứng, chúng tôi không được sử dụng ánh đèn flash, không gây tiếng ồn vì nếu cảm nhận được chúng sẽ "nín" đẻ và trở lại biển.
Nhìn cách rùa mẹ cố gắng đào bới cát để che lấp tổ trứng của mình, nếu chúng ta chỉ quen với câu so sánh "chậm như rùa" thì bây giờ có thể mạnh dạn "mạnh như rùa mẹ", vì khả năng hất cát của chúng thật đáng nể, cát có thể làm khó chịu bất cứ ai hứng phải.
Sau khi xem rùa đẻ, du khách sẽ được chứng kiến kiểm lâm ấp trứng. Trứng rùa sau 45 - 60 ngày ấp sẽ tự nở thành con. Không phải là người đỡ đẻ nhưng cán bộ kiểm lâm là người "cân bằng giới tính" của rùa bằng cách canh nhiệt độ ấp. Nếu trứng được ấp trên 25 độ sẽ cho ra con cái và ngược lại, dưới nhiệt độ này sẽ cho ra con đực.
Rùa con được thả về với biển - Ảnh: HẢI KIM
Những chú rùa con kiên cường
Hôm sau, chúng tôi có một trải nghiệm đáng nhớ nữa là chính tay tự thả những chú rùa con lúc nhúc về với đại dương.
Rùa con có tập tính bầy đàn khá cao. Chúng thường chờ đợi tổ nở hết trứng rồi mới cùng nhau về với biển khơi.
Các chú rùa sống sót dù trải qua chuyến hành trình hàng ngàn hải lý sẽ không bao giờ quên nơi mình sinh ra và sẽ bơi trở lại để tiếp tục đẻ trứng, như một quy luật kỳ diệu của thiên nhiên, thường sau 25 năm. Sự khắc nghiệt nhất với những con rùa chính là thiên nhiên hùng vĩ ngoài kia khi 1.000 con chỉ có một con sống, và phải rùa trên 25 năm mới bắt đầu vào tuổi sinh sản.
Hầu hết những cán bộ kiểm lâm ở trên đảo đều dành một tình cảm đặc biệt cho loài rùa biển. Anh Tạ Văn Thắng, trạm trưởng Trạm kiểm lâm Hòn Cau, cho biết càng gắn bó với rùa biển, hiểu hơn về cuộc sống của loài vật này, sẽ thấy sự kiên cường của chúng.
Hiện giá tour xem rùa đẻ khoảng 600.000 đồng/người, nếu chẳng may đêm đó không có con rùa nào ghé đảo để đẻ trứng, thường công ty du lịch sẽ trả lại phân nửa số tiền, chi phí còn lại để trả tiền công thức đêm canh rùa cũng như vật dụng khác...
Đến Côn Đảo trải nghiệm tour xem rùa biển đẻ trứng, thả rùa về biển Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã thả về biển gần 123.000 cá thể rùa con trong 9 tháng qua. Theo Ban quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong 9 tháng qua lực lượng kiểm lâm VQG đã cứu hộ, di dời về các hồ ấp nhân tạo 2.510 tổ rùa biển...